AUKUS
đối với ASEAN: Thuốc đắng dã tật
Bài
phân tích của Hải Đăng
2021-09-29
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/aukus-and-asean-bitter-pill-that-cures-09292021114051.html
Thủ tướng Australia
Scott Morrison (giữa) trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden và
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 16/9/2021.
AP
Thỏa thuận an ninh mới được thiết lập giữa
Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) đã dẫn đến những làn sóng gây sốc, bao
gồm cả những ý kiến ủng hộ lẫn phản đối trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái
Bình Dương, cũng như xuyên Đại Tây Dương. Một số quốc gia ASEAN, đặc biệt là
Indonesia và Malaysia, đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của AUKUS đối với hòa
bình và ổn định, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. AUKUS đem
lại thời điểm quyết định đối với ASEAN: Sự ra đời liên minh tay ba làm gia tăng
những thách thức và khiếm khuyết tồn tại trước đó mà Hiệp hội sẽ phải đương đầu
trong những năm tới [1].
Phản đối công khai
AUKUS là sự bổ sung mới nhất vào danh sách
ngày càng nhiều các liên minh nhỏ mà Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác có
cùng tư tưởng thiết lập lên nhằm đối trọng với Trung Quốc. Tất cả sự củng cố
cân bằng quyền lực này đang thách thức tính chính danh của ASEAN trong trật tự
khu vực vốn được dựa trên sự thuyết phục mang tính quy chuẩn, thay vì răn đe
thông qua sức mạnh cứng. Vì vậy, có thể coi sự ra đời của AUKUS là phản ứng tự
nhiên của các đại cường trước tình trạng bế tắc của ASEAN trong đối phó với sự
bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Mô hình an ninh bao trùm và hợp tác của ASEAN
thông qua các cơ chế dựa trên sự đồng thuận và rộng rãi đã tỏ ra không còn thỏa
đáng và kém hiệu quả trong việc làm trung gian hòa giải cho sự ngày càng xa
lánh giữa các cường quốc trong khu vực với Trung Quốc. Như nhà báo Sebastian
Strangio nhận xét: “Giai đoạn ảnh hưởng lớn nhất của ASEAN trùng khớp với thời
kỳ ổn định chiến lược tương đối sau cuộc Chiến tranh Lạnh”. Trong kỷ nguyên cạnh
tranh nước lớn hiện nay, điều này khó diễn ra hơn nhiều.
Trong số các quốc gia bày tỏ lo lắng, đầu tiên
phải kể đến Indonesia và Malaysia. Từ Jakarta, bà Ngoại trưởng Marsudi yêu cầu
“bắt buộc phải tránh một cuộc chạy đua vũ trang và tăng cường sức mạnh ở khu vực
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi căng thẳng gia tăng sau một hiệp ước an ninh
mới giữa Mỹ, Anh và Australia. [2].
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin hôm
28/9 cho biết, ông đang lên kế hoạch sớm làm việc với Trung Quốc để thảo luận về
vấn đề AUKUS, đặc biệt là liên quan đến quốc phòng. Kế hoạch này được đưa ra
sau khi nước này bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hiệp ước tàu hạt nhân có khả
năng phá vỡ an ninh và ổn định ở Đông Nam Á [3].
Trước đây, ASEAN có tuyên bố ZOPFAN từ năm
1971 quy định rằng, khu vực này là khu vực hòa bình, ổn định, trung lập và là
khu vực không có vũ khí hạt nhân. Nếu Australia được tăng cường vũ khí hạt
nhân, Indonesia và Malaysia đều lo ngại, có thể xảy ra những tai nạn hạt nhân
trong khu vực. Tại đây, chúng ta đã thấy các tàu ngầm hạt nhân có những sự cố,
chẳng hạn như sự cố trên tàu Kursk của Nga.
Ngoài ra, Indonesia và Malaysia cũng lo ngại rằng
với việc trang bị cho Australia những tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc sẽ trả đũa
và cũng tăng lượng tàu của Trung Quốc lên. Theo báo cáo của Mỹ, hiện tại Trung
Quốc đang sở hữu sáu tàu ngầm hạt nhân và 50 tàu ngầm chạy bằng diesel. Nếu
Trung Quốc cũng tăng hạm đội tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình lên, sẽ
dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này.
