Vào ngày 7-2-2014 vừa qua, TNS Mark Warner (Dân Chủ,
Virginia) đã họp mặt thân mật với khoảng 100 người Mỹ gốc Á châu tại
Centreville, một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc Virginia do Hội Đồng Người Mỹ gốc
Đại Hàn tổ chức (Council of Korean Americans).
Sau phần nói chuyện về những vấn đề quốc nội bao gồm
việc làm, phát triển kinh doanh, giáo dục, y tế (Obamacare), và nợ quốc gia,
TNS Warner mời mọi người tham dự phần hỏi đáp. Để giúp phá vỡ bầu không khí yên
lặng và lạnh lẽo vào một ngày giữa mùa đông ở ngoại ô thủ đô liên bang, tôi đã
nêu lên một câu hỏi đầu tiên:
Đa số dân Hoa Kỳ chúng tôi không thích tình trạng bế tắc tại Washington, làm
thế nào để chấm dứt tình trạng này?
TNS
Mark Warner đưa ra ba ra đề nghị mà ông cho rằng cụ thể:
(1). Các dân biểu và nghị sĩ tiếp xúc và tìm hiểu với những người khác đảng.
Trong năm năm vừa qua, ông đã cùng TNS Lamar Alexander (Cộng Hòa, Tennessee) tổ
chức nhiều bữa cơm mỗi lần có 20 nghị sĩ tham dự.
(2). Các dân biểu và nghị sĩ làm việc chung với các người khác đảng. Đối với
những dự luật lớn, TNS Mark Warner đều mời một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng đỡ
đầu. Thí dụ TNS Warner đã cùng làm việc với TNS Saxby Chambliss (Cộng Hòa,
Georgia) về một dự luật giảm ngân sách thiếu hụt, với TNS Rob Portman (Cộng
Hòa, Ohio) về một dự luật liến quan đến nhà ở, và với TNS Roy Blunt (Cộng Hòa,
Missouri) về một dự luật liên hệ đến cơ sở hạ tầng.
(3).
Cử tri có thể làm được hai việc. Thứ nhất là không
bỏ phiếu cho ứng cử viên nào có lập trường cực đoan. Những người cực đoan
thường hay tuyên bố những câu như không bao giờ tăng thuế, không bao giờ đụng
tới an sinh xã hội, hay không bao giờ thay đổi Medicare. Thứ hai là cử tri ủng
hộ những người khác đảng nếu thấy họ làm việc đúng.
TNS Mark Warner nhân dịp này thông báo rằng ông vừa
được cựu TNS John Warner (Cộng Hòa, Virgina), từng phục vụ ở Thượng Viện trong
30 năm liên tục từ 1979 đến 2009, ủng hộ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Mặc dù TNS Mark Warner đã từng ra tranh cử để giành chiếc ghế của TNS John
Warner vào năm 1996 với khẩu hiệu “Mark, not John” nhưng Mark thất bại.
Tình trạng bế tắc tại Washington đi đến chỗ tột đỉnh
khiến cho Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ phải đóng cửa trong 16 ngày vào năm vừa
qua. Cựu TNS Olympia Snowe (Cộng Hòa, Maine) nhận xét rằng thay vì hoạch định
chánh sách, Quốc Hội dùng lá phiếu bắt lỗi nhau để giành ảnh hưởng chính trị.
Thay vì làm luật tất cả chỉ là tu chính những thông điệp để giành những thắng
lợi trong cuộc bầu cử tới. Hậu quả là Quốc Hội liên tiếp tạo ra những cuộc
khủng hoảng tự làm tổn thương chính mình. Bà Snowe tin rằng vẫn còn có hy vọng:
Sau cùng chúng ta sẽ có một chánh quyền mà chúng ta đòi hỏi. Vai trò của một
công bộc là giải quyết vấn đề và thực sự cải thiện đời sống của công dân. Điều
cần thiết bây giờ là một đối lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan, một sự công
nhận được công chúng ủng hộ mạnh mẽ rằng thỏa hiệp là sức mạnh, hòa giải là can
đảm, và xây dựng sự đồng thuận là vinh dự.
Sau khi làm dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong thời
gian 1979-1994 và trở thành thượng nghị sĩ trong thời gian 1995-2003, Bà Snowe
vào năm 2012 đã làm một quyết định khó khăn là không ra tranh cử nữa. Theo bà
Snowe, luôn luôn có sự chia rẽ chính trị sâu sa trong chánh quyền, nhưng quyền
lợi của đất nước ở trên hết đã kết hợp các phe phái lại. Nay sự phân hóa chính
trị quá trầm trọng sẽ không giảm bớt trong ngắn hạn. Do đó, bà muốn ra khỏi
chánh quyền để tranh đấu cho sự hợp tác giữa hai đảng. 1/
Những cuộc tranh chấp về chi tiêu không phải là điều
bất thường. Trong quá khứ Quốc Hội Hoa Kỳ đã từng không phê chuẩn ngân sách
đúng thời hạn. Nhưng lần tranh chấp vào năm 2013 có một điều bất thường là các
dân biểu Cộng Hòa không chống ngân sách mà chống chương trình cải tổ y tế của
Tổng Thống Obama. Lúc đầu, khối dân biểu Cộng Hòa này đòi hủy bỏ toàn bộ ngân
sách dành cho Obamacare. Khi thời hạn của cuộc thương thuyết về ngân sách gần
kề, khối dân biểu Cộng Hòa thay đổi chiến thuật, chỉ còn đòi triển hạn thời
gian mua bảo hiểm y tế theo Obamacare một năm. 2/
Nhóm cực đoan thuộc Đảng Trà (Tea Party) trong Đảng
Cộng Hòa chỉ chiếm 10% tổng số thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ và 20% công luận.
Họ bị những đảng viên Cộng Hòa ôn hòa gọi là Taliban. Một cuộc điều nghiên của
Quinnipac University cho thấy rằng 72% dân Mỹ chống lại việc dùng chiến thuật
đóng cửa chính quyền để ngăn cản việc thi hành Obamacare. Mặc dù đa số dân Mỹ
không đồng ý về Luật Cải Tổ Y Tế. 3/
Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là việc đóng cửa chánh
quyền chỉ là triệu chứng bên ngoài của một tình trạng nghiêm trọng hơn như cựu
TNS Olympia Snowe đã nói ở trên. Đó là sự phân hóa giữa các nhà lập pháp đã làm
cho tiến trình soạn thảo về phê chuẩn luật bị tê liệt. Tạp chí Anh The Econmist
đăng một bài tham luận với tựa đề phản ảnh đúng thực trạng của nước Mỹ vào năm
2013: “America’s Government Shutdown: No Way to Run a Country.” (Chính quyền
của nước Mỹ Đóng Cửa: Không Có Cách Nào Để Điều Hành Một Quốc Gia.”
Hơn 2,000 năm trước đây ở phương Tây cũng đã có một
nhà hiền triết và cũng là một chánh khách lỗi lạc cũng ưu tư về việc vận hành
của một quốc gia. Vào thời đó La Mã đã là một nước văn minh và đã thiết lập
được một chế độ Cộng Hòa. Chánh khách La Mã đó là Marcus Tullius Cicero. Ông đã
đưa ra một số nguyên tắc về lãnh đạo quốc gia, cân bằng về quyền lực, bạn và
thù, thuyết phục và thỏa hiệp.
Trong suốt cuộc đời, Ông Marcus Tullius Cicero đã
chứng kiến những năm huy hoàng của nước La Mã dưới chế độ Cộng Hòa. Ông cũng đã
nhìn thấy nước La Mã bành trướng để trở thành một đế quốc rộng lớn trải rộng
qua Địa Trung Hải xuống tận Bắc Phi và Trung Đông. Ông trông thấy tận mắt sự
sụp đổ của chế độ Cộng Hòa để nhường chỗ cho những chế độ độc tài tham nhũng,
lạm dụng, áp bức, tiêu diệt các đối lập chính trị, ở trong nước cũng như tại
hải ngoại. Binh sĩ trung thành với tướng lãnh thay vì đối với đất nước. Những
phe cánh chánh trị chống đối lẫn nhau, không ai nghe ai, kinh tế trì trệ, và
nạn thất nghiệp là một đe dọa cho sự ổn định. Một khi dành được quyền hành
những kẻ độc tài không dễ nhả ra.
Cha mẹ của Marcus Tullius Cicero đã tạo điều kiện
cho ông và người em trai được có một nền giáo dục tốt đẹp. Sau khi phục vụ
trong quân đội một thời gian ngắn, Ông Cicero học luật và trở thành luật sư. Sau
khi hành nghề luật sư một thời gian ông qua học tại Hy Lạp và Rhodes (một hòn
đảo ở Địa Trung Hải thuộc Hy Lạp). Khi trở về nước, ông dần dần thăng tiến và
giữ chức vụ quan tòa cao nhất của nước Cộng Hòa La Mã Cổ (ancient Roman
Republic). Trong thời gian này ông được mời nhưng từ chối hợp tác với liên minh
chính trị bộ ba Pompey, Crassus và Julius Caesar điều hành La Mã ở hậu trường,
trái với hiến pháp. 4/
Marcus Tullius Cicero không phải là một chính trị
gia (politician) mà là một chánh khách (stateman) đại tài của La Mã, một loại
người hiếm hoi trong xã hội xưa và lại càng hiếm hoi trong xã hội văn minh ngày
nay. Cicero là một người bảo thủ ôn hòa. Ông viết rất nhiều về vấn đề làm thế
nào để điều hành một quốc gia. Tư tưởng của ông vượt qua giới hạn của thời gian
lẫn không gian, vẫn còn giá trị đến bây giờ. Việc sử dụng và lạm dụng quyền
hành thay đổi rất ít trong 2,000 năm vừa qua. Ông chủ trương làm việc với các
đảng phái để phục vụ quyền lợi của đất nước và dân tộc. 5/
Marcus Tullius Cicero đưa ra một số nguyên tắc để
điều hành đất nước hơn 2,000 năm trước. Nay vẫn còn áp dụng được không những
cho một nước tiền tiến và dân chủ như Hoa Kỳ mà còn cho cả một nước độc tài,
thối nát và chậm tiến như CSVN.
1.
Luật Tự Nhiên (natural law)
Luật Tự nhiên bảo đảm tự do cho mọi người và giới
hạn cách điều hành của chính quyền. Vũ trụ tuân lệnh của Thượng Đế cũng như
biển cả và đất tuân lệnh của vũ trụ. Do đó nhân loại phải tuân theo luật tối
thượng này. Nó áp dụng cho mọi người ở tất cả mọi nơi và mọi thời gian. Quy
luật của chánh quyền là phải phù hợp với công lý và luật tự nhiên căn bản.
2.
Cân Bằng Về Quyền Lực (balance of power)
Đối với Cicero, một chánh quyền tốt nhất là một
chánh quyền bao gồm những tính chất tốt đẹp nhất của chế độ quân chủ
(monarchy), chế độ quý tộc (aristocracy), và chế độ dân chủ (democracy), giống
như trường hợp của nước Cộng Hòa La Mã. Khi chánh quyền chỉ theo một trong ba
chế độ này để cai trị, nó thường thoái hóa thành một chánh quyền suy đồi – vua
trở thành bạo chúa, chế độ quý tộc trở thành một thứ chánh quyền mà quyền hành
tập trung vào một thiểu số phe phái, và chế độ dân chủ biến thành một chế độ
hỗn loạn vô chánh phủ. Một chánh quyền hợp lý phải được xây dựng trên nền tảng
kiểm chế và cân bằng (checks and balances). Chúng ta phải coi chừng những lãnh
tụ đòi ngưng thi hành hiến pháp vì lý do an ninh hoặc muốn thi hành một điều gì
nhanh chóng.
3.
Lãnh đạo (leadership)
Những nhà lãnh đạo phải có cá tính đặc biệt và liêm
chính. Những người muốn cầm quyền một nước phải thật can đảm, tài năng, và
quyết tâm. Những người lãnh đạo thật sự luôn luôn đặt quyền lợi của quốc gia
lên trên quyền lợi cá nhân và phe phái.
4. Bạn và thù (friends and enemies)
Cicero nhiều bạn nhưng cũng lắm kẻ thù khi ông chèo
lên cái thang chính trị. Những người lãnh đạo sẽ thất bại nếu như thiếu tôn
trọng bạn và đồng minh. Không bao giờ được sao lãng những người ủng hộ mình và
quan trọng hơn nữa là luôn luôn phải biết chắc chắn kẻ thù đang làm gì. Đừng sợ
sệt phải dang tay với tới người chống đối mình. Kiêu căng và cứng đầu là những
xa xỉ phẩm mà chúng ta có thể có.
5.
Thuyết phục (persuasion)
Trong thời đại xa xưa chưa có thông tin điện tử,
chưa có máy đánh chữ và máy in, chưa có phương tiện truyền thông đại chúng, khả
năng nói và thuyết phục được những đám đông nhỏ hay lớn rất cần thiết. Nhưng
đối với Cicero, một nhà hùng biện không phải chỉ là một người đọc diễn văn hùng
hồn mà còn là một chánh khách có khả năng diễn tả được sức mạnh của một ý tưởng
cho công chúng dựa trên kiến thức và khôn ngoan. Một nhà hùng biện thật sự có
thể thuyết phục những người nghe đồng ý với mình không phải vì nghệ thuật biết
dùng lời nói, mặc dù quan trọng, nhưng là vì họ hiểu biết những điều gì họ nói
và quan tâm sâu xa đến đất nước. Những người điều hành một nước phải là những
người tài giỏi, thông minh và lanh lợi nhất nước. Nếu những nhà lãnh đạo không
có kiến thức đầy đủ về những điều mình nói, bài diễn văn của mình sẽ chỉ gồm
những từ ngữ rỗng tuếch và hành động của họ sẽ sai lầm một cách nguy hiểm.
6.
Thỏa hiệp (compromise)
Đối với Cicero, chính trị là một nghệ thuật của điều
có thể làm được, không phải là trận địa của những gì tuyệt đối. 6/ Ông kiên
quyết tin vào những giá trị truyền thống và uy thế tối cao của pháp luật. Nhưng
ông cũng biết rằng để có thể làm được việc, những phe phái khác nhau trong một
quốc gia phải sẵn sàng làm việc với nhau. Một chánh trị gia thỉnh thoảng phải
dẹp sự kiêu hãnh của mình để làm một việc tốt.
Cicero nói rằng trong chính trị, hoàn cảnh luôn luôn
biến đổi, nếu giữ một lập trường bất di bất dịch là thiếu trách nhiệm. Có những
lúc cần phải giữ lập trường, nhưng kiên quyết từ chối nhượng bộ là một dấu hiệu
của yếu đuối, không phải sức mạnh.
7. Tiền và quyền lực (money and power)
Mọi quốc gia đều cần lợi tức để hoạt động. Nhưng
Cicero tuyên bố rằng mục đích chính của một chánh quyền là bảo đảm cho tất cả
mọi cá nhân được giữ những gì thuộc về họ và không phân phối lại của cải. Mặt
khác, ông lên án việc tập trung của cải vào tay của một số ít người. Ông khẳng
định rằng một quốc gia có bổn phận cung cấp dịch vụ căn bản và an ninh cho công
dân.
Thuế là một thứ phiền hà nhưng rất cần thiết để tài
trợ một đội quân lớn. Những chính trị gia phải cố gắng tránh đánh thuế tài sản
như tổ tiên của chúng ta đã làm vì ngân quỹ quốc gia trống rỗng và chiến tranh
liên miên. Nếu tuyệt đối cần thiết phải đánh thuế, tạo thêm gánh nặng cho người
dân, những người lãnh đạo chính quyền phải làm cho mọi người hiểu rằng sự an
toàn của họ tùy thuộc vào việc thực hiện thứ thuế này.
Cicero không phản đối việc giảm thuế cho người
nghèo, nhưng ông báo động về trường hợp các chính trị gia đi quá xa và lên án
bản chất tham lam của những người phục vụ trong chính quyền để chỉ phục vụ
chính họ. Ông nói thêm rằng trong khi bảo vệ quyền của những cá nhân, chúng ta
phải đoan chắc rằng những gì chúng ta đang làm cũng sẽ đem lại ích lợi hoặc ít
nhất không làm hại cho đất nước.
8.
Di dân (immigration)
Cicero tin rằng một quốc gia đón mời người ngoài hội
nhập thành công dân sẽ trở thành mạnh mẽ hơn. Những công dân mới mang đến năng
lực mới và sáng kiến mới. Đế quốc La Mã đã ban quyền công dân cho những người
đồng minh tài ba và can đảm nhất và cho những người bạn đã bảo vệ sự an toàn
cho La Mã. Những cộng đồng ở Phi Châu, Sicily, Sardinia, và nhiều tỉnh khác
đóng thuế cho La Mã cũng được cấp quyền công dân.
9. Chiến tranh (war)
Phát động một cuộc chiến tranh để gìn giữ đất nước,
yểm trợ đồng minh, hay bảo vệ danh dự được chấp nhận hoàn toàn. Cicero đồng ý
với triết lý này. Nhưng ông cũng nói thêm rằng có những cuộc chiến tranh không
thể bào chữa được thí dụ như chiến tranh vì sự tham lam.
10.
Tham nhũng (corruption)
Vào cuối thời của Đế Quốc La Mã, tình trạng lạm
quyền và tham nhũng lan tràn nhiều nơi. Đối với một người chân thật như Cicero,
tham nhũng là một bệnh ung thư phá hoại ngay trung tâm của quốc gia. Hơn 2,000
năm trước, quả thật La Mã là một đế quốc văn minh. Họ đã có tòa án độc lập, đã
có công tố viện, đã có bồi thẩm đoàn, đã có luật sư.
Đóng vai trò một ủy viên công tố, Cicero đã lên án
Gaius Verres, cựu thống đốc của đảo Sicily, về tội tham nhũng khủng khiếp, ăn chơi
xa đọa và bê trễ trách nhiệm. Ông còn cảnh cáo bồi thẩm đoàn nếu không kết án
can phạm. Ông đe dọa sẽ buộc tội những kẻ toan tính hối lộ bồi thẩm viên và
những kẻ nhận hối lộ.
11.
Chế độ chuyên chế (tyranny)
Cicero sống vào giai đoạn những tự do và chế độ Cộng
Hòa La Mã đã biến mất. Dân quyền và các đại diện do dân bầu lên đã được thay
thế bằng những người dùng binh lực để đoạt lấy quyền hành và làm giầu cho chính
họ. Đối với Cicero, chính quyền nằm trong tay một lãnh tụ, kể cả một người có
khả năng như Julius Caesar, sẽ đưa đến đại họa, vì quyền hành tuyệt đối sẽ làm
hư hỏng ngay cả người tài ba nhất. Cicero chống lại mọi hình thức chuyên chế dù
là một người, một nhóm người, hay một tập đoàn vô kỷ luật.
Cách hay nhất để cho một người có thể tạo ra và duy
trì quyền hành đối với những người khác là bằng sự mến chuộng chân thật. Cách
cai trì tồi tệ nhất là bằng sự sợ hãi. Học giả Ennius đã nói “Người ta căm thù
người mà họ sợ - và đối với người họ sợ, họ muốn thấy kẻ đó chết.”
Cicero nhận định rằng không có một quyền lực nào có
thể chống lại sự căm thù của cả một dân tộc. Julius Caesar cai trị bằng binh
lực, bị một nhóm nghị sĩ ám sát chết lúc 55 tuổi. 7/ Đó là một cái giá một kẻ
độc tài tàn bạo phải trả.
Kết luận
Những nguyên tắc lãnh đạo một quốc gia mà Ông Cicero
nêu lên ở trên rất quen thuộc với mọi người ờ thế kỷ 21 này. Nhưng một điều
chúng ta mới học được là Ông Cicero đã đề cập đến những nguyên tắc này trên
2,000 về trước. Chúng vẫn có thể áp dụng được cho tới bây giờ để điều hành một
quốc gia. Đó là những nguyên tắc có một giá trị vĩnh cửu bao gồm tự do, dân
chủ, quyền lợi tối thượng của quốc gia, trong sạch trong chánh quyền, cân bằng
quyền lực, khả năng lãnh đạo, thỏa hiệp, và công bằng xã hội.
Nếu hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Hoa Kỳ tuân thủ
theo những nguyên tắc lãnh đạo quốc gia thì đã không xảy ra việc chánh phủ phải
đóng cửa trên hai tuần lễ trong năm vừa qua. Nếu CSVN cũng theo những nguyên
tắc này thì Việt Nam đã trở thành một nước tự do và thịnh vượng từ lâu và những
nhà lãnh đạo Việt Nam đã được dân chúng kính trọng và ghi ơn. Sự thực trái
ngược. Họ đang bị dân nguyền rủa.
Cái gì đã
ngăn cản những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam thi hành những nguyên tắc lãnh
đạo quốc gia kể trên? Một số có tư tưởng cực đoan, một số mù quáng, và đa số
đặt quyền đảng phái và cá nhân của mình lên trên quyền lợi của đất nước.
Dân chúng Hoa Kỳ đã bộc lộ sự tức giận đối với tình
trạng bế tắc ở Washington. Trong một chế độ tự do dân chủ, các nhà lãnh đạo Hoa
Kỳ đã lắng nghe cử tri của họ và đã hiểu rõ đòi hỏi của dân chúng. Hệ thống tam
quyền phân lập và sức mạnh của quần chúng sẽ giúp Hoa Kỳ vượt qua mọi khó khăn.
Do đó, nhiều sự thay đổi về nhân sự và phương cách làm việc trong chánh quyền
sẽ xảy ra trong năm nay và hai năm tới qua cuộc bầu cử giữa và cuối nhiệm kỳ
tổng thống. Sự nghiệp chính trị của Rafael Edward “Ted” Cruz, một thượng nghị
sĩ Cộng Hòa mới được bầu lên vào 2013, thủ phạm ồn ào chính trong vụ đóng cửa
chánh quyền, sẽ đi xuống thê thảm. Tôi tin rằng tình trạng tê liệt trong chính
quyền sẽ được cải thiện một cách ôn hòa.
Tình trạng Việt Nam sẽ tiếp tục bi đát. Với quyền
lực tuyệt đối nằm trong tay Bộ Chính Trị gồm 16 thành viên, CSVN coi thường
dân, bất chấp nguyện vọng của dân. Nhưng như chánh khách đại tài Cicero đã
khẳng định từ 2,000 năm về trước, không một bạo quyền nào có thể chống lại được
sức ép do sự căm thù của dân của cả một nước, CSVN sẽ sụp đổ do sức mạnh của 90
triệu người dân Việt Nam. Sự ngoan cố của CSVN nếu tiếp tục sẽ rất có thể đưa
đến một cuộc cách mạng đổ máu.
15-02-2014
__________________________________
Chú
thích:
1. Olympia Snowe, “This is no way to run a country,” Los Angeles Times,
October 8, 2013.
2. The Economist, “America’s government shutdown: no way to run a country,”
October 5, 2013.
3. Peter Foster, “American shutdown: no way to run a country,” The Telegraph,
October 1, 2013.
4.
Wikipedia, “Marcus Tullius Cicero,” undated document
on the Internet.
5. Philip Freeman, “How to run a country – an ancient guide for modern
leaders,” Princeton University Press, 2013.
6.
Politics is the art of the possible, not a
battleground of absolutes.
7.
Wikipedia, “Julius Caesar,” undated document on the
Internet
No comments:
Post a Comment