Wednesday 19 February 2014

TÂM SỰ CỦA MỘT NGU TRUNG (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 19 Tháng 2 2014 09:11

LTS. Dưới đây là bài phỏng vấn cựu trung tướng Nguyễn Quốc Thước, 88 tuổi, nguyên tư lệnh quân khu 4 và nguyên ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài này không có gì đáng nói về mặt tri thức và lý luận. Nó chỉ biểu lộ cái tâm lý "tôi trung" của một người cho rằng mình đã chịu ơn đảng thì phải theo đảng tới cùng, đã tuyên thệ suốt đời hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản thì phải suốt đời hy sinh hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chủ nghĩa cộng sản đúng hay sai là câu hỏi mà những người như ông Thước có lẽ không bao giờ đặt ra cho mình.

Mục đích của tờ Quân Đội Nhân Dân khi đăng bài phỏng vấn này chắc chắn là để củng cố tinh thần khối đảng viên cộng sản, trước hết là khối đảng viên trong quân đội, nhưng hiệu quả chủ yếu là phản tác dụng. Trước hết nó chứng tỏ những người bênh đảng chỉ có những lý luận rất sơ sài, quá sơ sài, và hoàn toàn lạc điệu so với thời đại. Những người như ông Thước hoàn toàn không ý thức được rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị cả lý luận lẫn thực tế chứng minh là hoàn toàn sai và sai một cách đẫm máu. Người ta cũng có thể nhận xét là quyền lợi dân tộc và tương lai đất nước hoàn toàn vắng mặt trong ưu tư của ông Thước.

Sự kiện tờ Quân Đội Nhân Dân cho đăng bài này chứng tỏ những điều ông Thước nói cũng phản ánh tâm lý chung của những người cộng sản trung kiên. Họ chỉ biết có Đảng của họ, họ không cần biết tới dân tộc và đất nước. Họ có phải là người Việt Nam không hay chỉ là những người cộng sản trung thành với đảng và chủ nghĩa cộng sản tới cùng bất kể đất nước và dân tộc ?

Ngoài lý do chỉ biết có đảng và bất chấp đất nước, còn một lý do khác khiến họ trung kiên, đó là sự yên tâm. Họ tin rằng Đảng của họ sẽ vượt qua được thử thách và vẫn tồn tại bởi vì, như ông Thước nói "tình hình bây giờ có khó khăn nhưng cũng chưa thấm gì với các giai đoạn cách mạng trước đây".Họ lý luận rằng trước đây khó khăn hơn nhiều mà đảng vẫn vượt qua được thì không có lý do gì lần này đảng lại không vượt qua được. Nhưng có lý do, lý do khổng lồ đến nỗi mà con mắt thiển cận của họ không nhìn thấy. Đó là chủ nghĩa cộng sản đã hiện nguyên hình dưới mắt cả nhân loại như một sai lầm và một tội ác, nó không còn thuyết phục được ai cả.

"Đồng chí thường trực bộ chính trị có tư tưởng đa nguyên đa đảng"mà trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói tới là ông Trần Xuân Bách. Ông Bách lúc đó đang là người có triển vọng trở thành tổng bí thư nhất nhưng đã bị thanh trừng tháng 01/1990, trước đại hội 7, vì chủ trương chuyển hóa về dân chủ. Tiếc cho đất nước và ông Bách. Nhưng còn đáng tiếc hơn cho Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội để làm tác nhân thay vì nạn nhân của cuộc chuyển hóa bắt buộc của đất nước về dân chủ đa nguyên.

Nguyễn Văn Huy

-----------------------

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Người cộng sản chân chính không bao giờ bỏ cuộc
QĐND - Chủ nhật, 16/02/2014 | 21 :50 GMT+7

"Bất mãn với Đảng là hỏng. Đảng là tất cả chúng ta chứ không phải là một vài đồng chí lãnh đạo. Đấu tranh với cái xấu để làm Đảng mạnh lên là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng". Đó là chia sẻ gan ruột của vị tướng 88 tuổi đời, 67 tuổi Đảng - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, từng là Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X - khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về hiện tượng một vài đảng viên "xin ra khỏi Đảng" gần đây…

Không nhiều, nhưng đáng tiếc

- Là đảng viên lão thành, là người lính dạn dày trận mạc, Trung tướng có suy nghĩ gì trước hiện tượng một vài đảng viên viết đơn xin ra khỏi Đảng và làm "ồn ào" chuyện này trên mạng xã hội ?
- Tôi có nghe nói đến hiện tượng này và có nhờ các con tổng hợp thông tin trên internet xem những người đó là ai. Tổng hợp lại thì số này không nhiều, chỉ có một vài người thôi. Tôi cho rằng, nếu về quan điểm, đường lối của Đảng mà họ không thừa nhận rồi viết đơn xin ra khỏi Đảng thì mừng cho Đảng. Như thế là không đủ tiêu chuẩn đảng viên, phải ra khỏi Đảng là đương nhiên, miễn phải bàn. Một vài đảng viên trẻ, mới có vài ba năm tuổi Đảng, lại bị kích động, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng thì ra khỏi Đảng cũng là điều đáng tiếc. Nhưng còn một vài người đã là cán bộ cấp cao, mấy chục năm tuổi Đảng thì tôi rất quan tâm, đây là những trường hợp rất đáng suy nghĩ.

- Vì sao lại là đáng suy nghĩ với những trường hợp này, thưa Trung tướng ?
- Càng khó khăn thì càng cần vai trò lãnh đạo của Đảng, cần vai trò người đảng viên đứng mũi chịu sào. Nghiên cứu kỹ thì thấy hầu hết các đồng chí ấy có vấn đề bất mãn cá nhân. Lâu nay, có một số đảng viên già dặn đã trải qua mấy chục năm chiến đấu thấy khuyết điểm của Đảng chưa được khắc phục trọn vẹn đâm ra bất bình vì cho rằng Đảng không tiếp thu ý kiến của đảng viên…

Bản lĩnh chính trị và bài học lịch sử

- Vậy bản lĩnh người đảng viên trong các giai đoạn khó khăn của Đảng cần được nhìn nhận như thế nào ?
- Chúng ta vừa kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng. Chặng đường gần một thế kỷ là một chặng đường cực kỳ khó khăn ác liệt nhưng cũng cực kỳ oanh liệt của Đảng ta, cũng không phải không trải qua những bước thăng trầm nhất định. Không phải cái gì cũng đúng cả, cũng đã có những sai lầm, khuyết điểm. Tình hình bây giờ có khó khăn nhưng cũng chưa thấm gì với các giai đoạn cách mạng trước đây. Không có bản lĩnh thì Đảng ta không tồn tại được, cũng không có Nhà nước ngày nay. Nhưng bản lĩnh của Đảng không phải là cái gì đó chung chung mà được thể hiện chính từ bản lĩnh của mỗi đảng viên, trước khó khăn không lùi bước, nguy nan không cúi đầu. Tôi còn nhớ, trước Cách mạng Tháng Tám, những năm đầu Đảng ra đời đã gặp cuộc tổng khủng bố của thực dân Pháp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hầu như bị bắt và bị xử tử gần hết. Trước mũi súng, trước kìm kẹp, trước tù đầy, những đảng viên kiên trung vẫn tìm cách khôi phục Đảng, đưa Đảng về vị trí lãnh đạo của mình. Mà lúc đó đảng viên trình độ lý luận chính trị có gì đâu, sao lại có thể vượt qua cửa ải ghê gớm như vậy. Ngọn cờ tiên phong vẫn là những người đảng viên. Sự kiên định của người đảng viên là nhân tố hàng đầu để đi tới thành công của cách mạng.

- Chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử Đảng, đã bao giờ Trung tướng thấy hiện tượng một số ít đảng viên dao động, xin ra khỏi Đảng như hiện nay ?
- Tôi sinh năm 1926, vào Đảng năm 1947 nên có lần tôi từng nói đùa với một đồng chí trong chi bộ rằng, tôi hơn Đảng… 4 tuổi. Cả cuộc đời theo Đảng, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, tôi cũng đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, của Đảng ta. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, Đảng ta từng có lúc có hiện tượng một bộ phận đảng viên hoang mang, dao động, thậm chí trả thẻ Đảng chứ không phải chỉ một vài người cá biệt làm đơn xin ra khỏi Đảng như hiện nay.
Lúc đó, tôi là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI. Tư tưởng đa nguyên, đa đảng thâm nhập vào ngay cả cơ quan lãnh đạo cao nhất. Một đồng chí là thường trực Bộ Chính trị lại có tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Tình hình ấy bây giờ dùng hình ảnh "ngàn cân treo sợi tóc" cũng không sai. Bởi vì như ở Liên Xô, chỉ một đêm Goóc-ba-chốp tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản, thế là Đảng tan rã. Nguy cơ của ta không khác gì. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư lại bị tai biến mạch máu não. Nếu Tổng Bí thư đi vắng thì thường trực Bộ Chính trị đương nhiên là người phụ trách công việc. Tổng Bí thư nói "đổi mới nhưng không đổi màu" song họ muốn phải đổi màu, phải đa nguyên, đa đảng. Hiện tượng đảng viên dao động, trả thẻ Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nảy sinh.
Trong bối cảnh nguy nan như vậy, chính những người đảng viên kiên cường trong Trung ương Đảng đã đấu tranh quyết liệt, đánh bại chủ nghĩa xét lại. Tôi còn nhớ là vào các kỳ họp thứ 7, thứ 8, một phong trào đấu tranh quyết liệt với chủ nghĩa xét lại đã được hình thành từ các tổ chức cơ sở Đảng, tạo thành tiếng nói mạnh mẽ tác động tới Trung ương.

- Ở trên, Trung tướng có nói đến một số người xin ra khỏi Đảng vì lý do bất mãn cá nhân. Rộng hơn, có cả cán bộ cấp cao khi nghỉ hưu, thôi chức vụ lãnh đạo bỗng "có ý kiến khác" chỉ vì những bức xúc riêng. Điều này nên được cảm thông hay phê phán ?
- Có người vì quá bức xúc mà bất mãn. Nhưng theo tôi, bất mãn với Đảng là hỏng. Đảng là tất cả chúng ta chứ không phải chỉ là một vài đồng chí lãnh đạo. Phê bình để Đảng mạnh lên chứ không phải để chống Đảng. Đó mới là thái độ của người cách mạng như Bác Hồ từng căn dặn.
Gần như sống trong tổ chức thì ai ít nhiều cũng có những điều không hài lòng với tổ chức. Vấn đề là anh nhận thức và hành xử thế nào. Ngày trước, sau nhiều công việc, tôi và đồng chí Chính ủy Quân khu không trúng danh sách dự Đại hội Đảng toàn quốc, đồng nghĩa với việc không được tham gia Trung ương khóa tiếp. Có đồng chí bị tương tự như tôi đã suy sụp tinh thần, nhưng tôi thấy bình thường. Mình là đảng viên, tổ chức giao gì cho mình thì mình làm, ở đâu cũng là nhiệm vụ.

- Nhưng khách quan mà nói, có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, biến chất làm xói mòn lòng tin vào Đảng. Cho nên, việc đảng viên ra khỏi Đảng dù là cá biệt nhưng cũng cần cảnh báo, nhìn nhận ?
- Ngay cả khi trong Đảng khiếm khuyết, kẻ địch đang lợi dụng khoét sâu vào thì lẽ ra mình phải một mặt lên "dây cót" cao hơn nữa, một mặt phải kiên quyết đấu tranh.
Nếu "bệnh" không nặng, sửa được ngay thì chưa cần Nghị quyết Trung ương 4, cần nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết Trung ương 4 không phải là để thanh trừng trong Đảng mà là để đưa đảng viên có khuyết điểm sai lầm sửa sai, trở về chân chính, là trị bệnh cứu người, nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, nặng thì kỷ luật, nặng quá thì cho ra khỏi Đảng, xử lý theo pháp luật. Tôi cho rằng, ngay cả trong mỗi cán bộ vi phạm cũng có mặt xấu và mặt tốt. Đảng có hạn chế, sai lầm thì mặt tốt vẫn là cơ bản. Ngay cả một số người vi phạm cũng không phải hư hỏng cả, nên đấu tranh, phê bình để đưa người ta trở lại chân lý chứ không phải đấu tranh để loại bỏ người ta. Nên nhớ ngay cả thời kỳ đảng viên dao động sau khi Liên Xô sụp đổ, có đảng viên trẻ hoảng loạn xin ra khỏi Đảng, nhưng sau đó thì một số người chính họ lại tự nhận thức lại.

Tỉnh táo trước âm mưu lôi kéo

- Vậy với một vài người làm ồn ào việc ra khỏi Đảng vừa qua, động cơ là đấu tranh phê phán hay còn vì vấn đề gì khác ?
- Nếu chỉ vì làm cho Đảng mạnh lên hoặc vì dân vì nước thì người ta cũng chẳng nhất thiết phải ra đường hô lên thật to rằng "tôi ra khỏi Đảng", chẳng cần phải tuyên bố nọ, tuyên bố kia. Xem xét cái cách anh nọ, anh kia thảo tuyên bố rồi tung lên mạng thì quả là không bình thường. Động cơ gì phía sau thì phải xem xét kỹ tùy trường hợp nhưng tôi thấy mấy trường hợp này cũng không gây được tiếng vang, ảnh hưởng gì đáng kể tới đội ngũ đảng viên của ta cả.

- Gần đây, có hiện tượng kẻ xấu lôi kéo, kích động cán bộ lão thành, thậm chí cả một vài tướng lĩnh. Trung tướng đã có trải nghiệm và suy nghĩ gì về vấn đề này ?
- Tôi cũng từng bị lôi kéo. Họ thấy tôi thường thẳng thắn đấu tranh quyết liệt nên có người từng gặp tôi đề nghị : "Bác phải "chiến đấu" với cái Đảng này". "Bác phải đứng ra làm "ngọn cờ". Nhưng tôi nói thẳng, tôi chỉ chiến đấu với cái xấu, cái tiêu cực trong Đảng chứ không bao giờ đấu tranh với Đảng. Đúng là ban đầu tôi có tham gia nhóm đấu tranh chống tiêu cực. Nhưng sau tôi thấy trong nhóm này có một số người không phải là cán bộ quân đội và lời nói, hành vi có người không nhất quán, minh bạch… nên tôi không tham gia nữa. Tôi cũng không tham gia ký các bản kiến nghị, tâm thư tập thể nên có lần kẻ xấu lấy tên tôi đưa cả vào bản ký kết ủng hộ Cù Huy Hà Vũ rồi tung lên mạng dù tôi không liên quan gì tới Cù Huy Hà Vũ cả.

- Nhưng không phải ai cũng có được cái nhìn tỉnh táo như Trung tướng. Vậy cần phải có cách gì để cô lập kẻ xấu và bảo vệ, nhìn nhận đúng những người tranh đấu kiên trung ?
- Theo tôi phải tăng cường lắng nghe, nắm bắt thông tin và tăng cường đối thoại. Trước đây, chính bản thân tôi cũng có nhiều bức xúc và đây đó, có lúc, có nơi người ta còn quy kết tôi. Nhưng một số đồng chí lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị đã lắng nghe và trực tiếp đối thoại với tôi. Không chỉ nghe tôi phát biểu trên hội trường mà còn dành riêng một buổi để nghe tôi nói.

Giữ vững niềm tin, kiên định con đường đã chọn

- Như vậy, xét cho cùng, mấu chốt giải quyết vẫn là nắm bắt và xử lý thông tin sao cho đúng ?
- Nói đúng hơn là phải xử lý thông tin hai chiều. Việc này cần được chú trọng không chỉ với cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng mà cần làm cả với giới trẻ, nhất là thanh niên, sinh viên. Ngoài kênh chính thức nên có kênh xã hội rất quan trọng. Phải đi vào phong trào, đi vào cuộc sống để giáo dục chứ không phải là chỉ ngồi trên hội trường hội họp thì chưa đủ.

- Theo Trung tướng, mỗi đảng viên trong giai đoạn hiện nay nên làm gì trước những hạn chế, khuyết điểm trong Đảng ?
- Xét một cách toàn diện, Đảng ta không hề thoái hóa, biến chất đến mức phải mất niềm tin như kẻ xấu kích động mà vẫn là một Đảng cách mạng với đường lối đúng đắn, với số đông kiên trung, tiến bộ, vẫn là Đảng của Bác Hồ, của nhân dân. Chỉ có một nhóm nhỏ, một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm mất uy tín của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn chỉ ra. Giữ vững niềm tin vào đường lối của Đảng, kiên quyết, chủ động đấu tranh với những biểu hiện sai trái, đó mới chính là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng ta.
Trước những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, chúng ta cũng phải nhìn nhận thật khách quan, không nên cực đoan. Ở đây, ngay cả những người xin ra khỏi Đảng, tôi nghĩ có thể họ cũng có mặt tốt là muốn Đảng phải khắc phục khuyết điểm để đi lên chứ không phải ai cũng hoàn toàn chỉ muốn phá bỏ. Nhưng muốn cho Đảng tiến lên thì phải tiếp tục con đường, chứ từ bỏ con đường là không nên.
Ai vào Đảng cũng thề, cũng nói suốt đời hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản. Thế thì lúc Đảng khó khăn không thể ngồi để phê phán rồi bỏ chạy ra khỏi Đảng, khác gì ngoài mặt trận lại thoái lui. Đảng có khó khăn thì chúng ta phải ghé vai vào. Đó mới là cách tốt nhất để xây dựng Đảng.

- Xin cám ơn Trung tướng!

NGUYÊN MINH - TRƯỜNG GIANG (thực hiện)





No comments:

Post a Comment

View My Stats