Sau Angela Merkel, nước Đức sẽ về
đâu?
Hiếu
Chân/Người Việt
September 24, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/sau-angela-merkel-nuoc-duc-se-ve-dau/
Chủ Nhật tuần này, ngày 26 Tháng Chín, cử tri Đức
sẽ đi bầu Quốc Hội mới; sau đó đảng chính trị giành được nhiều phiếu nhất sẽ đứng
ra thành lập chính phủ liên hiệp và cử thủ tướng. Vấn đề là, chính phủ mới và
thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel sẽ đưa nước Đức đi theo hướng nào trong mối
quan hệ với Hoa Kỳ và với Trung Quốc? Liệu nước Đức sẽ tiếp tục các chính sách
thân thiện với Bắc Kinh và lạnh nhạt với Washington hiện nay hay sẽ xoay trục
theo chiến lược liên minh các nền dân chủ cùng chí hướng (like-minded) để chống
các chế độ độc tài chuyên chế mà Tổng Thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/A1-Nuoc-Duc-ve-dau-1536x1024.jpg
Tổng Thống Joe Biden đặc biệt coi trọng việc khôi phục
quan hệ với Đức và EU. Cuộc điện thoại với nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của
ông Biden sau ngày nhậm chức tổng thống là gọi cho bà Angela Merkel. Trong
hình, Tổng Thống Biden đón tiếp Thủ Tướng Angela Merkel tại Tòa Bạch Ốc hôm 15
Tháng Bảy. (Hình minh họa: Guido Bergmann/Bundesregierung via Getty Images)
Thủ Tướng Đức Angela Merkel sẽ rời chính trường
sau bốn nhiệm kỳ kéo dài 16 năm, trong đó bà đã giúp nước Đức lớn mạnh cả về
kinh tế và chính trị, trở thành cột trụ của Liên Minh Châu Âu (EU). Nhưng đêm
dài lắm mộng, cục diện quốc tế bây giờ đã khác xa thời bà mới lên cầm quyền, và
theo nhận định của một số nhà phân tích chính trị Đức, bà Merkel đã trở thành một
kiểu “vấn đề” của đất nước này.
Mâu thuẫn giá trị
và lợi ích
Báo The Financial Times của Anh nhận định, bà
Angela Merkel là hiện thân của những lý tưởng cũ về quan hệ hợp tác – cái quan
niệm cho rằng kết nối kinh tế sâu sắc hơn giữa Trung Quốc với phương Tây sẽ
khuyến khích sự thay đổi chính trị ở Bắc Kinh, và Trung Quốc sẽ chuyển sang chủ
nghĩa tự do và các giá trị phương Tây. “Wandel durch Handel” – thay đổi thông
qua thương mại – trong nhiều năm là nguyên tắc quan trọng trong chính sách của
Đức.
Đi theo lý tưởng đó, bà Merkel đã đưa nền kinh
tế Đức phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, ủng hộ việc hợp tác về năng lượng quy mô lớn
với Nga, cùng Pháp thách thức ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở Châu Âu và từ chối cảnh
báo của Mỹ về sự cởi mở quá mức của Đức đối với công nghệ Trung Quốc.
Sự kiện mới nhất thể hiện quan hệ hợp tác kiểu
cũ là EU vừa ký một hiệp ước đầu tư được chờ đợi từ lâu với Bắc Kinh – một thắng
lợi lớn cho cả ngoại giao Trung Quốc và giới kinh doanh Châu Âu. Hiệp ước đàm
phán đã bảy năm nhưng được ký kết gấp rút vào ngày 29 Tháng Mười Hai, 2020,
ngày cuối cùng mà nước Đức làm chủ tịch (luân phiên) của EU và chỉ chưa đầy một
tháng trước khi chính phủ mới của ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ở Mỹ.
Sự thân thiện của bà Merkel với chính phủ
Trung Quốc là điều hiển nhiên: trong thời gian cầm quyền, bà đã đi thăm Trung
Quốc 13 lần, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo quốc tế nào khác. Chủ trương thân
thiện với Trung Quốc của bà được giới tài chính và công nghệ Đức ủng hộ mạnh mẽ
vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm công nghiệp Đức, nhất là
xe hơi và máy móc công cụ. Hãng xe số một của Đức Volkswagen AG là trường hợp nổi
bật nhất: hơn một nửa doanh thu bán hàng của hãng này đến từ thị trường Trung
Quốc, nơi Volkswagen chiếm tới 14% thị trường xe hơi. Vào năm 2018, khối lượng
thương mại Trung Quốc-Đức đã đạt 200 tỷ euro và Trung Quốc là đối tác thương mại
lớn nhất của Đức. Bất kỳ một chính sách cứng rắn hoặc đối đầu nào của Berlin đối
với Bắc Kinh cũng sẽ gây hậu quả xấu cho các tập đoàn công ty, trực tiếp ảnh hưởng
tới công ăn việc làm và thu nhập của người dân Đức. “Nếu chúng tôi rút ra” khỏi
Trung Quốc, “thì sẽ có từ 10,000 đến 20,000 kỹ sư ở Đức bị mất việc ngay lập tức,”
ông Herbert Diess, giám đốc điều hành Volkswagen, nói với báo Wolfsburger
Nachrichten.
