Mon,
02/17/2014 - 18:59 — ledienduc
Ngày 18 tháng 2 năm 2014, phiên tòa phúc thẩm xét xử luật
sư Lê Quốc Quân về tội "trốn thuế" diễn ra tại Tòa án Nhân dân Tối
cao tại Hà Nội.
Trong phiên sơ thẩm ngày 2 tháng 10 năm 2013, Toà đã xử
phạt luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam và số tiền phạt 1,2 tỷ đồng. Luật sư
Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27 tháng 12 năm 2012.
Ngay sau phiên toà, ông Phil Robertson của Human Rights
Watch đã nói:
"Bằng cách bỏ tù Lê Quốc Quân với cáo buộc có động cơ chính trị, Việt
Nam một lần nữa chứng tỏ đặt ưu tiên cho việc bịt miệng những nhân vật nổi bật
cổ vũ nhân quyền và chính trị. Đây là dấu đen cho hồ sơ nhân quyền Việt Nam và
cho thấy chính phủ trắng trợn bỏ qua các ràng buộc nhân quyền".
Tôi không rõ thông tin về việc tuyệt thực của anh có
chuẩn xác không? Nếu như anh Lê Quôc Quân tuyệt thực toàn phần (không ăn, không
uống nước) thì đến ngày thứ 17, tức là ngày ra toà, e rằng anh không đủ sức
khỏe tham dự. Và trong tình huống ấy, phiên toà có thể bị hoãn, huỷ bỏ, nhưng
cũng thậm chí sẽ xử vắng mặt.
Công an trại giam Hỏa Lò không cho các luật sư tiếp
cận để nắm tình hình và làm thủ tục bào chữa là hành vi bất hợp pháp. Nhưng đây
cũng có thể hiểu rằng, sự chuẩn xác của việc tuyệt thực được đặt ra trước dư
luận. Nhà cầm quyền có thể chơi trò u tím trong việc này, rút kinh nghiệm từ vụ
tuyệt thực của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Lê Quốc Quân là một khuôn mặt nổi bật trong các nhà bất
đồng chính kiến tại Việt Nam. Là một người theo đạo Công giáo, có trình độ học
vấn, từng đi học tu nghiệp về dân chủ, nhân quyền tại Hoa Kỳ, hoạt động trong
lĩnh vực tư vấn kinh doanh và tư pháp, tham gia nhiều các hoạt động bảo vệ tự
do tôn giáo, bênh vực dân oan, biểu tình chống xâm lược Trung Quốc, anh Lê Quốc
Quân được quốc tế biết đến và có sự chú ý đặc biệt của chính phủ Hoa Kỳ. Anh cũng
là một người có ảnh hưởng và thuyết phục đối với quần chúng.
Tương tự như trước phiên toà ngày 2 tháng 10 năm 2013,
vào tối chủ nhật 16 tháng 2 năm 2014, tại nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) và nhà thờ
Kỳ Đồng (Sài Gòn) đã diễn ra buổi thắp nến cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân
với sự tham dự của hàng ngàn người.
Một liên minh quốc tế gồm 16 tổ chức phi chính phủ trong
ngày 13/2 đã ra thông cáo kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông Quân ngay
lập tức. Trong liên minh, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại
Pháp, Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ của Hoa Kỳ, dẫn lời kết luận của Nhóm
Công tác Liên hiệp quốc Chống Giam giữ Tùy tiện, tố cáo việc Hà Nội bắt giữ
luật sư Quân là vi phạm các nhân quyền được bảo đảm trên toàn thế giới bao gồm
quyền tự do bày tỏ quan điểm, quyền được tư vấn pháp lý, và quyền được có một
phiên tòa xét xử công minh.
Ngày 14 tháng 2 năm 2014 bốn dân biểu quốc hội Hoa Kỳ đã
viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam bày tỏ quan ngại về bản án
của luật sư Quân và tình trạng sức khỏe suy yếu của ông trong trại giam. Trong
thư các dân biểu Zoe Lofgren, Frank Wolf, Loretta Sanchez, và Alan Lowenthal
nêu rõ họ hiểu rằng nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân bị bắt và bị tuyên án
"trốn thuế" vì động cơ chính trị. Các dân biểu Hoa Kỳ đề nghị Việt
Nam chứng tỏ cam kết tôn trọng nhân quyền bằng cách trả tự do cho ông
Quân, "người đang bị giam cầm tùy tiện chỉ vì thể hiện chính kiến ôn
hòa".
