Monday 10 February 2014

NHÀ VĂN VÕ THỊ HẢO : mỖI NGƯỜI PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI & CÔNG DÂN (Trần Quang Thành - RadioCTM)




Trần Quang Thành - RadioCTM
02/02/2014

Năm cũ vừa qua, năm mới lại đến. Cứ mỗi độ Xuân về là mang thêm niềm hy vọng và sự khắc khoải. Khắc khoải về những gì đã xảy ra trong năm cũ, và hy vọng cho tương lai tươi sáng.
Trong chương trình hôm nay, đài CTM xin gửi đến quý thính giả tâm tình của  nhà văn Võ Thị Hảo về hiện tình đất nước trong năm vừa qua.

***

RadioCTM: Xin chào nhà văn Võ Thị Hảo. Nhà văn có cảm xúc gì, thấy gì về một năm đã qua, đọng lại trong nhà văn điều gì tâm đắc nhất?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Năm đã qua là một năm có nhiều chuyện buồn, nhất là khi nhìn thấy tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam có quá nhiều sự bộc lộ một nền kinh tế - đặc biệt qua những vụ án xử vào lúc cuối năm - thì đấy chỉ là một vài vụ án điểm thôi. Ẩn nấp đằng sau còn có rất nhiều vụ có thể còn lớn hơn nữa, chứng tỏ nền kinh tế cũng như nền chính trị Việt Nam đã bị lũng đoạn đến mức không thể tưởng tượng nổi. Ngay cả trong ác mộng người ta cũng không bao giờ ngờ rằng người gởi tiền trong ngân hàng có thể tưởng tượng rằng có một ngày
giám đốc một ngân hàng nhà nước mà có thể nói rằng, khi đã gởi tiền vào ngân hàng của chúng tôi thì các vị phải tự quản lý lấy cái tài khoản của mình, không thể tưởng tượng nổi... Điều này chưa từng xảy ra, nó tương tự như một người mở cửa ra và dụ dỗ là "hãy gửi đồ đạc, con cái vào nhà tôi đi, và các bạn sẽ được chúng tôi bảo vệ giữ gìn, thậm chí các bạn còn có lãi nữa". Nhưng rồi đến khi người gửi đến nhận lại các thứ như đã cam kết thì người mở cửa nói rằng: "Tiền này và những đứa con này là của chúng tôi, và các vị phải có trách nhiệm quản lý nó chứ, quản lý tiền của các vị, quản lý con cái của các vị chứ; thế tại sao bây giờ các vị lại hỏi chúng tôi?". Không thể tưởng tượng nổi, đấy chỉ là lý lẽ của những kẻ lừa đảo và trộm cướp mà thôi; và điều đó lại xảy ra ở một ngân hàng lớn, một ngân hàng lớn nhất của nhà nước Việt Nam. Thật là kinh khủng, qua đó bộc lộ sự lũng đoạn nguy hiểm tới mức nào rồi. Và tôi tin rằng những người Việt Nam đã gửi tiền ở ngân hàng, kể cả ngân hàng nhà nước, thì cũng không thể nào yên tâm được, không thể nào vui được ở cái Tết này khi mà có những chủ ngân hàng đã tuyên bố như vậy.

RadioCTM: Một ngân hàng của nhà nước chứ không phải là ngân hàng tư nhân, quản lý một số vốn rất lớn và bằng thuế của dân. Khi vụ án xảy ra với một nhân viên của một ngân hàng, chức vụ thì rất nhỏ nhoi và mất đi của ngân hàng tới 4 ngàn tỉ đồng. Tòa án kết luận rằng ngân hàng đó không có trách nhiệm gì với khoản tiền này. Chị nghĩ như thế nào về trách nhiệm đối với cách quản lý đồng tiền do dân đóng thuế mà có?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Việc này đã có một chuyên gia về ngân hàng nói rồi, tức là ngân hàng hiện nay đang đứng ngoài pháp luật; có nghĩa là đứng trên pháp luật thì đúng hơn. Khi những người đó đã dùng luật rừng để đối xử lại với những khách hàng của mình, đối xử lại với nhân dân mình,... và tôi nghỉ rằng là ngân hàng nhà nước, lãnh đạo ngân hàng nhà nước phải có những cử chỉ thật là kịp thời để chấn chỉnh lại lòng tin, chấn chỉnh lại việc này chứ tại sao có thể để như thế mà không có người lên tiếng? Cũng như là Viện Kiểm Sát hay toà lại chấp nhân cái lý lẽ của vị lãnh đạo của ngân hàng Viettinbank. Tôi nghĩ điều đó quá kinh khủng. Chúng ta đã hiểu và chứng kiến rồi, đó là nền kinh tế cũng như các ngân hàng ấy, nó phản ứng theo dây chuyền, nó sụp đổ. Có khi chỉ cần một tin đồn thôi hoặc một việc gì đó tỏ ra thất tín tại một ngân hàng tư nhân nhỏ thôi; tỏ ra thất tín với khách hàng, thì nó cũng có thể sụp đổ toàn bộ hệ thống dây chuyền. Bởi vì dân người ta sẽ rút tiền ra khỏi ngân hàng và như thế là vỡ. Tôi nghỉ rằng khi đã đưa ra một vụ án như thế này thì cũng phải có tiên liệu gì đó từ trước. Và tôi nghỉ rằng có thể là đang có đồng tiền từ thuế của nhân dân, có thể đang có đồng tiền mà cái giá cả Tết này tăng rất cao - và đặc biệt chúng ta có thể thấy điều đó tại các siêu thị - thì tôi nghĩ rằng khi đời sống của người Việt Nam giảm xuống bởi vì lạm phát, vì đồng tiền mất giá, thì tất cả có thể đang bù đắp cho những cái gọi là nợ xấu hay sự lừa đảo; ngân hàng mà còn đứng trên pháp luật như vậy thì còn những người khác có quyền lực lớn hơn ngân hàng thì họ sẻ đứng trên pháp luật đến mức nào và thật là khốn khổ thay cho những người dân Việt Nam.

RadioCTM: Nhìn vào cả bốn ngàn tỉ bay trong mây khói, trong khi đó đời sống của dân chúng thì cùng cực, nông dân,công nhân mất việc làm, nghèo đói. Chị bình luận thế nào về cảnh sống trái ngược như vậy?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghỉ rằng sở dĩ có những người không có việc làm, sở dĩ có vô số doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân bị phá sản, ngừng hoạt động - đời sống của người dân đang ngày càng đi xuống là bởi vì có những hiện tượng như vậy. Tức là sự quản lý lỏng lẻo, sự lạm dụng, và kể cả sự lạm dụng nó tràn lan và ngang nhiên tới mức như một cô tuổi đời còn rất trẻ mà dùng những thủ pháp lừa đảo, nó xưa, rất là xưa, không có gì gọi là tinh vi cả, không có gì là đặc biệt cả, nhưng đã lừa đảo được tới mức ấy. Một cô như thế không có được sự tiếp tay của những người ở trong hệ thống, những người biết đâu có chức vụ lớn hơn cô ấy, thì làm sao cô có thể lừa đảo như vậy được? Bởi vì khi người dân gửi vào hay đi vay tiền thì ngân hàng đã áp dụng những biện pháp cực kỳ khắt khe và chặt chẽ để giám sát; cũng như bắt người dân, người vay thế chấp rất lớn để có được những đồng tiền vay với lãi xuất cao kinh khủng. Thế thì không thể một mình cô này có thể làm một vụ lừa đảo như vậy được. Một cô Như thôi mà đã lừa đảo tới khoảng bốn ngàn tỉ, làm thất thoát bốn ngàn tỉ thì ở ngân hàng có bao nhiêu cô Như khác và bao nhiêu người lớn hơn cô này. Đấy chỉ riêng trong ngành ngân hàng thôi, còn bao nhiêu ngành khác nữa. Một bức tranh thật quá kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi.
Tôi nghĩ rằng, nếu những người lãnh đạo và những vị có trách nhiệm cao nhất trong ngành ngân hàng không có những biện pháp, không có những cử chỉ thật cấp bách để gỡ lại niềm tin cho mọi người Việt Nam và cho những người nước ngoài có đầu tư, làm ăn với Việt Nam... thì tôi sợ là nền kinh tế này sẻ sụp đổ một cách thê thảm. Bây giờ rất cần cấp bách sự cải cách thể chế và cần phải có tự do báo chí để giám sát. Nếu để cho những người trong cùng một hệ thống, cùng một quyền lợi, cùng một lợi ích giám sát nhau thì không bao giờ có hiệu quả; chỉ có khi nào để cho công luận, cho nhân dân đấu tranh và giám sát­­­ thì may ra mới có hiệu quả, không thì sẽ quá muộn.

RadioCTM: Ở phía nam hơn 300 bánh heroin nhanh chóng từ sân bay vọt qua Đài Loan một cách rất là nhẹ nhàng không ai phát hiện ra. Ở miền Bắc thì vừa kết thúc một vụ án cũng về heroin với 34 án tử hình. Chị nghĩ thế nào về xã hội Việt Nam ngày nay đầy dẫy những tội phạm rất là nguy hiểm và gồm cả một thể chế rất là lỏng lẻo?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ rằng 300 bánh heroin đi qua một cách nhẹ nhàng như vậy có nghĩa là cũng đã có rất nhiều và có thể nhiều hơn những vụ trăm bánh heroin đã đi qua. Tất cả là đều trong hệ thống mà thôi. Bất kỳ một con dao nhỏ khi đi qua cũng bị phát hiện ở trong máy soi, một lọ dầu gội đầu lớn hơn kích cỡ một chút, một thỏi son cũng bị đem ra để cho nhân viên xem. Một sợi dây chuyền thôi, một cái khóa thắt lưng... tất cả máy phát hiện ra hết. Và các nhân viên hải quan, nhân viên an ninh ở trong sân bay, không phải là kém trình độ đâu, và máy móc sẽ tự động làm tất cả. Còn ai buôn lậu ma túy tốt hơn những người trong hệ thống chống buôn lậu ma túy? Hoặc còn ai buôn lậu tốt hơn là những người đứng ở trong hệ thống hải quan? Ai tham nhũng, ai cướp đoạt, trộm cướp tiền của khách hàng giỏi dang hơn những người trong hệ thống ngân hàng? Ai tham nhũng tốt hơn những người có trách nhiệm được quyền chống tham nhũng và những người có sự chi phối lớn? Những chi tiết mà anh vừa hỏi nó thể hiện sự quá nguy cấp, quá nguy khốn cho cái nền kinh tế cũng như nền chính trị này. Bởi vậy cho nên tôi nghĩ không phải đơn giản, không phải tự nhiên hay là do mong muốn mà Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã có một bài nói về việc cần phải cải cách thể chế. Cũng có một số người hy vọng rằng năm nay sẽ là năm phải có những bước quyết liệt, một năm một mất một còn nếu không có những biện pháp cải cách thể chế; bởi vì đây không phải là do lòng tốt hay do mong muốn và do gì cả, mà vì tình thế bắt buộc như vậy, thì tôi thấy một số người cũng hy vọng.

RadioCTM: Đấy là bức tranh về kinh tế, còn về xã hội Việt Nam trong năm Giáp Ngọ dưới con mắt của chị, những gì là điểm sáng và đâu là điểm tối?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi thấy rằng có một số điểm sáng, chẳng hạn như là vẫn có những người tốt. Bây giờ tôi thấy có nhiều bạn trẻ đã lặng lẽ rủ nhau đi làm từ thiện; họ tự thuê xe, tự lái xe đi gôm tiền gôm quần áo, và họ tự đi đến. Nhiều khi họ đã không tin vào tổ chức, kể cả gửi qua những tổ chức để làm từ thiện nữa. Họ sợ nó bị thất thoát vì đã có nhiều trường hợp như vậy rồi; kể cả tiền cứu đói của dân, tiền cho người tàn tật, rồi tiền cho những người bị lũ lụt mà họ sắp chết đói rồi nhưng cán bộ địa phương vẫn ăn trộm chiếm đoạt của họ; vì vậy nên nhiều người không tin. Một phong trào tự từng gia đình, từng cá nhân có thể tụ họp với nhau vào những dịp cuối năm như thế này, ăn một miếng thì cũng phải nhớ đến những người không có gì ăn. Và tôi thấy một xu hướng lặng lẽ như vậy đang phát triển, như thế là một điều tốt. Tôi thấy rằng chẳng hạn như lớp trẻ trước đây vẫn có những người rất là thờ ơ, có những người vẫn sống trong sự ích kỷ, hoặc sự mê muội hoặc tham gia những trò chơi, ví dụ như chơi game bạo lực; và việc cướp, giết, hiếp đối với họ gần như không còn phản xạ nữa rồi. Đấy là những điều kinh khủng, nhưng cũng có những người trẻ họ rất chăm chỉ học hành và họ đã nỗ lực rất lớn.

Một số bạn đã biết khẳng định cái ý thức của mình là một công dân tự do, rồi họ tham gia những diễn đàn như là Diễn đàn Xã hội Dân sự, họ có những tuyên bố của những nhóm blog. Tôi nghĩ như thế thì rất là tốt, mặc dù những người nói thật vẫn bị trù dập, vẫn bị nguy hiểm, nhưng càng ngày người Việt Nam càng bớt sợ hãi hơn. Có lẽ do hiện thực hiện tại nó đã bộc lộ quá nhiều điều khiến cho nhiều người cảm thấy quẫn bách và buộc người ta cùng đường phải lên tiếng. Tôi thấy rằng những điều đó vẫn còn, nhưng có một mặt khác, đó là những cái bộc lộ ở bề nổi có vẻ càng ngày càng tham ác hơn. Tôi nghĩ rằng sự tham lam nó đang hủy hoại tâm hồn của người Việt Nam. Những cái linh hồn tàn tật.., làm sao không tàn tật được? Gần bùn thì bao giờ cũng phải có mùi bùn, không bao giờ mà gần bùn lại chẳng hôi tanh mùi bùn. Đây là một việc hoàn toàn tự phép thắng lợi tinh thần thôi, gần bùn chắc chắn là phải có mùi bùn, bởi vậy cho nên nếu chúng ta muốn sống trong một xã hội trong sạch và mình vô tội, mình trong lành thì cần phải xây dựng cả môi trường xung quanh nữa, nên mỗi người phải có trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân là như thế. Khi tôi vào bệnh viện mà không đưa phong bì cho bác sĩ thì tôi sẽ chết; đương nhiên tôi phải chọn giữa cái chết và hối lộ thì tôi phải chọn sự hối lộ. Bởi vậy một người, một mình rất khó để có thể hoàn toàn trong sạch, và để muốn mình được trong sạch thì phải góp phần dùng trách nhiệm và dùng lương tâm để làm cho xã hội xung quanh cũng phải trong sạch lên.

RadioCTM: Trong xã hội ta hiện nay giữa nói và làm nó có một khoảng cách khá xa, chị có thấy lo ngại về việc này không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Việc này thì bản thân tôi đã lo ngại từ rất lâu rồi. Việc nói dối ở trong nhà trường.., trẻ con từ khi biết đi học là được dạy nói dối. Hiện nay việc thầy cô giáo chạy theo thành tích, mà tôi nghĩ không phải là chạy theo thành tích đâu, đấy là giả dối để được có lương cao, để được thừa nhận mình là giáo viên giỏi và dọa dẫm học sinh để bắt người ta phải học thêm để lấy tiền của học sinh. Rồi dạy những giáo trình mà mình thừa biết là quá lạc hậu, cổ lỗ và dối trá, nhưng mà vẫn dạy; tất nhiên họ bị ép. Nếu họ không dạy thì họ sẽ phải đi ra khỏi ngành và mất công ăn việc làm và chết đói. Bởi vậy việc nói dối, hễ con người Việt Nam gia nhập xã hội là phải nói dối, bất kỳ ai. Đấy là một việc vô cùng nguy hại và chúng ta ngày càng mục ruỗng bởi điều đó. Tác hại của nó tôi nghĩ không cần phải giải thích nữa. Để cho tới xã hội càng ngày càng nhiều việc ác như thế, con người ngày càng vô luân, thậm chí điên loạn vì tuyệt vọng, có những hành vi mà trước hết không lừa đảo được ai; chẳng hạn như bán hàng đa cấp, rất nhiều trường hợp là chỉ lừa người thân của mình để bán lấy tiền thôi. Lừa người thân, lừa bạn bè, và cuối cùng thành ra cái xã hội lừa lẫn nhau và tất cả những cử chỉ như thế. Sự giả rồi sự tham, sự ác, trong một cái vòng luẩn quẩn và nó làm mục ruỗng con người, mục ruỗng tâm hồn, và tất nhiên là xã hội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi điều đó.

Tôi thấy năm vừa rồi trên báo 'được phép', gọi là báo lề phải, có một bài về chứng bệnh giả dối, bàn về chuyện nói dối của người Việt Nam. Đấy cũng là việc hiếm hoi, gần như lần đầu tiên mà diễn đàn đó bàn về việc nói dối ở một cái tầm lớn hơn như vậy. Nhưng ngay cả những người bàn về những vấn đề đó vẫn chưa đụng đến được cái căn nguyên quan trọng nhất của việc tại sao người Việt Nam lại hay nói dối, phải nói dối và tiếp tục nói dối. Quan trọng là phải đụng được vào cái căn nguyên để sau đó mới giải quyết được vấn đề.

RadioCTM: Nhiều người hy vọng rằng năm nay năm ngọ chúng ta có hiện tượng của đức Thánh Gióng là tuy thất bại như là Thánh Gióng quất roi ngựa về trời. Chúng ta có thể hy vọng gì về tinh thần phù đổng đối với người dân Việt Nam trong năm ngọ này không, thưa chị?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Nghe nói hy vọng của Việt Nam là Thánh Gióng tôi buồn cười quá bởi vì chẳng có hy vọng nào như thế cả. Làm sao có thể hy vọng được việc Việt Nam như Thánh Gióng với những sự kiện như thế này, với thực tế như thế, với một nền ngân hàng như vậy, một nền kinh tế như vậy, với một nền chính trị như vậy, với xã hội như vậy,... thì chưa có một điều hy vọng gì để mà Việt Nam có thể trở thành Thánh Gióng trong năm mới. Tôi cũng mong lắm, mong có Thánh Gióng lắm nhưng mà Thánh Gióng không có. Không có! Mà muốn có Thánh Gióng thì phải có những dữ kiện, phải gieo thì mới được gặt, đằng này chưa gieo gì, chỉ gieo cái sự giả thôi. Gieo sự giả, gieo sự sụp đổ thì làm sao có thể có ngựa phi mà làm Thánh Gióng được.

Tôi nghĩ của năm nay là ngựa què, và rất mong có một sự cố gắng. Tôi luôn luôn thường tự nghĩ như thế này: đôi khi mình làm cái gì đó mình tự nghĩ, những kẻ sĩ, những anh hùng của Việt Nam đâu rồi? Tôi mong muốn thấy trong số những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, họ có thể đã giàu có lắm rồi, họ đã hưởng đủ thứ có thể gọi là lạc thú ở đời rồi, vinh quang cũng đã lắm rồi, thế bao giờ tại sao..? Tôi mong thấy một ai trong số họ dám dũng cảm trở thành một Gorbachev của Việt Nam. Ai đó trong số họ dũng cảm, thậm chí dám mất..., vì thực ra cũng cần phải thức tỉnh để thấy rằng cái mạng sống, cái kiếp của con người ngắn ngủi và phù du, tại sao lại tiếc tới mức ấy! Tại sao trong các vị ấy không một ai có thể trở thành một Gorbachev của Việt Nam, một Minh Trị của Nhật trước đây chẳng hạn. Bây giờ nhìn xem những sự chuyển động, chúng ta thấy có những sự kiện rất hay trên thế giới. Chẳng hạn như ngày hôm nay thì nội các Ukraine họ đã từ chức, và việc họ đưa ra luật cấm biểu tình trong tháng Một và sau đó với áp lực của những công dân canh giữ nền dân chủ, họ đã buộc quốc hội phải bỏ phiếu lại một luật khác và bãi bỏ luật cấm biểu tình, đưa đến nội các ấy mất uy tín và buộc phải từ chức. Đấy là những điều cực kỳ tuyệt vời dù người dân và đất nước Ukraine hiện nay có thể phải trải qua những gây cấn, những khó khăn; nhưng đối với những công dân mà biết canh giữ nền dân chủ như vậy, với nội các ấy dù sao họ cũng còn biết xấu hổ thì tôi nghĩ đấy là những chuyển động rất là tốt.

Nhìn chung thế giới đang đi, những nước nào chậm chân về nền dân chủ, chậm chân về kinh tế, chậm chân trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp cho loài người... họ có thể chững lại nhưng rồi họ lại bước tiếp. Chẳng hạn như Myanmar là một thí dụ rất là tuyệt, ngay cả Thái Lan cũng vậy, khi người ta phát hiện ra sự lạm dụng của thủ tướng thì người ta liền đấu tranh. Và tôi nghi rằng thủ tướng của Thái Lan lẽ ra cần phải từ chức rồi thì mới giữ được ổn định, vì rõ ràng là đã mất uy tín khi cô ta định lạm dụng cái việc đó, lạm dụng quyền lực có lợi cho quyền lợi của người anh mình và gia đình mình, như thế đã là một điều làm mất uy tín dù có tài giỏi đến đâu cũng nên từ chức. Và những người canh giữ nền dân chủ họ đang làm điều đó. Đấy là những chuyển động rất là tuyệt, và tôi nghĩ rằng Việt Nam dù có cố cưỡng lại thì cũng không ngăn được khuynh hướng ấy, cái xu thế ấy. Tất nhiên con tàu sẽ đi và một mình Việt Nam không thể ngang trở được. Tôi nghĩ như vậy và tôi mong sự chuyển động trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam này, đã hưởng thụ, đã có mọi thứ rồi thì bây giờ hãy làm anh hùng đi. Tôi mong muốn điều đó. Tôi không hy vọng gì đáng kể nhưng tôi tự động vẫn mong điều đó, vẫn mong xuất hiện những Minh Trị.

RadioCTM: Ông thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm có vẻ nói rất quyết liệt - ông hay dùng chữ 'quyết liệt' - để cải cách thể chế, để quyết liệt mang cho dân chúng có một nền dân chủ mới tốt hơn, người dân có quyền được làm chủ tốt hơn. Nhưng dường như người dân không tin tưởng lắm vào những cái quyết liệt của ông thủ tướng, thế thì chị bình luận thế nào về vấn đề này?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Vâng, dân có quyền không tin bởi vì họ nhìn lại có nhiều điều mà thủ tướng nói mà chưa làm được, chẳng hạn như về vấn đề chống tham nhũng. Khi thủ tướng Dũng cũng là trưởng ban chống tham nhũng trong rất nhiều năm, và nói rằng 'nếu tôi còn để xảy ra tham nhũng thì tôi từ chức', đại loại như thế. Với câu này thì tôi nghe các phương tiện thông tin đại chúng họ đưa, còn tôi không trực tiếp nghe. Nhưng mà cuối cùng thì tham nhũng chưa bao giờ kinh khủng ở một diện rộng lớn như vậy, và nó nằm sâu từ địa phương, từ các cơ quan đoàn thể, từ thấp nhất cho tới cao nhất, và riêng điều đó thì dân đã có thể nghi ngờ rằng thủ tướng nói mà không biết thủ tướng có làm không? Tôi cũng nghi ngờ và tất nhiên tôi cũng hy vọng là biết đâu ông ấy cũng sẽ làm. Tại vì không làm thì sẽ mất nước, không làm thì cũng sụp đổ; nhưng mà làm thì phải thể hiện bằng hành động những lịch trình nó hết sức cụ thể, và trước hết là phải trả tự do thực sự cho báo chí.
Tôi nghĩ là tất cả những điều đó..., tôi mà nói nữa thì thành ra dài quá vì trước đây tôi đã từng nói rồi. Bây giờ thủ tướng vẫn có thể chứng minh cho người Việt Nam thấy rằng mình là một người trước đây nói thì có thể không làm, nhưng bây giờ nói thì làm bởi vì tất cả quyền ở trong tay mà.

RadioCTM: Vậy thì có thể hy vọng là năm nay thủ tướng có làm được không, thưa chị?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Một phần trăm tia hy vọng, rất tiếc là chỉ có 1% thôi. Tôi chỉ hy vọng 1% thôi, nhưng biết đâu nó lại lớn lên thành ra nhiều phần trăm hơn.

RadioCTM: Xin cảm ơn nhà văn Võ thị Hảo về câu chuyện xuân mới giữa chúng ta với nhau, mong rằng những điều nhà văn hy vọng nó sẽ trở thành hiện thực.
Nhà văn Võ Thị Hảo: Vâng, cảm ơn anh. Chúc anh và quý vị thính giả một năm mới có sức khỏe tốt và có thêm nhiều hạnh phúc và may mắn.


No comments:

Post a Comment

View My Stats