05:04:am 07/02/14
Lời
mở đầu: Ngày 16 tháng 1 năm 2014, nhà báo lão thành
Bùi Tín viết cho tôi một “Thư Riêng” có đoạn nói về hai gia đình họ Bùi và họ
Đặng như sau: “Trước hết họ Bùi và họ Đặng xa nhau về địa lý nhưng lại quen
biết nhau khá thân. Nhìn ảnh anh, sao mà giống cụ Đặng Văn Hướng quá. Tôi rất
thân anh Đặng văn Việt, nhà ở Huế sát nhau. Mấy năm trước anh Việt sang Paris
gặp nhau mừng quá. Nhắc lại cái thời anh Việt đi bỏ mối bánh gatô nhà làm
cho các hàng giải khát ghé qua báo Nhân Dân gặp tôi. Tôi cũng thân với
anh bác sỹ Đặng Văn Ấn và chị Thiếu Anh, cũng ở gần nhau trên phố Trần Quốc
Toản/Hà Nội. Tôi cũng nhiều lần gặp, đi chơi, ăn phở với anh chị Đặng Văn Châu
ở Paris. Hồi trước, tôi từng ghé Nho Lâm nhiều lần, nhớ những lò rèn thủ công ở
đó. Tôi cũng quen thân gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm khi cụ là Tham tri – như
thứ trưởng – bộ tư pháp. Hồi anh Viện thi đỗ tú tài cha tôi thưởng cho anh một
chuyến cùng đi nghỉ mát ở Đà Lạt trước khi anh sang Pháp. Khắc Dương là bạn
cùng lớp thân nhất của tôi. Các chị tôi coi chị Thiếu Anh như chị em trong gia
đình.”
Nhà báo Bùi Tín ân cần dặn dò: “Chúng ta có
chung một hoài bão, một chí hướng, một mục tiêu, độc lập dân chủ nhân quyền cho
toàn dân, chỉ nên thân mật ngay thật góp ý riêng với nhau”.
Tuy nhiên có một số vấn đề nhà báo nêu lên trong thư
liên quan đến cuộc tranh đấu cho tương lai Đất Nước, mà theo ngu ý, thì
chúng không còn là vấn đề riêng tư giữa hai người, nên tôi viết bài này để nhờ
các cơ quan truyền thông phổ biến rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận không những
giữa hai cá nhân, mà thiết tưởng nó cần thiết cho những người con của Mẹ Việt
Nam còn ưu tư đến vận mệnh xứ sở. Bởi vì, cũng theo ngu ý, phải có cùng nhận
thức thì mới tránh được cuộc cãi cọ vô bổ làm chậm tiến trình mang lại tự do
dân chủ cho Đất Nước và mới có thể đoàn kết được.
———————————————————————–
Westminster, California, ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014
Thưa anh Bùi Tín thương mến,
Qua sự tiết lộ của anh, hai gia đình họ Bùi và họ
Đặng có mối liên hệ khá thân thiết, chẳng khác nào anh em trong cùng một nhà.
Do đó cách xưng hô trong bài viết này không còn là “ông, tôi” như bài trao đổi
trước đây, mà là “anh, em” để chứng tỏ chúng ta có sự gắn bó thật; chứ không
phải khách sáo, đãi bôi. Anh đã là bạn thân của các ông anh của em thì em coi
anh như những ông anh của em vậy.
Em đề nghị anh hãy hình dung một bà Mẹ Việt Nam
(hayTổ Quốc Việt Nam) có hai người con, do hoàn cảnh lịch sử gây nên, đã đi hai
nẻo đường khác nhau. Rồi hôm nay, nhân ngày đầu năm Giáp Ngọ, hai người con ấy
trở về làng xưa để đốt lên nén hương trước mộ phần Mẹ với lời khấn nguyện xin
Mẹ tha thứ cho chúng con. Sau đó hai anh em ngồi xuống tìm hiểu vì sao Mẹ mình
bị hứng chịu vô vàn khốn khổ, nhục nhằn như ngày hôm nay.
Gia pháp nhà họ Đặng rất nghiêm. Phận làm em tuyệt
đối vâng lời anh, không được cãi lại, thậm chí dù anh mình sai lầm đi nữa.
Nhưng đó là chuyện nội bộ trong phạm vi gia đình. Còn đối với Đất Nước, người
anh không được lấy quyền gia trưởng để áp chế hay ức hiếp em, trong vấn đề sống
còn của cả dân tộc. Và một khi mổ xẻ vấn đề ắt gây đau đớn nhưng phải nhìn
nhận, vì lột trần SỰ THẬT giống như cuộc giải phẫu mà không tiêm thuốc mê. Em
tin chắc rằng phía họ Bùi cũng tôn trọng quy tắc đó. Cho nên, anh em ta cần
phải thông suốt tư tưởng. Và một khi tư tưởng đã thông suốt, thì đoàn kết không
còn là vấn đề. Vì vậy, dù bất đồng, hai chúng ta vẫn là anh em.
Sở dĩ em phải “giáo đầu” như trên để thế hệ con cháu
chúng ta không cười vào mặt hai lão già, tình hình Đất Nước ra nông nổi này rồi
mà các bậc cha ông không lo chuyện cứu nước, cứu dân, lại ngồi đó cãi cọ nhau,
phân bua phải trái. Em cũng mong rằng độc giả cao niên chia sẻ nỗi thao thức
của em, một người con Mẹ Việt Nam còn canh cánh bên lòng vì chuyện quê hương.
Xin anh hiểu cho rằng em không hề có ý đồ (chữ anh dùng trong thư) hay bất cứ
tham vọng nào. Em chỉ mong ước một điều duy nhất trước khi nhắm mắt, hai tay
buông xuôi là được quỳ xuống tạ ơn những người bạn trẻ ở quê nhà đã giật sập
chế độ cộng sản. Họ đích thật là những thiên thần đã trừ khử được ác quỷ.
Lịch sử là chuyện của quá khứ, không ai có thể thay
đổi, nhưng cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao Đất Nước lâm vào tình cảnh bi đát
này, để biết phải hành động thế nào cho đúng.
Nếu nước Việt Nam bị Thực dân Anh đô hộ, thay vì
Thực dân Pháp, thì không có cuộc “Cách Mạng Mùa Thu 1945”. Bởi vì không thuộc
địa nào của Anh sau khi được độc lập, bị cộng sản thống trị.
Nếu Thủ tướng Trần Trọng Kim không khước từ lời đề
nghị của viên Đại sứ Nhật sẵn sàng tiêu diệt Hồ Chí Minh và toàn bộ Ban Tham
mưu cộng sản, thì cái gọi là “Cách Mạng Mùa Thu 1945” cũng không thể xảy ra.
Do đó, những thanh niên yêu nước như anh vào thời
điểm ấy đã không cần cầm súng lên đường kháng chiến chống Thực dân Pháp, rồi
trở thành “Bộ Đội Cụ Hồ”. May cho em lúc bấy giờ còn nhỏ, chưa đủ tuổi cầm
súng, nên không bị trở thành “Bộ Đội Cụ Hồ” như các anh.
Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam tại vỹ tuyến
17, thay vì vỹ tuyến 13 như đòi hỏi của Đảng CSVN, là cái may thứ
hai khiến cho em không bị trở thành “Bộ Đội Cụ Hồ” như các Đại tá Phạm
Đình Trọng, Trung tá Vũ Cao Quận. Nhờ đó em đã trở thành Người Lính Việt Nam
Cộng Hòa chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Miền Bắc, chứ không phải là lính
của “Diệm Nhu” hay “Thiệu Kỳ”. Nếu em vô phúc bị làm “Bộ Đội Cụ Hồ” thì khi có
bằng cớ lịch sử cho thấy Hồ Chí Minh bịp bợm, lừa dân thì em sẽ không muối mặt
để nói hay viết những lời sùng kính như một kẻ cuồng tín.
Anh Tín có biết vì sao em nêu lên
chuyện may rủi này không? Đấy là do lịch sử nghiệt ngã đã đẩy hai anh em chúng
ta hay toàn bộ dân tộc trở thành hai phía đối nghịch thù hận nhau, giết hại lẫn
nhau chỉ vì Hồ Chí Minh và băng đảng du nhập vào Việt Nam một chủ nghĩa phi
nhân, vô đạo và man rợ.
Các anh hãnh diện làm “Bộ Đội Cụ Hồ”, chiến đấu cho
“Cụ Hồ” một cách vô thức giống như phản xạ (“conditioned reflex”) mà nhà sinh
vật học người Nga, Ivan Petrovich Pavlov, đem ra làm thí nghiệm trên con chó!
(Xin lỗi anh, em không dám vô lễ). Hồ Chí Minh biến một nửa nước thành “Trại
Súc Vật” bằng chủ trương dùng bao tử kiểm soát tư tưởng: Ngoan ngoãn được cho
ăn, đòi tự do bị bỏ đói, bị tù đày. Trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường chỉ
đọc một bài tham luận góp ý với đảng là cai trị đất nước phải có luật pháp, sau
khi cải cách ruộng đất thất bại, liền bị đảng triệt hạ sinh kế bằng tất cả
những thủ đoạn ti tiện nhất.
Các anh nhắm mắt tuân hành kỷ luật, bị bắt buộc im lặng trước những điều sai trái. Nếu các anh lên tiếng chống lại những bất công, tàn ác của Đảng, các anh sẽ bị quy tội phản động, chống cách mạng (!). Dần dà, “tính người” trong các anh biến mất để nhường chỗ cho niềm kiêu hãnh của lý tưởng huyễn hoặc. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh sợ chưa đủ ác; còn thêm cái “chủ nghĩa lý lịch”. Mặc dù chịu đựng làm một “sinh vật” ngoan ngoãn để có miếng ăn, như Hùm Xám Đặng văn Việt không bao giờ dám có một lời nói vì lương tâm công chính, cũng bị trù dập, bởi vì mang trên mình cái tội con quan!
Riêng anh, anh vừa là chiến sĩ cầm súng, vừa là
chiến sĩ cầm bút trong cái bộ máy cai trị đặt nặng vào sự tuyên truyền bịp bợm,
dối trá, lừa đảo. Dù anh được giáo dục trong một gia đình trọng đạo đức, chế độ
bắt buộc anh trở thành một kẻ mất nhân cách vì phải hùa theo sự dối trá, lừa
đảo, bịp bợm. Anh có muốn lương thiện, cũng không được phép. Nếu cương trực,
anh sẽ bị trừng trị như Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang … Huống chi, là
người có lý lịch con quan, anh càng phải ráng phấn đấu để chứng tỏ trung thành
với Đảng vượt bực, không những để bản thân được tồn tại, mà còn để được thăng
quan tiến chức. Đó là một bi kịch đau đớn! Càng
được gọi là nhà báo lão thành trong chế độ cộng sản, vai trò “bồi bút” càng
“năng nổ” (chữ của cộng sản) hơn. Anh có nhận thức sự kiện này không?
Anh từng thuật lại sự tàn ác dã man của chế độ do
anh chứng kiến tận mắt: Cộng sản dùng kềm lột từng móng tay, móng chân của cán
bộ Miền Nam tập kết ra Bắc bị nghi ngờ làm gián điệp cho địch. Chẳng hiểu trong
lòng anh khi ấy có cảm thấy bất nhẫn, ghê tởm không? Là Trưởng ban Báo chí của
Bắc Việt trong phái đoàn Ủy ban Liên hợp Quân sự 4 bên tại Camp Davis, Tân Sơn
Nhất từ năm 1973, anh phải thấy được Miền Nam dân chủ hơn, nhân bản hơn. Đáng
lý ra anh sớm chia tay ý thức hệ cộng sản để trở về với dân tộc mới phải. Sau
cái ngày gọi là “giải phóng”, “Bộ đội Cụ Hồ” hành động như thổ phỉ, khiến cho
Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn văn Trấn cũng phẫn uất, còn anh vẫn phải viết bài ca
tụng chế độ. Đến năm 1990, anh mới “hồi chánh” tại
Pháp quốc. Tại sao cái nhận thức về thiện – ác của anh chậm vậy?
Nhân thể nhắc đến Ủy Ban Liên hợp Quân
sự 4 bên, em xin kể anh mẩu chuyện này: Em được lệnh cấp trên bay ra Lộc Ninh
để đón phái đoàn Việt Cộng về dự họp ở Camp Davis. Khi phi cơ di chuyển vào bến
đậu nằm cạnh phi đoàn của em, viên thủ trưởng phái đoàn vừa bước xuống máy bay
thì trông thấy nhiều xe hơi, xe gắn máy đậu trước phi đoàn, hắn khinh khỉnh
nói: “Khéo trình diễn quá nhỉ?”. Việt Cộng quen thói trình diễn, chẳng hạn có
phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến thăm, chúng thường cho tù mặc áo quần tươm tất, ăn
uống có “chất lượng” (chữ của cộng sản), nên tưởng VNCH cũng dở trò trình diễn
như chúng. Em quay lại hỏi: “Này anh kia! Anh vừa nói cái gì đấy? Anh là cái
thá gì mà chúng tôi phải trình diễn?”. Hắn đáp: “Tôi nói các anh khoe cái
phồn vinh giả tạo. Các anh là tay sai của Đế quốc Mỹ, là nô lệ Đế quốc
Mỹ”. Em giận quá, phải cho tên này một bài học mới được: “Này anh
nghe cho rõ đây! Đả đảo Đế quốc Mỹ! Đả đảo Johnson, đả đảo Nixon! Bây giờ anh
thử hô to đả đảo cộng sản! Đả đảo Staline, đả đảo Mao Trạch Đông! cho tôi nghe
xem nào”. Tên Việt Cộng không ngờ tên “lính ngụy” bạo miệng như thế. Mặt
hắn ngây như thằng ăn cắp bị bắt quả tang. Em hô tiếp: “Đả đảo Nguyễn văn
Thiệu! Đả đảo Nguyễn Cao Kỳ! Bây giờ anh có dám hô: Đả đảo Hồ Chí Minh, đả đảo
Lê Duẩn không?”. Mặt tên Việt Cộng tái xanh, quay đi. Thế đấy! Việt
Cộng chỉ giỏi đàn áp khi có súng trong tay và giỏi nói như con vẹt. Em thách
thức toàn bộ Ban Tuyên giáo Trung ương dám tranh luận với em diện đối diện một
cách bình đẳng trên diễn đàn trước sự chứng giám của nhân dân.
Em may mắn được làm Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vì
dám thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình mà không sợ bị trừng trị. Xin kể anh
nghe một trường hợp khác: Trong buổi thuyết trình hành quân cầu không vận tiếp
tế gạo cho đồng bào Ban Mê Thuột bị thiên tai mang tên chiến dịch “Kỳ Duyên
Mai”, em đứng lên phát biểu: “Tại sao không lấy tên một vị anh hùng trong
lịch sử để đặt tên chiến dịch, lại lấy tên “Kỳ Duyên Mai” là tên của vị Tư
Lệnh, tên con gái và tên của vợ ông ghép lại? Mặc dầu tôi rất kính trọng vị Tư
Lệnh, nhưng lấy tên chiến dịch “Kỳ Duyên Mai” là thất sách. Bởi vì chúng ta
chiến đấu cho tự do của Miền Nam; chứ không chiến đấu cho Tướng Kỳ, cho vợ con
của ông ta”. Vị Trung tá Không Đoàn trưởng, Chỉ huy chiến dịch, trả lời:
“Tên chiến dịch đã đặt, không thể thay đổi vào giờ phút chót!” Dù lên tiếng
phản đối, em vẫn được ông ta cho phép thi hành phi vụ, chứ không bị kỷ luật.