Tổ chức "Article 19" công bố chiến dịch kêu gọi
trả tự do cho Lê Quốc Quân, đã thu hút được gần 300 ngàn người khắp nơi trên
thế giới.
64 trí thức và chính giới của Đức đã ký một bức thư gởi
bộ ngoại giao Đức, yêu cầu can thiệp đòi trả tự do cho luật Sư Lê Quốc Quân.
Một ngày trước phiên phúc thẩm tổ chức Human
Rights Watch (HRW) kêu gọi xóa bỏ bản án đối với ông.
Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Á châu của HRW,
trong thông cáo ra ngày 16/2 tuyên bố:
"Người dân ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang theo dõi
tình hình nhân quyền Việt Nam cặn kẽ hơn bao giờ hết, xem có biến
chuyển tích cực gì như nhà nước hứa hẹn hay không"."Một tòa
án thực sự độc lập sẽ bãi bỏ bản án với Lê Quốc Quân, phục hồi
toàn bộ quyền hành nghề luật sư của ông và cho phép ông tiếp tục
công việc với tư cách một trong những nhân vật bảo vệ nhân quyền
quyết tâm nhất Việt Nam".
Như vậy, áp lực của dư luận xã hội và quốc tế đã nổ ra
đồng loạt và cao.
Thực hư của vụ án trốn thuế như mọi người đã biết. Trước
đó, công ty của anh Lê Quốc Quân đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ và còn
được Sở Thuế khen ngợi. Cách thức mà công an kiểm tra trụ sở công ty, bắt
người, lấy lời khai nhân chứng, kiểm chứng và đối chứng, cho thấy đằng sau toàn
bộ sự việc là một mưu toan mờ ám, thiếu minh bạch.
Luật sư Lê Quốc Quân khẳng định bản án 30 tháng dành cho
ông là "bất công và vi phạm pháp luật" và viết trong lá thư gửi từ
trong tù ra:
"Tôi hy vọng sẽ có được sự đột biến ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới và
rất mong có được sự ủng hộ của đồng bào. Sự ủng hộ bên ngoài có ý nghĩa quyết định đến chiến thắng của tự do và công lý tại tòa".
Luật sư Quân còn viết: "Mỗi ngày tôi còn bị giam
(cầm) là một ngày cực khổ đối với tôi và gia đình, quan trọng hơn, là một ngày
Luật pháp Việt Nam tiếp tục bị chà đạp".
Tuy nhiên, tôi không mấy lạc quan về tính chân thực của
phiên toà phúc thẩm và sẽ có gì đó đột biến. Xét xử luật sư Lê Quốc Quân nằm
trong chính sách khủng bố các nhà bất đồng chính kiến của Hà Nội. Với chính
sách ngoại giao đổi chác trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, đây không phải là
thời điểm nhạy cảm. Duy nhất chỉ là việc tham gia vào Hiệp ước đối tác xuyên
Thái Bình Dương TPP, là điều Việt Nam cần nhưng chưa thực sẵn sàng và nhân
quyền chằng phải là vấn đề trọng tâm và rào cản thực sự.
Tin
nhắn của công an Quận Đống Đa (Hà Nội) gửi linh mục Chính xứ Thái Hà viết:
"Xin chào linh mục. Công an quận Đống Đa vào nhà thờ nhưng rất tiếc
không gặp được ông. Vậy chúng tôi xin trao đổi với ông một số nội dung công
việc như sau: Ngày 18/2/2014 Tòa án nhân dân tối cao đưa ra xét xử phúc thẩm
ông Lê Quốc Quân về tội trốn thuế theo đúng trình tự của pháp luật. Để đảm bảo
an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, đề nghị linh mục không tổ chức và cho
người tụ tập tại nhà thờ rồi kéo đi tuần hành trên đường phố như ngày 2/10/2013
diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Lê Quốc Quân. Kính chào linh mục, rất mong
được linh mục và nhà thờ hợp tác".
Điều này cho chúng ta kết luận rằng, bản án của toà sơ
thẩm khó có thể thay đổi. Với hệ thống cai trị độc quyền và chuyên quyền, ngành
tư pháp chỉ là công cụ thực hiện các mệnh lệnh của "cấp trên". Chế độ
cộng sản Việt Nam rất ma mãnh, ngoan cố và ù lì, sẽ bảo vệ đến cùng lý lẽ trước
cái tội mà họ cáo buộc. Khi cần có thể dẫm đạp lên dư luận.
Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment