Chuyên viên quan hệ khách hàng
Thứ hai, 27/9/2021, 00:00 (GMT+7)
https://vnexpress.net/thao-rao-cho-sai-gon-4362357.html
Khi lệnh giãn cách kéo dài sang tháng bảy, số
lần tôi bực dọc, la hét ầm ĩ cũng tăng lên. Tôi giận mình, giận chồng con, giận
cả thế giới.
Sau hai tháng ở nhà vì giãn cách, tôi trượt
dài trong việc mất hết kỷ luật và mất luôn hy vọng sẽ sớm trở lại cuộc sống
bình thường. Ba mẹ con bắt đầu thức đến 12 giờ đêm và ngủ tới 10 giờ sáng. Nhiều
khi tôi tự hỏi, dậy sớm làm gì nếu ngày mai cũng nhạt như hôm nay.
Tôi biết nhiều người rất lạc quan, tinh thần
tích cực. Họ nấu ăn, trồng rau, dọn nhà, học thêm nhiều thứ, nhưng tôi lại thuộc
về phe không vực nổi bản thân.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bấp bênh khi biết
từ 7/5, hai con tôi đang học lớp hai và lớp mầm tạm nghỉ đến trường. Tôi đã làm
việc ở nhà toàn thời gian từ giữa năm 2019 trước khi cơn bão Covid tràn tới.
Tôi đã quen với việc ở nhà trước khi nhận ra, làm việc online với hai con nhỏ
bên cạnh 24 giờ là trải nghiệm không hề dễ.
Cơn khủng hoảng mang tên trầm cảm đến. Nhiều
ngày, tôi vừa làm việc online vừa lo lắng con có đang xem tivi nhiều quá không,
tại sao đứa bé hơn hai tuổi khóc lâu mà bà ngoại chưa dỗ, tại sao công việc của
tôi chẳng đâu vào đâu, tại sao khả năng tập trung của tôi lại kém như vậy... rất
nhiều "tại sao". Những đợt mất bình tĩnh của tôi liên tục đến rồi đi
mỗi khi các con cãi nhau hay la khóc.
Với nỗi hoảng loạn ngầm, mỗi lần chồng tôi hỏi
con gái lớn đã viết bài chưa hay học gì hôm nay, trong tôi đều cảm thấy nổi giận.
Tôi thấy bất lực vì không đủ thời gian và tâm trí để làm cho một ngày hiệu quả.
Tôi vật vã tìm hiểu con đang học gì, trình độ tới đâu, tìm sách, lập thời khóa
biểu và kèm chúng. Tất cả những việc đó đều cần thời gian trong khi công việc của
tôi không vì Covid mà giảm bớt.
Một lần nữa, tôi rơi vào vòng luẩn quẩn của áp
lực và bế tắc trong quản lý thời gian, quản lý tâm trạng chính mình. Tôi bị
căng thẳng mỗi sáng thức dậy, bị những cuộc họp bất ngờ giày vò mà không thể
nói. Tôi được trả tiền để làm việc, không phải để trông con.
Trưa tuần trước, tôi khóc ngay khi những câu
thơ đầu của trích đoạn cải lương "Áo cưới trước cổng chùa" vang lên từ
điện thoại. Mẹ con tôi đang dỗ nhau ngủ trưa, vốn chẳng đến nỗi phải khóc nức nở
khi nghe một đoạn cải lương. Thế nhưng giữa những ngày không đầu không cuối này
ở Sài Gòn, tôi cảm thấy mình càng ngày càng dễ xúc động. Những cơn khóc vô cớ
ngày càng nhiều.
Trong những ngày rất nhiều thứ phải làm nhưng
không muốn làm gì, tôi xem phim bộ như một sự giải thoát tạm thời. Hồi học Văn
khoa, thầy giáo từng nói, chẳng ai muốn đọc một tiểu thuyết về hai người yêu
nhau, cưới nhau, trọn đời hạnh phúc, chỉ những câu chuyện thương tâm mới khiến
người ta muốn xem. Vậy mà giờ đây tôi lại sợ kịch tính, thích chuyện về cuộc sống
bình phàm, những kịch bản đơn giản, nhịp điệu chậm rãi, nhân vật lại còn đặc biệt
hạnh phúc, biến cố trong đời chẳng hề khốc liệt.
Tôi dần cảm nhận trong sự bình thường ấy có
bình an. Đó có lẽ là tác dụng phụ nhưng tích cực sau những ngày tưởng như chìm
quá sâu trong bất an của việc nghe tin người này người kia qua đời, cả nhà người
quen nhiễm Covid, nhìn cảnh phố phường tang thương, người bị chia cắt bởi rào
chắn, dây nhợ và tiếng còi xe cấp cứu...
Tôi đăng ký cho con gái lớn học vẽ online, ít
nhất mỗi tuần hai buổi cháu có thêm việc để làm. Tôi bớt nhắn tin, quá nhiều
tin nhắn trên các ứng dụng và tiếp xúc online liên tục khiến tinh thần tôi mệt
mỏi, lệ thuộc vào điện thoại. Bù lại, tôi phát hiện mình thích gọi và nghe giọng
người quen hơn. Tôi thèm những giao tiếp có cảm xúc thật của ngày cũ.
Chúng tôi điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, dậy sớm
và ngủ sớm hơn. Khi thầy dạy võ nhắn rằng các con sẽ học võ online miễn phí,
tôi thật sự vô cùng cảm kích. Học phí trước kia thầy chỉ thu chỉ 250.000 đồng mỗi
tháng nên miễn phí thật ra không quá quan trọng. Tuy nhiên, tôi cảm nhận sâu sắc
các thầy cũng hạnh phúc vì được cho đi vô vụ lợi, điều này có ý nghĩa động viên
đặc biệt dành cho mẹ con tôi.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gia đình tôi ba
thế hệ đang sống ở quận Bình Tân, nơi tình dịch bệnh rất phức tạp. Cả nhà tôi
cũng vừa trải qua cơn bão F0 với 4/7 thành viên dương tính với Covid. Bắt đầu từ
kết quả dương tính của em trai tôi làm công an phường, rồi kết quả tự test nhanh
cho thấy mẹ tôi và hai con gái cũng dương tính.
May mắn, đến nay, sau hai tuần điều trị, chỉ
còn mẹ tôi ở lại bệnh viện Trưng Vương do có bệnh nền, nhưng sức khỏe đã tốt
lên nhiều.
Covid tàn
phá sức khỏe tâm thần. "Mất người thân, bạn bè, bị cô lập, áp lực,
thu nhập giảm, nỗi sợ hãi đã châm ngòi các bệnh tâm lý hoặc làm trầm trọng hơn
những triệu chứng hiện có", WHO tuyên bố trong đại dịch. Các khảo sát ban
đầu cho thấy rối loạn tâm lý gia tăng trong thời gian qua tại TP HCM khiến các
đường dây tư vấn online phải mở ra nhằm cung cấp vaccine
tinh thần cho dân chúng.
Tôi thật may mắn vì có lẽ đã băng qua đáy của
cuộc khủng hoảng riêng mình. Nhưng có lẽ còn nhiều người bị rối loạn
lo âu trong đại dịch. Vì thế, tôi viết ra câu chuyện của chính mình,
hy vọng những người đang bế tắc tìm thấy đồng cảm rằng có ai đó cũng như mình.
Nếu mệt quá, buồn quá, giữa sinh ly tử biệt,
giữa rất nhiều mất mát của hơn 120 ngày giãn cách, ta cứ để mình được khóc thỏa
thuê. Nhưng khóc xong sẽ quyết định rằng, từ giây phút này ta không để Covid nhấn
chìm.
Hôm qua, tôi nhẹ lòng khi nghe tin Sài Gòn
đang tháo hết rào kẽm gai, chốt chặn trên đường, hẻm. Hình ảnh những hàng rào sắt
giữa Sài Gòn đã ám ảnh tôi sâu sắc, tôi nghĩ các con mình cũng sẽ không bao giờ
quên.
Tháo rào không phải là hết virus. Người Sài
Gòn có lẽ đều biết, sẽ tốt hơn nhiều khi chúng ta tổ chức được một xã hội di
chuyển có ý thức, với chính sách chống dịch linh hoạt để tiệm cận bình thường mới.
Tháo
rào còn là cởi trói cho những tâm hồn.
Lê Nguyễn Kiều Thúy Mơ
No comments:
Post a Comment