Cứ nghĩ suốt 35 năm qua, thái độ vong ơn, bạc bẽo
đến tội lỗi của người ta đối với vong linh của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ ngã
xuống trong cuộc kháng chiến chống 60 vạn quân xâm lược bành trướng Trung Quốc
ở biên giới phía Bắc (khởi sự ồ ạt ngày 17-2-1979, kéo dài gần 10 năm), đã là
quá đủ!
Cứ ngỡ, giờ đây, sau liên tiếp các sự kiện: Trung
Quốc đánh cướp vùng biển đảo Trường Sa của Việt Nam, sát hại 64 chiến sĩ ta
ngày 14-3-1988, khởi sự âm mưu tháng 11-2007 và chính thức phê chuẩn ngày
21-6-2012 về việc thành lập cái gọi là TP. Tam Sa (trắng trợn “ôm” các quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), “sự cố” tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp
thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 26-5-2011 ngay tại thềm lục địa
của ta, tuyên bố không thể tham lam, ngược ngạo và lố bịch hơn của Trung Quốc ở
trụ sở Liên Hiệp Quốc (ngày 7-5-2009) về cái gọi là “đường lưỡi bò” nuốt trọn
Biển Đông, hàng trăm vụ lính Trung Quốc bắt bớ, cướp bóc trắng trợn ngư cụ, tôm
cá, bắn giết tàn bạo ngư dân Việt Nam ở ngư trường truyền thống của ta trên
Biển Đông suốt bao năm qua... Dù muộn màng, cuối cùng người ta cũng phải sáng
mắt sáng lòng.
Cứ ngỡ, những ngày này năm nay, người ta đủ lương
tri tối thiểu để có những hoạt động đại loại: cử đại diện chop bu lên các nghĩa
trang biên giới phía Bắc, hoặc chí ít cũng đến Đài Liệt sĩ vô danh ở Thủ đô để
đặt vòng hoa, thắp hương, cúi đầu sám hối, tổ chức hội thảo khoa học lịch sử,
thăm viếng tri ân gia đình liệt sĩ cuộc chiến biên giới... như những biểu hiện
hoàn lương.
Cứ ngỡ, dù chót vót ngôi cao, bổng lậu ngất trời làm
cho mờ mắt vô tâm, huyết quản họ vẫn còn chút ít dòng máu Việt.
Cứ ngỡ...
*
Sáng 14-2-2014, hàng triệu con tim mang dòng máu Lạc
Hồng hướng về Hồ Gươm - nơi vua Lê hoàn lại thần Kim quy thanh gươm báu sau sự
nghiệp phục quốc - ngóng tin các bạn trẻ, các nhân sĩ trí thức và đồng bào Thủ
đô yêu nước “tự phát” tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ bỏ mình vì nước
35 năm trước. Những tin, mọi chuyện rồi sẽ suôn sẻ (thôi thì, người ta chưa làm
được thì chí ít cũng để dân làm).
Nào ngờ, lại những trò cũ đã diễn sáng 19-1-2014, có
“cải biên” đôi chút. Thay vì cho “côn an” giả dạng thợ xẻ đá mù mịt đinh tai
nhức óc ở sân tượng đài Lý Thái Tổ, người ta lại bày trò “thi công” sân khấu,
đưa các cặp đôi nam nữ đến nhảy nhót nhăng nhố trước hoạt động mang nghĩa cử
thiêng liêng, trầm mặc của khoảng 300 bạn trẻ, blogger, nhân sĩ, trí thức khả
kính và người dân - tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ vị quốc vong thân!
Tổ chức vui chơi giải trí ngay nơi diễn ra hoạt động
tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ ngã xuống? Có cái “sáng kiến” làm giỗ nào táng
tận lương tâm hơn thế?!
*
Nhưng cũng trong buổi sáng 16-2-2014 này ở Hồ Gươm,
có tình tiết khác lạ. Tham gia lễ tưởng niệm, TS Nguyễn Xuân Diện cho biết,
không thấy “côn an” chìm nổi, “dân phòng” giả dạng hung hăng chen lấn, xô đẩy,
cản phá, cướp giật băng rôn, bắt bớ đánh đập, khủng bố “nguội” hèn hạ đủ kiểu
như nhiều lần trước. Không biết có phải người ta bắt đầu bước những bước ngập
ngừng đầu tiên trên con đường hoàn lương?
Dẫu sao, mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo
vệ non sông đất Việt (từ cả nghìn năm trước đến gần đây) đều được người ta không
quên tổ chức kỷ niệm rình rang, chỉ trừ các cuộc chiến từ 1979 chống kẻ thù
truyền kiếp là chủ nghĩa Đại Hán bành trướng tham tàn ở phương Bắc, cũng là
điều chẳng thể vui.
Dẫu sao, mọi người có lương tri đều hy vọng dịp
tưởng niệm Liệt sĩ trận chiến Trường Sa 14-3 tới đây, người ta sẽ chấm dứt
những trò nhăng nhố tương tự.
Để kết, xin mượn ý câu thơ Tố Hữu ngày nào:
“Tôi kể ngày nay chuyện Mác - Lê
Giáo điều lầm chỗ để trên đầu
Chủ quyền cố ý trao tay giặc
Sao khỏi cơ đồ đắm biển sâu?”
(nguyên tác trong bài Tâm sự của Tố Hữu:
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”)
No comments:
Post a Comment