Saturday, 8 February 2014

NGHĨ TỪ NƯỚC THÁI (Vũ Thị Phương Anh)




Chủ Nhật, ngày 09 tháng 2 năm 2014

Biết gia đình tôi đăng ký đi du lịch Thái Lan trong dịp Tết vừa qua, người quen ai cũng hỏi: Sao lại đi Thái Lan? Không sợ biểu tình à? Hoặc tệ hơn, với một vẻ chế diễu: Thái Lan thì có gì đáng để xem đâu, ngoài mấy khu đèn đỏ? (!)

Ừ, có lẽ cũng đúng chăng? Thực ra, trước khi đi có lúc tôi cũng phân vân, thậm chí còn định hủy đăng ký, lấy cớ biểu tình. Dù thật ra tôi không hề sợ. Hồi năm 2010, biểu tình ở Thái Lan còn dữ dội và bạo động hơn lần này, nhưng khi có việc phải đi Bangkok tôi thấy an ninh vẫn tốt, chỗ nào biểu tình thì biểu tình nhưng những nơi khác vẫn hoạt động bình thường. Lần này thậm chí còn ít bạo động hơn, thì chẳng có gì phải lo ngại.

Không, tôi phân vân vì một lý do khác: Ngay từ đầu tôi đã không mấy hứng thú về chuyến đi Thái Lan, vì những kỷ niệm cũ của tôi về đất nước này hầu như chẳng để lại cho tôi một ấn tượng gì đặc sắc. Xin nói thêm là tôi đã đến Thái Lan rất nhiều lần, đặc biệt là hồi VN mới mở cửa. Lúc ấy muốn đi đâu đều phải qua Bangkok, hoặc để xin visa vì một số nước như Mỹ thậm chí còn chưa có quan hệ ngoại giao với VN, hoặc để quá cảnh vì đường bay trực tiếp đến các nơi lúc ấy còn rất ít. Vì thế, tôi tự cho là mình đã quá biết về Thái Lan để không còn gì mới mẻ cho tôi khám phá về đất nước này nữa.

Cũng phải nói thật, lần đầu tiên tôi đến Bangkok (tận năm 1989), tôi đã có một cảm giác rất đau xót vì sự thua sút của VN đối với Thái Lan, trong khi TL vốn chỉ là một nước mà trước năm 75 thì VNCH chẳng coi là cái thá gì hết. Thật vậy, lần ấy khi ra khỏi một VN nghèo đói đến thê thảm, khi việc sở hữu một chiếc xe Honda Cub cũng đã khiến cho mọi người nhìn bạn bằng con mắt nể nang vì nó tương đương với một gia tài nho nhỏ, thì làm sao tôi không ngợp trước một Bangkok với các ngôi nhà cao tầng san sát, với đường xá tấp nập nhiều làn xe và các siêu xa lộ (superhighway) với các cầu vượt mà tôi trước năm 1975 tôi chỉ mới được nghe nhắc đến trong một bài học tiếng Anh trong cuốn English for Today, với các biển hiệu quảng cáo lắp bóng đèn nhấp nháy ở khắp nơi .... Một cảm giác nghẹn ngào vì sự tụt hậu của VN.

Nhưng đó là cảm giác lần đầu thôi. Sau lần ấy tôi còn đến Thái nhiều lần, nhưng sự choáng ngợp không còn nữa. Đối với tôi, đi Thái Lan chẳng có gì là thú vị cả, vì ngoài việc có thể mua sắm với giá cả hợp lý những đồ dùng như quần áo, dày dép (thời ấy hàng hóa ở VN còn khan hiếm, và chưa có hàng Tàu tràn lan như bây giờ) hoặc sách vở (VN lúc ấy chưa có đại lý của các nhà xuất bản lớn), thì Thái Lan chỉ có nạn kẹt xe khủng khiếp không thể chịu nổi, có khí hậu nắng nóng đến tệ hại vào mùa hè, có bụi bặm và ô nhiễm đến mức báo động, còn mọi thứ khác thì ở mức trung bình, chẳng có gì để VN phải ngưỡng mộ cả. Chẳng qua tôi đăng ký đi Thái Lan là để cho có một điểm mà đến, để cả gia đình có dịp cùng đi chung với nhau trong dịp Tết, thay vì cứ ở nhà đi ra đi vào rồi đến bữa lại bày ra ăn uống với những món ăn năm nào cũng như năm ấy, mà cũng là những món đã ăn hàng ngày thôi.

Nói ngắn gọn lại thì tôi không mong đợi gì nhiều ở chuyến đi Thái Lan năm nay, ngoài việc cả gia đình cùng đi đâu đó với nhau. Vậy mà thật bất ngờ, chuyến đi Thái Lan lần này đã để lại cho tôi rất nhiều thiện cảm về con người và đất nước Thái. Và, một lần nữa tôi lại cảm nhận sự thua sút của VN so với Thái Lan, chỉ có điều lần trước sự thua sút đó là ở khía cạnh vật chất mà giờ đây không khoảng cách đã được rút ngắn rất nhiều, còn lần này là ở khía cạnh tinh thần - một khoảng cách mênh mang mà không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể rút ngắn được, hay là đang ngày lại rộng thêm ra, thế mới đau chứ!

Tôi không quá lời đâu các bạn ạ. Xin chứng minh sự thua sút về tinh thần giữa VN so với Thái Lan thông qua 2 việc nho nhỏ như thế này thôi: Biểu tình và Đi chùa.

1. Biểu tình
Ở trên, tôi đã nhắc việc tôi có mặt ở BKK vào năm 2010 khi đang có biểu tình, thậm chí bạo động, nhưng vẫn yên ổn. Vì đã có kinh nghiệm nên tôi không có ấn tượng gì lớn. Nhưng ông xã tôi thì ấn tượng lắm, và cứ tiếc rẻ mãi là đã quên không lấy máy chụp hình ghi lại những gì đã xem trên TV.

Sao lại ghi hình từ TV nhỉ? À, là thế này. Như mọi người đều biết qua tin tức trên báo chí, biểu tình có diễn ra trong mấy ngày diễn ra bầu cử ở Thái Lan, nhưng tất nhiên là hướng dẫn viên đã sắp xếp để tránh đến những nơi có biểu tình. Phe biểu tình đã cố gắng phá bầu cử, nhưng cuộc bầu cử vẫn diễn ra vào ngày 2/2 (mùng 3 Tết), dù không hoàn hảo. Có một ít bạo động, có cả một vụ nổ súng vào đám đông và kẻ thủ phạm đã bị cảnh sát khống chế, có đưa tin trên TV với đoạn phim quay lại làm chứng cứ, quay cả nơi nhặt được đầu đạn .... Cách đưa tin này làm ông xã tôi rất thích, ông ấy bảo, "Phải rồi, muốn kết tội ai phải có chứng cứ và phải thông tin rõ ràng minh bạch cho người dân, vì nếu không người ta có thể nghi ngờ là chính phủ đàn áp hoặc vu khống những nhân vật chủ chốt của phe đối lập. Cứ phải minh bạch thế, thì dân mới tin chứ!"

Cảnh biểu tình cũng được đưa lên TV, với những phát biểu của Suthep và các thủ lĩnh biểu tình khác, có cả cảnh những cảm tình viên ủng hộ tiền cho nhóm biểu tình, rồi cảnh ca hát,  nhảy nhót "như một cuộc picnic" mà thực chất là để thu hút người dân đến tham dự và ngăn cản bầu cử diễn ra. Nhưng cảnh sát vẫn chỉ thúc thủ, canh giữ an ninh trật tự nhưng hoàn toàn kiềm chế và không hề có đàn áp đối với người biểu tình. Bởi vì, như trên báo chí đưa tin, Thái Lan đã quá sợ và chán ngán việc xô xát, đổ máu của lần biểu tình trước đó.

Tôi không ngờ là ông xã tôi theo dõi vụ biểu tình rất kỹ, tối nào cũng mở TV để xem, dù chỉ có kênh địa phương của Thái, nói tiếng Thái nên không hiểu được hết mà toàn phải đoán. Đại khái là bầu cử vẫn diễn ra ở đa số các địa phương, và Yingluck vẫn đạt được đa số dù không quá áp đảo, nhưng kết quả đến ngày 23/2 mới công bố. Nhìn chung, được nhìn tận mắt nghe tận tai nên ông xã tôi thấy ấn tượng lắm về chính trường nước Thái, và tỏ ra rất phục họ, vì những gì đã xảy ra cho thấy trình độ của người Thái Lan: Họ biết học hỏi từ những sai lầm của mình và lựa chọn những điều mà họ tin là tốt nhất cho họ và cho đất nước. Nói gì thì nói, dù nền dân chủ của họ chưa hoàn hảo thì nó vẫn rất lành mạnh và chắc chắn đất nước của họ sẽ thoát được khủng hoảng hiện nay để tiếp tục phát triển.

2. Đi chùa
Về vụ đi chùa ở Thái thì trước đây (năm 2010) tôi cũng đã viết trên blog này một lần rồi. Các bạn có thể đọc bài cũ ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/03/i-le-chua-tai-bangkok.html. Lần này, đi chùa ở Thái Lan vẫn cho tôi những cảm giác ấy: Thanh thoát, nhẹ nhàng, không vướng mùi trần tục, và sự thành kính toát ra từ mọi người, kể cả các du khách chỉ đến vãn cảnh. Những chỗ đông người cũng không bao giờ có sự hỗn loạn như ở VN.

Trăm nghe không bằng một thấy, nên tôi xin đưa lên đây vài tấm hình tôi chụp tại chùa Núi Vàng và chùa Phật Vàng mà tôi đã ghé thăm trong dịp đến Bangkok.

Những ấn tượng của tôi về Thái Lan qua chuyến du lịch lần này không chỉ có hai điều trên. Còn có rất nhiều điều khác, ví dụ như cách làm du lịch của họ, với những điểm tham quan độc đáo, giúp ta hiểu biết về cuộc sống, về văn hóa và về lịch sử của địa phương.Hoặc cách ứng xử của những người dân ở đây, kể cả những người buôn bán: không bon chen, không vội vã, cáu gắt, mà từ tốn, khoan hòa. Không hề có chuyện đến xem cho đã mà không mua thì bị mắng té tát vào mặt như ở VN. Cũng không có chuyện trả giá thấp thì bị chửi hoặc ít ra là lườm nguýt. Tôi cũng rất ấn tượng về thái độ yêu kính tự nhiên và rất thật lòng mà người Thái dành cho các quốc vương của họ, cùng chạnh lòng nghĩ đến số phận của vị vua cuối cùng của Việt Nam. Và một điều khác mà tôi có thể nhận thấy là cơ sở hạ tầng, đường xá của Thái Lan rất tốt, chạy rất êm, không ổ gà, giao thông khá trật tự mặc dù vẫn có kẹt xe.

Đén Thái Lan, nhìn tận mắt những gì đang diễn ra, tự nhiên tôi nghĩ: Ngay cả trong tình hình chính trị rối ren như hiện nay mà báo chí VN hay có khuynh hướng cho đó  là mặt trái, là món hàng kèm không ai muốn của dân chủ (!), đất nước Thái Lan chắc chắn vẫn sẽ tìm được cách thoát ra để phát triển, và vẫn sẽ phát triển bền vững và khôn ngoan như họ đã phát triển trong thế kỷ 20 đầy biến động.

Còn VN? Đọc trên báo, chỉ thấy hỗn loạn, chém giết,  hôi của, buôn thần bán thánh, lừa đảo vv. Xã hội quá nhiều vấn đề, đạo đức xuống cấp .... Buồn, đến nỗi không muốn nói nữa. Tôi nhớ một câu tôi đã nói với ông xã trong thời gian còn đang ở Thái: Dù rất đau lòng nhưng vẫn phải thừa nhận, người của họ hơn hẳn người của mình. Và cũng nhớ một nhận xét đau đớn của một vị phó hiệu trưởng một trường đại học lớn ở TP HCM đã thốt lên cách đây nhiều năm khi nói về tương lai của đất nước: "Thua con người là thua tất cả."

Nhưng chúng ta không được quyền tuyệt vọng, phải không? Đặc biệt là vào dịp đầu năm mới. Chỉ cần chúng ta hành động. Hãy bắt đầu với những việc nhỏ nhất, và bắt đầu từ chính chúng ta.

Xin đăng thêm vài tấm hình để các bạn cảm nhận thêm về nước Thái.:



No comments:

Post a Comment

View My Stats