Theo ông Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Viện
nghiên cứu Asia-Pacific Pathways to Progress ở Philippines, Trung Quốc có thể
dùng các thủ thuật và áp lực kinh tế với các nước ASEAN để thăm dò xem nước nào
ở khu vực nghiêng qua AUKUS, hay tham gia một thứ liên minh chống lại Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post (Hong Kong) cũng cho biết, ngày 25/9, Vụ trưởng Vụ
châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gặp riêng rẽ năm Đại sứ Thái Lan,
Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia tại Bắc Kinh để chèo kéo các nước
này không được ủng hộ liên minh AUKUS.
Tàu ngầm nguyên tử
của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018. Reuters
Kẻ nồng nhiệt, người
thầm lặng ủng hộ
Một số nước thành viên khác của ASEAN, trong
đó có Philippines, Singapore và Việt Nam, không nhất thiết chia sẻ sự lo lắng
nói trên của Jakarta và Kuala Lumpur liên quan thỏa thuận an ninh mới này. Ở
Đông Nam Á, Philippines ủng hộ nồng nhiệt liên minh tay ba. Một cách kín đáo
hơn, Hà Nội và Singapore bày tỏ quan điểm của mình về AUKUS với kỳ vọng thông
thường rằng, thỏa thuận này sẽ đóng góp, chứ không phải làm xói mòn, hòa bình
và sự ổn định của khu vực [4]. Tình hình này khiến Indonesia phải từ bỏ đề nghị
về một tuyên bố ASEAN, vì lập trường các nước trong khối khác biệt và không thể
dung hòa được. Tại sao lại phải đưa ra một tuyên bố ASEAN về AUKUS trong khi đối
với nhóm “Bộ Tứ” và các thỏa thuận an ninh gần đây khác thì lại không?
Có lẽ người hiểu thực tế và có biện giải chính
xác về AUKUS là Ngoại trưởng Philippines Teodoso Locsin. Trong một tuyên bố mới
đây, ông cho rằng có sự mất cân bằng về lực lượng đối với các nước thành viên
ASEAN, với nước giữ được cân bằng chính (tức là Mỹ) ở cách xa nửa vòng trái đất.
Cần phục hồi việc tăng cường khả năng của đồng minh bên ngoài ấy trong việc triển
khai sức mạnh và duy trì sự cân bằng, thay vì gây bất ổn định nó. Ông cũng chỉ
rõ rằng chính sách ngoại giao phòng ngừa và pháp trị đơn thương độc mã không đủ
sức để duy trì hòa bình và an ninh [5].
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam khá trung tính, nhưng có thể hiểu rằng Việt Nam ngấm ngầm ủng hộ sáng kiến
AUKUS mặc dù không công khai nói ra. Trước nay Việt Nam vẫn là nước chỉ trích mạnh
mẽ nhất các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tỏ ra thận trọng và
nói rằng sẽ theo dõi tình hình, đồng thời kêu gọi tất cả các nước đảm bảo “hòa
bình, ổn định, hợp tác và phát triển” trong khu vực. Nhiều người Việt Nam, trước
hết là các chuyên gia, các trí thức cũng muốn ủng hộ AUKUS, dù biết rằng khi trật
tự thế giới dịch chuyển, sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác. Các thành viên ASEAN
khác, bao gồm Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, vẫn chưa xác định lập
trường của họ.
Dẫu sao, cảnh báo trên tờ Straits Times là một
thực tế. AUKUS sẽ thách thức ASEAN cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Sự thiếu gắn kết
về chiến lược giữa các quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ chỉ gia tăng cùng
với sự đối đầu nước lớn. Từ đó làm cho ASEAN thậm chí còn trở nên rối loạn chức
năng và mất đoàn kết hơn. Điều trớ trêu là giá trị chiến lược được nâng cao của
ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không hẳn sẽ mang lại những làn
gió trong lành cho ASEAN và vai trò trung tâm của nó trong khu vực [6].
VIDEO :
Hoa
Kỳ, Anh, Úc hợp tác an ninh chống Trung Quốc
https://www.youtube.com/watch?v=foWUFhvphZM
ASEAN có thể làm
gì tiếp?
“Thuốc đắng dã tật/ Sự thật mất lòng”. Câu ngạn
ngữ này của người Việt thật đúng cho trường hợp cần phải tìm lời giải khả dĩ
cho ASEAN để hoá giải nghịch lý nói trên. Trước những bất định do AUKUS có thể
mang đến, ASEAN cần phải thay đổi, mà phải ở mức độ “lột xác”, để thích nghi và
ứng phó. Nếu không thì chắc chắn những mạch đứt gãy trong nội khối trước đây sẽ
tiếp tục và quan hệ giữa ASEAN với các đại cường sẽ bế tắc. ASEAN đã trưởng
thành hơn và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những khác biệt giữa
các nước lớn. Đã đến lúc
ASEAN nên thay nguyên tắc “đồng thuận” bằng “lấy biểu quyết đa số”.
Nhà nghiên cứu Tang Siew Mun cho rằng, ASEAN
phải đánh giá lại cơ chế ra quyết định dựa trên “đồng thuận” bằng cách xóa bỏ
quyền phủ quyết của các quốc gia thành viên và xem xét áp dụng nguyên tắc
“ASEAN trừ X”. Tương tự, Robert Manning cũng đề xuất, ASEAN nên áp dụng cơ chế
ra quyết định dựa trên bỏ phiếu theo đa số, nhằm duy trì sự phù hợp của mình.
Đáng chú ý, tại một buổi thuyết trình cuối tháng 8/2016, Chủ tịch Trần Đại
Quang cũng cho rằng mặc dù đồng thuận là một nguyên tắc nền tảng của ASEAN
nhưng một số vấn đề mới nổi lên khiến cho ASEAN cần phải thiết lập các cơ chế bổ
sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định trong quản lý các thách thức
tương lai [7].
AUKUS chính là vấn đề “mới nổi lên” không chỉ
trong khu vực mà sẽ có tác động toàn cầu. Để “lột xác” và phá bỏ nguyên tắc “đồng
thuận”, kịp thích nghi với trật tự thế giới “hậu AUKUS”, ASEAN cần phải chuyển
dịch các hoạt động theo hướng sau đây:
Một là, tích cực can dự nhiều hơn với các nước
lớn liên quan, và yêu cầu họ minh bạch hóa càng nhiều càng tốt các ý đồ chiến
lược đối với nhau, với khu vực và với ASEAN. Hai là, tăng cường nội lực của
mình về mọi mặt, đặc biệt là việc xây dựng lập trường chung đối với các vấn đề
an ninh quan trọng và nhạy cảm đối với khu vực. Ba là, tuyệt đối tránh để bị
mua chuộc, không để bên ngoài lợi dụng làm suy yếu ASEAN. Muốn vậy, trong nhiều
trường hợp, các nước thành viên phải đặt lợi ích của cả khối lên cao hơn lợi
ích quốc gia của từng nước thành viên [8].
Việt Nam là bộ phận của ASEAN, nhưng do quan
hê đặc thù với Trung Quốc, Việt Nam bị ràng buộc bởi nhiều thứ. Chưa nói đến ủng
hộ tập hợp AUKUS, ngay đến cả đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
(FOIP), Việt Nam cũng rất dè dặt. Theo tin tức trên báo chí, trong ngày thành lập
AUKUS, một quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, AUKUS sẽ thúc đẩy quan hệ với các
đối tác tiềm năng, trong đó có nhắc tới Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, Việt
Nam vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc khá nặng nề. Nhưng với ba quốc
gia AUKUS, Việt Nam lại hoàn toàn có thể duy trì các quan hệ đối tác, thúc đẩy
bang giao theo hướng lành mạnh và trong những lĩnh vực có thể thì tiếp tục phát
triển lên mức cao hơn.
Muốn “lột xác”, tức là để đạt được những mục
tiêu lý tưởng nói trên, Việt Nam và ASEAN phải mạnh mẽ và thúc đẩy ý chí tự cường
từ nội khối. Bằng không thì không riêng một mình Việt Nam, mà tất cả các quốc
gia Đông Nam Á khác cũng đều phải đối mặt với nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại”.
Đúng như Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo: “Nếu ASEAN đứng về phía Trung Quốc,
Mỹ sẽ hủy diệt ASEAN và ngược lại, ASEAN mà đứng về phía Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ
hủy diệt ASEAN” [9].
-------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment