Wednesday 25 November 2020

CHÍNH QUYỀN BIDEN SẼ 'DÙNG LIÊN MINH ĐỂ ĐỐI PHÓ' VỚI TRUNG QUỐC? (Tina Hà Giang - BBC Tiếng Việt)

 


Chính quyền Biden sẽ 'dùng liên minh để đối phó' với Trung Quốc? 

Tina Hà Giang

BBC News Tiếng Việt

25 tháng 11 2020, 13:03 +07

Cập nhật 25 tháng 11 2020, 13:38 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55053937

 

Với việc Nhà Trắng bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực, và tổng thống đắc cử Biden vừa ra mắt đội ngũ, chính sách đối ngoại của ông Biden lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận.

 

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, ba nhà phân tích chính trị Adam Ni, Carl Thayer và David Hutt cùng cho là với chính quyền Biden, 'căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục,' nhưng ông Biden sẽ tiếp cận thách thức Trung Quốc bằng cách thu hút đồng minh để cùng hợp tác đối phó với Bắc Kinh, thay cho cách hành xử đơn phương, một mình một ngựa, của Tổng thống Trump.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/166C3/production/_115634819_carlthayeretc3.png

Từ trái: Carl Thayer, David Hutt, Adam Ni

 

 

BBC: Chiến thắng của Biden sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ và chính sách của nước này với Trung Quốc như thế nào?

 

Carl Thayer: Lưỡng đảng Mỹ đồng thuận rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, và Mỹ có những bất bình chính đáng trước cạnh tranh thương mại không công bằng của Trung Quốc. Tình trạng cưỡng bức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, cũng như trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước, cần phải được giải quyết. Căng thẳng hiện tại sẽ tiếp tục cho đến khi những vấn đề này được giải quyết xong.

 

David Hutt: Còn phải chờ xem mới biết. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục dưới thời Biden, mặc dù nó sẽ trở thành một tiến trình hành chánh, hơn là cách hành xử tùy hứng như dưới thời ông Trump. Tôi không lường trước được bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông, mà suy cho cùng là chính sách do Obama đặt ra, cũng như không thấy bất kỳ sự giảm thiểu nào của mối quan hệ Việt - Mỹ ngay cả khi Biden giảm bớt sự thù nghịch với Trung Quốc.

 

Adam Ni: Có một đồng thuận ở Washington là nước Mỹ cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, vì tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên nhiều mặt và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ. Tôi không nghĩ với chính quyền Biden, Mỹ sẽ có sự thay đổi chính sách về mặt dài hạn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ có sự khác biệt trong cách tiếp cận, ông Trump tỏ ra khá hung hăng với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Với Biden, cách tiếp cận sẽ thiên về việc thu hút đồng minh, cùng nhau hợp tác để cạnh tranh với nước này. Ông Trump phản đối và không tin tưởng vào các tổ chức đa phương, ông ấy cũng không đối xử với đồng minh của Mỹ với sự tôn trọng mà họ xứng đáng được có, vì vậy, một nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ tốt hơn cho giới lãnh đạo Hoa Kỳ và quốc tế cũng như khả năng xây dựng mạng lưới liên minh để đạt được chính sách kiềm chế sự hiếu chiến của Trung Quốc.

 

*
BBC: 
Nếu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc không có gì khác biệt, vậy với chính quyền Biden, sự căng thẳng giữa hai nước sẽ đi đến đâu?

 

Carl Thayer: Chính quyền Biden sẽ tiếp tục đẩy lùi sự uy hiếp và bắt nạt của Trung Quốc với các quốc gia ven biển và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc Tuần tra Hoạt động Tự do Hàng hải và các cuộc tập trận hải quân đơn phương và đa phương. Nhưng Chính quyền Biden sẽ loại bỏ những luận điệu chống Trung Quốc quá khích của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

 

Adam Ni: Với Biden, bạn sẽ có một cách tiếp cận khác, chúng ta đang ở trong một thế giới khác, một thế giới cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

*

BBC: Về tương quan Mỹ - Việt, chiến thắng của ông Joe Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Việt Nam, và tại sao?

