Thursday 1 June 2017

THỦ TƯỚNG ĐỨC ANGELA MERKEL : CHÂU ÂU KHÔNG THỂ TRÔNG CẬY VÀO HOA KỲ (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
May 31, 2017

Thủ Tướng Ðức Angela Merkel đã ra dấu hiệu rằng Châu Âu không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ như là một người bạn đáng tin cậy, phản ảnh một rạn nứt mới giữa hai bờ Ðại Tây Dương vốn xuất hiện sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh với Tổng Thống Mỹ Donald Trump vào tuần qua.

Bà Merkel đã nói tại một buổi meeting vận động tranh cử tại một căn hàng bia tại Munich hôm Chủ Nhật rằng:
“Cái thời mà chúng ta có thể hoàn toàn trông cậy vào những người khác nay có thể nói là đã hết như tôi đã cảm thấy trong mấy ngày qua. Người Âu Châu chúng ta nay phải thật sự nắm lấy vận mênh chúng ta vào trong tay mình.”

Bà Merkel cũng cảnh cáo rằng Liên Hiệp Âu Châu cần phải chuẩn bị cho một tương lai không có Anh một khi tiến trình rút ra của Anh (Brexit) được hoàn tất. Bà Merkel nói:
“Cố nhiên chúng ta cần có quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ và với Anh cũng như với các nước láng giềng khác kể cả Nga. Nhưng chúng ta phải tự đấu tranh cho tương lai chúng ta.”

Vị lãnh tụ nước Ðức đã nói vậy một ngày sau khi trở về sau hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Sicily trong đó các nước Châu Âu đã đụng độ với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông Trump trong chuyến đi Châu Âu đầu tiên với tư cách tổng thống đã từ chối không chịu nói ông công nhận thỏa hiệp Paris về thay đổi khí hậu mà người tiền nhiệm của ông, ông Barack Obama thương thuyết vào năm 2015. Thỏa hiệp Paris bắt đầu có hiệu lực vào Tháng Mười Một năm ngoái, nhưng ông Trump khi vận động tranh cử tổng thống đã tuyên bố ông sẽ rút ra khỏi thỏa hiệp này. Bà Merkel nay nói các cuộc thảo luận rất là “không thỏa mãn,” nói rằng không có dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ ở lại với thỏa hiệp Paris. Còn ông Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ quyết định về thỏa hiệp Paris này vào tuần tới.

Trong chuyến đi Châu Âu, ông Trump cũng chỉ trích Ðức về thặng dư mậu dịch với Mỹ khiến bà Merkel phải lên tiếng bác bỏ rằng những chỉ trích này là “không thích đáng.” Ông tổng thống Mỹ của đụng độ với các nguyên thủ Châu Âu trước đó trong tuần tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại Brussel nơi mà ông chỉ trích các nước Châu Âu là đã không đạt tiêu chuẩn chi ra 2% GDP cho quốc phòng. Ông Trump, vốn đã chỉ trích NATO là “lỗi thời” trong chiến dịch vận động tranh cử, cũng đã từ chối không nhắc tới điều khoản 5 của thỏa hiệp liên minh này trong đó các quốc gia thành viên cam kết hỗ tương bảo vệ cho nhau ngay cả khi đứng trước một đài kỷ niệm tại bộ chỉ huy NATO tại Brussel tưởng niệm vụ tấn công khủng bố 9/11 năm 2001 khi tất cả các thành viên của liên minh NATO lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại khủng bố, lần độc nhất mà điều khoản 5 được sử dụng. Tuy nhiên Trung Tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Trump thì nói chữa với phóng viên nhật báo Financial Times tại Taormina rằng, “Sự thật rõ ràng là Hoa Kỳ vững chãi đứng đằng sau cam kết của điều khoản 5.”

Tướng McMaster nói thật là một chuyện “lạ kỳ” khi chờ đợi rằng ông Trump phải nói ra một cam kết như vậy khi mà chính Mỹ là một trong những nước sáng lập ra NATO vào năm 1949. Ông nói, ông Trump muốn các nước NATO khác tăng cường chi tiêu quốc phòng của họ, và ông nói thêm: “Tất cả những điều ông ta làm là để củng cố liên minh này.”

Thế nhưng những lời nói của bà Merkel phù hợp với một cảm giác gia tăng bên trong giới lãnh đạo Ðức rằng Châu Âu cần phải gia tăng những cố gắng để đoàn kết. Wolfgang Schauble, bộ trưởng Tài Chánh Ðức lúc gần đây tuyên bố ưu tiên một của nước Ðức phải là làm sao giữ Châu Âu – không có Anh – sát lại nhau càng nhiều càng tốt. Bà Merkel vốn cầm đầu liên minh trung hữu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) hiện đang vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư cho cuộc tổng tuyển cử dự trù sẽ tổ chức vào Tháng Chín sắp tới. Những lời tuyên bố của bà được đưa ra tại Munich trong một buổi meeting ủng hộ cho đảng liên minh với CDU, đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo (CSU) mà các thành viên lúc gần đây đã chỉ trích gay gắt chính sách di dân của bà.

Thành ra lời tuyên bố đó cũng có mục đích chính trị nội bộ. Nhưng nó cũng phản ảnh sự bực tức của Âu Châu đối với chính sách của tổng thống Hoa Kỳ. Và nó được sự ủng hộ của các lãnh tụ chính trị khác của Ðức. Ông Martin Schulz, lãnh tụ của đảng đối lập, đảng Dân Chủ Xã Hội thuộc cánh trung tả, còn mạnh lời hơn bà Merkel. Ông Schulz bảo với báo chí ông Trump là một “kẻ phá hoại hết tất cả giá trị Tây phương.” Ông thêm là tổng thống Hoa Kỳ đã làm hại sự hợp tác hòa bình của các quốc gia dựa trên tôn trọng lẫn nhau và bao dung.
Và không phải chỉ ở Ðức. Từ Rome, Thủ Tướng Paolo Gentiloni nói ông đồng ý với bà Merkel là Âu Châu phải tự chọn con đường của riêng mình. Ông nói, hơi ngoại giao hơn một chút, “Ðiều này không lấy đi sự quan trọng của liên hệ xuyên Ðại Tây Dương và liên minh của chúng ta với Hoa Kỳ. Nhưng sự quan trọng mà chúng ta đặt cho những liên hệ này không có nghĩa là chúng ta từ bỏ những nguyên tắc căn bản như quyết tâm của chúng ta để chống lại biến đổi khí hậu và ủng hộ những xã hội cởi mở và tự do mậu dịch.”

Tổng Thống Trump, theo thông lệ, đã lên Twitter để tuyên chiến, “Chúng ta có thâm thủng mậu dịch VĨ ÐẠI với Ðức, cộng với họ CHI ÍT hơn họ phải cho NATO và quân đội. Rất xấu cho Hoa kỳ. Việc này phải thay đổi.”






No comments:

Post a Comment

View My Stats