Tuy nhiên Trung Quốc là một tay chơi lão luyện
trên thương trường và cái lợi của Đức phải đổi bằng cái giá không rẻ. Để được
làm ăn ở thị trường này, các công ty Đức phải liên doanh với các công ty quốc
doanh của nhà nước Trung Quốc, phải chuyển giao công nghệ và dần dần tạo ra các
đối thủ cạnh tranh với chính mình. Rồi khi đã tích lũy được vốn liếng, Trung Quốc
vươn ra thâu tóm các công ty công nghệ quý giá của nước ngoài. Vụ tập đoàn
Midea chuyên sản xuất đồ dùng gia đình của Trung Quốc bỏ ra 4.5 tỷ euro mua đứt
công ty Kuka Technologies của Đức – công ty hàng đầu thế giới về chế tạo robot
công nghiệp dùng trong các nhà máy lắp ráp, năm 2016 đã gióng lên hồi chuông
báo động về ý định của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Rất nhiều người lo sợ rằng các công nghệ quan
trọng nhất của Đức sẽ rơi vào tay Trung Quốc mà nền kinh tế Đức chẳng còn lại
gì đáng giá. Quốc Hội Đức sau đó đã ra luật kiểm soát chặt việc nước ngoài đầu
tư và thâu tóm các công ty Đức, nhưng có lẽ đã muộn, Bắc Kinh đã “nắm thóp” các
công ty Đức và sử dụng các “con tin” này để gây sức ép lên chính phủ Berlin,
không cho họ có biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sự kiện Đức từ chối yêu
cầu của Hoa Kỳ cấm tập đoàn Huawei Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông
5G của Đức là một ví dụ.
Trung Quốc là một chế độ độc tài đảng trị – điều
mà bà Merkel quá rành vì bà sinh trưởng trong chế độ Cộng Sản Đông Đức. Lề lối
cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc – đàn áp ở trong nước và bành trướng ở nước
ngoài – đi ngược hoàn toàn với hệ giá trị dân chủ tự do và nhà nước pháp quyền
mà nước Đức và Châu Âu theo đuổi.
Hợp tác kinh tế để khuyến khích sự thay đổi
chính trị ở Bắc Kinh là một ảo tưởng lớn mà giới khoa bảng và chính trị phương
Tây dần dần đã nhận ra, nhất là sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tối cao ở
Trung Quốc năm 2012 và thực hiện một chiến lược đa diện để bành trướng vị thế
bá chủ của Trung Quốc trên toàn cầu.
Bà Merkel nhiều lần nói rằng, với EU, Trung Quốc
là một đối thủ nhưng không phải là một kẻ thù. Nhận định đó càng ngày càng tỏ
ra không phù hợp với thực tiễn, nếu không nói là có phần ngây thơ và vị lợi.
Ngay ở Đức, cách tiếp cận Trung Quốc của bà Merkel đã bị phê phán là ngày càng
lạc hậu.
Ông Nils Schmid, phát ngôn viên chính sách đối
ngoại của đảng Dân Chủ Xã Hội, đối tác nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền của bà
Merkel, cho biết: “Bà Merkel không sẵn sàng thay đổi, nhưng chắc chắn Đức sẽ có
cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với Trung Quốc sau khi bà ra đi.”
Quan hệ giữa Đức và Trung Quốc sau thời bà
Merkel sẽ như thế nào, Berlin có tiếp tục đi theo con đường thân thiện với Bắc
Kinh mà bà Merkel đã vạch ra hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Theo giới phân
tích, cho dù ai lên thay bà Merkel thì Đức cũng rất khó thoát ly ảnh hưởng kinh
tế chính trị của Trung Quốc vì quyền lợi của giới tư bản tài phiệt Đức đã bén rễ
quá sâu ở phương Đông.
Con đường thứ ba
Chính sách thân thiện với Trung Quốc của bà
Merkel còn có nền tảng từ nỗi thất vọng của Châu Âu đối với Hoa Kỳ, nhất là sau
cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lên đến đỉnh điểm, thậm chí làm
lung lay niềm tin mà Châu Âu đặt ở Hoa Kỳ từ thời Thế Chiến Thứ Hai đến nay.
Sau khi nước Anh quyết định rút ra khỏi EU
(Brexit), bà Merkel đã cùng Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cổ xúy cho ý tưởng
“Châu Âu độc lập về chiến lược.” Khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan trừng
phạt lên hàng hóa EU, cáo buộc EU đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và đề nghị rút
quân Mỹ khỏi Đức, bà Merkel tuyên bố “Thời kỳ có thể dựa vào người khác không
còn nữa. Người Châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh!” và nhấn mạnh “Châu Âu phải tự
đứng vững về kinh tế, ngoại giao và quân sự trên đôi chân mình.”
Quan điểm của bà Merkel đối với Hoa Kỳ và mối
quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã chuyển biến mạnh trong thời gian bà làm thủ tướng
Đức – 16 năm, qua bốn đời tổng thống Mỹ. Lúc mới lên, bà Merkel chủ trương quan
hệ mật thiết với Hoa Kỳ và ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq do Tổng Thống George W.
Bush khởi xướng; trái với quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp lúc đó là Tổng Thống
Jacques Chirac (1932-2019).
Nhưng bắt đầu từ thời Tổng Thống Barack Obama,
Hoa Kỳ tách dần khỏi EU về chính sách đối ngoại để chuyển trọng tâm sang Châu Á
nhằm đối phó với Trung Quốc rồi sa lầy vào các cuộc chiến tranh bất tận ở Iraq
và Afghanistan.
Dưới thời Tổng Thống Donald Trump, mối quan hệ
trở thành sự đối đầu công khai giữa lúc Trung Quốc nổi lên thành một cực phát
triển mới. Chính trong không khí lạnh nhạt đó mà EU – theo sự thúc đẩy của Pháp
và Đức – muốn tìm một hướng đi riêng, một “con đường thứ ba” giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc.
Trong chiến lược kết nối đồng minh cùng chống
lại các thể chế độc tài, Tổng Thống Joe Biden đặc biệt coi trọng việc khôi phục
quan hệ với Đức và EU. Cuộc điện thoại với nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của
ông Biden sau ngày nhậm chức tổng thống là gọi cho bà Angela Merkel; chuyến
công du nước ngoài đầu tiên của ông cũng là sang Châu Âu họp với các nhà lãnh đạo
G-7, lãnh đạo EU và tổng thống Nga.
Các phụ tá cao cấp nhất của ông, từ Ngoại Trưởng
Antony Blinken tới Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan liên tục bay sang EU để
đàm phán một chiến lược chung giữa hai bờ Đại Tây Dương để cùng đối phó với những
vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân Iran đến sự trỗi dậy
của mô hình độc tài chuyên chế Nga và Trung Quốc.
Khi Tổng Thống Biden đón tiếp Thủ Tướng Angela
Merkel một cách trọng thị tại Tòa Bạch Ốc hôm 15 Tháng Bảy và cuộc hội đàm thân
thiện diễn ra sau đó, giới phân tích hy vọng quan hệ Mỹ-Đức và rộng ra là Mỹ-EU
đang quay trở lại quỹ đạo đồng minh thân thiết trên cùng một hệ giá trị chung.
Các nhà phân tích đều cho rằng, quan hệ với Đức là “tuyệt đối cần thiết” cho
Washington do vai trò của Đức như là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là một đồng
minh NATO và là nhịp cầu kết nối các quan hệ với Moscow, Trung Đông và Bắc Phi.
Hiện có tới 36,000 binh sĩ Hoa Kỳ đang đóng quân ở Đức theo các chương trình
phòng thủ của NATO.
Thế rồi, vụ rút quân vội vàng và hỗn loạn ra
khỏi Afghanistan, việc công bố liên minh quân sự mới AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) một cách
bất ngờ gây phẫn nộ cho Pháp đã làm cho sự nồng ấm mới nhen nhóm giữa Mỹ và EU
như bị giội gáo nước lạnh. Cho đến nay, Đức vẫn giữ thái độ bàng quan mà không
đứng về phía Pháp để công khai lên án liên minh AUKUS.
Chính phủ Đức sau bà Merkel sẽ ứng xử với
Washington như thế nào sau những vụ việc trên cũng là một câu hỏi khó. Có điều,
như nhận định của chuyên gia Wolfgang Ischinger, giám đốc tổ chức Hội Nghị An
Ninh Munich và cựu đại sứ Đức tại Hoa Kỳ, với sự ra đi của bà Angela Merkel, nước
Mỹ chắc chắn đã mất đi một đối tác lừng danh và tin cậy.
“Tin tốt là, cho dù kết quả cuộc bầu cử ngày
26 Tháng Chín có như thế nào thì chính phủ mới của Đức cũng sẽ không thù địch với
Hoa Kỳ,” ông Ischinger nói với đài CBS News ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn
ra. [qd]
No comments:
Post a Comment