Wednesday 5 February 2014

ĐỒNG RÚP MẤT GIÁ, NGA BẤT LỰC (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ ba 04 Tháng Hai 2014

Nga và nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới phải đương đầu với hiện tượng các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn đi nơi khác. Trong 6 tuần lễ đầu 2014, đồng rúp của Nga mất giá 10 %, rơi xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2009. Người dân lo sợ nhưng Matxcơva hài lòng. Tổng thống Putin loại trừ mọi khả năng phá giá đồng tiền.

Tỷ lệ tăng trưởng của Nga đang đổ dốc, đang từ 4,3 % năm 2011 rơi xuống còn 3,4 % vào năm 2012 và 1,3 % vào năm ngoái. Matxcơva kỳ vọng vào « hiệu ứng » của Thế vận hội mùa đồng Sochi để đem lại một làn gió mới cho kinh tế Nga. Điện Kremly kỳ vọng GDP tăng 2,5 % trong năm 2014. Các chuyên gia không mấy tin tưởng vào dự phóng lạc quan đó của chính quyền.

Sergoy Dmitriev nhà báo ban tiếng Nga RFI giải thích thêm về nguyên nhân khiến đồng rúp mất giá so với hai ngoại tệ chính là đô la và euro.

« Đúng là đồng rúp đã rơi xuống mức thấp nhất từ 4 năm qua. Nhìn từ phía Matxcơva đây là một sự ‘điều chỉnh’ bởi vì trong quá khứ đồng tiền Nga được đánh giá là cao hơn sơ với trị giá thực sự của nó. Ngân hàng trung ương cố tình giữ giá đồng tiền quốc gia ở mức cao để tránh lạm phát. Đúng là vốn đầu tư nước ngoài vào Nga đang bị thất thoát ra ngoài, trước viễn cảnh Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Đứng đầu là các nhà đầu tư vào những lĩnh vực năng lượng của Nga. Cần biết rằng 70 % tiền ủy thác của các ngân hàng Nga đều trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa tình hình cả kinh tế lẫn chính trị của Nga hiện còn bấp bênh. Về kinh tế như đã biết, GDP của Nga tăng trưởng chậm lại cho dù được thế vận hội Olympic Sochi tiếp sức. Còn về tình hình chính trị, thì mọi người chưa biết đối lập Nga sẽ có ‘ngồi yên’ hay không ».

Trả lời báo chí, thống đốc Ngân hàng trung ương Nga bà Elvira Naboiullina tuyên bố đồng rúp mất giá không phải là do đơn vị tiền tệ của Nga « yếu » mà là do euro và đô la tăng giá « mạnh ». Dù vậy cho đến trung tuần tháng Giêng 2014 định chế tài chính này đã liên tục tung tiền ra để mua vào đồng rúp hòng giữ giá đơn vị tiền tệ quốc gia ở một mức phải chăng và tăng lãi suất chỉ đạo với hy vọng chặn được hiện tượng chảy máu vốn ra nước ngoài. Nhưng từ gần ba tuần qua, Ngân hàng trung ương đã giới hạn sự can thiệp đó để « thả nổi tỷ giá đồng tiền theo luật cung cầu của thị trường ».

Lợi hay hại cho kinh tế Nga ?

Câu hỏi thiết thực nhất đặt ra là liệu đồng rúp mất giá như vậy có lợi hay không cho kinh tế của Nga ? Đơn vị tiền tệ của Nga đã liên tục bị mất giá trong sáu tuần lễ đầu năm 2014, giảm 6,5 % so với đô la và hơn 5 % so với đồng euro của châu Âu. Vào lúc mà người dân lo ngại vật giá leo thang khi hàng nhập khẩu vào Nga tăng giá, thì chính quyền của ông Putin lại coi hiện tượng đồng tiền bị mất giá này là một cơ may.

Phần lớn ngân sách của liên bang Nga tùy thuộc vào tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt. Hóa đơn bán năng lượng cho nước ngoài luôn được tính bằng đô la. Trong tài khóa 2013 bội chi ngân sách của Nga tương đương với 0,5 % GDP – tức là ở mức rất thấp. Thành quả đó có được chủ yếu nhờ giá dầu hỏa và khí đốt trên thế giới đã tăng lên trong khi đó, bản thân kinh tế của nước Nga thì bị chựng lại, khiến thuế thu vào giảm đi. Điều đó cho thấy, trong ngắn hạn đồng rúp càng mất giá so với đô la chừng nào thì lại càng có lợi cho chính phủ chừng đó.

Như phân tích của chuyên gia kinh tế Nikolai Petrov giảng dậy tại trường cao đẳng Matxcơva, tổng thống Putin đã cố ý để cho đồng tiền Nga trượt giá, qua đó có thêm phương tiện để tài trợ các chương trình xã hội và kinh tế như ông Vladimir Putin đã cam kết trong chương trình vận động tranh cử. Xuất khẩu khí đốt và năng lượng của Nga được thanh toán bằng đô la, đem về đến 40 % ngân sách của chính quyền liên bang. Điều đó cho thấy là đồng rúp mất giá khiến thu nhập của chính phủ Nga được thổi phồng lên. Nhờ vậy Matxcơva có thể hào phóng trong việc chi tiêu. Vào những ngày cuối tháng 12/2013 chính phủ Nga phải cáng đáng một khoản chi tiêu ngoài dự kiến đó là hỗ trợ cho Ukraina 15 tỷ đô la để Kiev không ký kết hiệp ước đối tác với Liên Hiệp Châu Âu.

Về phần mình bộ trưởng Công nghiệp Nga, Denis Mantourov ghi nhận đây là một cơ may cho nền công nghiệp nước này đang dậm chân tại chỗ. Với một đơn vị tiền tệ bị mất giá, hàng của Nga sẽ rẻ hơn và như vậy dễ bán ra nước ngoài hơn. Đây sẽ là một cú hích đối với nền công nghiệp đang tăng trưởng ở mức 2,6 % năm 2012 đã tuột dốc mạnh vào năm ngoái (tăng 0,3 %).

Mặt khác với một đồng rúp bị mất giá, hàng nước ngoài nhập vào thị trường Nga trở nên đắt đỏ hơn. Đây có thể là yếu tố khiến người dân Nga thiên về hàng nội hơn là hàng ngoại khi họ cần mua sắm.
Thêm một lợi thế không nhỏ khác là các tập đoàn nước ngoài có cơ sở tại Nga nhẹ gánh hơn khi trả lương cho nhân viên bằng đồng rúp. Matxcơva coi đây là một yếu tố quyết định để cầm chân các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng hiện tượng đồng tiền mất giá không hẳn là một tin vui đối với người tiêu dùng. Thứ nhất do tất cả các món hàng nhập đều sẽ trở nên đắt hơn. Đe dọa lạm phát và mãi lực bị thu hẹp lại là những rủi ro có thực và là mối ưu tư số 1 của người dân Nga. Thứ hai là dư luận nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt đồng rúp phá giá liên tục kể từ khi Liên Xô sụp đổ và nhất là trong giai đoạn năm 1998 hay 2009 khi nước Nga bị đe dọa khủng hoảng tài chính, và tiền tệ. Khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 dẫn tới hậu quả là lạm phát khi đó tăng 84 % trong vòng một năm.

Một mối rủi ro khác đối với người tiêu dùng là để ngăn chặn hiện tượng « chảy máu tư bản » các tập đoàn ngân hàng Nga có khuynh hướng tăng lãi suất để giữ các nhà đầu tư. Lãi suất tăng làm phương hại trực tiếp đến khả năng mua sắm và đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp.

Ai cũng biết là tăng trưởng của Nga trong năm 2013 đã rơi xuống thấp, chỉ còn bằng 1/3 so với thành tích của năm 2012. Chắc chắn là chính quyền không thể khoanh tay nếu như đồng rúp tiếp tục mất giá và đè nặng lên túi tiền của người dân.

Theo thẩm định của cơ quan tài chính Citigroup của Mỹ thì đồng rúp có khuynh hướng tiếp tục mất giá trong hai 2014 và 2015, giảm thêm 4 % so với đô la vào năm nay.


Khuynh hướng chung của các nền kinh tế đang trỗi dậy

Không chỉ đồng rúp của Nga mà cả đồng rand của Nam Phi, đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ hay peso của Achentina, đồng rupee của Ấn Độ, real của Brazil cũng đã mất giá mạnh trước những tín hiệu báo trước Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo.

Giới lãnh đạo tại Ankara đang phải đối mặt với hàng loạt các vụ tai tiếng tham nhũng làm suy yếu nội các của thủ tướng Erdogan. Đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đang mất lòng dân, có thể sẽ thua đậm trong đợt bầu cử cấp thành phố sắp diễn ra vào cuối tháng 3/2014. Bên cạnh đó là những khó khăn kinh tế dồn dập càng gây thêm khó khăn cho Ngân hàng trung ương trong nhiệm vụ chấn chỉnh tỷ lệ hối đoái của đơn vị tiền tệ quốc gia. Ngày 29/01/2014 sau một cuộc họp khẩn cấp ngân hàng trung ương Thổ thông báo tăng lãi suất chỉ đạo đang từ 4,4 % lên thành 10 % để chặn đà mất giá của đồng bảng.

Về phần Achentina, kinh tế nước này đang trải qua một chu kỳ khó khăn chưa từng thấy từ 2001 tới nay. Dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, Achentina bị đe dọa lạm phát ngựa phi. Đồng peso liên tục bị tấn công. Ngân hàng trung ương Achentina đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp mạnh : mua vào nội tệ, tăng lãi suất, bơm thêm tiền vào khu vực kinh tế tránh để xảy ra hiện tượng thiếu hụt tiền mặt và nhất là hạn chế các dịch vụ mua vào ngoại tệ.

Tất cả những biện pháp « nguy hiểm này » chỉ có hiệu lực trong vài giờ. Đồng bạc Thổ Nhĩ Kỳ hay đồng peso Achentina vào những ngày cuối tháng Giêng đã tiếp tục trượt giá. Giới quan sát đã nói tới một « sự hốt hoảng » của các nền kinh tế đang vươn lên. Đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 30 % so với thời điểm của tháng 6/2013. Đồng peso Achentina mất giá 20 % so với đô la trong 6 tuần lễ đầu năm 2014.

Tác động dây chuyền

Bên cạnh những thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị của bản thân các nền kinh tế đang trỗi dậy, chính sách tiền tệ của Mỹ là một nguyên nhân có thể gây ra « giông tố » cho các quốc gia này. Trong phiên họp cuối cùng với tư cách Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hôm 29/01/2014, ông Ben Bernanke thông báo « siết chặt » chính sách tiền tệ. Liền sau đó đồng đô la tăng giá so với tất cả các đơn vị tiền tệ khác của thế giới. Đe dọa các nền kinh tế đang trỗi dậy khan hiếm tiền mặt và là nạn nhân của chính sách tiền tệ được định đoạt tại Washington càng trở nên rõ nét. Nhiều quốc gia chỉ trích thái độ « ích kỷ » của Fed. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ lấy làm tiếc là trong chính sách tiền tệ cộng đồng quốc tế không còn « hợp tác với nhau » và New Delhi không quên nhắc nhở Washington là trong giai đoạn đen tối nhất của khủng hoảng tài chính 2008-2009 chính các nền kinh tế đang trỗi dậy là đầu tàu tăng trưởng và nhờ sự tăng trưởng đó mà thế giới đã tránh được một tai họa. Ấn Độ cho rằng ngày nay các nền kinh tế công nghiệp phát triển không nên « qua cầu rút ván » phó mặc cho các nước tân hưng phải tự giải quyết lấy những vấn đề của họ.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cảnh cáo là chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ gây phương hại cho răng trưởng và ổn định kinh tế của khối các nước đang phát triển. Trên nguyên tắc, nếu như các đơn vị tiền tệ của các nước tân hưng tiếp tục rơi trong những ngày tới, cầm chắc là cộng đồng quốc tế sẽ phải đề cập đến hồ sơ này nhân cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tổ chức tại Sydney trong hai ngày 22 và 23 sắp tới.

Lo ngại hàng đầu của các nước công nghiệp phát triển là những khó khăn kinh tế và tài chính của các quốc gia đang phát triển sẽ không chỉ khoanh vùng ở những khu vực này. Tuy nhiên trong lượng kinh tế của các nước đang trỗi dậy ngày càng lớn, điều đó có nghĩa là những khó khăn của khối này sẽ phải tác động dậy chuyền đến các nền quốc gia phát triển.


No comments:

Post a Comment

View My Stats