Tổng thống Ukraina bị phế truất: Bài học nào cho chính
quyền Việt Nam và phong trào dân chủ đối lập?
Được đăng ngày Thứ ba, 25 Tháng
2 2014 10:05
Đúng như chúng tôi đã dự đoán
một tháng trước đây rằng tổng thống Ukraina có thể bị hạ bệ một lần nữa. Khi
đó, hầu như mọi người đều không thể nào tin được rằng một tổng thống đương chức
với cả một bộ máy nhà nước hùng mạnh, thậm chí quân phiệt như Ukraina lại có
thể bị hạ bệ bởi các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân. Thế rồi chuyện gì đến
cũng phải đến, ông Yanukovich phải bỏ của chạy lấy người, để lại một ngôi biệt
thự cực kỳ xa hoa và lộng lẫy, để lại một đất nước kiệt quệ và hàng trăm xác
người. Ông ta đang bị truy nã gắt gao để ra tòa và chịu trách nhiệm cùng với bộ
trưởng nội vụ về cái chết của gần 100 người tham gia biểu tình.
Nguyên nhân dẫn đến cái kết cục
bi thảm như ngày hôm nay của tổng thống Yanukovich, theo chúng tôi thì có mấy
lý do, một là ông ta và đảng cầm quyền không hề có một dự án chính trị nào để
phát triển đất nước. Ông ta đắc cử tổng thống là nhờ vào sự xung đột của phe
dân chủ (giữa cựu tổng thống Yushenko và và bà cựu thủ tướng Timoshenko), chính
vì không có tư tưởng chính trị dẫn đường nên khi nắm được quyền lực thay vì
phục vụ nhân dân ông ta và phe nhóm ra sức tham nhũng, thâu tóm các doanh
nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Ông ta làm chính trị là để tham nhũng và
cướp bóc chứ không phải để phụng sự nhân dân. Thứ hai, ông ta đã trả thù và đàn
áp đối lập một cách không nhân nhượng. Đối thủ chính của ông ta, bà Timoshenko
bị kết án 7 năm tù vì một tội danh mơ hồ là “lạm dụng quyền lực”, nhiều bộ
trưởng và chính khách bị truy nã nên phải sống lưu vong như quyền bộ trưởng nội
vụ Avakov (ông ta là cựu tỉnh trưởng Kharkov thời Yushenko, bị truy bức nên
phải sống lưu vong tại Ý). Trong khi đó lẽ ra ông ta cần phải tiến hành Hòa
giải dân tộc, Hòa giải chính trị để đoàn kết quốc gia. Sau này, trước khi bị
phế truất ông ta đã kêu gọi và thành lập hội đồng Hòa Giải Dân Tộc để chấm dứt
biểu tình nhưng mọi sự đã muộn.
Dư luận thế giới và Việt Nam
mấy ngày qua đều dành sự quan tâm đặc biệt cho tình hình Ukraina. Nhiều câu hỏi
và dự đoán được đặt ra cho tương lai Ukraina. Điều đầu tiên mà nhiều blogger
Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra đó là sự bẽ bàng của tổng thống Nga Putin.
Putin đã thắng EU trong hiệp đầu khi ông bất ngờ quyết định “đầu tư” cho
Yanukovich một gói cứu trợ khổng lồ là 15 tỉ đôla và hạ giá khí đốt 1/3 mà
không kèm theo điều kiện gì. Thế nhưng Thế vận hội Mùa Đông tại Sochi chưa bế
mạc thì chính quyền Yanukovich đã tan rã. Hình ảnh rực rỡ của thế vận hội không
thể nào át đi được âm thanh của tiếng súng và khói lửa tại quảng trường Độc Lập
ở thủ đô Kiev. Một liên minh Âu-Á mà ông ta mơ tưởng đã tan thành mây khói. Mô
hình thiếu dân chủ và sống bằng tài nguyên khoáng sản của Putin không còn đủ
hấp dẫn để lôi kéo bất cứ ai, ngoài mấy nước độc tài. Người Việt Nam chúng ta
cũng nên chấm dứt sự sùng bái (thiên về cảm tính) dành cho Putin và mô hình độc
đoán của nước Nga. Putin không mạnh như mọi người vẫn nghĩ. Đừng lo chuyện
Putin sẽ can thiệp quân sự để giữ Ukraina trong quĩ đạo của mình. Nước Nga
không đủ sức và uy tín để duy trì một cuộc chiến tranh với qui mô lớn trên diện
rộng với Ukraina.
Bản đồ Ukraine - Courtesy of The Economist
Đối với chính quyền Việt Nam
thì bài học đắt giá dành cho họ đó là không nên lươn lẹo trong các chính sách
đối ngoại, đu dây không phải là một phương pháp hành xử đúng đắn. Ảo tưởng trục
lợi của Yanukovich bằng cách đu dây giữa EU và Nga đã kết thúc trong bi thảm.
Một chính quyền cần phải giữ gìn uy tín của mình, việc Yanukovich vào phút cuối
đã quay ngoắt sang Nga và từ chối ký kết hiệp định liên kết với Châu Âu đã phải
trả giá đắt. Một chính quyền đứng đắn phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên
hết, làm chính trị là để phục vụ nhân dân chứ không phải để tham nhũng và cướp
bóc. Một nhà nước không lương thiện, không uy tín, không được lòng dân thì
trước sau gì cũng bị đào thải.
Một bài học cũng rất quan trọng
mà chính quyền Việt Nam và các quan chức Việt Nam nhất là giới công an và quân
đội cần phải nhớ, đó là, tuyệt đối không được dùng vũ lực để đối phó với chính
nhân dân mình. Rõ ràng là đã có một nhóm nhỏ cực đoan tại Ukraina đã cố tình
tấn công và khiêu khích cảnh sát nhưng do mất sáng suốt và kiên nhẫn nên
Yanukovich đã phản công mạnh mẽ khiến gần 100 người chết và thế là tình hình
mất kiểm soát, mọi kênh đối thoại bị cắt đứt, chính quyền trung ương nhanh
chóng bị tan rã và rồi ông Yanukovich và cựu bộ trưởng nội vụ bị truy nã quốc
tế vì mọi trách nhiệm về cái chết của những người biểu tình sẽ đổ lên đầu họ.
Bài học cho giới trung lưu và
các doanh nhân giàu có tại Việt Nam đó là không thể nào sống yên ổn và hạnh
phúc trong một đất nước thiếu dân chủ, mất tự do và hố ngăn cách giàu nghèo quá
lớn. Nghèo khó sẽ sinh ra bất ổn và bạo loạn xã hội, khi đất nước loạn lạc thì
sự giàu có của các nhà tài phiệt sẽ là mục tiêu đầu tiên mà những người cùng
khổ nhắm đến. Trước những cái đầu rỗng và những cái bụng đói thì mọi sự chính
đáng hay luân thường đạo lý đều không có giá trị. Giới doanh nhân giàu có tại
Việt Nam hãy hiểu điều đó để quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị của đất
nước và nên ủng hộ phong trào dân chủ đối lập tại Việt Nam. Sỡ dĩ cuộc biểu
tình ôn hòa của người dân Ukraina có thể diễn ra suốt hơn ba tháng qua là nhờ
sự ủng hộ về tiền bạc và vật chất của giới trung lưu và tài phiệt Ukraina, nổi
tiếng trong số đó có tỉ phú Poroshenko, chủ của hãng bánh kẹo nổi tiếng Roshen,
ông cũng là ứng cử viên sáng giá cho chức thủ tướng lâm thời. Triệu phú Avakov,
quyền Bộ trưởng nội vụ chính phủ lâm thời…
Bài học lớn nhất dành cho phong
trào dân chủ đối lập tại Việt Nam đó là muốn chiến thắng các nhà độc tài thì
phải có đoàn kết và phải có tổ chức. Không có tổ chức và một sự đồng thuận cao
thì phong trào đối lập tại Ukraina đã không thể thành công. Ba đảng lớn nhất
của đối lập Ukraina là đảng Tổ quốc của Yashennhiuk, đảng Udar của cựu vô địch
quyền anh Vitali Klichsko và đảng tự do của Tiagnibog đã đoàn kết và sát cánh bên
nhau suốt thời gian qua và họ đã nhận được sự ủng hộ hết mình của dân chúng. Sự
dấn thân và niềm tin của họ đã lay động được đám đông. Một bài học quan trọng
nữa là không có chính quyền nào là quá mạnh và là bất khả chiến bại. Đấu tranh
bất bạo động hoàn toàn có thể mang đến thắng lợi. Chỉ cần tập hợp được khoảng
50.000 người và duy trì được áp lực một thời gian là cách mạng có thể thành
công. Một bài báo cho rằng chỉ cần từ 3,5% đến 5% dân số đứng lên chống lại một
chế độ là chế độ đó sụp đổ. Đấu tranh bất bạo động sẽ đặt chính quyền vào thế
bất bạo động, nếu chính quyền dùng bạo động để chống lại người biểu tình bất
bạo động thì chính quyền đó sẽ mất hết uy tín và người biểu tình sẽ lôi kéo
thêm được nhiều người đang lưỡng lự và cách mạng sẽ thành công. Một điều cũng
cần nhắc lại là tiền bạc tuy quan trọng nhưng nó là thứ chia rẽ nhiều hơn là để
gắn kết các tổ chức chính trị hay con người lại với nhau. Chính quyền Ukraina
và các thành viên của nó rất giàu có nhưng tan rã rất nhanh, hơn cả mọi dự
đoán. Trong khi những người biểu tình đều nghèo khổ nhưng họ đã chiến thắng vì
họ có một niềm tin rất lớn vào tương lai, vào chính nghĩa.
Tương lai của Ukraina vẫn còn
bấp bênh. Không thể ngày một ngày hai là mọi chuyện có thể tốt ngay lên được.
Cần có thời gian và chính quyền mới phải có bản lĩnh lẫn quyết tâm. Thách thức
đối với chính quyền mới vẫn còn ngổn ngang trước mặt. Rất nhiều việc cần phải
làm. Tuy nhiên việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm đó là Hòa giải dân tộc,
hòa giải chính trị để tạo sự đoàn kết quốc gia, dân tộc. Sự khác biệt giữa hai
miền Đông-Tây của Ukraina vẫn còn rất lớn. Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng
một chính quyền dân chủ sẽ biết cách giải quyết mọi vấn đề một cách ổn thỏa.
Minh bạch, lương thiện, cởi mở sẽ khiến người dân đồng cảm và chia sẻ với
chính phủ. Mọi sự gian dối hay thủ đoạn sớm muộn sẽ thất bại.
Việt Hoàng
No comments:
Post a Comment