Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
03:20 PM - 04/06/2017
Đà Lạt
lâu nay là trung tâm nghỉ dưỡng của cả miền Nam với các danh xưng “Thành phố hò
hẹn”, “Thành phố của thông, thác và hoa”, “Paris của Đông Dương”…
Việt Nam có nhiều điểm cao, lạnh hơn Đà Lạt nhưng
không ở đâu có hàng ngàn biệt thự cổ, nhiều thông, nhiều thác, nhiều hoa, nhiều
rau quả và khí hậu tuyệt vời như Đà Lạt.
Các điểm khác chỉ là thị trấn như Sapa (Lào Cai),
Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hoặc là ngọn núi như Bà Nà (Đà Nẵng), Bạch Mã (Thừa Thiên -
Huế). Đà Lạt còn là thành phố “Không có đèn tín hiệu giao thông”, “Không có xe
xích lô”, “Không có máy lạnh” nên không có cảnh “ở trần ngoài phố”...
Đà Lạt là thành phố tiên phong và là thủ phủ của các
trò chơi thể thao cảm giác mạnh ngoài trời.
Do những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng nên dân cư ở
đây, cả người Việt và các dân tộc thiểu số đều chân chất hiền hòa, nói năng nhỏ
nhẹ, đi đứng và giao thông từ tốn, sống chậm… Là nơi thư giãn, nghỉ ngơi cuối
tuần của các gia đình, các nhóm bạn; là điểm hẹn hò, nảy chồi tình yêu và trăng
mật của rất nhiều đôi lứa.
Cũng như nhiều người Việt, tôi yêu Đà Lạt và có nhiều
bạn bè ở đó. Không phải tự nhiên mà bác sĩ Yersin đã chọn Đà Lạt và đề nghị với
toàn quyền Đông Dương xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng cho viên chức và binh
lính Pháp, thay vì phải về cố hương xa xôi cách trở tận trời Âu.
Nhân đây cũng nói thêm, đề án của Yersin đệ trình từ
năm 1893 và được khởi công vào năm 1900, sau mấy lần thực địa. Như vậy tuổi của
Đà Lạt phải được tính từ 1900 chứ không phải 1893 như hiện nay. Nếu Đà Lạt đúng
thì cả thế giới sai. Càng không thể nói “Yersin là người tìm ra Đà Lạt”, vì
vùng đất này thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước và không mất đi đâu cả. Cũng
không phải “Là người đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt” vì ở đó bà con dân tộc thiểu
số sinh sống từ xa xưa. Vào năm 1877, Nguyễn Thông từng đến Đà Lạt ngày nay và
phác thảo kế hoạch xây dựng cứ địa chống Pháp “Lấy nông thôn bao vây thành thị”
ở vùng đất giàu tài nguyên này. Chỉ có thể nói “Bác sĩ Yersin là người khám phá
và góp phần khai sinh ra thành phố Đà Lạt”.
Khoảng hai chục năm nay, Đà Lạt đang ngày càng xấu
đi, không phải vì già mà vì sự tàn phá của con người. Khi đất nước chuyển mình,
cùng với sốt đất, làn sóng dân nhập cư và đầu tư ồ ạt làm Đà Lạt biến dạng tội
nghiệp. Thông bị chặt phá không thương tiếc. Nhà kính trồng hoa ngày càng phát
triển, khi hậu nóng lên từng năm, thác không còn hùng vĩ như xưa. Đà Lạt thành
“Hợp chủng quốc của người Việt”. Những sắc dân bản địa với văn hóa đặc trưng
ngày mỗi co cụm và phai nhạt.
Đặc biệt là các vấn nạn trong ngành du lịch. Đỉnh điểm
là việc chủ cơ sở quầy đặc sản hành hung một du khách nữ ở Đồng Nai ngất xỉu phải
nhập viện cấp cứu vào ngày 31.5 vừa qua.
Không thể có bất cứ biện minh nào cho hành động xấu
xí này, nhất là tại trọng điểm du lịch của cả nước. Nhưng nói đi, thì phải nói
lại vì “Nhân nào thì quả đó”. Trước đây Đà Lạt từng nổi tiếng vì mấy vụ hành
hung hướng dẫn viên từ chối đưa khách vào các lò đặc sản. Cuộc canh tranh giữa
các lò quyết liệt, đẩy hoa hồng ngày càng cao và chất lượng ngày càng giảm, buộc
đội ngũ “cò” phải sử dụng mọi thủ đoạn, chiêu trò giành khách và doanh thu.
Đà Lạt cũng là nơi xảy ra một số tai nạn chết người
bởi các môn thể thao mạo hiểm do những công ty tổ chức mà chưa có giấy phép và
vào những vùng cấm… Những trò chơi mạo hiểm này thuộc ngành thể thao vì phải có
huấn luyện viên và luật chơi cụ thể. Các loại hình này thường do Liên đoàn Thể
thao mạo hiểm quản lý. Ngành du lịch chỉ có hướng dẫn chứ không có huấn luyện
viên.
Nhưng Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung cũng có
những điểm sáng đối lập. Chuỗi nhà hàng Tâm Châu, khởi đầu tại Bảo Lộc là nơi
khởi xướng cuộc cách mạng về nhà vệ sinh và là điểm dừng chân mẫu mực ở Việt
Nam từ 2004. Ban đầu, nhiều xe không dám vào vì thấy quá sạch đẹp, sợ bị chém
giá. Nhân viên phục vụ nói được mấy thứ tiếng. Hễ thấy ai vứt rác là nhân viên
lặng lẽ lượm ngay thay cho lời nhắc nhở. Ngoài trà, cà phê uống thử miễn phí.
Tâm Châu không chỉ bán trà, cà phê của mình mà còn bán sản phẩm của nhiều đối
thủ khác để khách hàng so sánh chọn lựa. Tất cả đều niêm yết giá công khai và
có xuất hóa đơn.
Hay nhất là sự cam kết “Quý khách mua sản phẩm tại
Tâm Châu, trong vòng 1 tháng (bảo hành), nếu không hài lòng sẽ được đổi hoặc trả
lại tiền”. Các trò chơi thể thao mạo hiểm ở thác Datanla được tổ chức rất
chuyên nghiệp và an toàn. Làng Cù Lần, Làng Đất Sét, núi Lang Biang… cũng là những
điểm đến lý tưởng ở Đà Lạt.
Để giải quyết những vấn nạn du lịch Đà Lạt, bên cạnh
việc tăng cường giám sát để phòng bệnh, cần phải có thuốc đặc trị. Các nhà nghỉ,
khách sạn đầu cơ phòng, đẩy giá vượt khung cho phép sẽ bị rút giấy phép tối thiểu
3 tháng đến buộc đóng cửa. Các công ty lữ hành, mấy lò mứt, các dịch vụ lộng
hành bị rút giấy phép từ 6 tháng đến vĩnh viễn. Việc chi hoa hồng được thỏa thuận
công khai, dựa vào doanh thu và hóa đơn máy tính chứ không khoán xe như hiện
nay. Các nước đều làm như vậy. Nhiều cửa hàng ở miền Trung, miền Bắc cũng đã thực
hiện. Các vi phạm phải được xử thật nghiêm, từ cá nhân đến tập thể, cả thủ phạm,
đồng phạm lẫn bảo kê, chống lưng. Bệnh nặng rồi, phải chữa trị quyết liệt. Để
lâu, bệnh di căn càng nguy hiểm.
Mọi việc đều bắt đầu từ con người. Rất cần những nhà
quản lý quyết đoán và có tầm nhìn để giải cứu du lịch Đà Lạt khỏi những cản trở
nguy hại và xấu xí.
Nguyễn
Vũ Mộc Thiêng
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả,
một doanh nhân trong ngành du lịch.
No comments:
Post a Comment