Friday 27 November 2020

CHỈ 6 NGÀY, THÊM 1 TRIỆU NGƯỜI MỸ NHIỄM COVID-19, VƯỢT MỐC 13 TRIỆU NGƯỜI (Người Việt)

 


NỘI DUNG :

 

Chỉ 6 ngày, thêm 1 triệu người Mỹ nhiễm COVID-19, vượt mốc 13 triệu

Người Việt

.

Covid-19 : Vì sao châu Âu « thờ ơ » với vac-xin Nga và Trung Quốc ?

Minh Anh  -  RFI

.

WHO ra mắt đội điều tra nguồn gốc COVID-19, có người Việt Nam    

Pháp Luật Online

 

====================================================

.

.

Chỉ 6 ngày, thêm 1 triệu người Mỹ nhiễm COVID-19, vượt mốc 13 triệu

Người Việt

Nov 27, 2020

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/so-nguoi-nhiem-covid-19-tai-my-vuot-qua-moc-13-trieu/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ ghi nhận 13 triệu người nhiễm COVID-19 vào hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Một, chỉ vỏn vẹn sáu ngày sau khi vượt mức 12 triệu, theo trang tin The Hill.

 

Dữ liệu của trường đại học y khoa Johns Hopkins thống kê nước Mỹ có ít nhất 13,047,202 ca nhiễm và ít nhất 262,624 ca tử vong vì COVID-19.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/11/TS-my-vuot-qua-moc-13-trieu-1-1536x1024.jpg

Các y tá chuẩn bị đặt ống thở cho bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện United Memorial Medical Center, Houston, Texas. (Hình: Go Nakamura/Getty Images)

 

Cũng trong ngày Thứ Sáu số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đạt mức kỷ lục là hơn 90,000, liên tục gia tăng trong suốt 17 ngày qua.

 

Với các chỉ số trên Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới bệnh dịch, kế tiếp là Ấn Độ với 9.3 triệu người nhiễm, và sau đó Brazil đứng hàng thứ ba, 6.2 triệu, thứ tư là nước Pháp, 2.2 triệu.

 

Cách đây sáu ngày, 21 Tháng Mười Một, đại học Johns Hopkins ghi nhận Mỹ đạt con số 12 triệu ca nhiễm, và sáu ngày trước đó, 11 triệu.

 

Trong số bệnh nhân nhập viện kể trên có tới 17,802 người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ từ Tháng Ba đến nay.

 

Hiện tại, có khoảng 5,979 người phải dùng máy thở.

 

Sự bùng phát dịch bệnh đã được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều tháng trước khi dự đoán mùa Đông đến khiến cho nhiều người ở trong sinh hoạt trong cảnh trong nhà “in-door” nhiều hơn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/11/TS-my-vuot-qua-moc-13-trieu-2-1536x1009.jpg

Các lớp xác bệnh nhân đang chờ chất lên xe đông lạnh tại El Paso, Texas. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Bác Sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ, dự báo số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong những tháng kế tiếp, từ Tháng Mười Hai, qua đến Tháng Giêng và Tháng Hai.

 

Trong cuối tuần lễ Tạ Ơn, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng và giới chức chính phủ đã khuyến cáo dân chúng đừng tụ tập và du lịch xa.

 

Trang tin The Hill và tổ chức HarrisX thực hiện cuộc thăm dò cho thấy 57% cử tri Mỹ lên kế hoạch gặp gỡ nhân dịp lễ Tạ Ơn và 27% trong số này vẫn duy trì các cuộc gặp mặt như “bình thường” với bạn bè và gia đình.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/11/TS-my-vuot-qua-moc-13-trieu-3-1536x957.jpg

Một tù nhân chuẩn bị bọc xác một bệnh nhân COVID-19 chuyển vào các xe đông lạnh tại El Paso, Texas. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo dân chúng không nên tụ tập đông người trong các dịp diễn hành thường hay tổ chức nhân lễ Tạ Ơn, hoặc kéo nhau mua sắm nhân ngày Black Friday để ngăn ngừa truyền nhiễm một cách hữu hiệu.

 

Tuy nhiên, trong thông điệp lễ Tạ Ơn gửi ra từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump kêu gọi dân chúng Mỹ tập họp tại nhà riêng hay chỗ thờ phượng trong dịp này. (MPL) [qd]

 

-------------------------------------------------------------------------------

.

.

Covid-19 : Vì sao châu Âu « thờ ơ » với vac-xin Nga và Trung Quốc ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 27/11/2020 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201127-covid-19-v%C3%AC-sao-ch%C3%A2u-%C3%A2u-th%E1%BB%9D-%C6%A1-v%E1%BB%9Bi-vac-xin-nga-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c

 

Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đặt mua trước hơn một tỷ liều vac-xin ngừa Covid-19 từ 6 hãng dược. Thế nhưng, vì sao trong số này không có tên một loại vac-xin nào của Trung Quốc và Nga, cũng được cho là có hiệu quả đến hơn 90%?

 

Cuộc đua bào chế vac-xin chống Covid-19 đã bước vào giai đoạn nước rút. Các hãng dược lần lượt thông báo mức độ hiệu quả của các vac-xin : Pfizer và BioNTech là 95%, Moderna là 94,5%, Sputnik-V của Gamaleya ( Nga ) là 92% hay AstraZeneca là 70%...

 

Trước một loạt thông báo đó, các quốc gia cũng sẵn sàng tư thế cho cuộc đua tìm mua vac-xin. Trong cuộc cạnh tranh này, Liên Hiệp Châu Âu thông báo đặt mua trước 1,4 tỷ liều vac-xin từ sáu hãng dược trong số 15 hãng đang trong giai đoạn ba của cuộc thử nghiệm : AstraZeneca (Anh), Johnson & Johnson (Mỹ), Pfizer và BioNTech (hợp tác Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ), Curvax (Đức) và Sanofi (Pháp). Tất cả đều là những hãng dược của Mỹ và châu Âu, không một tên tuổi nào đến từ Nga và Trung Quốc.

 

Vì sao như vậy ? Phải chăng ẩn sau đó còn có « yếu tố chính trị » ? Một câu hỏi mà nhiều nhà virus học tại Pháp cũng như ở châu Âu tỏ ra dè dặt, tránh né trả lời. Tuy nhiên, theo giải thích của Ủy Ban Châu ÂuTrung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra : Phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu.

 

Ông Stephan De Keersmaecker, phát ngôn viên về Y tế công cộng, An toàn thực phẩm và Giao thông của Ủy Ban Châu Âu nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, « nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu, thì việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn ».

 

Hơn nữa, bào chế vac-xin chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho châu Âu được sản xuất từ nước này. Và nhất là theo nhiều nhà khoa học được tờ Marianne trích dẫn, việc chọn phương pháp vac-xin bất hoạt (nuôi cấy virus), mà châu Âu thường hay sử dụng để bào chế vac-xin chống cúm mùa, rất có thể « sẽ kém hiệu quả do quy trình chủng ngừa là khắt khe, không chỉ trên phương diện hậu cần mà cả về mặt an toàn ».

 

Còn về phía Nga thì sao ? Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng Giêng năm 2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vac-xin của Nga còn điểm thuận tiện là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ +2 và +8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu đến 500 triệu liều.

 

Thế nhưng, theo Le Monde, mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo hãng dược Nga, châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi. Các bước bào chế không minh bạch, quy trình thử nghiệm không rõ ràng, kể cả trong khâu tuyển người tình nguyện, nhập nhằng tiêm ngừa cho những người có rủi ro với thử nghiệm giai đoạn ba…, đó là những gì mà giới nghiên cứu châu Âu phê phán về vac-xin Sputnik-V của Nga.

 

Và nhất là, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vac-xin ngừa SIDA năm 2007 : Thay vì ngăn chận HIV, vac-xin được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể.

 

Ông John Moore, nhà nghiên cứu thuộc Weill Cornell Medical College, trên tờ tạp chí Science tỏ thái độ chừng mực hơn, khi cho rằng « tất cả những điều đó cho thấy có một sự hấp tấp thái quá, nhưng điều đó không có nghĩa là vac-xin sẽ không có hiệu quả ».

