Saturday, 17 June 2017

DÂN CHỦ LÀ MUA BẢO HIỂM (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
June 16, 2017

Một điều học được qua những cuộc bỏ phiếu toàn quốc ở Anh, Mỹ, Pháp trong một năm qua là người ta rất khó đoán trước kết quả. Khó đoán trúng được cử tri sẽ bầu cho đảng nào (Pháp), ứng cử viên nào (Mỹ), hoặc đường lối nào cho quốc gia (Anh). Những chuyên viên nghiên cứu dư luận cũng thất bại. Bởi vì, mặc dầu vẫn nắm vững những phương pháp rất khoa học, nhưng vì thái độ và hành động của các cử tri thay đổi bất ngờ nên các giả thiết họ đặt ra về tâm lý con người có lúc hoàn toàn sai. Có những cử tri luôn trung thành với một đảng bỗng chán không thèm đi bầu cho ai cả. Có những người chẳng thiết tha đến chuyện bầu cử bỗng nổi nóng quyết tâm đi bỏ phiếu cho một người mình thích!

Năm ngoái, bên Anh, vụ “Brexit” làm mọi người choáng váng. Khi Thủ Tướng David Cameron mời dân Anh bỏ phiếu hỏi có muốn tách khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) hay không, ông tin rằng đa số dân sẽ nói “Không” như chủ trương của cả hai đảng lớn nhất. Không ngờ, sau cùng phe “Tách” chiếm đa số. Năm nay, bà Thủ Tướng Theresa May lại tổ chức bầu nghị viện sớm (đến ba năm nữa mới cần bầu lại). Bà tính thắng lớn để có thế mạnh khi thương thuyết vụ Brexit với chính phủ các nước khác trong EU. Kết quả, đảng Bảo Thủ đang chiếm đa số vững vàng ở nghị viện giờ tụt xuống dưới một nửa, thay vì mạnh hơn thì chính phủ bà sẽ yếu hơn.

Cuối năm, Tổng Thống Donald Trump đắc cử khiến giới chính trị trong cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ kinh ngạc. Trước đó một năm không ai tin ông Trump có chút hy vọng nào. Họ báo động ông ta không thích hợp (fit) với vai trò tổng thống; mà cũng không ai biết chắc đường lối, chính sách của ông sẽ ra sao.

Ở Pháp, Tổng Thống Emmanuel Macron và phong trào En Marche của ông thắng cử cũng là chuyện vô tiền khoáng hậu. Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội vẫn thay nhau cầm quyền mấy chục năm, cả hai đều rớt đài thảm hại. Một ứng cử viên chưa đầy 40 tuổi với một tập hợp chính trị mới ra đời mấy tháng trời đã làm đảo lộn trật tự cũ.

Kết quả những cuộc bỏ phiếu trên làm nổi bật một điểm nổi bật của xã hội dân chủ; là tính chất bất định (uncertainty), khó tiên đoán. Các chế độ độc tài khác hẳn. Trước khi dân bỏ phiếu người ta đã biết ai sẽ thắng, biết đến cả tỷ số thắng bao nhiêu!

Tâm lý con người thường không thích sống trong bất định. Đó là lý do các hãng bảo hiểm đã ra đời và sống mạnh! Sau khi mua nhà, mua xe, ta đi mua bảo hiểm ngay, cho đỡ lo lắng. Suốt đời chúng ta lúc nào cũng phải lo chuyện bảo hiểm! Kim Trọng và Thúy Kiều sau khi thề ước đã trao đổi ngay một số vật quý làm tin, cũng là một hình thức bảo hiểm!

Vậy tại sao loài người vẫn muốn xây dựng xã hội có dân chủ tự do, chấp nhận tình trạng đầy bất trắc trong cuộc sống thay đổi thường xuyên như vậy?

Nói cách khác, khi tính thiết lập chế độ dân chủ, giống như khi xây một cái nhà mới, chúng ta mua bảo hiểm ở đâu để tránh những rủi ro mà tính bất định có thể gây ra?

Có một cách giải đáp sẵn sàng, là nêu lên nguyên tắc: “Toàn dân chọn người nắm quyền, ai chiếm đa số phiếu thì thắng, qua những cuộc bỏ phiếu tự do, có định kỳ.” Dùng những quy tắc bảo đảm, khi nào đa số dân chọn lầm người lãnh đạo (lầm lẫn là một quyền hiến định của mọi công dân), hậu quả tai hại sẽ bị giới hạn, vì sau ít năm dân sẽ nghĩ lại khi họ bỏ phiếu. Như Pericles ở Athens nói, vào khoảng năm 430 BC, “tuy chỉ một số người nhỏ nắm quyền đề ra các chính sách, tất cả chúng ta có thể phán đoán các chính sách của họ.”

Nhưng các quy tắc trên có đủ làm “bảo hiểm” cho những rủi ro của chế độ dân chủ hay không? Có hai mối rủi ro cần phải tránh: Thứ nhất, làm cách nào để nếu dân chọn lầm người lãnh đạo, người đó sẽ không làm hại quá đáng trong bốn, năm năm cầm quyền (sáu năm ở Mexico, bảy năm ở Nga)? Thứ hai, làm cách nào ngăn cản không cho họ tự biến thành độc tài chuyên chế như Hitler đã làm ở Đức, Marcos ở Phillipines (cả hai đều không cướp chính quyền, họ được dân bàu trong những cuộc bỏ phiếu đúng hiến pháp).

Theo kinh nghiệm thì những quy tắc như bàu cử tự do, có định kỳ, vẫn chưa bảo đảm đầy đủ cho chế độ dân chủ.

Theo Karl Popper, tác giả The Open Society and its Enemies (Xã hội mở và những kẻ thù, 1945) thể chế dân chủ còn thiếu sót khi không nêu đúng những câu hỏi hệ trọng nhất.

Khi chuẩn bị thiết lập thể chế dân chủ, người ta thường đặt những câu hỏi nào?

Thông thường nhất là những câu hỏi có tính chất định nghĩa, như “Ai làm chủ quyền hành?” Câu trả lời hiển nhiên là: “Tất cả mọi người dân.” Nhưng làm cách nào toàn dân có thể cùng nắm quyền như khi các công dân ở Athens họp nhau? Trả lời: Họ bỏ phiếu chọn những đại biểu, mà triết gia Plato ngây thơ đặt tiêu chuẩn, “phải là những người tốt nhất.” Ai biết người thế nào là “tốt nhất?” Mỗi người mỗi ý, ai cũng có quyền chọn như nhau.

Dân thành phố Athens có lúc muốn những cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do và công bằng, đã chọn người cầm quyền bằng các bốc thăm! Mọi công dân ai cũng có hy vọng đắc cử, công bằng tuyệt đối!

Dù cho dân chúng tự do chọn người nắm quyền, theo tiêu chuẩn mà họ quyết định, chúng ta cũng chưa mua đủ bảo hiểm cho hai loại rủi ro đã nêu trên đây. Một người được đa số dân bầu, có thể làm bậy suốt nhiệm kỳ. Họ vẫn có thể học theo Napoleon, lái cả chế độ gọi là dân chủ thành đế chế mà dân chúng vẫn hoan hỉ, theo ông kéo nhau đi chết vinh quang!
Câu hỏi thích đáng nhất khi thiết lập dân chủ, như Karl Popper đề nghị là: Cơ cấu chế độ làm cách nào ngăn cản các bạo chúa?

Đây là một câu hỏi rất thực tế, không xứng đáng được các triết gia bàn luận, như khi hỏi: Gốc của quyền hành bắt nguồn từ đâu ra? Nói cách khác: Trên lý thuyết, anh nhân danh cái gì mà đòi nắm đầu nắm cổ người khác? Lịch sử đã thử trả lời nhiều cách: Thiên mệnh, Thượng Đế, truyền thống, lịch sử, giới vô sản, hoặc nhân dân,… Những câu trả lời này giờ không còn ai tin nữa. Nhưng câu hỏi “ai nắm quyền?” vẫn được truyền tụng, vì trên lý thuyết đó là vấn đề quan trọng nhất.

Lối đặt câu hỏi thực tế trên, không phải Karl Popper tự nghĩ ra. Vốn người nước Áo, sống ở New Zealand, nhưng ông rút kinh nghiệm lịch sử chính trị nước Anh. Từ khi ký kết bản Đại Hiến Chương giữa nhà vua và giới quý tộc (Magna Carta, 15 Tháng Sáu, 2015), chế độ chính trị ở Anh đã tiến dần dần, mỗi bước tiến lại đặt thêm những giới hạn trên quyền hành của nhà vua. Trải qua nhiều thế kỷ, sau cùng ông hay bà vua chỉ còn là một biểu tượng; đến lượt quyền hành của những vị thủ tướng bị giới hạn. Tất cả chỉ theo tập tục, nước Anh không cần viết hiến pháp.

Cho nên, Karl Popper cho rằng điều quan trọng nhất khi chuẩn bị thiết lập dân chủ là đặt giới hạn trên quyền hành. Bản Hiến Pháp lâu đời nhất thế giới, phát hành ở Mỹ, rất ngắn ngủi. Điều được quan tâm nhất trong đó là đặt những giới hạn quyền hành của vị tổng thống. Họ đặt ra hai viện Quốc Hội và một Tối Cao Pháp Viện độc lập để làm công việc này. Để bảo đảm khi một phe nhóm nắm được cả ba bánh xe của guồng máy chính quyền cũng không có thể độc tài chuyên chế, Hiến Pháp Mỹ đề cao quyền của các tiểu bang, làm giới hạn cho quyền của chính phủ liên bang. Muốn ăn chắc hơn, họ đặt ra những thủ tục rất nhiêu khê, khó khăn, cho việc thay đổi Hiến Pháp. Một ông Napoleon hay ông Hitler khó làm ăn ở nước Mỹ.

Những ai đang chuẩn bị tâm tư, trí não bàn chuyện thiết lập tự do dân chủ ở nước Việt Nam nên chú ý đến câu hỏi quan trọng này: Làm cách nào giới hạn quyền hành của người cầm quyền, kể cả những người do dân tự do bầu lên?

Khi chúng ta mua được thứ bảo hiểm đó rồi thì có thể yên tâm hơn. Chính trị một quốc gia có thể đầy những chuyện bất ngờ, như Macron, Trump hoặc Brexit cho thấy, nhưng người dân vẫn yên tâm. Vì chế độ của họ đã mua bảo hiểm rồi!

Nói như Winston Churchill, Chế Độ Dân Chủ là thể chế (chọn người cần quyền) dở nhất. Nó chỉ đỡ tai hại hơn tất cả những thể chế khác đã đem thử trên trái đất này. Churchill không nhận ông nghĩ ra ý kiến đó. Ông nói, trước Viện Dân biểu ngày 11 Tháng Mười Một, 1947, rằng có người đã nói như vậy. Đời sống đầy rủi ro. Chế độ Dân Chủ được coi là “đỡ hại nhất” có lẽ khi mua đủ bảo hiểm, tránh được nhiều rủi ro nhất!






No comments:

Post a Comment

View My Stats