Ngày hôm sau, em được gọi lên trình diện Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ. Trên
đường đi, em nghĩ cùng lắm thì bị loại ra khỏi Không Quân hoặc bị đổi sang Bộ
Binh. Ở đâu mình vẫn là người lính chiến đấu ngoài mặt trận. Không ngờ, vị Tư
Lệnh chẳng quở trách, lại còn khuyến khích: “Không Quân cần có những sĩ
quan dám nói thẳng như anh. Nhớ lo bay bổng an toàn và luôn luôn giữ kỷ
luật”. Em vốn sẵn có sự kính trọng ông Tư Lệnh, người có tinh thần phóng
khoáng và bao dung, thì nay em càng kính trọng hơn. Trong suốt 13 năm phục vụ
Quân Đội, em chưa hề bị cấp trên trù dập do sự thẳng thắn. Nếu có người lính
nào bị cấp trên trù dập vì lý do kỷ luật hay lý do riêng tư thì đấy là vấn đề
cá nhân; chứ không phải vì đường lối hoặc chính sách quốc gia. Chủ trương của
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa là huynh đệ chi binh, thăng tiến do thành tích, chứ
không phải ba đời bần cố nông.
Chủ
nghĩa cộng sản hủy hoại tình người và hủy hoại óc suy luận. Xin kể anh nghe hai
trường hợp:
1.
Anh Đặng văn Việt đi kháng chiến bị sốt rét rừng rất nặng, lẻn về Hà
Nội để được ông anh rể, bác sĩ Phan Huy Quát, chữa trị. Khi bệnh dứt, anh Việt
trở lại chiến trường. Sau ngày gọi là “giải phóng”, anh Việt vào Sài Gòn, được
tin anh Quát bị giam ở khám Chí Hòa, nhưng không dám vào thăm người tù vừa là
anh rể, vừa là ân nhân đã chữa trị cho mình, vì sợ liên lụy. Anh em nhà họ Đặng
rất thương yêu nhau, anh Việt chắc chắn không phải là kẻ bạc tình bạc nghĩa, nhưng
Đảng Cộng Sản đã làm cho đảng viên mất tình nghĩa anh em, bà con họ hàng.
2.
Bác sĩ Đặng văn Ấn, anh Cả của em, cũng vào Sài Gòn sau ngày “giải
phóng” để thăm hai đứa em, Đặng văn Châu và Đặng văn Âu. Anh Ấn mang theo nào
là gói đường, gói bột ngọt, mấy hộp sữa bò, mấy cái chén, mấy đôi đũa. Đến đúng
địa chỉ, khi đứng trước một biệt thự nguy nga nằm trên đường Tú Xương của anh
Đặng văn Châu, thấy hai chiếc xe Hoa Kỳ đậu trước sân, anh Ấn lặng lẽ ném gói
quà tiếp tế vào thùng rác mới bấm chuông. Anh Ấn bị đảng tuyên truyền trong Nam
đế quốc Mỹ bóc lột nên sống rất nghèo khổ, đến cái bát cũng không có mà ăn,
không ngờ em mình rất khá giả. Hai người em ở Sài Gòn từng gửi sang Pháp để nhờ
bà con chuyển về Hà Nội nào là xe đạp, đồng hồ, vợt và banh “tennis” cho anh
Ấn. Thế mà một ông bác sĩ vẫn bị Đảng tuyên truyền xuyên tạc, đánh lừa đã làm
mất hết khả năng suy luận. Thử hỏi người dân đen cả nước làm sao tránh khỏi sự
ngu muội?
Hai bi kịch nêu trên xảy ra trong gia đình anh em nhà họ Đặng, cũng là bi kịch của cả nước đều do cộng sản gây nên. Thực dân thi hành chính sách ngu dân là để kéo dài sự đô hộ. Cộng sản thi hành chính sách ngu dân để muôn năm trừờng trị. Do đó, đàn ông bị đẩy đi làm lao nô, phụ nữ bị đẩy đi làm đĩ thì người cầm quyền đi làm đầy tớ ngoại bang là điều đương nhiên. Xin hỏi anh: Cái gọi là “Cách Mạng Mùa Thu” có đích thực là cách mạng không? Có thực sự giải phóng người dân thoát ra khỏi giặc dốt, giặc nghèo đói không? Có phải “đỉnh cao trí tuệ loài người” không? Chắc chắn anh đủ lương thiện để trả lời: Không phải! Thế thì làm gì có bốn chữ “Cách mạng lão thành”?!
Sở dĩ em viết bài “Quyết tử để dân tộc quyết sinh”
là nhằm đặt vấn đề với các ông “Cách mạng” bị Hồ Chí Minh xúi lao vào cái chết
bởi câu khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh” mà không ý thức rằng chính
mình là những phần tử đẩy cả nước “Xuống Hàng Chó Ngựa” (XHCN). Nếu các ông
thực sự tự hào với cái quá khứ anh hùng của mình, thì nay chí ít phải biết tham
gia với thanh niên, sinh viên đứng lên đòi chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh
thổ mới phải. Nếu thực sự là người yêu nước thương nòi, các ông phải hận Hồ Chí
Minh và chủ nghĩa cộng sản thấu xương mới phải. Tại sao tới giờ này mà còn có
những ông “cách mạng” như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lại ca ngợi Hồ Chí Minh như
ông Thánh sống và lải nhải đem lời răn dạy của kẻ đại bịp ra để bọn cầm quyền
noi gương? Có phải họ là những người vô trách nhiệm, vô cảm? “Hy sinh đời bố,
củng cố đời con” hay “hy sinh đời bố, khủng bố đời con”? Làm sao em ngăn được
nỗi xót xa, đau đớn khi nhìn thấy những gương mặt “thiên thần” bị những tên
Công An côn đồ đánh đập tàn nhẫn? Em sôi máu, chứ không phải quá khích!
Tuổi trẻ Việt Nam bị nền giáo dục dối trá, bịp bợm
nhồi sọ, coi Hồ Chí Minh là Thánh. Các ông già đã hy sinh tuổi thanh xuân cho
một chủ nghĩa hoang tưởng, còn hãnh diện làm “Bộ Đội Cụ Hồ” (chưa biết chắc có
phải thực sự là người Việt Nam?). Các ông lại kính cẩn gọi “Bác Hồ” như là nhà
giải phóng dân tộc thì làm sao Việt Nam có cuộc Cách Mạng Hoa Lài như ở Bắc
Phi? Anh Bùi Tín không thấy đó là một thảm kịch hay sao mà lên
tiếng “Chúng Tôi Không Hèn, Cũng Không Nhát” thay cho họ? Đáng lý ra
anh phải kêu gọi họ phải sống xứng đáng với trách nhiệm làm người mới phải chứ!
Thưa anh Bùi Tín thân thương,
Bây giờ em cần nói rõ hơn những gì em viết trong bài
“Hồi Đáp Chúng Tôi Không Hèn” mà có lẽ vì anh đã lớn tuổi nên không nắm bắt một
cách chính xác, chứ anh không cố tình có dụng ý xuyên tạc như cái bài viết của
ông Trần Quang Hạ nào đó đăng trên mạng “danchimviet.info” để nhận xét hai bài
viết của em. Hy vọng sự suy nghĩ của em về sự cao tuổi của anh là đúng!
Trong bài “Hồi Đáp” em kể rằng em xách hộ túi bạc
cho người bạn từ phi trường Utapao, Thái Lan để leo lên tàu bay của Mỹ sang đảo
Guam và vào nội địa Hoa Kỳ. Anh viết trong thư riêng: “Hay gì anh lại khoe
đã mang giúp bạn hàng triệu đôla trong cơn hoạn nạn khi phải bỏ chạy bằng
trực thăng. Lúc ấy biết bao kẻ nghèo hèn lạc nhau túng bấn sao anh không giúp,
và liệu sự giúp đỡ ấy có là vô tư, nhân đạo không, hay là có đi có lại, có mặc
cả, có lại quả ? chính – tà, thiện – ác chỉ cách nhau có khi chỉ một ly!
Chỉ có lương tâm mình biết. Khoe ra làm gì.”
Rõ ràng đoạn văn anh viết hầu như sao y bản chính
của ông Trần Quang Hạ nào đó đã xuyên tạc sự thật mà em đã tường trình. Túi bạc
em cầm giúp cho bạn từ phi trường Utapao; chứ không phải từ Việt Nam trong cơn
hoảng loạn. Em lái loại máy bay C-130, vận tải cơ to nhất của Việt Nam Cộng
Hòa; chứ không phải trực thăng. Em đưa gia đình anh Đặng văn Châu và gia đình
em vào phi trường Tân Sơn Nhất để di tản, nhưng sáng ngày 29 Tháng Tư, Việt
Cộng pháo kích dữ dội. Gia đình anh Châu và vợ con em sợ quá, phải rời căn cứ,
còn em quyết không ở lại với cộng sản, nên liều chết lái tàu bay sang Utapao
với 200 hành khách phải đứng lốn nhốn trong thân tàu. Trên người em chỉ mặc mỗi
một chiếc áo bay và chỉ có chừng hơn ngàn bạc Việt Nam Cộng Hòa. Vì thấy em
chẳng có hành lý gì tại Utapao, bạn em đã nhờ em xách hộ túi bạc, chẳng hề mặc
cả gì ráo. Do đó, em đã trả lại túi bạc cho bạn sau khi vào trại tị nạn ở
Fort Chaffee, Hoa Kỳ. Em thuật câu chuyện đó với chủ ý nói cho anh biết
rằng em không phải là loại người có thể mua được bằng tiền; chứ không phải khoe
như anh tưởng. Em là người viết do lương tâm mách bảo; chứ không viết theo đơn
đặt hàng để mưu sinh.
Em không thèm trả lời cái ông Trần Quang Hạ nào đó,
khi ông ta bảo em là tên đào ngũ. Em nhận thấy ông này không đủ trình độ kiến
thức để phân biệt hai chữ “đào ngũ” và “rã ngũ”. Tổng Tư lệnh đã tháo chạy,
Quân đội lâm vào cảnh rắn mất đầu, không ai chỉ huy. Vũ khí của người phi công
là phi cơ và bom đạn. Khi phi cơ không còn xăng, không ai trang bị đạn dược,
phi cơ trở thành khối sắt vô dụng. Chỉ có phi công nào có sẵn phi cơ mà không
hiểu cái ác của cộng sản, nên tưởng chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã vãn
hồi, anh em trong nhà với nhau không nỡ tàn sát, mới ở lại với đất nước để bị
đi tù mút chỉ mà thôi. Em cũng có vài người bạn phi công thản nhiên nhìn phi cơ
em di chuyển, chứ không thèm leo lên máy bay thoát thân, vì quá đỗi ngây thơ!
Anh đem câu tiếng Pháp “toutes les vérités ne sont pas bonnes à dire” (tất cả sự thật nói ra là không tốt) để khuyên, em rất hiểu có những sự thật không nên nói ra và có những sự thật phải nói ra. Ví dụ ông bác sĩ không nên nói ra tình trạng tuyệt vọng của bệnh nhân. Nhưng sự thật bị bọn dối trá, bịp bợm làm hại nước hại dân thì cần phải được nói ra để thức tỉnh kẻ mê muội, hoang tưởng. Bởi vì im lặng trước sự dối trá là đồng lõa. Xưa nay em viết, không bao giờ hàm hồ hay vu khống nhằm mục đích hại người hay lợi ích bản thân. Em là một quân nhân thuần túy, độc lập, đứng về phía người bị đàn áp. Lên tiếng vì không thể cam tâm im lặng trước bất công, vô đạo chứ không hề có bất cứ một tham vọng chính trị nào. Do đó, em chưa hề viết bài nào công kích anh giống như nhiều người đã làm. Ngay như anh Vũ Thư Hiên trả lời nhà báo Dương Phục trên đài phát thanh ở Houston như sau: “Tôi không chống cộng sản; tôi chỉ chống độc tài” khiến cho những người Chống Cộng phản đối, nhưng em giải thích: “Anh Vũ phải nói như thế vì trong nước anh ấy còn có những người bạn theo cộng sản mà anh muốn kéo họ đứng về phía mình. Chắc chắn anh Vũ thừa biết chủ nghĩa cộng sản chuyên chính còn tồi tệ hơn độc tài như Phác Chính Hy, Lý Quang Diệu”. Điều đó chứng tỏ rằng em không nhắm mắt chống Cộng giống như Don Quichotte đánh kiếm với cánh quạt máy xay lúa mà anh gán cho em.
Anh trách em gọi Hồ Chí Minh bằng thằng hằng trăm
lần cũng sai. Trong bài tường thuật cuộc điện đàm giữa anh Việt và em, em có kể
lại em gọi Hồ Chí Minh bằng thằng vì nghe anh Việt cứ nhắc đến “Bác Hồ” một
cách kính cẩn, khiến cho em nổi cáu, nên đã gọi Hồ Chí Minh là thằng. Bởi vì
trong dân gian không ai gọi tên ăn cướp, tên bán nước là ông cả. Tại sao một kẻ
đem cha mình ra đấu tố cho tới chết, đẩy cả dân tộc vào tròng nô lệ Nga Tàu và
ngày nay muôn dân đồ thán mà lại xem kẻ đó như Thánh Sống? Lẽ ra một người như
anh Việt, như tất cả những thanh niên ái quốc khác phải hận Hồ Chí Minh mới
phải, bởi vì hắn hãm hại những tinh hoa của dân tộc. Tinh hoa dân tộc là do hồn
thiêng sông núi hun đúc, kết tụ mà thành, anh biết không?
Thưa anh Bùi Tín thương mến,
Đọc cái thư riêng của anh gửi cho em, thực tình em
xót xa cho anh vô cùng. Sau 24 năm sống ở xứ sở tự do, anh vẫn xài kỹ thuật của
cộng sản đã đào tạo anh thành nhà báo. Kỹ thuật đó là miệt thị, vu khống đối
tượng, giống như bộ máy tuyên truyền cộng sản chụp mũ Miền Nam là ngụy, là tay
sai Đế quốc. Trong bài bào chữa “Chúng tôi không hèn, cũng không nhát” của
anh vừa rồi để phản bác bài “Quyết tử để dân tộc quyết sinh” của em, anh
đã miệt thị em là ấu trĩ, không có trí tuệ và mắc chứng bệnh tâm thần, nhưng
anh không đưa ra được một trường hợp nào “Không hèn, cũng không nhác” để
chứng minh cái dũng của “cách mạng lão thành”, của trí thức. Trong bức thư
riêng, anh cũng xài “môn võ” ấy: Nào là quá khích, nào là duy nhất đúng, nào là
Don Quichotte chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Em có đọc thuyết Trung Dung của Khổng Tử, thuyết
Tương Đối của Albert Einstein. Do đó, em không ngu gì làm một kẻ quá khích. Sự
quá khích chỉ dùng cho loại bất trí, liều mạng. Bọn cầm quyền cộng sản mới là
cực đoan, bởi vì phần lớn nhân loại đã ném chủ nghĩa cộng sản vào thùng rác và
Nguyễn Phú Trọng còn phân vân chưa biết hết thế kỷ 21 này có thể thực hiện xã
hội chủ nghĩa hay chưa. Thế mà chúng cứ khăng khăng duy trì Điều 4 Hiến Pháp và
cương quyết tiến tới vực thẳm XHCN. Thế nhưng ai chống lại chúng đều bị quy cho
cái tội cực đoan. Tiếc thay! Ở hải ngoại cũng có người xài chữ “chống Cộng cực
đoan” của cộng sản!
Nếu bọn cầm quyền đã dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa cộng
sản mà em cứ chống như các ông bà tranh đấu Phật giáo xưa kia sau khi chế độ
Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, họ vẫn còn chống cho đến khi Miền Nam bị cộng sản
thôn tính mới thôi, thì em bị kết án Chống Cộng cực đoan cũng phải. Em quyết
liệt chống lại cái ác, cái dối trá, cái bịp bợm, cái man rợ bất kể từ đâu đến,
chứ không riêng gì cộng sản.
Anh khuyên em làm chính trị thì phải kiên
nhẫn: “Phải tập dượt từ thấp lên cao, tập họp từ nhỏ lên lớn hơn, rồi mới
có thể ra hiệu triệu, ra hịch để hàng chục vạn người đổ ra đường hưởng ứng. Không
thể nóng lòng đốt cháy giai đoạn. Có khi phải đi đường vòng, lại có khi buộc
phải lùi để củng cố lực lượng”. Tuy em không
xuất thân từ trường chính trị nào, nhưng nhờ đọc sách, em hiểu cơ bản của chính
trị là thỏa hiệp (la politique est compromis). Khi sự thỏa hiệp bất thành,
chiến tranh vũ trang ăt xảy ra. Đối với một chính quyền biết tôn trọng sự mong
muốn của nhân dân thì lời khuyên của anh là đúng. Nhưng đối với bọn cầm quyền
này, chúng là một đảng cướp Mafia không thèm đếm xỉa khát vọng quần chúng, cai
trị tàn bạo dã man chưa từng có trong lịch sử, bán nước buôn dân thì làm sao
thỏa hiệp với chúng được? Chúng không hề có chút thiện chí nào để cứu nguy đất
nước. Tất cả những kiến nghị có lý, có tình đều bị chúng ném vào sọt rác thì
làm sao thỏa hiệp? Điều
mà Việt Nam đang cần là một cuộc CÁCH MẠNG. Những “cách mạng
lão thành”, những trí thức không cảm thấy xấu hổ, nhục nhã hay sao khi những
thiên thần như Nguyễn Đắc Kiên, Nguyễn Phương Uyên, Lê Công Định v… v… chấp
nhận bị đánh đập, bị bỏ tù cho đến chết? Họ đích thực là những nhà Cách Mạng
đấy, thưa anh Bùi Tín ạ!
Giá
như những “cách mạng lão thành”, những nhà trí thức cộng sản có được cái khi
phách như chàng trai Nguyễn Đắc Kiên “nếu một ngày tôi phải vào tù, thì
chắc chắn là nhà tù Cộng sản, bởi vì tôi khao khát Tự do” thì cuộc cách
mạng Hoa Lài đã xảy ra ở Việt Nam từ lâu rồi!
Cộng sản chủ trương tiêu diệt trí thức và coi tôn
giáo là thuốc phiện. Thế mà bọn trí thức, bọn chính trị “salon”, bọn giả danh
tôn giáo ở Miền Nam kêu gọi ngưng chiến một chiều, đòi hòa bình bằng mọi giá là
những phần tử ngu dốt nối giáo cho giặc phá nát hậu phương, phản bội sự hy sinh
của những người lính chiến đấu ngoài chiến trường. Tối thiểu chúng phải có một
lời ăn năn hối lỗi trước tình trạng xã hội suy đồi đạo đức, quyền con người bị
chà đạp ngay sau khi Miền Nam bị sụp đổ. Trái lại, khi mở miệng ra chê trách
bọn cầm quyền, chúng cứ đem lời dạy của “bác Hồ” ra làm kim chỉ nam đạo đức là
nghĩa lý gì? Kêu gọi bỏ đảng tập thể, mà bản thân cứ ở lỳ trong đảng. Cho đến khi
bị dư luận cười chê thì mới chịu bỏ đảng và nói ngày nay đảng cộng sản không
còn là lý tưởng của mình theo đuổi nữa. Lý tưởng gì kỳ quặc vậy? Gần một triệu
dân Bắc bỏ chạy vào Miền Nam vì không thể sống với cộng sản, các vụ đàn áp vô
nhân đạo trong cải cách ruộng đất, Nhân Văn mà gọi là lý tưởng của mình à?
Trước đây em có viết bài “Thời Đại Quỷ Ám” để mô tả
những đầu óc hết sức thông minh lỗi lạc của các nhà trí thức, nhưng lại thông
đồng với cái chủ nghĩa cực kỳ dã man, hung ác và lừa đảo dối trá. Giống như
Huỳnh Tấn Phát có cha, chị, em bị cộng sản giết mà vẫn nỗ lực làm công tác trí
vận, rồi cuối cùng trước khi chết cứ ngẩng mặt lên trời cười như thằng khùng.
Khốn thay cái thời đại quỷ ám kéo dài quá lâu! Có người trí thức trong nước gửi
email cho em: “Nhận thức là một quá trình lâu dài. Xin anh hãy thông cảm cho
những người đã chiến đấu dưới ngọn cờ đảng”. Em trả lời: “Đồng ý!
Nhưng thời gian gần bốn thập niên đủ thừa thãi cho một người trưởng thành. Tại
vì các ông hãnh diện là “Bộ Đội Cụ Hồ” nên chỉ biết phục vụ “Cụ Hồ” mà quên đi
nghĩa vụ đối với Non Sông. Nếu Tướng Giáp thực sự vì độc lập dân tộc thì đã làm
cuộc đảo chánh khi biết Hồ Chí Minh sai Phạm văn Đồng viết công hàm xác nhận
Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng. Làm gì có cuộc xâm lăng Miền Nam để cho
cả nước khốn đốn? Đem câu nói “nhận thức là một quá trình” chỉ là sự bào chữa
vụng về”.
Thưa anh Bùi Tín thân thương,
Anh kết luận bức thư bằng câu: “Tôi thường viết
ngắn. Và không thiếu dẫn chứng đâu. Thế mới dễ thuyết phục bạn
đọc. Để tự anh nhìn ra, không giãi bày kiểu giằng co lấy được, vì thiếu
thiện chí chỉ lộ thêm bệnh chủ quan, cực đoan và hiếu thắng. Mình thắng được
mình là cực khó. Nói nhiều cũng vô ích”. Lẽ ra, câu kết này nên dành cho
anh mới phải, vì trong bài “Chúng tôi không hèn, cũng không nhát”của
anh, em chẳng thấy anh có một dẫn chứng nào cả. Anh chỉ dùng những chữ để
miệt thị đối thủ như: ấu trĩ, kém trí tuệ, mắc chứng bệnh tâm thần (điên). Nếu
anh vào mạng để đọc những bình phẩm bài viết của anh, rồi đọc những bình phẩm
của độc gia đối với bài viết của em, chắc chắn anh không đem những lời dạy dỗ
có vẻ gia trưởng như trên để khuyên em.
Mở đầu bức thư riêng, anh nói về mối giao hiếu giữa hai gia đình họ Bùi và họ Đặng, anh rất thân thiết với các ông anh của em. Nhưng anh vẫn có luận điệu “đá giò lái” thằng em của bạn mình bằng một câu như sau: “Chuyện anh coi ông Kỳ là minh chủ là quyền của anh”.
Thưa anh Bùi Tín thương mến,
Đọc câu đó, em cảm thấy xót xa cho anh vô cùng. Anh
có biết tại sao không? Mang danh là một “nhà báo lão thành”, chẳng lẽ anh không
hiểu hai chữ “MINH CHỦ”? Ông Nguyễn Cao Kỳ không hề lập đoàn thể, tổ chức,
đảng như Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, như ông Nguyễn Hữu Chánh thì làm sao em có
thể tôn ông Nguyễn Cao Kỳ làm “Minh Chủ”? Em phân vân tự hỏi có phải
vì anh sống quá lâu trong cái chế độ chủ trương ngu dân, nên đầu óc bị quán
tính mà mất đi một sự hiểu biết tối thiểu hay tại vì cái tâm của anh còn hơi
hướm mùi cộng sản nên phải xỏ một câu thì mới hả dạ? Chỉ có những người cam tâm
làm “Bộ Đội Cụ Hồ” như ông Giáp, ông Vĩnh mới vái lạy Hồ Chí Minh làm Minh Chủ
thôi anh ạ! Nếu anh coi em như thằng em mà viết: “Này chú Âu, anh thấy chú
viết lý luận không đến nỗi tệ. Chú có thể giải thích cho anh hiểu vì sao chú đi
ủng hộ ông Kỳ trong khi nhiều người đả kích ông ta khi về Việt Nam?” thì
em hiểu được. Ít ra câu hỏi ấy cũng tỏ ra anh là một người có tình.
Từ ngày ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời, em coi phi vụ của
ông ta đối với Đất Nước đã chấm dứt. Em không một lần nào đả động đến nữa. Nay
anh nhắc lại, bài sắp tới em sẽ viết về Tướng Kỳ để tạ vong linh người chiến sĩ
Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu vì đất nước. Em không phải là cái thứ ngu trung
đâu anh! Và cũng không phải là cán bộ tuyên truyền để hưởng ân huệ của ai cả.
Thần tượng của em là nhà thơ Phùng Quán, tác giả bài thơ “Lời Mẹ Dặn”:
… “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”
Chúc anh dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc. Nếu anh
có dịp sang Quận Cam, em xin mời anh ghé lại nhà em chơi để anh em ta cùng chén
thù chén tạc. Lịch sử đẩy anh em chúng ta chia lìa nhau, thì chúng ta có nghĩa
vụ hàn gắn vết thương do lịch sử để lại thì mới xứng đáng là con của Mẹ Việt
Nam, anh ạ! Những gì em phân tích ở trên là để hiểu nhau hơn; chứ không hề tìm
cách bào chữa cho mình hay làm tổn thương anh. Em luôn luôn nhớ lời của cụ Lý
Đông A trong Huyết Hoa: “Yêu thương là huyết tính loài người, vì bỏ tình
yêu thương ra thì con người không còn là người nữa”. Tiếc rằng Hồ Chí Minh đã ra
lệnh thủ tiêu một lãnh tụ ái quốc tài hoa, có viễn kiến.
Trân trọng,
Bằng
Phong Đặng Văn Âu
thằng em trong dòng họ Đặng
© Đàn Chim Việt
-----------------------------------------
Những
bài viết của Bằng Phong Đặng Văn Âu :
Những
bài viết của Bùi Tín :
No comments:
Post a Comment