 

Nhưng có một điều chắc chắn là Trung Quốc, « đối thủ có hệ thống » của Liên Hiệp Châu Âu, đã tiêm ngừa cho một triệu người dân, và sẽ bán hàng trăm triệu liều khác cho các nước như Maroc, Algeri hay Brazil, trong khi châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi những làn sóng dịch bệnh gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng và tàn phá nền kinh tế khu vực. Trong khi đó, Nga thông báo đã tiêm ngừa cho hơn 400 ngàn binh sĩ, và ca tụng Sputnik-V sẽ « dễ dàng sử dụng và đáng tin cậy như khẩu kalachnikov ».

 

---------------------------------------------------------------------------

.

.

WHO ra mắt đội điều tra nguồn gốc COVID-19, có người Việt Nam    

Pháp Luật Online

Thứ Năm, ngày 26/11/2020 - 17:35

https://plo.vn/quoc-te/who-ra-mat-doi-dieu-tra-nguon-goc-covid19-co-nguoi-viet-nam-952255.html

(PLO)- “Biệt đội” điều tra nguồn gốc COVID-19 gồm 10 thành viên đến từ 10 nước, trong đó có một nhà khoa học Việt Nam.

 

Theo báo South China Morning Post, đầu tuần này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tên 10 nhà khoa học nằm trong đội điều tra quốc tế truy tìm nguồn gốc COVID-19. 10 người này là các chuyên gia y tế công cộng, chuyên gia y tế động vật, chuyên gia truy tìm nguồn gốc virus từ các nước: Nhật, Qatar, Đức, Mỹ, Nga, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, và Việt Nam.

 

Cụ thể, “biệt đội” điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO gồm:

 

. Nhà nghiên cứu Marion Koopmans tại Trung tâm Y khoa Erasmus (Hà Lan),

 

. Chuyên gia John Watson – cựu Thứ trưởng Y tế Anh,

 

. Chuyên gia Farag El Moubasher thuộc Bộ Y tế Qatar,

 

. Nhà virus học Thea Fischer của Đan Mạch,

 

. Nhà vi trùng học Dominic Dwyer của Úc,

 

. Nhà nghiên cứu dịch bệnh Vladimir Dedkov của Nga,

 

. Nhà khoa học Ken Maeda thuộc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật,

 

. Chuyên gia truy tìm nguồn gốc virus Fabian Leendertz thuộc Viện Y sinh Robert Koch (Đức),

 

. Nhà bệnh dịch sinh thái học Peter Daszak – Chủ tịch tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance (Mỹ) ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm mới nổi

.

. Tham gia về phía Việt Nam có nhà khoa học Nguyễn Việt Hùng - đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Con người và Động vật tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế.

 

https://image.plo.vn/w800/uploaded/2020/ovunjht/2020_11_26/hungnguyen_dozz.jpg

Nhà khoa học Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU CHĂN NUÔI QUỐC TẾ

 

WHO cho biết quyết định công bố tên 10 chuyên gia dù có rủi ro họ bị quấy rối, đe dọa, vì điều tra nguồn gốc COVID-19 là một chủ đề gây tranh cãi.

 

10 chuyên gia này sẽ làm việc cùng các nhà khoa học Trung Quốc điều tra xem làm sao virus xuất hiện và lây truyền qua người, dẫn tới đại dịch giết hơn 1,4 triệu người toàn thế giới tính đến nay.

 

Hiện chưa rõ khi nào đội chuyên gia này sẽ nghiên cứu, điều tra thực địa ở Trung Quốc. Đầu tuần này Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO – Tiến sĩ Michael Ryan nói WHO hy vọng đội chuyên gia này sẽ sớm triển khai điều tra ở Trung Quốc.

 

Đã 11 tháng kể từ khi COVID-19 xuất hiện và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà nghiên cứu và WHO từng cảnh báo nếu không tìm ra được nguồn gốc virus thì đại dịch COVID-19 dù sắp tới có bị khống chế thì cũng hoàn toàn có khả năng tái bùng phát.

 

                                                         ***

 

TIN LIÊN QUAN

·         WHO có tới 2 cuộc điều tra về nguồn gốc và phản ứng COVID-19

·         Mỹ chỉ trích cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 do WHO dẫn đầu 

·         WHO: Khả năng ca nhiễm COVID-19 đầu tiên không phải ở Vũ Hán 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats