Friday, 9 June 2017

CHÍNH TRƯỜNG ANH CHAO ĐẢO SAU BẦU CỬ. THỦ TƯỚNG THERESA MAY LẬP CHÍNH PHỦ THIỂU SỐ (tin tổng hợp)




Lê Hải – RFI
Đăng ngày 09-06-2017

Thủ tướng Anh tổ chức bầu cử sớm với hi vọng sẽ củng cố quyền lực trước ngày đàm phán Brexit rút Anh Quốc khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng kết quả đêm qua đã làm đảo lộn mọi dự định. Lãnh đạo phe đối lập kêu gọi thủ tướng từ chức, sau khi chiếm lại được hàng chục ghế sau một tháng vận động. Mất đi số ghế đủ để quá bán trong Quốc Hội, hiện đảng Bảo Thủ đang trong tình thế vô cùng khó khăn.

Luân Đôn đỏ rực
Sáng nay một số nơi trên hòn đảo Anh chỉ hửng nắng trong chốc lát trong một ngày được dự báo có mây mù và mưa rào rải rác do trận gió lớn thổi từ Luân Đôn lên phía bắc. Có lẽ đây cũng chính là bức tranh mô tả chính trường nước Anh ngày hôm nay (09/06/2017), sau một đêm kiểm phiếu đầy hồi hộp. Bởi vì, ngay từ hồi nửa đêm các chuyên gia về bầu cử của đài BBC đã bất ngờ trước kết quả thăm dò mới nhất, cho thấy đảng Bảo Thủ bị mất ghế và không đủ quá bán để lập chính phủ đa số.

Thủ tướng Anh cách đây một tháng dựa vào khảo sát dư luận để tổ chức bầu cử với toan tính là sẽ kiếm thêm được ghế cho đảng Bảo Thủ trong bối cảnh Công Đảng bị thất thế. Thế nhưng, trong vòng một tháng tình hình đã thay đổi đầy bất ngờ. Nếu tính tổng số phiếu bầu thì số lượng người bỏ phiếu cho cả hai bên ngang ngửa nhau, chênh lệch trên và dưới 13 triệu phiếu mỗi bên.

Toàn Luân Đôn tràn ngập màu đỏ chiến thắng của Công Đảng, mà giới bình luận coi là biểu hiện của người dân thủ đô không ủng hộ việc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, phản đối kế hoạch Brexit của thủ tướng Theresa May. Phía Công Đảng chiếm lại được hàng chục ghế so với thất bại trong cuộc bầu cử lần trước. Lãnh đạo Jeremy Corbyn được đánh giá là thành công thậm chí còn hơn cả thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown trước đây, khi tổng số phiếu bầu của cử tri trên toàn quốc đạt tỷ lệ kỷ lục là 41%.

Hứng chịu nhiều chỉ trích và thường xuyên bị báo chí chê bai, thế nhưng người lèo lái con tàu của Công Đảng đã bền bỉ bơi ngược dòng đến chiến thắng ngày hôm nay. Vấn đề được ông quan tâm hàng đầu là hệ thống y tế và quyền lợi cho công dân Liên Hiệp Châu Âu sống và làm việc trên đất Anh sau ngày Brexit. Giới bình luận cho rằng tuyên bố sẽ tiến hành Brexit bằng con đường mềm dẻo đã đem về nhiều phiếu cho Công Đảng, đặc biệt là khu vực Luân Đôn.

Báo Anh: "Cơn lốc Corbyn" và "Ác mộng của May"
Ngay trong ngày bầu cử đã có khá nhiều ý kiến được trích dẫn trên các trang tường thuật trực tiếp của báo mạng nói rằng họ chờ cho tới khi vào phòng phiếu mới tính toán coi bỏ phiếu cho ai. Một số người Việt có quốc tịch Anh bình luận trên facebook tỏ thái độ hài lòng với tỷ lệ ngang ngửa như hiện nay. Nhật báo Daily Mail đăng ảnh thủ tướng Theresa May đứng suy tư bên cạnh hàng tít mô tả bà đang bị chính ván bài của mình lật ngược.

Phóng sự bầu cử của truyền hình Sky News quay cảnh bà đi ngang qua phóng viên và sau đó nét mặt thay đổi rất đăm chiêu khi bị phóng viên hỏi có từ chức hay không. Báo Daily Mirror đăng ảnh lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn giơ ngón tay cái, vẻ mặt đầy rạng rỡ. Tờ báo nổi tiếng nhất trong giới bình dân The Sun bình luận bên cạnh bức ảnh của bà May rằng ván bài của bà là thảm họa và chơi chữ thay họ của bà là Theresa May thành chữ Dismay, tức là âu lo.

Tờ báo dành cho giới trí thức Guardian chụp ảnh lãnh đạo Công Đảng tươi cười bên người ủng hộ, và hàng tít mô tả dự báo kết quả bầu cử là cú sốc đối với bà May. Tương tự vậy, tờ Daily Telegraph chạy hàng tít bên trên ảnh chụp vợ chồng thủ tướng khảo sát kết quả ở phòng phiếu gây sốc khi thủ tướng không kiếm đủ số lượng ghế quá bán trong Quốc Hội.
Báo The Times thì không ngại gì mà gọi đêm qua là cơn ác mộng, còn tờ Metro thì mô tả là một cơn bão do ông Corbyn tạo ra. Báo Daily Express nói bà May đang phải chiến đấu để giữ quyền lực. Lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ trong bài phát biểu chính thức nói rằng nếu bà May còn sĩ diện thì nên từ chức.

Brexit: Anh Quốc đàm phán trong thế yếu ?
Thất bại của đảng Bảo Thủ khiến dư luận quan tâm hơn tới chiến thắng của một đảng nhỏ là DUP, tức là đảng Dân Chủ Liên Hiệp ở vùng Bắc Ai-len. Dựa vào sự hậu thuẫn của đảng này mà bà Theresa May mới hội đủ số ghế quá bán trong Quốc Hội để đi gặp nữ hoàng xin được chấp nhận quay trở lại làm thủ tướng nhiệm kỳ mới.

Cho đến thời điểm này kể cả nhiều phóng viên truyền thông cũng chưa biết mấy về đảng đó, và ngay cả bảng điện tử trên truyền hình Sky News để báo kết quả vẫn xếp DUP vào chung với con số các nghị sĩ đến từ các phong trào đảng phái khác, như một ghế từ đảng Xanh hoặc ứng viên độc lập.

Trước mắt, bất kể là chính phủ như thế nào thì 10 ngày nữa là thủ tướng Anh sẽ chính thức bắt đầu quá trình đàm phán để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Với tình hình như hiện nay thì có lẽ chính phủ sẽ không dám thực hiện kế hoạch Brexit cứng nữa, và cũng sẽ phải quan tâm hơn tới ngân sách an ninh và y tế.

Tuy nhiên, bình luận trên nhật báo Guardian vẫn coi Brexit cứng là một trong số 5 kịch bản có thể xảy ra, bên cạnh Brexit mềm như ý muốn của phe đối lập, và phương án giữ ghế cho nước Anh trong liên minh kinh tế EFTA tức là khu vực thương mại tự do, nhưng điều đó sẽ khó được các lãnh đạo các nước châu Âu chấp nhận.

Nếu thủ tướng trước của đảng Bảo Thủ tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit thì thủ tướng này cũng có thể tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý tương tự, dù rằng khả năng này cũng khó xảy ra. Còn lại một kịch bản mà nếu xảy ra sẽ khiến nước Anh thêm hỗn loạn và đổ vỡ như tai nạn giao thông, vì trong lúc EU đã sẵn sàng và có chiến lược đàm phán, thì nước Anh lại đang rất yếu và không có đường hướng rõ ràng.

Báo Guardian bình luận nếu coi Brexit là một vụ ly dị thì nước Anh đang phải đối mặt với khoản chi phí vô cùng lớn. Cái giá đầu tiên cần phải trả đã hiện rõ với thất bại chính trị của thủ tướng Theresa May và đảng Bảo Thủ cầm quyền trong cuộc bầu cử đầy kịch tính vừa qua.

Cũng không loại trừ khả năng giống như thủ tướng David Cameron trước kia, bà thủ tướng Theresa May chờ thêm vài tháng cho tình hình yên ổn thì sẽ rút lui để chuyển lá cờ lãnh đạo cho người nào khác trong đảng, khi mà chỉ trong vòng một đêm bà đã mất 8 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính phủ.

----------------------------------

Đăng ngày 09-06-2017

Theo kết quả gần như chính thức, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May tuy về đầu, không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc Hội, tức 326 ghế. Phe đối lập Công Đảng được coi là đảng giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, với 261 ghế dân biểu, tức thêm gần 40 ghế so với Quốc Hội nhiệm kỳ trước.

Theo kết quả kiểm phiếu được công bố trưa nay, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May được 322 ghế. Tuy chưa được có đa số tại Quốc Hội, bà Theresa May vẫn đứng ra lập chính phủ mới.

Về mặt nguyên tắc, với khoảng 320 ghế dân biểu, Đảng Bảo Thủ có thể lập một chính phủ gọi là « thiểu số » để điều hành đất nước. Để các luật do chính phủ « thiểu số » đề nghị được Quốc Hội thông qua, đảng Bảo Thủ sẽ phải liên minh nhất thời với một số đảng phái khác. Gần đây nhất, vào năm 1974, một chính phủ thiểu số của đảng Bảo Thủ đã được thành lập nhưng chỉ tồn tại được vài tháng.

Trong trường hợp đảng của thủ tướng May không lập được chính phủ, « thiểu số » hoặc « liên hiệp », một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Đó là một chính phủ liên hiệp của Công Đảng với đảng Tự Do Dân Chủ (Libdem) thân châu Âu, đảng Dân Tộc Scotland (SNP). Ba đảng nói trên dự kiến sẽ có tổng cộng 314 ghế. Liên minh ba đảng này còn cần thêm sự hậu thuẫn của đảng Xanh và một số đảng nhỏ địa phương.

----------------------------
BBC Tiếng Việt
9 tháng 6, 2017

Bầu cử Anh: Bà May thành lập chính phủ liên minh với DUP

Thủ tướng Anh, bà Theresa May, vừa cho biết bà sẽ thành lập một chính phủ với sự hậu thuẫn của đảng DUP (Democratic Unionist Party, Đảng Dân chủ Thống nhất - đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ailen có đường lối thân Anh, hiện đã thắng 10 ghế tại Bắc Ailen) để có thể đem lại sự ổn định cho tương lai.

Sau khi tới Cung điện Buckingham gặp Nữ hoàng Anh, bà nói chỉ đảng của bà có "quyền hợp pháp" cầm quyền, bất chấp việc đảng này đã thiếu mất 8 ghế để đạt quá bán tại Quốc hội.


Bà cho biết bà sẽ cùng với những người "bạn" của bà thuộc đảng DUP "ngồi xuống là việc" về Brexit, quá trifnh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU).

Tuy nhiên đảng Lao động nói họ "thực sự là người chiến thắng" trong khi đảng Dân chủ Tự do thì nói bà May tiếp tục lãnh đạo là "đáng xấu hổ".

Đảng Bảo thủ cần 326 ghế để chiếm quá bán nhưng với 649 đơn vị bầu cử đã công bố kết quả kiểm phiếu trong tổng số 650 đơn vị bầu cử, nó cho thấy đảng này thiếu số ghế cần thiết tại Quốc hội và phải dựa vào đảng DUP để tiếp tục cầm quyền.

Đảng Bảo thủ cho tới nay giành 318 ghế, Lao động 261 ghế, đảng SNP (Đảng Dân tộc Scotland) 35 ghế và đảng Dân chủ Tự do 12 ghế.

Trong khi đó, ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng đối lập chính, đảng Lao động, cũng nói ông "sẵn sàng phục vụ đất nước".


Trong một tuyên bố ngắn bên ngoài Văn phòng Thủ tướng ở Downing Street, sau 25 phút tiếp kiến với Nữ hoàng, bà May nói bà chủ định sẽ thành lập một chính phủ có thể "đem lại tình trạng ổn định và đưa nước Anh đi tới vào thời điểm tối quan trọng này của đất nước".

Đảng DUP, vốn mạnh mẽ ủng hộ việc rời khỏi EU, sẽ họp hôm nay để bàn các lựa chọn của họ. EPA

Nói về "quan hệ chặt chẽ" mà bà đã có với DUP nhưng không đưa ra các chi tiết về dàn xếp của họ sẽ như thế nào, bà nói chính phủ sẽ "dẫn dắt đất nước qua những cuộc thương thuyết Brexit tối quan trọng" sẽ bắt đầu trong 10 ngày tới.

"Hai đảng của chúng tôi đã có quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm qua," bà nói.
"Và điều đó khiến tôi có thể tin tưởng rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc vì lợi ích của cả nước Anh."
Lãnh đạo DUP, bà Arlene Foster, khẳng định rằng bà đã nói chuyện với bà May và họ sẽ bàn thêm nữa để "tìm hiểu cách thức làm sao có thể mang lại ổn định cho quốc gia vào thời điểm có thách thức lớn".

Trong khi luôn tìm cách đạt được "thỏa thuận tốt đẹp nhất" cho Bắc Ailen và người dân của vùng này, bà nói đảng của bà luon đặt lợi ích của Anh Quốc là quan trọng nhất.


Trước đó Thủ tướng Anh nói đất nước này cần sự ổn định sau kết quả bầu cử trong đó không đảng nào giành đa số tuyệt đối và Trưởng biên tập viên chính trị BBC, Laura Kuenssberg, nói bà May có ý định cố gắng điều hành trên cơ sở đảng bà đã đạt số phiếu cao nhất và nhiều ghế nhất.

Đang có đồn đoán bà sẽ tìm kiếm một dàn xếp không chính thức với đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ailen có đường lối thân Anh, đảng Democratic Unionist (DUP), hiện đã thắng 10 ghế tại Bắc Ailen.

Đảng Lao động của ông Corbyn đạt kết quả tốt hơn mong đợi, thêm được 29 ghế. Đảng Bảo thủ được dự đoán sẽ mất 13 ghế. Đảng SNP mất 22 ghế vào tay đảng Bảo thủ, Lao động và Dân chủ Tự do, và là một thất bại lớn của bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng SNP.

Con số cử tri đi bầu cho tới nay là 68,7% - tăng 2% so với cuộc bầu cử năm 2015 - nhưng nó trở lại chính trường với hai đảng phái chính ở nhiều nơi trên nước Anh, trong đó đảng Lao động và Bảo thủ giành phiếu bầu nhiều chưa từng có kể từ những năm 1990.

Phiếu bầu cho đảng Độc lập Anh Quốc UKIP giảm đáng kể nhưng không phải là số này chuyển sang bỏ cho đảng Bảo thủ như người ta tưởng như vậy thì số cử tri này cũng chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Lao động.

Phát biểu sau khi được tái đắc cử tại đơn vị bầu cử ở Bắc Islington, ông Corbyn nói đã tới lúc bà May nên "nhường bước" cho một chính phủ "thực sự đại diện cho người dân nước này".

Jeremy Corbyn tới điểm kiểm phiếu của đơn vị bầu của của ông tại Bắc Islington. GETTY IMAGES

Ông sau đó nói với BBC rằng "đã rất rõ ai là người thắng trong cuộc tuyển cử này".
"Chúng tôi sẵn sàng phục vụ người dân những người đặt niềm tin vào chúng tôi," ông nói - nhưng ông cũng nhấn mạnh ông sẽ không tham gia bất cứ "liên minh hay thỏa thuận" với đảng nào khác.

Đảng Bảo thủ nói trong trường hợp "Quốc hội treo" bà May trước hết có cơ hội thành lập chính phủ giống như người tiền nhiệm của bà là ông David Cameron đã làm hồi năm 2010 khi còn chưa có đảng nào thắng quá bán nhưng thắng nhiều ghế hơn so với đối thủ với số ghế nhiều nhất sau đảng này.

Đảng Lao động nói họ sẵn sàng một mình thành lập một chính phủ thiểu số trong khi cũng có khả năng Anh Quốc sẽ đứng trước việc sẽ có bầu cử mới vào cuối mùa hè này theo các điều khoản của một điều Luật thời hạn cố định của Quốc hội.

Những câu hỏi đang được đặt ra về ảnh hưởng đối với các cuộc thương thuyết Brexit sắp tới và tương lai của chính bà Theresa May, với một thứ trưởng nói với Trưởng biên tập chính trị BBC Laura Kuenssberg rằng "khó có thể hình dung làm sao bà có thể ở lại sau kết quả như vậy".

Lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon, đi bỏ phiếu tại Glasgow. EPA

Để đạt đại đa số một đảng cần 326 ghế mặc dù trên thực tế đảng Bảo thủ có thể được Nữ hoàng thông qua với 3188 ghế nếu họ được sự ủng hộ của 10 ghế từ đảng DUP.

Phát biểu từ đơn vị bầu cử của mình tại Maidenhead, bà Theresa May nói còn đợi kết quả cuối cùng được công bố nhưng bà nói thêm: "Vào lúc này đất nước không cần gì hơn là một giai đoạn ổn định
"Và nếu ... đảng Bảo thủ thắng nhiều ghế nhất và có thể là nhiều phiếu nhất, thì nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo chúng ta có gia đoạn ổn định đó - và đó chính là điều chúng ta sẽ làm."

*
Tin liên quan





No comments:

Post a Comment

View My Stats