Sunday, 18 June 2017

TUẦN TIN NGƯỜI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN : TUẦN THỨ 25, TỪ 12 ĐẾN 18/6/2017 (Defend the Defenders)




June 18, 2017

Defend the Defenders  | ngày 18/6/2017

Chính quyền Việt Nam sẽ tổ chức phiên tòa xét xử nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 29/6 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Cô phải đối mặt với mức án từ ba đến 12 năm tù theo điều luật hiện hành nếu bị kết tội.
Cô Quỳnh, một blogger nổi tiếng với nickname Mẹ Nấm, bị biệt giam kể từ khi bị bắt hôm 10/10/2016. Gia đình cô cũng bị theo dõi chặt chẽ bởi an ninh tỉnh Khánh Hòa nhằm ngăn chặn không cho mẹ và hai đứa con của cô tiếp xúc với nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài.
Một nhà hoạt động nhân quyền khác là Trần Thúy Nga, người bị bắt hôm 21/01/2017 với cùng tội danh, bị từ chối cung cấp chữa trị y tế khi cô bị rách niêm mạc vòng họng. Hiện sức khỏe của cô rất yếu vì cô chỉ ăn được cháo loãng.
Chính phủ Việt Nam nói rằng quyết định tước quốc tịch ký bởi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với cựu tù chính trị Phạm Minh Hoàng là đúng luật trong khi nạn nhân đã khiếu nại lên Bộ Tư pháp, nói rằng quyết định này vi phạm Hiến pháp 2013. Ông Hoàng, người vừa mới viết thư lên Đại Sứ quán Pháp để từ bỏ quốc tịch Pháp, có thể phải đối mặt với lệnh trục xuất.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Công Chính bị đối xử hà khắc và bị trả thù bởi Ban Giám thị trại giam thuộc tỉnh Bình Phước sau khi ông tố cáo việc bị đàn áp với một phái đoàn của Hoa Kỳ khi họ đến thăm ông tại trại giam.
Hoàng Đức Bình, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, bị chuyển đến trại giam B14 của Bộ Công an. Với việc chuyển này, nhà hoạt động nhân quyền và môi trường này có thể phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đã chuyển tội danh đối với blogger Nguyễn Văn Hóa từ Điều 258 sang Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Nhà báo tự do trẻ tuổi này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 20 năm.
An ninh Việt Nam đã không cho cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh xuất cảnh sang Campuchia hôm 15/6 khi cô định đi sang Áo để thăm người mẹ đang bị bệnh nặng.
Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm về việc bắt giữ 38 cán bộ và công an làm con tin vào trung tuần tháng Tư cho dù trước đó Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã hứa bằng văn bản rằng sẽ không truy tố người dân trong xã về vụ việc bắt giữ.
Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 12/6 =====

Chính quyền Quỳnh Lưu để mặc côn đồ khủng bố Giáo xứ Song Ngọc
Chính quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An làm ngơ khi nhiều nhóm thanh niên khủng bố cộng đồng Công giáo ở giáo xứ Song Ngọc.
Từ đầu tháng 6, nhiều nhóm thanh niên mang áo phông đỏ sao vàng tấn công giáo dân và nhà cửa của người dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, nơi mà linh mục và giáo dân rất tích cực trong việc đòi Formosa trả tiền bồi thường.
Cho dù chính quyền huyện đã huy động một số lượng lớn công an và cảnh sát cơ động, những kẻ côn đồ đi từng đoàn xe máy vào khu giáo xứ, nẹt pô gây ầm ĩ, ném đá và gạch vào nhà thờ và tràn vào nhiều nhà giáo dân để đập phá tài sản của họ. Một số giáo dân đã bị đánh.
Những vụ tấn công này được hậu thuẫn bởi chính quyền địa phương, 11 linh mục trong giáo xứ nói trong một đơn khiếu nại đã gửi lên chính quyền huyện và tỉnh.
Các linh mục đã tố cáo chính quyền Quỳnh Lưu và Nghệ An trong việc hậu thuẫn những kẻ vi phạm luật quốc tế, gây ra mâu thuẫn và chia rẽ giáo dân với những người dân khác.

===== 13/6 =====

Gia hạn tạm giam blogger Mẹ Nấm
Nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết đến qua bút danh Mẹ Nấm, bị gia hạn điều tra thêm và gia đình tiếp tục không được thăm gặp.
Những luật sư mà gia đình đã mời để bảo vệ cho cô Quỳnh là Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn cũng chưa được gặp thân chủ của mình, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh cho biết.
Bản thân bà Lan cùng hai con của cô Quỳnh cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của an ninh Khánh Hòa. Công an Khánh Hòa nhiều lần bao vây nhà riêng của bà Lan nhằm mục đích ngăn cản gia đình gặp gỡ với nhiều nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài.
Thông báo của cơ quan chức năng Việt Nam nói họ bắt giam và truy tố cô Quỳnh với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 Bộ uật Hình sự Việt Nam.
Hoạt động của cô Quỳnh là chống sự gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; đấu tranh đòi hỏi quyền con người, môi trường sạch…
Năm 2015, cô được Civil Rights Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Stockholm trao giải Người Bảo vệ Nhân quyền của năm. Đầu năm nay, cô được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh là Phụ nữ Can đảm của năm.
——————–

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị chuyển trại
Anh Hoàng Đức Bình, nhà hoạt động công nhân và môi trường ở Nghệ An vừa bị chuyển ra Trại giam B14 ở Hà Nội trong tuần này. Đây là trại giam nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Công an.
Việc chuyển này cho thấy có khả năng anh Bình có thể phải đối mặt với một cáo buộc nặng nề hơn.
Bình, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, bị bắt hôm 15/5 tại Diễn Châu với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999.
Nhà hoạt động Hoàng Bình tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập Phong trào Lao động Việt và trước khi bị bắt anh giúp những nạn nhân thảm họa môi trường Formosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường, chấm dứt hoạt động. Ngoài ra anh này cũng tham gia công tác truyền thông các vấn đề xã hội tại địa phương và trong nước.

——————–

Nguyễn Văn Hóa bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88
Nguyễn Văn Hóa, người thanh niên làm truyền thông tự do về thảm họa môi trường Formosa cùng những hoạt động liên quan, bị chuyển tội danh từ “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, công dân…’ theo Điều 258 sang tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Luật sư Hà Huy Sơn, người được gia đình Hóa thuê bào chữa, vẫn chưa được cấp giấy bào chữa cũng như chưa được tiếp cận hồ sơ của thân chủ.
Blogger Hóa, 22 tuổi, ở xã Kỳ Khang, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt vào ngày 11/01.
Phía chính quyền cho phát một băng ghi hình anh này nhận tội tại nơi bị giam giữ trong khi đó thân nhân cho rằng những hoạt động tường trình biểu tình cũng như đời sống của người dân chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên không có gì là vi phạm.

===== 14/6 =====

Công an Hà Nội khởi tố vụ bắt cán bộ, công an làm con tin ở Đồng Tâm
Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ bắt 38 cán bộ và công an làm con tin ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức cho dù trước đó Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã cam kết bằng văn bản rằng sẽ không truy tố dân trong xã về vụ việc xảy ra trong trung tuần tháng Tư.
Vụ khởi tố được dựa trên hai cáo buộc “bắt giữ trái phép” theo Điều 123 và “phá hủy tài sản” theo Điều 143 của Bộ luật Hình sự 1999. Những người bị cáo buộc với hai tội danh trên sẽ phải đối mặt với án tù từ ba tháng đến hai năm cho tội danh thứ nhất, và từ sáu tháng đến 7 năm cho cáo buộc thứ hai.
Vụ bắt giữ con tin xảy ra hôm 15/4 sau khi công an huyện Mỹ Đức bắt giữ một số người trong xã mà không có lệnh bắt. Trong quá trình bắt giữ, một cụ già tên Kình, 82 tuổi, đã bị đánh và gẫy xương. Chính quyền thành phố cũng điều động một lực lượng lớn công an, bao gồm cả cảnh sát cơ động nhằm đàn áp dân trong xã.
Do quá tức bực, dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động, giữ họ làm con tin trong một tuần. Họ chỉ đồng ý trả tự do cho những người bị bắt sau khi Hà Nội trả tự do cho những người trong xã bị bắt trước đó, và Chủ tịch Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ bắt con tin khi ông cùng nhiều quan chức cao cấp của thành phố đến điều đình với dân trong xã.
Vụ việc xuất phát từ nhiều năm trước khi Hà Nội định lấy 47 ha đất ở Miếu Môn, thuộc đất nông nghiệp của Đồng Tâm để giao cho quân đội làm dự án.
Mảnh đất này trước đây được giao cho Bộ Quốc phòng làm dự án sân bay Miếu Môn nhưng dân Đồng Tâm vẫn cày cấy trên đó khi dự án sân bay bị dừng.

===== 15/6  =====

Mục sư Nguyễn Công Chính bị biệt giam vì kể với viên chức lãnh sự Mỹ về trải nghiệm trong tù
Cô Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính, người đang bị nhà cầm quyền cộng sản cầm tù, vừa lên tiếng tố cáo nhân viên trại tù đã biệt giam chồng cô để trả thù về việc ông nói với các giới chức Hoa Kỳ về tình trạng bạo hành mà ông phải chịu đựng.
Cô Hồng cho biết mục sư Chính được một nhóm viên chức từ tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn đến thăm hôm 25 tháng 5.
Trong buổi gặp gỡ, ông đã kể chi tiết với họ về việc ông bị tra tấn về thể xác và tinh thần tại ba trại tù nơi ông từng bị giam giữ trong 6 năm qua.
Theo lời kể của mục sư Chính, vào ngày trước khi phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm, nhân viên trại tù đã cảnh cáo ông không được nói bất cứ điều gì có thể làm xấu hình ảnh của trại tù. Tuy nhiên, ông đã không tuân theo mệnh lệnh này và kể về việc nhân viên cai tù đã trộn mảnh thủy tinh vào thức ăn của ông, đánh đập, nhốt ông vào cũi, đưa ông vào phòng biệt giam và áp đặt những hình thức trừng phạt thân thể khác đối với ông.
Sau khi phái đoàn Hoa Kỳ đi khỏi trại tù, mục sư Chính lập tức bị biệt giam trong một chỗ hẹp.
Cô Hồng cũng từng là nạn nhân của nhà cầm quyền cộng sản ở tỉnh Gia Lai, sau khi cô đi gặp Đặc sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế David Saperstein hồi năm ngoái. Chính quyền địa phương đã thẩm vấn cô suốt 3 ngày để bắt cô ký biên bản thú nhận cuộc gặp với ông Saperstein là bất hợp pháp và cô là thành viên của một giáo hội bất hợp pháp.
Sau khi cô Hồng từ chối ký biên bản, cô bị các nữ viên chức tra tấn trong ít nhất 4 tiếng đồng hồ.

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh bị cấm xuất cảnh
An ninh Việt Nam đã không cho cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh xuất cảnh khi cô đang trên đường đi thăm mẹ cô ở Áo.
Ngày 15/6, cô bị an ninh ở cửa khẩu quốc tế Hà Tiên không cho cô xuất cảnh sang Campuchia, nói rằng cô bị dừng vì lý do an ninh, và cô có thể khiếu nại lên Cục Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an.
Cô Hạnh, người bị án tù 7 năm nhưng được trả tự do trước thời hạn vào năm 2014 sau 44 tháng tù giam, định đi sang Áo để thăm mẹ cô, người đang bị bệnh nặng.
Hiện cô Hạnh là chủ tịch Phong trào Lao động Việt đấu tranh đòi quyền được lập công đoàn độc lập, và giúp đỡ công nhân đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.
Cô bị giám sát chặt chẽ bởi an ninh thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô đang cư trú.
Cô thường xuyên bị quấy rối bởi an ninh địa phương. Gần đây, cha cô buộc phải bán nhà ở HCM khi không thể chịu được tình trạng bị khủng bố bằng mắm tôm của mật vụ.

===== 16/06 =====

Thêm hai người bị chết trong đồn công an
Trong tuần có hai người bị chết trong đồn công an và đều bị phía công an nói rằng họ tự sát.
Trong vụ thứ nhất, Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977, chết sau một đêm trong đồn công an ở Tam Bình, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Công an thông báo rằng ông dùng dây thun quần thắt cổ tự tử.
Theo lời kể của gia đình nạn nhân cho biết khoảng 8 giờ tối ngày 13/6,  công an phường Tam Bình gọi ông Tâm lên trụ sở công an làm việc. Đến 7 giờ 30 sáng hôm sau, công an phường đến nhà cho hay ông Tâm thắt cổ bằng dây thun quần, hiện đã được chuyển lên bệnh viện An Bình và đang hôn mê sâu.
Gia đình ông Tâm đến bệnh viện thì được tin ông Tâm đã tử vong.

Trong vụ thứ hai, Hoàng Văn Long, trú tại thôn Tam Liên, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak, bị công an huyện bắt về hành vi trộm cắp hôm 13/6. Tối ngày 15/6, Long đã chết trong trại giam. Công an nói rằng anh tự tử trong buồng giam.
Mặc dù Việt Nam đã ký Công ước Chống Tra tấn năm 2015, nhiều nghi phạm đã bị chết trong đồn công an ở nhiều nơi trong nước. Phía công an nói đa số những trường hợp này là tự tử nhưng người nhà của họ cho rằng tra tấn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ.
Đầu tháng trước, Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị chết trong đồn công an ở tỉnh Vĩnh Long. Công an nói rằng ông Tấn tự sát bằng cách sử dụng dao rọc thư của cán bộ hỏi cung để tự cắt cổ.
Khi khám nghiệm tử thi, nhiều vết thương được phát hiện ở đầu ông cùng với cổ gần bị đứt.
Trong khi đó, tối 16/6, khi phát hiện một nhóm thanh niên chạy xe máy nhưng có người không đội nón bảo hiểm, công an xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đã đuổi theo bắn nhiều phát đạn cao su vào nhóm khiến 3 người bị thương.
Bùi Minh Tuấn, người điều khiển xe máy bị bắn vào đầu còn hai bạn khác là Bùi Văn Lượng và Bùi Nhật Trường bị bắn vào lưng và đùi. Một nạn nhân khác cho biết công an xã có dùng hơi cay để xịt vào nhóm thanh niên.
Công an viên, người nổ súng có tên là Nguyễn Văn Đàn.
Sau khi xảy ra vụ việc, các nạn nhân đều phải nhập viện điều trị vết thương. Người nhà  nạn nhân liên hệ với công an xã thì được dặn rằng “chuyện bé đừng xé ra to”.

===== 17/6 =====

Cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng khiếu nại về việc bị tước quốc tịch
Cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng đã gửi khiếu nại lên Bộ Tư pháp về việc ông bị Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông.
Ông Hoàng cho biết quyết định tước quốc tịch do Trần Đại Quang ký không hề nói rõ ông đã vi phạm gì, và cụ thể họ đã chiếu theo điều nào để tước quốc tịch của ông. Luật sư của ông cũng khẳng định việc tước quốc tịch đối với ông là không có cơ sở pháp luật, vi phạm Điều 2 của Luật Quốc tịch Việt Nam
Tham chiếu theo Luật Quốc tịch Việt Nam, vấn đề tước quốc tịch áp dụng cho hai đối tượng :
– Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (khoản 1); và
– Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo điều 19 (khoản 2), tức chỉ công dân nước ngoài và người không có quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam (điều 19);
Ông Hoàng, tuy có quốc tịch Pháp, nhưng ông đã sinh sống ở Việt Nam từ năm 2007. Năm đó, ông được chấp thuận hồi hương, UBND TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy Chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp Hộ khẩu thường trú cùng Chứng minh nhân dân.
Hôm nay 15/6/2017, trả lời câu hỏi của hãng tin AFP về việc tước quốc tịch Việt Nam của tôi, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời rằng “Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam”.
Ông Phạm Minh Hoàng nhận được giấy mời đi làm việc với Cục Quản Lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an vào ngày 17/6, tuy nhiên ông từ chối không đi làm việc.
Ông nêu rõ nguyện vọng không ra khỏi nước Việt Nam.

=====

Hà Tĩnh khởi tố 3 phụ nữ biểu tình chống Formosa
Nhà cầm quyền Hà Tĩnh tiếp tục đàn áp giáo dân địa phương bằng cách khởi tố ba người dân đấu tranh chống Formosa để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình.
Theo thông báo của công an thị xã Kỳ Anh, ba người phải nhận lệnh áp giải bị can gồm bà Nguyễn Thị Hà, 49 tuổi, bà Trần Thị Tuyến, 39 tuổi, và bà Nguyễn Thị Vân, 37 tuổi. Họ bị vu cho tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.
Được biết, sau khi nhà cầm quyền ra lệnh áp giải bị can đối với ba người dân thuộc giáo xứ Quý Hoà, ở xã Kỳ Hà thì đông đảo người dân đã tập trung lên Uỷ ban xã Kỳ Hà để phản đối .
Sau khi thảm họa môi trường biển miền Trung xảy ra, bà con ngư dân thuộc giáo xứ Quý Hoà, trong địa phận xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh gánh chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên đến nay, người dân Kỳ Hà vẫn chưa nhận được đền bù thoả đáng. Chính vì vậy, họ đã liên tục biểu tình và viết đơn yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thiệt hại.
Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, linh mục quản xứ  Cồn Sẻ nói rằng chính quyền đã khởi tố bị can ba giáo dân thuộc giáo xứ Quý Hoà, xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong cái được gọi là “vụ án gây rối trật tự công cộng” mà kẻ gây rối chính là Formosa và bè lũ đỡ đầu của nó.
Ông kêu gọi bà con đoàn kết để bảo vệ nhau.

——————–

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội bị công an Hà Nội ép làm việc
Sáng ngày 17/6, công an Hà Nội đã đến nhà riêng của cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội để ép ông lên trụ sở công an huyện Thường Tín để tra khảo về một vụ án đang trong giai đoạn điều tra.
Ông Trội, người từng bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế, đã từ chối trả lời các câu hỏi của sỹ quan an ninh, yêu cầu họ đưa các bằng chứng cụ thể về sự liên quan đến vụ án kia. Ông bỏ về nhà vào buổi trưa cùng ngày.
Trước đó một ngày, an ninh Hà Nội đã điều động nhiều nhân viên đến canh gác trước cửa nhà ông.
Sau khi được trả tự do năm 2014, ông Trội từng có thời gian làm chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức sáng lập bởi luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người đang bị giam giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

===== 18/6 =====

Việt Nam đưa Mẹ Nấm ra xét xử vào ngày 29/6
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa dự định sẽ đưa nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử vào ngày 29/6 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Quỳnh đã bị bắt vào ngày 10/10/2016 và bị biệt giam từ đó tới nay, không được gặp gia đình và luật sư. Thậm chí, gia đình cô cũng bị an ninh Khánh Hòa theo dõi, bị canh gác trong nhiều dịp nhằm không cho họ đi gặp quan chức và nhân viên ngoại giao ngoại quốc.
Theo mẹ cô là bà Nguyễn thi Tuyết Lan thì chính quyền đã thông báo lịch xử cho luật sư Nguyễn Khả Thành,
Tin cho biết hai luật sư Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân ở Hà Nội đã nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó hai luật sư thuộc Đoàn Phú Yên là Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn đến ngày 17 tháng 6 vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận bào chữa theo như thư yêu cầu mà blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gửi từ trại giam ra.
Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề tại Việt Nam như chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; cổ súy cho quyền con người; chống nạn công an bạo hành, bảo vệ môi trường sạch…
Cô được Civil Rights Defenders, một tổ chức nhân quyền của Thụy Điển trao tặng danh hiệu Người Bảo vệ Nhân quyền năm 2015, và được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh Người Phụ nữ Can đảm vào tháng 3/2017.

——————-
Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga bị trại giam từ chối đưa đi chữa bệnh
Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, người hiện đang bị giam giữ ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, bị từ chối đơn đề nghị chuyển bà đến bệnh viện điều trị.
Hiện cô bị rách niêm mạc họng, suốt 20 ngày qua chỉ có thể ăn cháo khiến sức khỏe suy kiệt nhanh; trong khi đó điều kiện y tế và thuốc men của trại không bảo đảm khiến bệnh tình của cô Trần Thị Nga ngày càng trầm trọng
Theo luật sư Hà Huy Sơn thì theo luật của Việt Nam hiện nay trại trạm giam phải có trách nhiệm đưa cô đi bệnh viện để điều trị.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt vào ngày 21/01/2017. Cô là người tích cực hoạt động giúp những lao động xuất khẩu bị lừa, đặc biệt những công nhân Việt ở Đài Loan nơi cô từng sang lao động. Cô cũng tham gia hoạt động cổ súy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, lên án bất công, tham nhũng, hủy hoại môi trường…

====================================
Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây






No comments:

Post a Comment

View My Stats