Tuesday, 28 September 2021

BÀN CỜ ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG THAY ĐỔI (Ngô Nhân Dụng)

 


Bàn cờ Ấn Độ Thái Bình Dương thay đổi

Ngô Nhân Dụng

27/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/ban-co-an-do-thai-binh-duong-thay-doi/6247065.html

 

https://gdb.voanews.com/7191D318-ADFE-48A6-88EE-E9FF86A40AF1_cx0_cy4_cw0_w650_r1_s.jpg

Các lãnh đạo của QUAD: TT Joe Biden (Mỹ), từ trái: Scott Morrison (thủ tướng Úc), Narendra Modi (thủ tướng Ấn Độ), thủ tướng Nhật Bản (Yoshihide Suga), tại Tòa Bạch Ốc.

 

Ngày Thứ Sáu 24 tháng Chín 2021 Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia (nhóm QUAD) họp thượng đỉnh, lần đầu tiên, ở Washington D.C. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh AUKUS được khai sinh, giữa A (Australia), UK (Anh quốc) và Mỹ (US), giúp nước Úc chế tạo 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử theo mẫu của Anh và Mỹ, trong mười năm tới.

 

Bắc Kinh đã cực lực phản đối thỏa hiệp AUKUS. Vì đây là một chuyển hướng quân sự và ngoại giao quan trọng của nước Úc để đối phó với việc bành trướng của Trung Cộng trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đó cũng là mục tiêu khi QUAD ra đời. Nhưng AUKUS là bước tiến cụ thể đầu tiên, mặc dù trước đây đã có liên minh quân sự giữa ba nước Australia, New Zealand và US trong hiệp ước ANZUS. Ba quốc gia đã thảo luận vấn đề này trong bí mật nhiều tháng qua; việc hợp tác bao gồm các khía cạnh kỹ thuật chế tạo và các vấn đề mới như Trí khôn Nhân tạo (AI) và an ninh tin học (cyber-security)

 

Với AUKUS, Úc sẽ mạnh hơn về mặt quân sự, khi dùng tàu ngầm nguyên tử có thể lặn sâu lâu ngày hơn, với hỏa tiễn bắn tầm xa hơn.

 

Dự án Úc ký với Pháp năm 2016 làm 12 tàu ngầm chạy điện và diesel. Những tàu ngầm kiểu cũ từ căn cứ ở Perth đi tuần trong vùng Đường Chín Đoạn mà Trung Quốc vẽ ra, có thể giữ im khi chạy máy điện; nhưng bị giới hạn trong vòng hai tuần lễ. Các tàu ngầm nguyên tử có thể đi lâu hơn, từ 77 đến 81 ngày. Thời gian hoạt động trong vùng Trường Sa và biển Đông nước ta sẽ gia tăng từ 11 ngày lên 77 ngày. Trong thời gian đó, hải quân Úc có thể theo dõi, thu lượm tin tức về hoạt động của hải quân Trung Cộng. Các tàu ngầm nguyên tử còn có thể phóng hỏa tiễn đường xa, từ vùng biển phía Đông Philippines sang tới lục địa Trung Quốc.

 

Nhưng AUKUS còn mang ý nghĩa chiến lược; chứng tỏ một chuyển hướng ngoại giao quan trọng của nước Úc, cùng quyết định “chuyển trục sang Á châu” của Mỹ để đối phó với Trung Cộng.

 

Cho nên ngày 16 tháng Chín, phát ngôn viên ngoại giao của Bắc Kinh Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚) đã lên án thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Úc “gây tai hại cho hòa bình và ổn định trong vùng.” Triệu Lập Kiên còn lo AUKUS sẽ dẫn đến một “cuộc chạy đua vũ khí, kể cả vũ khí nguyên tử.” Vì trong khi tiếp nhận kỹ thuật chế tạo tàu ngầm nguyên tử, nước Úc có cơ hội phát triển kỹ thuật tinh luyện chất uranium, có thể đến trình độ làm bom.

 

Nhưng chính Trung Cộng đã gây ra tình trạng bang giao căng thẳng với nước Úc. Trong hai thập niên vừa qua, Úc vẫn thân thiện với Trung Quốc, xuất cảng quặng mỏ, nông phẩm với số lượng giao thương lớn nhất. Năm ngoái, Trung Cộng bất bình khi chính phủ Úc yêu cầu cho các chuyên gia quốc tế đến điều tra nguồn gốc của Vi khuẩn Vũ Hán gây bệnh dịch Covid-19. Trung Cộng phản ứng giận dữ, bỗng nhiên ngưng nhập cảng nhiều thứ hàng. Một đạo luật của Úc nhằm ngăn chặn người ngoại quốc can dự vào chính trị nội bộ được ban hành sau khi thấy chứng cớ các công ty của Bắc Kinh tìm cách ủng hộ một số nhà chính trị Úc. Úc cũng tố cáo những “nhà báo” Trung Cộng đóng vai gián điệp. Trung Cộng tỏ ra coi thường nước Úc, công bố 14 điểm “kể tội” Úc về các hành động trên.

 

Không riêng chính sách ngoại giao của Úc thay đổi, chính nước Mỹ cũng chuyển hướng. Cán cân lực lượng hải quân trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ dần dần thay đổi. Các cứ điểm quân sự của Mỹ trong vùng này từ lâu vẫn đặt trên các hải đảo; từ Hawaii đến Guam, Okinawa ở Nhật và Diego Garcia thuê nhượng từ Anh quốc ở phía Nam Ấn Độ. Liên minh với Úc, từ nay Mỹ sẽ có thể đặt căn cứ trên một địa bàn rộng như một lục địa. Nhật Bản là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong vùng, gần đây đã cải thiện quan hệ về an ninh với Úc; có thể đóng góp các kỹ thuật mới nhất về kiến thiết tàu ngầm.

 

Bốn năm trước, Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước Hợp tác Thái Bình Dương (TPP). Sau đó, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục với một thỏa ước mới, mang tên CPTPP, bỏ bớt một số điều khoản do Mỹ “ép buộc,” như bảo vệ nhân quyền và quyền lập công đoàn của giới lao động.

 

Trong thời gian đó, Trung Cộng tỏ ra hung hãn hơn trước; củng cố các căn cứ quân sự và cho ngư dân tới đánh cá trong vòng đai Đường Chín Đoạn thuộc hải phận của Việt Nam hoặc Philippines. Năm ngoái, Trung Cộng gây nên cuộc chạm súng với quân đội Ấn Độ ở biên giới; tiếp tục quấy nhiễu vùng biển quanh hòn đảo Sensaku mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài. Bắc Kinh có lúc còn đe dọa ngưng mua bán với Nam Hàn.

 

Ngay sau khi Mỹ với Úc thỏa thuận về tàu ngầm nguyên tử, Bắc Kinh đã tỏ ý muốn gia nhập thỏa ước CPTPP mà trước đây Mỹ đã gạt Trung Cộng ra ngoài. Bắc Kinh còn tỏ ý giận dữ khi Đài Loan cũng muốn tham dự vào CPTPP! Anh quốc cũng từng xin gia nhập thỏa ước này. Nhưng ai cũng biết rằng 11 nước trong đó không thể chấp nhận Trung Cộng mà có thể nhận Anh quốc và Đài Loan vì thỏa ước này không cho phép các nước được trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước như chủ trương cố hữu của chế độ cộng sản.

 

Thỏa hiệp AUKUS và CPTPP đang thay đổi bản đồ ngoại giao trong vùng Đông Nam Á. Các nước Philippines và Singapore công khai hoan nghênh. Các nước ở xa hơn như Nhật Bản và Đài Loan cũng hoan nghênh. Việt Nam cũng vậy, dù không dám nói công khai. Hai nước Nam Hàn và Nhật Bản có thể sẽ hợp tác với Mỹ để chế tạo tàu ngầm nguyên tử.

 

Chỉ có các nước Âu châu còn im lặng. Chính phủ Pháp có lý do chính đáng khi than phiền nước Úc đã xóa bỏ thỏa thuận làm tàu ngầm với họ, đáng giá $100 tỷ mỹ kim. Dự án này nằm trong chiến lược của Pháp trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi nước Pháp làm chủ nhiều hòn đảo, với 7,000 quân sĩ và gần 2 triệu công dân sinh sống. Các nước Âu châu khác cũng không hề được chính phủ Mỹ báo trước về AUKUS! Họ không quên rằng chính phủ Mỹ cũng hành động như vậy khi rút quân nhanh chóng khỏi Afghanistan.

 

Trong toàn thể chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương còn một “lỗ hổng” lớn, về kinh tế và thương mại. Số lượng hàng xuất cảng và nhập cảng của Trung Quốc với các nước Á Đông và Thái Bình Dương, trong năm 2019 mỗi loại đều lên gần một ngàn tỷ đô la; trong khi nước Mỹ nhập cảng dưới $500 tỷ và xuất cảng dưới $300 tỷ với các nước này.

 

Tuy nhiên, nước Mỹ có thế mạnh trong các công nghiệp kỹ thuật cao cấp. Nước Mỹ có thể hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ cùng tham dự với Úc cùng phát triển các ngành như Trí khôn Nhân tạo (AI), vi tính lượng tử (uantum computing), bao trùm cả các hoạt động về an ninh, vì cả ba đều theo chế độ tự do dân chủ. Cộng thêm Nam Hàn và Đài Loan, các nước này, cùng với các đồng minh ở Âu châu, sẽ đặt nền tảng và xác định các tiêu chuẩn cho các phát minh, sáng kiến kỹ thuật trong tương lai, lôi kéo theo các nước khác. Trung Cộng và Nga sẽ rất yếu trước một khối kỹ thuật cao đẳng như vậy.

 

AUKUS là một bước đầu trong cuộc chuyển hướng của Mỹ trở lại vùng Đông Á và Thái Bình Dương. Một vấn đề là chính sách của nước Mỹ có thể thay đổi khi các đảng thay nhau lên nắm quyền. Liệu các quốc gia trong vùng có thể yên tâm liên kết với Mỹ trong thời gian lâu dài hay không? Điều này do người dân Mỹ đi bỏ phiếu quyết định.

 

                                                                  ***

TIN LIÊN QUAN

Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ cam kết giữ vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở

 

Cựu Đại sứ Shear: AUKUS tốt cho Đông Nam Á tương tự như tốt cho Mỹ, Australia

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats