Monday, 10 February 2014

TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ ĐƯA TIN ÔNG NGUYỄN BẮC TRUYỂN ĐÃ ĐƯỢC TRẢ TỰ DO (BBC, RFA, VOA)




BBC
Cập nhật: 13:16 GMT - thứ hai, 10 tháng 2, 2014

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển vừa được thả tối ngày 10/2, một ngày sau khi ông bị bắt tại Đồng Tháp.
Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ sắp cưới của ông Truyển, xác nhận với BBC tin này.

Trước đó, lá thư của bà đưa lên mạng nói ông đã bị công an bắt đi khỏi nhà tại ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, vào chiều Chủ nhật 9/2.

Lúc đó bà Phượng và chị gái cũng có mặt. Bản thân bà cũng bị "ép tới đồn công an tỉnh Đồng Tháp và hỏi cung 5 tiếng đồng hồ" nhưng sau đã được trả tự do.

Được biết hai ông bà Nguyễn Bắc Truyển và Bùi Thị Kim Phượng dự tính sẽ tổ chức lễ thành hôn vào ngày 18/2 tới.

Theo nội dung thư kêu cứu mà bà Phượng đăng tải trên một số trang mạng, công an huy động một số đông nhân viên tới "phá hoại nhà cửa của chúng tôi, đập bể hết những cửa sổ, bàn ghế, và tịch thu tất cả những đồ dùng của anh Nguyễn Bắc Truyển như: laptop, cell phone, máy chụp hình và nhiều thứ khác".

Hiện chưa rõ lý do tại sao công an lại có hành động như cáo buộc.

Đấu tranh dân chủ

Ông Nguyễn Bắc Truyển là thành viên đảng Dân chủ Nhân dân có trụ sở tại hải ngoại vào thời điểm bị bắt năm 2006.

Ông bị mang ra xử tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, vào năm 2007. Lần đó ông lãnh án 4 năm tù giam.
Tháng 5/2010 ông được ra tù và chịu lệnh quản chế thêm một thời gian.

Ông Nguyễn Bắc Truyển đã có một số bài viết kêu gọi đa nguyên đa đảng, mở rộng dân chủ trước khi bị bắt.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục tham gia hoạt động đấu tranh dân chủ, gần đây ông điều hành Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo.

Ông Nguyễn Bắc Truyển đã ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với Văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự, đại diện là luật sư Trần Thu Nam. Hợp đồng này còn hiệu lực tới tháng 5/2014.
Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ sắp cưới của ông, là tín đồ Phật giáo Hòa hảo.

------------------------------------------

RFA
10-02-2014

Thông tin mới nhất về tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển là ông đã được thả sau 24 tiếng bị bắt giữ.

Ngày 9 tháng 2, Công an tỉnh Đồng tháp đã sử dụng vũ lực bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển tại nhà vị hôn thê của ông ở ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh  Đồng Tháp.

Hôm nay, hôn thê của ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Bùi thị Kim Phượng có thư kêu cứu đưa lên mạng.

Trả lời đài Á châu Tự do vào chiều tối ngày 10 tháng 2, bà Bùi Thị Kim Phượng, cho biết:
Sáng hôm qua khoảng 10 giờ, chiếc xe 16 chỗ có công an thành phố Sài Gòn, công an tỉnh, xã đến gia đình tôi ở ngoài cửa rào yêu cầu tôi mở cửa rào để mang anh Truyển về công an xã làm việc… Anh Truyển từ chối anh Truyển nói là phải có lệnh thì anh mới đi, không có lệnh anh không đi.
Tới chiều khoảng 4 giờ một lực lượng công an rất đông đến dùng xà beng đẩy cửa rào nhà tôi, xong rồi xông vô rồi phá cửa kéo sắt nhà tôi, làm bể cửa kính nhà tôi, làm hỏng tủ thờ và hai bức hình của đức Thầy là vị Giáo Chủ, khai sáng Phật giáo Hòa hảo của tôi, rồi nổ ba phát súng, phá cửa sau nhà tôi và bể mặt bàn và mấy cái ghế nhà tôi, làm bể tường nhà tôi. Xong rồi bắt anh Truyển, còng anh lại, lôi anh ra sân, đánh anh té xuống, tát vô mặt anh. Rồi kéo tôi và chị tôi lại và đọc nguyên nhân lệnh bắt là chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo bà Phượng, công an đã lục soát nhà bà và tịch thu các vật dụng của ông Truyển bao gồm máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh và nhiều vật dụng khác mà bà chưa kiểm hết được.

Sau khi tiến hành bắt giữ ông Truyển, công an xã Long Hưng B cũng đã áp giải bà Phượng về đồn công an xã để làm việc suốt 5 tiếng đồng hồ và chỉ thả bà ra vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày.

Bà Phượng cho biết thêm:
Nó đưa tôi về công an xã làm việc từ 4 giờ chiều đến gần 9 giờ tối mới cho tôi về nhà. Người làm việc với tôi là trưởng công an xã là Trần Văn Bạch, và người thứ hai là Nguyễn Tấn  Sỹ là công an từ Sài gòn tới….họ nói anh  Truyển là người xấu, có hành vi phạm tội và tôi là người chứa chấp anh Truyển cho cư trú mà không đăng ký hộ khẩu, tức là vi phạm luật cư trú, vi phạm hành chánh.
Tôi nói là tôi sống theo hiến pháp vì hiến pháp quy định người dân có quyền đi lại tự do trong nước. Họ đòi xử phạt, nhưng tôi không đồng ý, họ nói nếu tôi không đồng ý thì sẽ cưỡng chế tôi, tôi nói các anh cứ việc cưỡng chế chứ tôi không chấp hành. Họ hăm dọa tôi, họ sẽ đàn áp và gây nhiều khó khăn cho tôi sau này.

Bà phượng cho biết công an đã bố trí người canh gác ngoài cửa nhà bà để kiểm tra bất kỳ ai ra vào nhà của bà.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, trụ sở tại bang California, vừa ra thông cáo lên tiếng phản đối hành động sử dụng bạo lực bắt giữ ông Truyển của công an Việt Nam và yêu cầu chính quyền phải trả tự do ngay lập tức cho ông.

Ông Nguyễn Bắc Truyển đã từng bị chính quyền Việt Nam kết án tù 3 năm rưỡi vào năm 2007 với tội danh tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông đã mãn hạn tù vào năm 2010. Theo dự kiến, vào ngày 18 tháng 2 tới ông Truyển và bà Phượng sẽ làm lễ cưới.

------------------------------------------

Cập nhật: 10.02.2014 09:39

Một nhà hoạt động cổ xúy nhân quyền được nhiều người biết đến tại Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyễn, đã bị bắt khẩn cấp tại tư gia ở Đồng Tháp.

Vợ sắp cưới của ông Truyễn cho biết khoảng 100 nhân viên công lực ngày 9/2 bao vây tư gia của bà ở ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng, huyện Lấp Vò trước khi phá cổng xông vào nhà, nổ súng uy hiếp tinh thần, đập phá đồ đạc, và dùng võ lực bắt giải ông Truyễn lên xe chở đi biệt tích với cáo buộc ông ‘chiếm đoạt tài sản người khác.’

Bà Bùi Thị Kim Phượng nói với VOA Việt ngữ:
“Sáng 9/2, công an TPHCM cùng công an huyện, xã, tỉnh Đồng Tháp rất đông kéo tới nhà tôi. Anh Truyễn nói bây giờ có lệnh mời hay lệnh bắt thì anh mới đi. Họ không đưa giấy nên anh từ chối. Tới chiều khoảng 4 giờ họ kéo tới càng đông, lực lượng trên 100 người. Họ nại cửa trước, tấn công gia đình tôi, phá cửa sau, nhào vô còng anh Truyễn. Họ đem anh ra ngoài sân đánh anh té quỵ xuống. Họ bịt mắt, bịt miệng, tát vào mặt anh. Họ đọc lệnh bắt về tội ‘chiếm đoạt tài sản của người khác’. Lệnh bắt này chỉ là một bản photo chứ không phải bản gốc. Họ cướp đi một laptop, một Iphone, một điện thoại, một máy ghi âm, cùng những vật dụng khác. Trước khi anh Truyễn bị bắt, anh có làm hợp đồng với luật sư Trần Thu Nam rằng nếu có xảy ra bắt giữ anh, luật sư Nam sẽ là đại diện pháp lý của anh. Anh cảm thấy không an toàn vì lúc nào công an, mật vụ cũng rình mò. Ai ra vào nhà tôi, công an cũng ghi bản số xe và mời họ làm việc.  Cho nên, anh mới làm hợp đồng với luật sư Nam vì cảm thấy không an toàn, có thể bị bắt bất cứ lúc nào. ”

Trước khi bị bắt, ông Truyễn kịp nhắn tin lên Facebook thông báo cho công luận về sự việc. Trong đoạn video trên Youtube trao đổi với bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà cổ xúy nhân quyền và quyền lợi của nông dân mất đất tại Việt Nam, ông Truyễn nói:
“Nó bao vây rất đông xung quanh nhưng em không sợ. Em nói đưa lệnh bắt tới đây. Nó hèn lắm, không dám đưa lệnh bắt ra.”

Hôn thê của ông Truyễn cho biết vụ hành hung, bắt giữ xảy ra chỉ 9 hôm trước ngày dự kiến diễn ra đám cưới của bà với ông Truyễn, khiến bà hết sức phẫn uất và lo lắng cho tính mạng của ông.

Chính bà Minh Phượng cũng bị áp giải về công an xã sau khi ông Truyễn bị đưa đi. Bà Phượng nói:
“Họ đưa anh đi đâu tôi không biết, rồi họ áp giải tôi về công an xã làm việc. Trưởng công an xã hỏi tôi về mối quan hệ với anh Truyễn. Họ nói xấu anh Truyễn với ý chia rẽ hai vợ chồng tôi. Họ nói anh là tội phạm, giựt nợ của người khác.”

Bà Phượng đã gửi thư kêu cứu đến đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear cùng các tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Freedom Now, và Ân xá Quốc tế để kêu gọi sự can thiệp, áp lực Hà Nội tôn trọng nhân quyền và phóng thích vô điều kiện cho nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyễn.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Việt Nam tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc quyết tâm bảo vệ-thăng tiến các quyền căn bản của công dân.

Bản báo cáo thành tích nhân quyền theo cơ chế Định kỳ Phổ quát UPR 4 năm một lần của Hà Nội ở trụ sở Liên hiệp quốc hôm 5/2 vừa qua bị giới bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích là thiếu trung thực và ngụy biện.

Một dẫn chứng được đưa ra là năm 2013 được xem là năm đàn áp nhân quyền khốc liệt tại Việt Nam với gần 50 người bị bắt hoặc bị tuyên án tù vì các hoạt động ôn hòa thực thi nhân quyền căn bản, kêu gọi dân chủ-nhân quyền, hoặc phê phán nhà nước.

Tuyên bố sau khi Việt Nam kiểm điểm UPR, đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 7/2 nhận xét:Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội.’ Trong số các đề nghị Hoa Kỳ đưa ra với Việt Nam dịp này bao gồm ‘sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị'.

Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyễn từng nhiều lần được các viên chức hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam. Cuộc gặp gần đây nhất diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái giữa ông với phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tại TPHCM xoay quanh các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Truyễn từng lãnh án ba năm rưỡi tù giam năm 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam vì tham gia Đảng Dân chủ Nhân dân và rải truyền đơn kêu gọi dân chủ hóa đất nước.

Ông được Human Rights Watch vinh danh giải thưởng quốc tế Hellman/Hammett năm 2011 dành cho những ngòi bút can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền bất chấp hiểm nguy.

Ông Truyễn cũng là một thành viên của Hội Ái Hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam, một trong số các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước tham gia phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam tại Thụy Sĩ nhân dịp Hà Nội kiểm điểm UPR hồi đầu tháng này.

Tin cập nhật:

Ông Nguyễn Bắc Truyễn đã được thả cách đây 1 tiếng. Toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn sẽ được cập nhật trong giây lát. Mời quí vị bấm vào đường dẫn dưới đây để nghe

Ông Nguyễn Bắc Truyển đã được thả



No comments:

Post a Comment

View My Stats