Friday, 7 February 2014

NGA KHAI MẠC OLYMPIC Ở SOCHI (BBC)




BBC
Cập nhật: 16:35 GMT - thứ sáu, 7 tháng 2, 2014

Tổng thống Nga vừa lên lễ đài để khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2014 ở Sochi, nơi gần 3000 vận động viên sẽ tranh tài trong vòng 16 ngày để đoạt 98 huy chương.
Sau màn quốc ca Nga và ca nhạc, nhảy múa cùng phim chiếu các cảnh trí của quốc gia đăng cai rộng lớn trải từ Âu sang Á là các đoàn vận động viên từ nhiều quốc gia diễu hành qua trước lễ đài.
Ngọn đuốc Olympic đã trải qua hành trình dài và đặc biệt từ Bắc Cực tới trạm Vũ trụ Quốc tế, hay chạm đáy hồ Balkans rồi lên đỉnh Elbrus, ngọn núi cao nhất châu Âu.

Chi phí cao

Nhưng càng tới gần ngày khai mạc người ta càng giữ thông tin cẩn mật để gây ngạc nhiên khi ngọn đuốc tới Sochi, được cho là nơi được tổng thống Nga yêu thích nhất.
Olympics ở Sochi là dịp chính quyền của ông Putin cải thiện hình ảnh của mình với dư luận quốc tế.
Nhưng đây cũng là Thế vận hội đắt nhất trong lịch sử với chi phí lên tới hơn 50 tỷ euro.
Ban tổ̉ chức nói số lãnh đạo quốc tế đến dự nhiều gấp ba lần lần trước ở Vancouver, Canada năm 2010.
Dự kiến Canada, Na Uy và Hoa Kỳ sẽ chiếm vị trí đầu bảng huy chương các loại.
Với đoàn vận động viên Anh Quốc (Team GB), mục tiêu lần này chỉ là đoạt ba huy chương cho các môn thể thao mùa đông.

Nga tăng cường an ninh cho kỳ Olympics, nhất là sau khi Mỹ khuyến cáo các hãng hàng không chở người tham dự Olympics rằng chất nổ có thể bị mang lên máy bay dưới dạng thuốc đánh răng.
Vị trí của Sochi không xa vùng Caucasus nhiều bất ổn sắc tộc và tốn giáo đã khiến chính quyền Nga đặc biệt chú ý đến an ninh.
Các phóng viên nói trước khi khai mạc, Sochi giống như một nơi bị cắt khỏi thế giới bên ngoài với sự hiện diện của quân đội trên bộ và tàu chiến ngoài khơi để phòng vệ.

Lễ khai mạc kéo dài khoảng hai tiếng 40 phút, với số pháo hoa khổng lồ nặng tới 22.5 tấn.
Có 3.000 người tham gia biểu diễn, dẫn dắt người xem qua chín giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước Nga.
Canada là một trong những đoàn được chào đón nhiều nhất, năm nay tham gia Sochi với số vận động viên lớn nhất từ trước tới nay, với 221 người.

Các bài liên quan





-------------------------------------

Steve Rosenberg
BBC News, Moscow
Cập nhật: 14:21 GMT - thứ năm, 6 tháng 2, 2014

Vào tháng Bảy 1980, tại Sân vận động Lenin chật kín người ở Moscow, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev tuyên bố khai mạc Thế vận hội mùa hè.
Nhưng có một điều Brezhnev không nhắc đến trong diễn văn: chỉ mới vài năm trước, ông nghiêm túc cân nhắc việc bỏ hẳn dự án.
Năm 1975, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev đã viết thư cho một người trong Bộ Chính trị than phiền về chi phí, cảnh báo có thể xảy ra bê bối nếu Moscow tổ chức Olympic.
“Một số đồng chí nói với tôi nếu ta trả một khoản phạt nhỏ, ta sẽ rút ra được,” ông viết.

Vladimir Putin lại có cách nghĩ khác về Olympics.
Ngay từ đầu, Tổng thống Putin nhúng tay mạnh vào Sochi 2014 – từ việc vận động Ủy ban Olympic Quốc tế, rồi đưa sự kiện đến Nga, thanh sát các điểm xây dựng và gần đây hơn, tập thử ở các cơ sở thể thao đã làm xong.
Sochi là dự án của ông: để chứng tỏ Nga là đại cường và ông là lãnh tụ vĩ đại.

Nhưng lạ thay, hai điều mà Leonid Brezhnev từng lo ngại thì nay đã xảy ra ở Thế vận hội của Vladimir Putin.
Chi phí ước tính cho các địa điểm và cơ sở hạ tầng đi kèm là khoảng 50 tỉ đôla: Sochi đã được mô tả là Olympic đắt tiền nhất lịch sử.
Danh sách bê bối đang lên báo ở phương Tây dài gần như đường trượt tuyết ở Sochi.
Có thể kể cáo buộc tham nhũng, than phiền của thợ xây dựng chờ lương, lo ngại cho quyền của người đồng tính ở Nga và lo ngại an ninh.

“Olympics Nga chưa gì đã là bê bối,” theo lời Liliya Shevtsova, từ Trung tâm Carneige ở Moscow.
“Nó biểu trưng cho tham nhũng, kém cỏi, phù phiếm cực độ và hoang tưởng tự đại.”

Giới chức Nga bác bỏ cáo buộc tiền bạc bị sử dụng sai trái.
Chủ tịch ủy ban Olympic Nga Alexander Zhukov nói với tôi rằng chính phủ “không phát hiện một trường hợp tham nhũng nào liên quan Sochi”.
Ông Zhukov cũng khẳng định thật sai lầm khi đưa chi phí các dự án cơ sở hạ tầng vào tổng chi phí Olympic.
“Sochi từng chỉ có một con đường. Nay khoảng 20 con đường mới được xây. Có hệ thống xử lý rác mới, nhà máy điện mới, đường ống dẫn gas mới. Nhưng đó không phải là chi phí Olympic.”

Khi Liên Xô tổ chức Olympic mùa hè 1980, hơn 60 nước không dự để phản đối Liên Xô xâm lược Afghanistan.
Lần này, sẽ không có việc quốc tế tẩy chay. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây quyết định không đi Sochi.
Tổng thống Putin đã nói ông hy vọng Sochi sẽ giúp “bắc nhịp cầu”. Nhưng các dịp Olympic thế này không thể đưa nước Nga và phương Tây lại gần nhau hơn.

Tổng thống Putin biết rằng Olympic của ông đã gây ra tranh cãi ở nước ngoài. Ông biết nhiều lãnh đạo phương Tây sẽ không tham dự.
Nhưng ông cũng biết đa số người Nga sẽ dán mắt vào màn hình tivi, quan tâm nước họ sẽ giành bao nhiêu huy chương chứ không phải bao nhiêu tiền đã phải bỏ ra cho sô diễn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats