Người Việt
Friday, February 14, 2014 6:27:09 PM
HONGKONG (NV) .- Bắc Kinh đe dọa Hà Nội không được bắt chước Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông.
Hãng thông tấn Reuters thuật lại lời ông Carl
Thayer, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng
Gia Úc, tiết lộ như vậy trong bài viết của ký giả Greg Torode. Ông cho hay một
số viên chức của nhà cầm quyền cho ông biết trong cuộc gặp mặt riêng tư.
Theo bản tin trên, ông Thayer cho biết các viên chức
của nhà cầm quyền CSVN nói với ông là các lời cảnh cáo đó do ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị mang đến khi ông ta tới Hà Nội hồi Tháng 9 năm ngoái.
Thật ra, có thể ông Carl Thayer khi trả lời phỏng
vấn đã không nhớ chính xác thời điểm Vương Nghị đến Hà Nội. Sau khi tới một số
nước ASEAN khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội từ ngày 4 đến
8/8/2013. Dịp này, ông ta gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trước rồi sau
đó gặp cả bộ ba Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư đảng), Trương Tấn Sang (Chủ tịch
nước) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng).
Đến cuối tháng, ngày 29/8/2013 thì ông Phạm Bình
Minh lại gặp Vương Nghị ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của Nguyễn Tấn
Dũng đến Trung Quốc nhân có một hội chợ thương mại quốc tế mấy ngày sau.
Ngày cuối năm dương lịch 2013 thì Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin hai ông
ngoại trưởng gọi điện thoại “chúc mừng năm mới” lẫn nhau.
Nhiều phần, lời cảnh cáo của Vương Nghị diễn ra khi
ông ta đến Hà Nội đầu Tháng Tám. Theo bản tin Reuters, ông Carl Thayer cho rằng
cho đến thời điểm này “Việt Nam vẫn kháng cự lại áp lực và rõ ràng giữ quyền
đưa ra các biện pháp nếu thấy lợi ích quốc gia bị nguy ngập.”
Nếu không có lời tiết lộ của ông Thayer, người ta
không biết cái điểm mấu chốt của Vương Nghị, đại diện Bắc Kinh, khi đến Hà Nội
là cái gì.
TTXVN ngày 5/8/2013 ca ngợi cuộc họp giữa ngoại
trưởng Phạm Bình Minh và ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị là “Trong bầu không
khí hữu nghị và thẳng thắn, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai
nước, trong đó có các biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đạt được
giữa hai nước thời gian qua, nhất là thực hiện Chương trình hành động triển
khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên
cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.”
Đi vào chi tiết, TTXVN tường thuật hai ngoại trưởng
thảo luận rất “hữu nghị” về vấn đề tranh chấp Biển Đông là “hai bên khẳng định
giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, xử lý thỏa đáng
các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến
quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông”.
Kết luận bản tin, TTXVN viết “Hai bên đánh giá hợp
tác giữa hai Bộ Ngoại giao ngày càng hiệu quả và nhất trí tăng cường hơn nữa sự
hợp tác, phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới.”
Khi bị báo chí ngoại quốc đặt câu hỏi, Lương Thanh
Nghị (khi đó là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN) tránh né trả lời trực tiếp
mà chỉ nói rằng Hà Nội theo dõi rất sát vụ Philippines kiện Trung Quốc. Khi họ
hỏi là khi nào thì Việt Nam tham gia vụ kiện, ông Nghị nêu những lần lên tiếng
trước đây nói Việt Nam sẽ sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết, thích nghi
và hòa bình” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Một số viên chức khác của Hà Nội thì thú nhận
rằng Việt Nam khó tham gia vụ kiện vì mối quan hệ phức tạp giữa
Hà Nội và Bắc Kinh.
Hồi tuần trước, tổng thống Philippines Benigno
Aquino nói trên tờ New York Times, so sánh hành động Trung quốc ỷ nước lớn quân
sự hùng mạnh đã liên tiếp có các hành động lộ rõ chủ trương đe dọa các nước
láng giềng trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Ông so sánh hành động hiện nay của
Trung quốc cũng tương tự như hành động của Hitler hồi năm 1938 khi đòi nước
láng giềng Tiệp Khắc phải nhường vùng đất Sudetenland nếu không muốn chiến
tranh.
Ông Aquino kêu gọi thế giới hậu thuẫn cho
Philippines chống lại hành động bá quyền bành trướng của Trung Quốc cũng như
kêu gọi các nước ASEAN khác hợp tác với họ bằng biện pháp pháp lý, tức là cùng
tham gia vụ kiện ở Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên vẽ bản đồ Biển Đông với
9 vạch dài, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN, rồi
tuyên bố chủ quyền. Ước lượng toàn khu vực nằm trong 9 vạch đó (giống
hình Lưỡi Bò) chiếm hơnn 80% Biển Đông, trùm luôn các các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam và khu vực Macclesfield Bank mà Philippines tuyên bố chủ
quyền.
Tuần trước, khi ra điều trần ở Quốc hội, ông Daniel
Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, đả kích cái
“Lưỡi Bò” của Bắc Kinh là vô lý, càng ngày càng gây căng thẳng và trong nguy cơ
dẫn đến xung đột.
Theo ông, dựa trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển
(UNCLOS) những lời tuyên bố chủ quyền trên biển phải dựa vào các đường cơ sở
của đất liền. Hiểu như vậy, lời tuyên bố của Bắc Kinh hoàn toàn vô giá trị.
Chính vì vậy, Bắc Kinh đã từ chối tới cơ quan UNCLOS để đối đầu với Philippines
trong vụ kiện.
Không dọa được Manila, Bắc Kinh cho Vương Nghị tới
Việt Nam đe dọa vì biết Hà Nội tùy thuộc vào cái dù ở phương bắc để tồn tại.
Nhiều lần, báo chí Trung Quốc đe dọa công khai từ đánh Việt Nam đến dùng áp lực
kinh tế vì phần lớn nguyên vật liệu chế biến sản phẩm xuất cảng của Việt Nam
đều do Trung Quốc cung cấp.
Những lời lẽ đẹp đẽ trong các bản tin TTXVN khi lãnh
tụ hai nước Việt Nam và Trung quốc gặp nhau thường không cho người dân biết sự
thật cái gì đã diễn ra. (TN)
No comments:
Post a Comment