Friday 7 February 2014

THẾ VẬN HỘI MÙA ĐÔNG SOCHI KHAI MẠC (RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ sáu 07 Tháng Hai 2014

Sotchi đón Thế vận mùa Đông từ 07 đến 23 /02/2014.   REUTERS/Alexander Demianchuk

Tối nay, 07/02/2014, Thế vận hội mùa Đông đầu tiên trong lịch sử nước Nga sẽ khai mạc tại thành phố Sotchi, với sự hiện diện của hàng chục lãnh đạo thế giới trong một buổi lễ rất hoành tráng nhằm gây ấn tượng mạnh cho quốc tế.

Tổng thống Vladimir Putin muốn thông qua sự kiện thể thao lớn này trình bày một bộ mặt mới của nước Nga, bảy năm sau khi dồn hết ảnh hưởng của ông nhằm giành được quyền tổ chức Thế vận hội mùa Đông đầu tiên tại nước Nga. Đây cũng là sự kiện quốc tế lớn nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Thế vận hội Sotchi sẽ khai mạc vào lúc 20h14 phút, đúng với con số của năm 2014, tại sân vận động mới toanh Fisht, được xây dựng bên bờ Hắc Hải để phục vụ cho Thế vận hội gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử.

Tham dự lễ khai mạc hôm nay cùng với Tổng thống Putin có khoảng hơn 40 lãnh đạo thế giới, trong đó đáng chú ý là Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch.

Nhưng một số lãnh đạo phương Tây đã tẩy chay lễ khai mạc, như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Đức Joachim Gauck. Sự vắng mặt này được cho là nhằm bày tỏ sự bất bình của các nước phương Tây đối với việc Nga thông qua vào tháng Sáu năm ngoái một đạo luật mang tính kỳ thị giới đồng tính.

Đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây, Tổng thống Putin bảo đảm rằng tất cả mọi người sẽ đều được đón tiếp đàng hoàng ở Thế vận hội Sotchi và chính quyền Nga sẽ làm đủ mọi cách để bảo đảm an ninh cho sự kiện thể thao này, diễn ra tại một nơi chỉ nằm cách vùng Kafkaz bất ổn có vài trăm cây số.

Matxơcva cố làm cả thế giới thán phục về buổi lễ khai mạc, mà các chi tiết được gìữ bí mật cho đến phút chót. Người ta chỉ có thể dự đoán là lễ khai mạc sẽ làm nổi bật văn hóa và ảnh hưởng của nước Nga. Sân vận động Fisht tối nay được chuyển thành một nhà hát có sức chứa 40 ngàn người.

Tên của nhân vật sẽ đốt ngọn đuốc trước lễ khai mạc Thế vận hội tối nay hiện vẫn được giữ kín và Tổng thống Putin đã khẳng định rằng ông không hề can thiệp vào chuyện này, vì đó là quyết định của ban tổ chức.

*

Đức Tâm  -  RFI
Thứ sáu 07 Tháng Hai 2014

Hôm nay, 07/02/2014, Thế Vận Hội mùa đông khai mạc tại Sotchi, nước Nga. Đây là một sự kiện thể thao lớn, nhưng đồng thời cũng là một diễn đàn chính trị. Đương nhiên, nước Nga đã mong đợi và bỏ ra hàng chục tỷ euro để tổ chức Thế Vận Hội này, nhưng đây cũng là ý muốn của Tổng thống Vladimir Putin. Thậm chí, nhiều nhà quan sát còn cho đây là thế vận hội của ông Putin. Nhân dịp này, RFI phỏng vấn ông Alexis Prokopiev, Chủ tịch hiệp hội « nước Nga và các quyền tự do - Russie-Libertés ».

RFI : Xin chào ông Prokopiev, liệu có thể nói rằng Thế Vận Hội Sotchi là một thành công lớn trong lĩnh vực tuyên truyền của Tổng thống Vladimir Putin ?
Alexis Prokopiev: « Đối với ông Vladimir Putin, đây là một biểu tượng nổi bật, một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến công luận trong và ngoài nước Nga. Trước tiên, đối với bên ngoài, ông Putin muốn chứng tỏ rằng nước Nga là một cường quốc mạnh, do vậy, ông rất muốn là mọi việc diễn ra tốt đẹp trong thời gian Thế Vận Hội Sotchi. Đối với trong nước, không nên quên rằng ông Putin là một Tổng thống đang bị phản đối. Trong các năm 2011, 2012 và 2013, hàng chục ngàn người Nga đã biểu tình trên đường phố chống lại chính sách của ông Putin. Đảng nước Nga thống nhất của ông đang ở mức rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận. Do vậy, ông Putin cần chứng tỏ rằng ông là một người hùng, có đủ khả năng tổ chức các sự kiện có quy mô lớn trên phạm vi quốc tế cũng như tại Nga ».

RFI : Vả lại, để làm được việc này, ông Putin đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các định chế của Thế Vận Hội ?
Alexis Prokopiev : « Vâng, đúng vậy và đó là một việc làm quen thuộc trong lịch sử Thế Vận Hội. Các giới chức của Ủy ban Olympic quốc tế vẫn luôn luôn ủng hộ rất mạnh mẽ lãnh đạo các nước đón tiếp Thế Vận Hội. Đây cũng là trường hợp đối với ông Putin ».

RFI : Ông vừa nhắc đến các cuộc tập hợp của phe đối lập, nhưng các cuộc biểu tình này đã diễn ra cách nay nhiều tháng. Trong những tuần qua, hàng ngũ phe đối lập tỏ ra kín tiếng ?
Alexis Prokopiev : « Đã có một cuộc tập hợp hàng ngàn người tại Matxcơva trong thời gian gần đây để đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Cho dù cách nay vài tuần, chính quyền Matxcơva có một cử chỉ mang tính biểu tượng, đó là trả tự do cho một vài tù nhân chính trị nổi tiếng, như trường hợp ông Mikhail Khodorkovski và các ca sĩ trong ban nhạc Pussy Riot. Thế nhưng, hiện vẫn còn hàng trăm tù chính trị bị giam cầm trong các nhà tù Nga. Bất hạnh thay, người ta lo ngại sẽ có các vụ bắt bớ khác sau Thế Vận Hội Sotchi. Vả lại, mọi người đều biết, việc tổ chức biểu tình tại Nga rất phức tạp do có Thế Vận Hội. Vì vậy, bầu không khí hiện nay khá căng thẳng ».

RFI : Đúng là đáng lo ngại. Trước Thế Vận Hội, ông Putin đã có một số nhượng bộ. Vậy tình hình hậu Thế Vận sẽ ra sao ?
Alexis Prokopiev : « Người ta quả thực lo ngại về thời kỳ sau Thế Vận Hội. Hiện nay, nhiều người Nga tranh đấu cho môi trường bị truy tố. Thậm chí, có một nhà bảo vệ môi trường Nga đã bị bắt ở Krasnodar, cách không xa vùng Sotchi, bởi vì người này đã tham gia biểu tình. Một người khác ở vùng Sotchi, ông Evgueni Vitichoko, đã bị kết án 3 năm tù giam, vì đã viết một khẩu hiệu trên tường.
Người ta cũng lo ngại là làn sóng trấn áp sẽ tái diễn sau Thế Vận Hội Sotchi. Còn bây giờ, trong thời gian có Thế Vận Hội, rất nhiều người Nga, vốn thông thường không tham gia tranh đấu, không theo đảng phái nào, không thuộc phe đối lập, lại biểu thị mạnh mẽ sự bất bình của họ trên các mạng xã hội, về tình trạng điều hành quản lý lãng phí, nạn tham nhũng, về số tiền đổ ra để tổ chức Thế Vận Hội, tiền của dân nộp thuế, hàng tỷ hàng tỷ đô la (xấp xỉ 40 tỷ euro). Giờ đây, mọi người thấy rõ kết quả : Có rất nhiều dự án hoạt động không tốt tại Sotchi, như không có nước, không có điện. Đó là những điều mà người Nga cảm thấy rất đau xót.

RFI : Chắc chắn là trong những ngày tới, sẽ có những bình luận về việc này, nhất là từ báo chí quốc tế. Tuy vậy, cho đến nay, có thể nói rằng đây là một dự án thành công, nâng cao uy tín cho ông Putin ?
Alexis Prokopiev : « Vâng, trong mọi trường hợp, trong số những điều được nói trước khi khai mạc Thế Vận Hội, thì đây là một dự án thành công đối với ông Putin. Cho dù theo những thông tin và hình ảnh mới nhất, thì có những khách sạn không có nước dùng, rất nhiều thứ không hoạt động được, và đây là một điều không hay cho ông Putin. Bây giờ, người Nga thường gắn những hiện tượng này với sự bùng nổ của nạn tham nhũng. Tất nhiên, cần phải chờ xem Thế Vận Hội diễn ra như thế nào. Chắc chắn, đây là một sự kiện nâng cao uy tín, rất quan trọng đối với ông Putin. Rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời liên quan đến thời kỳ sau Thế Vận Hội, như vấn đề nhân quyền, các khoản chi liên quan đến Thế Vận Hội.
Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Nga ? Hiện nay, đồng Rúp đã bị mất giá. Tại các điểm đổi tiền ở Matxcơva, một euro ăn gần 50 rúp, cách nay vài tháng, tỷ giá này là 1 – 40. Một câu hỏi khác là tương lai các cơ sở phục vụ Thế Vận Hội ra sao. Tại Nga, Sotchi là nơi duy nhất nằm trong vùng cận nhiệt đới. Người ta đang tự hỏi tương lai các khu nhà Olympic tốn kém hàng triệu, hàng triệu euro sẽ ra sao ? Những cơ sở này sẽ được sử dụng như thế nào ? Tất cả những câu hỏi này vẫn treo lơ lửng, chưa có câu trả lời ».

---------------------------------------------

VOA
07.02.2014

Các nhà tổ chức Thế vận hội mùa Đông tại Nga đang vội vã chỉnh sửa nhiều vấn đề liên hệ đến khách sạn và những cơ sở khác trước buổi khai mạc ngày hôm nay. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng một số công nhân nước ngoài nói họ phải làm việc trong những điều kiện vô nhân đạo tại Sochi và rồi bị cho nghỉ việc mà không nhận được khoản tiền công đã được thỏa thuận trước.

Các quan khách nước ngoài đến Sochi gồm có một số nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Những giới chức này nhận được sự tiếp đãi long trọng dành cho thượng khách tại thành phố  nghỉ mát này của Nga.
Tuy nhiên những người khác không được vậy.

Thông tín viên Đài VOA Parke Brewer nói các nhà báo đã gặp phải một số vấn đề – trong đó có vấn đề nghiêm trọng nhất là không thể nối mạng Internet. Ông nói thêm như sau:
“Một trong số những vấn đề lớn nhất mà đồng nghiệp của tôi John Speer đã trải qua khi anh đến vào trưa hôm qua - khi anh đến phòng khách sạn thì đã có một người khách khác ở trong phòng rồi, và đây là lần thứ hai tôi nghe chuyện này xảy ra. Có một người khách khác đi một đoạn đường dài mất 23 tiếng đồng hồ. Ông ta đến đây vào lúc 3 giờ sáng và vào phòng thì thấy có một người đàn ông nằm trên giường. Do đó rõ ràng là có một số vấn đề. Tôi nói chuyện với một nữ phóng viên Nga. Cô cho biết là phòng của cô có mấy con chuột chạy quanh. Một đồng nghiệp khác ở phòng đối diện phòng tôi bị kẹt trong phòng sáng ngày hôm qua …”

Phòng vệ sinh đôi không có vách ngăn là trò cười của truyền thông  nước ngoài trong nhiều tuần lễ. Trưởng văn phòng Moskova của tờ Washington Post, bà Cathy Lally, đã nhìn thấy loại nhà vệ sinh này tại khách sạn Ekaterininskiy Kvartal nơi bà thuê phòng. Bà nói:
   “Cách đây hai tuần lễ, có nhiều câu chuyện liên hệ đến nhà vệ sinh này vì có một nhà vệ sinh tại trung tâm trượt tuyết bắn súng. Người Nga nói ‘ồ, không, không phải như thế này’. Đây chỉ là một nơi những vách ngăn bị gỡ ra vì nơi này được biến thành một phòng chứa vật dụng. Do đó họ nói không có nhiều nhà vệ sinh kép đâu. Nhưng ở đây chúng tôi có một cái.”

Công nhân bảo trì nhà vệ sinh Pavel Osipov nói vách ngăn sẽ được dựng lại:
“Vách ngăn và cửa sẽ được lắp vào ngày mai. Chúng tôi xin lỗi khách của khách sạn vì những sự bất tiện này. Nhà vệ sinh này làm chưa xong.”

Tuy nhiên, những vấn đề một số công nhân nước ngoài giúp xây dựng những cơ sở cho Thế vận hội phải đối mặt thì khó giải quyết hơn. Hơn 120 công nhân đến từ Serbia và Bosnia bị trục xuất ra khỏi nước Nga hồi đầu tháng này. Một số công nhân nói họ không được trả lương hay chỉ nhận được một số tiền công ít hơn con số đã thỏa thuận trước đây. Một công nhân người Bosnia cho biết như sau
:
“Tôi nghĩ đã có lệnh là tất cả công nhân nước ngoài phải rời khỏi Sochi vì lý do an ninh cho đến một ngày nào đó, một số người nói là cho đến ngày 5 tháng 1, người khác nói cho đến ngày 15 tháng 1. Người chủ của chúng tôi biết việc này và vì chúng tôi ở lại sau những ngày này, nên họ dùng việc này như một cơ hội để cảnh sát bắt chúng tôi để họ không phải trả tiền công cho chúng tôi.”

Các công nhân cũng nói nơi cư ngụ của họ cũng dưới mức tiêu chuẩn, thường thiếu những tiện nghi căn bản như đèn điện trong phòng.

Moscow đã tiêu khoảng 45 tỉ đô la để tổ chức Thế vận hội mùa Đông tốn tiền nhất trong lịch sử Thế vận hội.


No comments:

Post a Comment

View My Stats