Sunday, 11 June 2017

HÀNH TRANG VIỆT NGỮ : "SỔ TAY CHÍNH TẢ" VÀ BỘ "VIỆT SỬ BẰNG TRANH" (Trangđài Glassey-Trầnguyễn)




9/06/2017

1. Bao năm miệt mài

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt (CLB Hùng Sử Việt) và Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (Ban Đại Diện) vừa cho ra mắt “Sổ Tay Chính Tả Tập 1" (STCT) và bộ “Việt Sử Bằng Tranh Tập 1-4” (VSBT). Chương trình ra mắt sách được trực tiếp truyền hình trên Đài SBTN tại Garden Grove, California vào chiều Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017. Đây là một chương trình đặc biệt nhằm giới thiệu các tài liệu tham khảo về tiếng Việt khá quan trọng, nhất là cho việc sử dụng tiếng Việt hằng ngày, từ cách nói đến cách viết. Chương trình bao gồm các phần phát biểu cảm tưởng và văn nghệ sinh động nhằm đề cao những nét đẹp của tiếng Việt.


Ban Đại Diện và CLB Hùng Sử Việt đã có buổi họp ngày 26 tháng Ba, 2017 tại Văn phòng Ban Đại Diện thuộc thành phố Westminster, California, để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của việc soạn và in sách, cũng như cho buổi ra mắt sách. Theo biên bản buổi họp do tôi lập, Gs Song Thuận cho biết, “STCT là kết quả hạng thứ, từ việc soạn Tự Điển Việt Nam Hải Ngoại, bắt đầu từ tháng 10-2011 đến nay, đã 6 năm. Trong lúc làm tự điển, chúng tôi thấy có nhiều chữ chỏi nhau, không giải thích được. Chúng tôi xét 4 phương pháp của ông Lê Ngọc Trụ khi soạn STCT. Thứ nhất, viết chính tả theo cách nói: nghe sao, viết vậy. Tuy nhiên, trong tiếng Việt có nhiều chữ đồng âm, khó phân biệt; từ ngữ ba miền lại được phát âm khác nhau, không thống nhất được. Do đó, chúng tôi không theo phương pháp 1. Thứ hai, phải phân biệt nghĩa của hai chữ, như ‘châu’ và ‘trâu.’ Chúng tôi chọn phương pháp này. Thứ ba, chọn theo số đông. Chúng tôi không dùng phương pháp này, vì số đông không phải lúc nào cũng đúng. Thứ tư, viết chính tả theo từ nguyên, ví dụ sà lách (salade), sà bông (savon), etc. Chúng tôi chỉ dùng phương pháp 2 và 4 mà ông Lê Ngọc Trụ đề ra.” Các tài liệu tham khảo trong quá trình biên soạn gồm các tự điển cổ nhất như của Huỳnh Tịnh Của đến mới như Lê Văn Đức. Bác sĩ Đinh Thái Sơn, Chủ Tịch Ban Điều Hành CLB Hùng Sử Việt, đã nhớ lại những tuần lễ miệt mài coi lại bản thảo STCT. Ông tin tưởng, “Quyển sách sẽ có giá trị khi nó theo một phương pháp khoa học.” Gs Song Thuận tán đồng, song cũng đưa ra nhận xét về việc dung hoà giữa khoa học và thói quen. Ông nói, “Tuy nhiên, có nhiều chữ mình phải chấp nhận chữ mà mọi người đã quen. Như khoái trá’ đúng ra là ‘khoái chá,’ chá là chả, ăn ngon quá, là thích, nhưng nhiều người đã quen ‘khoái trá’ nên không đổi lại ‘khoái chá’ được.”

Tôi được biết về sinh hoạt của CLB Hùng Sử Việt đã nhiều năm, nhưng mãi đến năm 2013 thì mới liên lạc với hội. Ngày 20 tháng 8, 2013, tôi đã email Gs Song Thuận để bày tỏ lòng biết ơn khi nhận quyển sách "Những Bài Học Lịch Sử" do Gs phổ biến tại Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 25 năm đó, và rất mừng có được một tài liệu quý giá như vậy cho việc giảng dạy Việt ngữ. Tôi đã ngưỡng mộ những công việc mà Gs vẫn làm trong nhiều năm nay, nhất là khi thấy CLB Hùng Sử Việt ngày càng lớn mạnh và mở rộng đến nhiều cộng đồng Việt Mỹ khác ngoài Quận Cam. Tôi muốn tìm mua quyển "Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ", và chia sẻ với Gs bài tôi viết theo chủ đề của Khoá năm đó được đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ với tựa đề "giữ tiếng Việt, vững nước Việt." Gs Song Thuận đã hồi âm ngay, và dặn tôi sửa lại vài lỗi đánh máy sai trong "Những Bài Học Lịch Sử." Nhân đó, Gs mời tôi tham gia vào Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt Nam tại Hải Ngoại với buổi họp hàng tháng. Tuy lúc đó tôi có hai con còn nhỏ, mà một cháu còn nằm nôi, nhưng tôi vẫn đến họp để tìm hiểu thêm về công việc của Nhóm. Tôi là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm, và là người nữ duy nhất hoặc trong số 2 người nữ có mặt, tuy trong Nhóm có nhiều vị nữ lưu vẫn luôn góp sức cho việc biên soạn qua email.
Trong những trao đổi và thảo luận qua email cũng như tại các buổi họp để soạn TĐVNHN và STCT, tôi nhận thấy Nhóm Biên Soạn làm việc với tinh thần tận tâm, nhẫn nại, dân chủ, khoa học, và cầu toàn, nhất là vị chủ biên. Có lần, khi đến họp, tôi mới biết Gs Song Thuận vừa đi soi ruột về, bác sĩ buộc phải nghỉ ngơi, không được ra khỏi giường. Vậy mà ông vẫn đến họp, và tuy vẻ mặt xanh xao, ông vẫn chủ toạ buổi họp và bàn luận rất sôi nổi. Khi có một chữ cần được cân nhắc hay có điều gì cần thảo luận, thì vị Chủ Biên email cho mọi người để trưng cầu ý kiến. Sau đó, nhiều thành viên góp ý kiến cũng như đưa ra những tài liệu tham khảo để rộng đường bàn luận. Những vị trong Nhóm Biên Soạn đa số đều là những chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trước 1975, nên tôi thấy, đây là điểm mạnh của Nhóm. Bởi vì khi bàn đến những chữ nào thuộc chuyên ngành gì, thì cũng có người đã sống qua môi trường đó để góp ý cách thực tế, nhất là vì STCT và TĐVNHN nhắm tới những từ ngữ thông dụng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, Nhóm đưa vào STCT những chữ không quá thông dụng, nhưng lương tâm nhà giáo buộc phải sửa lại cho đúng.

Chẳng hạn trong email ngày 13 tháng Tư, năm 2016, Gs Song Thuận xin ý kiến của Nhóm về chữ ‘chày sương.’ Ông tham khảo 5 quyển tự điển khác nhau, và 3 quyển không nhắc tới chữ này, còn 2 quyển kia thì định nghĩa giống nhau nhưng lại định nghĩa sai. Ban đầu, ông cũng muốn bỏ qua từ "chày sương" vì thấy không thông dụng. Nhưng vì định nghĩa trong 2 tự điển kia đều không chính xác, liệu Nhóm Biên Soạn có cần định nghĩa lại cho đúng không? Sau những đóng góp ý kiến, chữ ‘chày sương’ đã được đưa vào STCT với giải thích như sau ở trang 60-61:

chày sương: (tiếng văn chương, văn hào Nguyễn Du dùng khi viết Truyện Kiều, dựa theo tích chày ngọc và cối ngọc giã thuốc tiên. Xem ghi chú trong Truyện Kiều): Chày sương chưa nện cầu Lam (ý nói Kim Trọng và Thuý Kiều chưa phải là vợ chồng).

Nếu Nhóm Biên Soạn đã mất sáu năm mới hoàn tất STCT, thì Ban Đại Diện cũng mất nhiều năm để tái bản bộ VSBT. Bộ sách vốn do Tác giả Bùi Văn Bảo (thân sinh của cố Nhà báo Bùi Bảo Trúc) thực hiện, bao gồm 30 tập, được in và phát hành tại Canada bắt đầu từ tháng 9 năm 1989 cho đến tháng 12 năm 1990 thì hoàn tất. Sách kết hợp lịch sử và văn hoá Việt Nam, do 20 họa sĩ khác nhau minh hoạ. Trong Tập Một, bộ cũ, với nhan đề “Huyền Sử Đời Hùng,” của Nhà xuất bản Quê Hương, tác giả Bùi Văn Bảo viết: “Việt Sử Bằng Tranh được biên soạn theo đúng diễn tiến liên tục của lịch sử Việt Nam, nghĩa là từ đời Hồng Bàng cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn. Như vậy VSBT không phải là những tiểu truyện rời rạc của từng danh nhân một như mấy cuốn truyện tranh đã xuất bản từ xưa đến nay, mà tập trước của VSBT liên hệ đến tập sau một cách chặt chẽ.”

Gia đình học giả họ Bùi đã ủy quyền và trao bộ sách cho Ban Đại Diện để tiếp tục phổ biến đến cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là qua việc giảng dạy Việt Ngữ ở khắp nơi. Sau buổi họp hồi cuối tháng Ba, Thầy Đặng Ngọc Sinh đã khoe với tôi Tập I của Bộ VSBT. Thấy hình ảnh màu sắc thật nghệ thuật, tôi hỏi, “Mình tô màu bằng tay hay máy điện toán, thưa Thầy?” Thầy Sinh đáp, “Cả hai cách, nhưng phần lớn là tô bằng tay, vì có nhiều chi tiết không dùng điện toán được.” Thầy Sinh là người chuyên Toán, nhưng lại được trời phú cho tài vẽ đẹp, nên đã miệt mài trong nhiều năm ‘nhuận sắc’ cho hình ảnh minh hoạ của bộ Việt Sử, vốn nguyên thuỷ chỉ là hình phác hoạ trắng đen.

2. Tài liệu quý báu

Giáo sư Nguyễn Song Thuận

Là người đầu tiên phát biểu trong ngày ra mắt sách, Giáo sư Nguyễn Song Thuận đã gửi lời chào trân trọng đến mọi người, “thay mặt Nhóm Tác Giả gồm hàng trăm quý vị trí thức hải ngoại và thầy cô giáo dạy Việt ngữ.” Ông tiếp,

“Mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng. Dân tộc nào cũng trân quý, gìn giữ và hãnh diện về tiếng nói của mình. Dân tộc Việt cũng vậy. Tiếng nói được ký hiệu bằng những hình vẽ, hay những chữ cái ghép lại, với mục đích để học hỏi và lưu truyền tư tưởng cho đời sau: Đó là chữ viết. Chữ viết là một sinh ngữ, có đời sống, từ bán khai đến chân, thiện, mỹ rồi bị huỷ diệt hay tái sinh. Theo truyền thuyết, nước ta đã có chữ viết từ thời lập quốc. Ngày nay ta có chữ nôm trông giống chữ Hán và chữ quốc ngữ trông giống chữ viết của người Âu Mỹ. Chữ quốc ngữ chính là Chữ Việt. Muốn Chữ Việt được thống nhất, trong sáng và đẹp đẽ, Nhóm Thực Hiện Từ Điển Tiếng Việt Tại Hải Ngoại chúng tôi đề nghị một số phương pháp và mẹo luật như sau. Thứ nhất: dùng phương pháp so sánh và phân biệt chữ đồng âm và tôn trọng luật tự nguyên, như Học Giả Lê Ngọc Trụ đã đề ra. Thứ hai: đề nghị một số "mẹo luật" để dễ nhớ, như mẹo đội mũ phân biệt dấu mũ, mẹo "dùng sức" phân biệt "d đ " hay "gi", mẹo "hỏi, ngã" bằng hai câu thơ: Cô Huyền mang nặng ngã đau, Cậu Ngang sắc mắc hỏi sao thế này… Sau 6 năm miệt mài nghiền ngẫm, họp bàn, tham khảo hàng chục cuốn Tự Điển và sách giáo khoa trước và sau 1975, cũng như áp dụng các phương pháp khoa học, chúng tôi cho xuất bản cuốn Sổ Tay Chính Tả – Tập 1 này, dưới dạng bảng so sánh, dễ đọc dễ hiểu. Sổ Tay Chính Tả sẽ dùng làm nền cho cuốn Từ Điển Tiếng Việt xuất bản tại hải ngoại nay mai. Chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến và đề nghị quý báu của toàn thể quý vị, ngõ hầu có thể làm cho Chữ Việt mỗi ngày thêm phong phú và trong sáng, xứng đáng là một trong những sinh ngữ thiết thực, đóng góp cho nền Văn Minh Nhân Loại trên hành tinh này.”

Kế đến, Thầy Vũ Hoàng thay mặt cho Ban Đại Diện đã trình bày về nguồn gốc của bộ VSBT, cũng như quá trình tái bản công phu từ bản gốc của nhà giáo Bùi Văn Bảo. Thầy nói,

“Thay mặt cho BĐDCTTVNNC, tôi xin được hân hạnh giới thiệu đến quý vi 4 trong số 15 tập sử bằng tranh bộ mới. Nguyên tác của bộ sử nầy gồm 30 tập khổ 5.5"x7.5" do cụ cố nhà Giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo ấn hành. Sau nầy bộ sách đã được gia đình của cụ ưu ái và tin tưởng tặng cho BĐD và cho phép chúng tôi được quyền hiệu đính và tái bản, cứ 2 quyển nhỏ trở thành 1 quyển lớn khổ 8.5" x 11", in trên giấy láng, hình màu tuyệt đẹp và bằng cả 2 thứ tiếng, Việt và Anh, để cho các em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, cũng như người bản xứ có thể đọc và tìm hiểu về Sử Việt Nam. Một vài người đã hỏi chúng tôi rằng, động lực nào, nguồn tài trợ ở đâu và trở ngại nào trong việc hiệu đính và tái phát hành bộ sử mới nầy? Thưa quý vị, ngoài việc tái bản hàng năm sách Giáo Khoa để có đủ tài liệu giảng dạy cho khoảng 200 các trường trong Hoa Kỳ và ngoại quốc, việc dành ra một số tiền khá lớn để in 4 tập sử bằng tranh đầu tiên cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi.”

Nhưng vì thấy công việc in lại bộ VSBT là cấp thiết và cần thiết, BĐD đã không ngần ngại dành ra một ngân sách 32 ngàn đô để in bốn tập đầu. Quá trình thực hiện đầy công phu, như Thầy Hoàng kể lại,

 “Trước hết phải tìm các họa sĩ vẽ lại một số hình và tô màu lại các hình trong sách cho bắt mắt các em hơn. Nhờ người đọc lại toàn bộ và chỉnh sửa lại các lỗi chính tả, các câu văn sao cho gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa và dễ hiểu; tìm các nhà chuyên về dịch thuật để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh cũng gọn gàng và đầy đủ ý nghĩa. Sau cùng là tìm người layout và nhà in. Những người nầy đã đóng góp công của một cách đáng kể để cho chúng ta có được 4 tập Việt Sử Bằng tranh đầu tiên mà quý vị thấy hôm nay. Một nỗi băn khoăn nữa là không biết các trường, các phụ huynh và những người còn thiết tha với tiền đồ tổ quốc có đón nhận bộ sử nầy hay không? Nhưng dù sao đi nữa thì bộ sử mới cũng phải được cho ra mắt quý vị hôm nay.” Thật ra, sự quan tâm đến bộ Việt Sử vốn đã có từ nhiều năm. Thầy Hoàng nói, “Tôi nhớ cách đây 3 năm, cũng nhân một buổi trực tiếp truyền hình ra mắt bộ sách Giáo Khoa của Ban Đại Diện, chúng tôi cũng đã giới thiệu bộ VSBT nầy và đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của quý thầy Cô và phụ huynh từ khắp Hoa Kỳ và Canada. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa đủ khả năng tài chánh để thực hiện, nên chúng tôi đã phải xin lỗi và hoàn lại số tiền mà quý vị đã đặt mua.”

Giảng dạy lịch sử một cách đúng đắn là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, như mọi con dân Việt thao thức về quê hương, dân tộc đều biết. Thầy Hoàng chia sẻ,

“Sử phải là một tài liệu được ghi chép một cách trung thực tất cả mọi sự việc đã xẩy ra của một quốc gia từ khi lập quốc cho đến hiện tại, được dùng làm tài liệu tham khảo, được in thành sách dùng để dạy tại các trường học trong nước, và được lưu truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Ngày nay, trẻ em trong nước không còn được học sử nữa. Đây là một âm mưu thâm độc để làm suy yếu tinh thần dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. Các em sau nầy không biết đâu là nguồn cội của mình! Đây là một trong số các chiến lược để xâm chiếm Việt Nam từ Tầu cộng. Tại hải ngoại, chúng ta dạy con em chúng ta biết thế nào là tình yêu quê hương, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, và ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc đã vì nước quên mình, đã đánh bại hàng loạt các cuộc ngoại xâm từ phương Bắc, và nhất là để nuôi dưỡng ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Kính thưa quý vị, “vô tri bất mộ.” Chúng ta phải dạy con cháu chúng ta về sử nước nhà. Chúng ta phải gieo vào lòng các em tình yêu quê hương, tự hào dân tộc, ghi nhớ công ơn của tiền nhân, của các vị anh hùng dân tộc đã đổ bao nhiêu xương máu để giữ gìn bờ cõi, không để một tất đất, một giọt nước rơi vào tay quân giặc. Quý vị hãy tiếp tay với chúng tôi bằng cách mỗi trường, mỗi Thầy Cô, mỗi nhà nên có một bộ sử bằng tranh để dạy các em biết về lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Hãy đọc sử Việt Nam cho các em thiếu nhi nghe như truyện mẹ kể khi đi ngủ, ngày nầy qua tháng khác nó sẽ thâm nhập vào lòng các em lúc nào không biết. Sự ủng hộ của quý vị cũng sẽ giúp chúng tôi có thêm phương tiện tài chánh để tiếp tục in 11 tập sử bằng tranh còn lại, để không phụ lòng cụ cố nhà giáo Bùi Văn Bảo và gia đình đã tin tưởng và ủy thác cho chúng tôi trong công cuộc bảo tồn và phát huy lịch sử truyền thống của người Việt Nam.”

Ban Đại Diện cũng mượn dịp này để dâng lên Cụ Cố Bùi Văn Bảo và tỏ lòng biết ơn với đại gia đình họ Bùi. Thầy Vũ Hoàng đã trân trọng mời bà Bùi Mỹ Dương lên sân khấu để nhận bốn quyển Việt Sử Bằng Tranh, một món quà tinh thần đầu tiên mà Ban Đại Diện đã dành nhiều công sức để thực hiện trong năm nay.


3. Hành trang giới trẻ

Giáo sư Trần Chấn Trí, một trong ba vị MC điều khiển chương trình ra mắt sách, đã hỏi tôi,

Thưa cô Trang Đài, 23 năm trước đây, cô đã từng là cô giáo dạy Việt Ngữ. Nay cô là nhà nghiên cứu khoa học xã hội và văn học. Chúng ta vẫn thường nghe các bài hát ‘Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời’ của Nhạc sĩ Phạm Duy, hay ‘Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau’ của Nhạc sĩ Lê Thương, hay ‘Cây có cội nước có nguồn, cội nguồn ta trong tiếng nói Việt Nam’ của Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Tuổi trẻ và tiếng Việt quan trọng là thế. Vậy tài liệu Sổ Tay Chính Tả và Bộ Việt Sử Bằng Tranh sẽ giúp gì cho các bạn trẻ?”

Trước hết, tôi đã gửi lời chào đến quý quan khách và khán giả, và cám ơn Thầy Trí đã đặt câu hỏi. Thứ đến, tôi xin trình bày hai điểm chính. Thứ nhất, đây là những quyển sách cần thiết cho việc dạy Việt ngữ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong hơn hai thập niên qua, tôi đã đến nhiều nơi trên nước Mỹ và mười mấy nước trên thế giới để trực tiếp nghiên cứu về kinh nghiệm của người Việt hải ngoại, nhất là qua sự bảo trợ của Chương trình Fulbright thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ở bất cứ nơi nào tôi đến, dù là những nước có ít người Việt như Thụy Điển, đến những nơi có người Việt định cư từ rất lâu đời như ở Pháp, thì tôi luôn thấy việc dạy tiếng Việt được duy trì: cha mẹ dạy con tại nhà, hay đưa con đến học tại các trường Việt Ngữ. Một điều mà mọi người đều quan tâm là làm sao có được những tài liệu có giá trị để dạy tiếng Việt cho các em. Qua kinh nghiệm dạy Việt ngữ từ đầu thập niên 90, qua kinh nghiệm huấn luyện cho các Thầy Cô đang giảng dạy tại các trường Việt ngữ và tại các trường công, và qua việc cố vấn cho các Thầy Cô trong chương trình song ngữ Việt-Anh tại các trường công tại Hoa Kỳ, tôi vẫn đối diện với mối quan tâm này mỗi ngày. “Sổ Tay Chính Tả" và “Việt Sử Bằng Tranh" sẽ đáp ứng một phần nào nhu cầu đó. Hơn nữa, với tình trạng tiếng Việt trong nước bị ô nhiễm như hiện nay, những tài liệu này lại càng trở nên cần thiết cho những ai muốn trao truyền một tiếng Việt trong sáng, thuần tuý cho những thế hệ tiếp nối.

. “Sổ Tay Chính Tả" và “Việt Sử Bằng Tranh"

Thứ hai, những tài liệu này sẽ giúp các thầy cô và phụ huynh trẻ rất nhiều trong việc giảng dạy, bảo tồn, và phát huy tiếng Việt tại hải ngoại. 42 năm trước, khi miền Nam thất thủ, không chỉ quê hương chúng ta bị đứt đoạn, tự do bị bẻ gãy, mà chính tiếng Việt thân yêu đã bị đứt gãy, nhất là cho những ai sinh sau ngày 30 tháng Tư như tôi, những người mà tôi gọi là ‘thế hệ mồ côi.’ Mồ côi vì khi chúng tôi chào đời, Cha thì bị bắt đi cải tạo, đi vượt biên, Mẹ thì bị ép đi kinh tế mới, đi lao động thí công cho chính quyền mới. Chúng tôi lớn lên với một tiếng Việt còi cọc, nhồi sọ. Hệ thống giáo dục và truyền thông trên cả nước sau 1975 bị biến thành công cụ tuyên truyền, đưa đến sự đứt gẫy hoàn toàn trong tiếng Việt. STCT và bộ VSBT sẽ cho những người Việt trẻ một hành trang thích hợp và hữu ích để trao dồi và giảng dạy tiếng Mẹ đẻ. Tôi ước gì hai mươi mấy năm trước, mình có được những quyển sách này để dạy tiếng Việt cho các em. Hơn nữa, chúng ta cần khẳng định là mình đang dạy tiếng Việt tại hải ngoại, và vì vậy, tiếng Việt này cần phản ánh kinh nghiệm của người Việt tỵ nạn và di cư; và tiếng Việt này khác với tiếng Việt trong nước hiện nay. Thêm vào đó, sau hơn bốn thập niên định hình, cộng đồng hải ngoại tiếp tục nhìn thấy nhiều người trẻ dấn thân và đảm trách những vai trò lãnh đạo. Các Thầy Cô trẻ trong tương lai gần cũng sẽ tiếp nối những thế hệ Việt Ngữ đầu tiên trong việc điều hành và phát triển phong trào Việt Ngữ hải ngoại. Năm nay, Ban Đại Diện sẽ tổ chức Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 29 vào cuối tháng Bảy với chủ đề “Tiếng Việt Truyền Thống đối với các Thầy Cô trẻ.” Nên ‘Sổ Tay Chính Tả’ và ‘Việt Sử Bằng Tranh’ được xuất bản vào thời điểm này thì thật là tuyệt vời! Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu quý Thầy Cô, quý phụ huynh, mỗi gia đình người Việt cùng mua những tài liệu này và ghi danh đi tu nghiệp để giúp con em mình học tiếng Việt và tạo điều kiện cho Ban Đại Diện tiếp tục thực hiện những tập còn lại của bộ sách sử.

Để có “Sổ Tay Chính Tả,” “Việt Sử Bằng Tranh" bộ mới song ngữ Anh-Việt tập 1-4, và “Việt Sử Bằng Tranh” bộ cũ tam ngữ Anh-Pháp-Việt 30 tập, xin quý vị liên lạc Thầy Vũ Hoàng: info@taviet.org, georgehvu@gmail.com, 714 881 9294, hay thư về Ban Đại Diện Các Trường Việt Ngữ Nam California, TAVIET LCS, 8295 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683.

Hình: Trangđài, Phạm Quốc Việt, Phạm Ngọc Lân, Đắc Đinh

--------------------------

XEM THÊM :







No comments:

Post a Comment

View My Stats