 

Carl Thayer: Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam dưới chính quyền Biden sẽ được tiếp tục vì khuôn khổ cho quan hệ đối tác toàn diện đã có sẵn. Khuôn khổ này được thương lượng khi Barack Obama còn là tổng thống và được nâng cao dưới thời Tổng thống Trump.

 

Sự thay đổi lớn trong mối quan hệ hai bên là các mối đe dọa về thuế quan và các biện pháp trừng phạt của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ không còn là tác nhân chính gây khó chịu trong quan hệ song phương. Chính quyền Biden sẽ hợp tác với Việt Nam để giải quyết những lo ngại của mình về khả năng tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Hai nước sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để giải quyết các mối quan tâm của cả hai bên.

Việt Nam đã phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng cam kết mua dài hạn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Hoa Kỳ trị giá hàng tỷ đôla mỗi năm.

 

David Hutt: Tôi không mong đợi bất kỳ thay đổi cơ bản nào với chính sách Việt Nam - Hoa Kỳ dưới chính quyền Biden. Tuy nhiên, cũng có những tương phản giữa hai chính quyền. Ông Trump từng nhận xét rằng Việt Nam là "kẻ lạm dụng tồi tệ nhất" trong tương quan thương mại của Mỹ, chỉ vài tháng sau khi ông lựa chọn Hà Nội là địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên, và từ tháng trước Bộ Tài chính của ông Trump đã mở các cuộc điều tra về cáo buộc rửa tiền của Việt Nam.

 

Nhưng một nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ đảm bảo sự giao thương với Việt Nam, và chính sách của ông Biden sẽ dễ đoán hơn cho Hà Nội. Tuy nhiên, ông Biden có thể sẽ muốn thảo luận về nhân quyền thường xuyên hơn với Hà Nội, và có thể quay lưng lại với sự kình địch Mỹ -Trung - nhưng sự ủng hộ đối với Việt Nam đến từ lưỡng đảng và tôi không nghĩ là tổng thống Biden sẽ buông bỏ quan hệ thân thiết với Hà Nội.

 

*

BBC: Chiến thắng của ông Biden cho chúng ta thấy gì về chủ nghĩa dân túy?

 

Carl Thayer: Di sản chủ nghĩa dân túy của Donald Trump sẽ đeo bám chính quyền Biden trong nhiều năm tới và làm cho phức tạp nếu không hạn chế khả năng của Biden trong việc thay đổi các chính sách của Hoa Kỳ, từ đối đầu và khó lường sang hợp tác và dễ đoán. Ví dụ, một Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Biden trong việc tái gia nhập châu Âu và khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được dưới thời Tổng thống Obama.

 

David Hutt: Tôi khuyên những người Việt theo dõi cuộc bầu cử ở Mỹ nên giữ một thái độ cởi mở. Nền dân chủ không hoàn hảo và đôi khi rất lộn xộn, đặc biệt là khi có một người như ông Trump làm tổng thống. Rất có thể Mỹ sẽ vượt qua được thời gian đầy thử thách này với các thể chế dân chủ còn nguyên vẹn, và Biden sẽ nhận được số phiếu phổ thông lớn nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong hơn một thế kỷ qua. Một số người có thể muốn so sánh nó với Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản sắp tới, nhưng đây sẽ là một việc có trật tự hơn nhiều và nghĩ rằng "nguyên tắc tập trung dân chủ" ít ra là ít hỗn loạn hơn so với nền dân chủ thực sự. Nhưng hãy nghĩ việc xử lý ý kiến của hàng trăm triệu cử tri khó khăn như thế nào, và điều này cũng quan trọng như thế nào.

 

*

VIDEO :

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) từ Texas

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55053937

 

                                                           ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

Bầu cử 2020: "Nước Mỹ đã trở lại", Biden nói khi ra mắt đội ngũ

25 tháng 11 năm 2020

.

Bầu cử Mỹ: Thấy gì với đội ngũ chính sách đối ngoại mới của Biden?

24 tháng 11 năm 2020

.

Biden và chính sách châu Á: Hai góc nhìn từ Hoa Kỳ và Pháp

17 tháng 11 năm 2020

.

Video,Blogger Mẹ Nấm: "Chính vai trò dẫn dắt làm nên vị thế của Hoa Kỳ", Thời lượng 3,53

13 tháng 11 năm 2020

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats