Nguyễn Hùng
BBC Việt ngữ, Geneva, Thụy
Sỹ
Cập nhật: 05:26 GMT -
thứ hai, 3 tháng 2, 2014
Các diễn giả trong Ngày Việt Nam ở Geneva
hôm 30/1
Tuần này là tuần của nhân quyền Việt Nam và những nghịch
lý
Vào chiều thứ Tư ngày 5/2 giờ
Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên Kiểm định Định kỳ Phổ
quát – UPR – để nhìn lại tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ lần kiểm điểm
trước và cũng là lần đầu tiên vào năm 2009.
Điểm đặc biệt của lần kiểm điểm
này là Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền hôm
1/1/2014.
Trước phiên UPR, Việt Nam đã
công bố báo cáo 20 trang về chuyện tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải
thiện với số lượng cơ quan báo chí tăng so với hồi năm 2009, các quyền con
người được đảm bảo về luật pháp và trong thực tiễn.
Một trong những bằng chứng về
chuyện người dân được tham gia đóng góp ý kiến đối với mọi vấn đề hệ trọng của
đất nước là chuyện có tới 26 triệu lượt đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi
Hiến Pháp.
Việt Nam nói họ luôn coi trọng
quyền con người của người dân nhưng luôn bị những người “có dụng ý xấu” tuyên
truyền không đúng về Việt Nam.
Hội thảo vận động
Một ngày trước phiên UPR của
Việt Nam, một số tổ chức, như PEN International, UN Watch và Đảng chính
trị Việt Tân, mà Việt Nam liệt vào dạng “có dụng ý xấu” sẽ mở hội thảo “Trách
nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp
Quốc”.
Hội thảo này nói về trách
nhiệm của chiếc thẻ thành viên Hội đồng Nhân quyền và làm sao để nhân quyền
được tôn trọng ở Việt Nam.
Một trong những diễn giả của
hội thảo ngày 4/2, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, đã bị cấm xuất cảnh sau khi
có yêu cầu của Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tin từ ban tổ chức sự
kiện nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã làm việc “rất chặt chẽ” với ông Dũng và can
thiệp để ông được xuất cảnh nhưng bất thành.
Cũng nguồn tin này nói người
duy nhất từ Việt Nam xuất cảnh trót lọt hôm 2/2 và sẽ tới Geneva chiều 3/2 là luật
sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội.
Ngoài ông Hà Huy Sơn, nhà
báo Trần Quang Thành, người từng làm báo trong nước và hiện là nhà báo tự
do sống tại Slovakia, cũng sẽ có mặt bên cạnh các đại diện của Việt Tân
và Ủy ban Vận động Nhân quyền cho Việt Nam từ Hoa Kỳ.
Các diễn giả quốc tế dự kiến có
giám đốc của PEN International Writers in Prison Committee, trưởng vùng
châu Á của Reporters Without Borders, Giám đốc Chương trình Việt Nam của
Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Tổng giám đốc Đài Á châu Tự do và một
số người khác.
Trước sự kiện ngày 4/2, hôm 30/1 và cũng là ngày 30 Tết,
đại diện của sáu tổ chức và nhóm xã hội dân sự không được thừa nhận ở Việt
Nam cũng đã tổ chức Ngày Việt Nam ở Geneva và mời đại diện của các nước
tới để báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trong đó có tổ chức thiện
nguyện VOICE trụ sở chính ở Philippines, Phật giáo Hòa hảo Truyền thống,
nhóm Dân làm báo, Mạng lưới Bloggers Việt Nam, Con đường Việt Nam và No-U Việt
Nam.
VIDEO :
Vận động nhân quyền cho Việt Nam (BBC)
Anh Bùi Tuấn Lâm, đại diện cho No-U Việt Nam từ thành phố Hồ Chí Minh, nói các nhóm đã trình bày về “những vi phạm về
nhân quyền” của chính quyền Hà Nội.
“Chúng tôi là những người đưa ra bằng chứng và
đưa ra những sự việc đang xảy ra thực tế ở Việt Nam cho các đại diện đại sứ
quán và đại diện các tổ chức NGO đang hoạt động về vấn đề nhân quyền quốc tế và
họ sẽ tham gia vào ngày điều trần UPR sắp tới ở Việt Nam,” anh Lâm nói.
“ Chúng tôi đưa ra vấn đề và nhờ họ đưa ra chất
vấn trong phiên UPR tới đây.”
Con đường tới Geneva
Anh Lâm cũng cho biết các thành
viên của nhóm đã phải 'rất khôn khéo' mới có thể tới được Geneva.
“Để đến được đây chúng tôi đã trải qua rất nhiều
khó khăn và rất nhiều cách để đến được đây chứ không phải tự do đi lại.
“Nếu không
có sự ngăn cản của chính quyền Việt Nam thì đã có rất nhiều đại diện đã đi đến
được đây.
“Trước khi phiên họp này diễn ra thì đã có sáu
người đại diện cho những tổ chức khác nhau ở Việt Nam xuất cảnh nhưng đã bị cấm
xuất cảnh.
“Bản thân Lâm trước đây gần hai tháng Lâm đã đi
qua Philippines trước với lý do đi làm thiện nguyện sau cơn bão Haiyan vừa rồi
và đợi tới thời điểm này để được đi đến đây.
“Nếu như Lâm quay về Việt Nam và đợi đến sự kiện
này sang đây thì chắc chắn Lâm sẽ không đi được bởi vì bị cấm xuất cảnh.”
Cùng tham gia còn có một phái
đoàn vừa hoàn tất chuyến đi vận động tại Hoa Kỳ, với nhà báo và
blogger Phạm Đoan Trang; ông
Trịnh Hữu Long, từng là luật sư và nhà báo ở Việt Nam nhưng hiện đang
làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Philippines; bà Nguyễn Thị Trâm, thân mẫu của Luật sư
Lê Quốc Quân, người đang chịu án tù ở Việt Nam và ông Trần Văn Huỳnh, thân sinh của ông Trần Huỳnh
Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm.
Bên cạnh đó còn có anh Nguyễn Anh Tuấn,
thành viên Mạng lưới Bloggers Việt Nam và anh Đặng Văn Ngoãn, đại diện nhóm Phật giáo Hòa
Hảo Truyền thống.
Những người này đã có
hành trình vận động qua nước MỸ và một số nước châu Âu từ giữa
tháng 1.
Kiến nghị
Ba nước chủ trì phiên kiểm định định kỳ đối với Việt Nam năm nay qua bốc
thăm là Kenya, Kazakhstan và Costa Rica.
Anh Nguyễn Anh
Tuấn nói đoàn vận động của Việt Nam đã gặp đại diện của Costa Rica và “nêu lên
những kiến nghị quan trọng, những ưu tiên, những đề nghị cụ thể để Costa Rica
trong vai trò của mình họ sẽ nhấn mạnh đến những kiến nghị đó.”
“Theo tài liệu giải mật Wikileaks năm 2009 thì
phái đoàn Việt Nam ở Geneva người ta đã có những thủ thuật mà các chuyên gia về
UPR mà chúng tôi gặp cũng đã nói đến đó là họ cố gắng sắp xếp các nước thân
thiện để có thể đưa ra những kiến nghị yếu với chính phủ Việt Nam.
“Với ba nước này chúng tôi cũng không có đủ thông
tin để đánh giá mức độ thân thiện của họ với chính quyền nhưng chúng tôi cố
gắng hết sức để gặp mặt đại diện của ba nước này và cố gắng cung cấp các thông
tin chính xác, trung thực với đầy đủ bằng chứng để họ có thể làm tốt nhất vai
trò của mình trong phiên điều trần.”
Mặc dù tiếp xúc với nhiều đại
diện quốc tế, ông Trịnh Hữu Long nói người Việt Nam
vẫn đóng vai trò chính trong quá trình nhằm mang lại thay đổi nhân quyền ở Việt
Nam.
Ông Long nói: “Hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền Liên
Hiệp Quốc không được như mong đợi của những người sáng lập ra nó. Cái điểm yếu
của luật quốc tế, các cơ chế quốc tế là nó không có tính thực thi cao, không
can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
“Càng ngày chúng ta càng nhận thức rõ nhân quyền
là vấn đề chúng ta tự quyết định, do chúng ta tự vận động … chứ không phải
trông chờ vào sự hỗ trợ của quốc tế cả.
“Chúng tôi đi ra nước ngoài nhưng mục đính chính
của chúng tôi là … nói cho người dân trong nước biết rằng thứ nhất là chúng ta
có những cơ chế quốc tế để chúng ta có thể bảo vệ cho nhân quyền của chúng ta.
“Thứ hai nữa [chúng tôi] mong muốn rằng người dân
của chúng ta, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, quan tâm nhiều hơn tới thực
trạng nhân quyền của đất nước. Thứ ba là cùng nhau cố gắng làm nhiều hơn nữa để
có thể cải thiện tình hình nhân quyền còn đang khá bê bết ở đất nước chúng ta
ngày hôm nay. ”
Các đại biểu nước ngoài tham dự Ngày Việt
Nam
‘Tự do, ấm no, hạnh phúc’
Ông Long cũng nói
tình hình nhân quyền ở Việt nam đã bị vi phạm “ngày càng nghiêm trọng hơn” từ
năm 2009, năm ông nói nhiều nước đã đưa ra khuyến nghị với Hà Nội.
“Tại phiên điều trần UPR 2009 có nhiều nước đưa
ra những kiến nghị khá gay gắt với Việt Nam bao gồm việc yêu cầu Việt Nam cho
phép báo chí tư nhân, thả các tù nhân lương tâm, điều chỉnh lại bộ Luật hình
sự, điều chỉnh các tội về an ninh quốc gia, và đảm bảo tự do tôn giáo cho các
tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. … Các kiến nghị đã bị phía Việt Nam từ chối và
phía Việt Nam chỉ đồng ý với các kiến nghị mang tính chất chung chung ví dụ như
là Việt Nam phải từng bước tuân thủ theo Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
hay Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc…
“Các cam kết của Việt Nam không có gì cụ thể cả
cho nên chúng ta không thể đánh giá về tình hình nhân quyền của Việt Nam dựa
trên những cam kết quốc tế của họ.”
Bình luận về
tuyên bố của Hà Nội rằng Hiến pháp mới sửa đổi đảm bảo tốt hơn quyền lợi của
người dân Việt Nam, ông Long nói:
“Chỉ có sự thay đổi duy nhất về nhân quyền là chương
về quyền con người được đưa từ chương giữa Hiến pháp lên chương gần đầu tiên.
Nhưng việc làm đấy là vô nghĩa và Việt Nam thậm chí còn không tuân thủ Hiến
pháp của chính họ.”
Còn anh Nguyễn
Anh Tuấn cho rằng tình hình nhân quyền ở
Việt Nam có được cải thiện trong nhiệm kỳ ba năm Việt Nam có chân trong Hội
đồng Nhân quyền phụ thuộc vào những gì người Việt sẽ làm.
Anh nói: “Nếu chúng ta ngồi yên không làm gì nó sẽ là khó khăn. Nếu chúng ta
biết cách làm, chúng ta làm nhiều hơn, chúng ta thu thập tài liệu đưa ra ngoài
cho cộng đồng quốc tế để người ta hiểu thêm, quan tâm thêm nữa về tình hình
Việt Nam thì đó sẽ là thuận lợi.”
Anh khẳng định
các đại diện của chính quyền Việt Nam “sẽ nói ngược lại” với những gì mà nhóm
vận động đã trình bày với các đại diện quốc tế.
Bản thân ông Trần
Văn Huỳnh, người có con trai đang bị tù
16 năm, nói Việt Nam đang “thiếu nhân quyền, thiếu dân chủ, xã hội dân sự bị
ngăn trở.”
Và lời chúc năm mới của ông tới
độc giả của BBC và tới những người thân mà ông không được gặp trong dịp Tết là:
“Chúc một năm Giáp Ngọ tự do, ấm no và hạnh phúc”.
Còn các quan chức Việt Nam sẽ
nói tất cả những điều ông chúc đã đang hiện hữu ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment