Bùi Đức
Toàn
14:09 | 14/02/2014
14:09 | 14/02/2014
(PetroTimes)
- 35 năm đã trôi kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh
bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc (1979-1989) nhưng trong ký ức tôi, những đồi
hoa sim tím suốt dọc dài biên cương phía Bắc vẫn còn in đậm với những tên đất,
tên người và những trận chiến đấu ác liệt ở đó.
Những
chuyến hành quân lên mặt trận
Ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới Việt - Trung
trải dài ở 6 tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và
Quảng Ninh. Từ các tỉnh phía sau, nguồn nhân lực, vật lực được khẩn trương huy
động đáp ứng cho mặt trận. Tôi đã chứng kiến trong tiết trời giá lạnh, hình ảnh
người Hà Nội vẫy chào, tiễn những đoàn xe quân sự vượt cầu Long Biên tiến về
phía Bắc. Thanh niên, sinh viên khi ấy đều háo hức muốn được lên biên giới, góp
sức mình cùng bộ đội bảo vệ biên cương. Và khi có lệnh tổng động viên đầu tháng
3/1979, hàng vạn thanh niên cả nước đã hăng hái lên đường.
Những cuộc hành quân qua nhiều địa danh trên biên
giới, tôi gặp những vùng đất nhuộm tím hoa sim. Một loài hoa dại bạt ngàn từng
đi vào thơ ca, vào ký ức học trò. Vậy mà bom đạn chiến tranh đã khiến những đồi
hoa sim bị băm nát, xáo trộn cùng đất đỏ. Những cánh hoa tím mong manh bị sạm
đen khói súng, tả tơi. Thời bình, người ta có thể thong thả ngắm nhìn vẻ đẹp
lãng mạn của đồi sim. Song khi ấy, chiến sự căng thẳng khiến mọi người không
còn tâm trí đâu mà thưởng thức. Các chiến sĩ trinh sát dẫn chúng tôi đi, không
ồn ào, không đùa giỡn bởi dưới mặt đất có khá nhiều mìn và những quả đạn chưa
nổ. Họ yêu cầu chúng tôi phải đi đúng vào vết chân họ đi trước dẫn đường và sẵn
sàng ẩn nấp khi có pháo hoặc đạn cối bắn sang.
Thời ấy, tôi đang là phóng viên của Chương trình
phát thanh QĐND, Đài tiếng nói Việt Nam, làm nhiệm vụ tường thuật chiến đấu tại
mặt trận. Ngoài quân tư trang, tôi phải đeo thêm chiếc máy ghi âm R6 cổ lỗ chạy
băng cối và 6 pin đại, nặng tới 6 kg.
Sau dịp tết năm 1980, tôi cùng lên biên giới Lạng
Sơn với các nhà văn và nhà báo Thân Như Thơ, Cao Nham, Mai Thế Chính, Nguyễn
Văn Nhung, Phạm Thành, Đinh Xuân Dũng. Từ Quân đoàn 14, chúng tôi phân công
nhau đi về nhiều hướng của mặt trận. Những trận đánh quy mô nhỏ thỉnh thoảng
xảy ra ở những điểm cao dọc đường biên. Các nẻo đường biên giới vắng ngắt, chỉ
có các đơn vị quân đội, rất hiếm bóng dân thường.
Quân ta tiến ra mặt trận (Ảnh: Mạnh Thường)
Trời mưa phùn rả rích, đường trơn lầy lội. Chúng tôi
leo lên một điểm tựa ở dãy núi đá thuộc huyện Văn Lãng. Phân đội súng cối 81 ly
có hơn chục chiến sĩ. Hôm ấy đúng vào ngày rằm tháng giêng. Chiếc nồi quân dụng
đầy cơm nhưng thức ăn chỉ có thịt muối và mắm kem, không rau. Anh em bảo rằng,
miếng thịt muối đã ngâm nước từ tối qua (cho mềm và bớt mặn) nhưng hôm nay thái
ra vẫn còn rắn lắm. Tôi bỗng thấy thương anh em quá. Người ta thường ví “Giỗ
tết quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Cả nước đang quay quần bên mâm cỗ
ngày rằm với đầy đủ món ngon truyền thống thì ở đây, bộ đội phải ăn bữa cơm quá
đạm bạc!
Hôm sau, tôi và anh Mai Thế Chính hành quân từ Văn
Lãng về Đồng Đăng (Lạng Sơn). Bữa cơm trưa hôm ấy ở sở chỉ huy Trung đoàn 42 do
Trung tá Nguyễn Như Hoạt, Anh hùng LLVT thời đánh Mỹ làm trung đoàn trưởng. Bữa
ăn chỉ có cá khô, thịt muối. Anh Hoạt lấy phích nước sôi, rót ra cái bát to và
rắc vào đó ít mì chính và vài hạt muối để thay canh. Mấy ngày trước tết, Trung
đoàn 42 vừa được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh lên thăm. Tuy đóng ở
địa bàn thuận lợi hơn nhiều đơn vị khác nhưng trung đoàn cũng còn rất thiếu
thốn.
Đầu năm 1982, chúng tôi nhận lệnh lên biên giới Cao
Bằng. Từ bến xe Bến Nứa (Long Biên), đi xe khách mất nửa ngày mới đến Thái
Nguyên; sau đó chúng tôi cuốc bộ 7 km về Bộ tư lệnh Quân khu 1. Chờ 4 ngày nữa
mới có xe của Quân đoàn 26 về lấy hàng, chúng tôi theo chiếc xe tải đó lên Hòa
An, nơi đóng quân của sở chỉ huy, cách thị xã Cao Bằng gần chục cây số. Từ km
số 8, chúng tôi lại cuốc bộ xuyên rừng núi 5 km để vào Bộ tư lệnh. Rồi lại chờ
3 ngày nữa mới có xe của Sư đoàn 311 về họp và đón đi Thạch An, Đông Khê. Thế
là mất đứt một tuần lễ chúng tôi mới đến được với bộ đội. Trước đấy vài tháng,
vào dịp tết, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ chính trị mới lên thăm bộ đội Quân
đoàn 26 (Binh đoàn Pắc Bó), đã làm bài thơ “Điểm tựa” tại Quảng Hòa tặng cán
bộ, chiến sĩ. Bài thơ ấy thể hiện được sự cảm thông sâu sắc của lãnh đạo cấp
cao đối với bộ đội nơi điểm tựa tiền tiêu, có tác dụng rất lớn, động viên tinh
thần chiến đấu của các chiến sĩ.
Cao Bằng vốn là tỉnh có nhiều núi đá nên bộ đội sống
trên điểm tựa đều thiếu nước. Nước sinh hoạt hàng ngày phải gùi từ suối lên, có
chỗ leo qua thang dây và hàng trăm bậc đá. Ngay ở Bộ tư lệnh quân đoàn, bể nước
chỉ để dành cho nhu cầu ăn uống, do nhà bếp quản lý, thường khóa chặt. Việc tắm
giặt phải dùng nước suối hoặc nhờ nhà dân. Trời mùa xuân ẩm ướt, lại ở hang đá
và nhà tranh tạm bợ, ít ai tránh khỏi bệnh ghẻ và hắc lào. Chúng tôi từ thành
phố lên điểm tựa được 1 tuần là bị ngay, ngứa gãi suốt ngày đêm. Vì thế, có hôm
trên đường hành quân, gặp suối là tất cả trút bỏ tư trang, quần áo, nhảy xuống
tắm tiên hàng giờ đồng hồ.
Những ngày ở đại đội đóng bên dòng sông Bắc Vọng
(thuộc huyện Quảng Hòa), cứ cuối buổi chiều là các chiến sĩ lại rủ chúng tôi ra
sông tắm. Dòng sông này chỉ rộng chừng 30m, đường phân thủy giữa sông là biên
giới Việt - Trung. Bờ bên kia là điểm cao 302, quân Trung Quốc bố trí mấy khẩu
cối 82 ly và 60 ly chĩa sang phía ta. Bộ đội ra tắm tiên, không mang theo vũ
khí nên quân Trung Quốc cũng không có hành động khiêu khích gì. Một hôm tắm
xong, lên bờ mặc quần áo, tôi giật mình thấy 2 con vắt bám vào người…
Thời gian này không còn những trận đánh lớn xảy ra
mà chỉ có những cuộc đụng độ nhỏ trên đường biên. Các đồn biên phòng đã được
củng cố và xây dựng lại bằng những căn nhà cấp 4. Nhân dân đã trở lại bản làng
cũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Một vài đơn vị quân đội cũng vỡ đất, trồng
mía, làm đường, chăn nuôi tự túc một phần thực phẩm. Các trường học đã hoạt
động trở lại. Nhưng hệ thống giao thông thì hầu như bị hư hỏng nặng, nhất là
đường lên huyện Bảo Lạc. Cán bộ đi từ xã lên huyện đều cuốc bộ, xuyên rừng, lội
suối. Quốc lộ 4 lâu ngày không được tu sửa lại qua cuộc chiến tranh, bị tàn phá
nặng nề, chỉ còn là con đường đá lởm chởm. Hôm chúng tôi đi từ sư đoàn xuống
trung đoàn bằng chiếc xe mô tô ba bánh mà thấy khiếp mãi bởi đèo dốc vòng vèo
và những cú xóc nảy người, nhiều lúc cảm thấy xe sắp bay xuống vực. Trâu ngựa
hai bên đường thấy xe là tung vó, nhảy lên chạy tán loạn.
Hè năm 1983, chiến sự lại rộ lên ở vùng Hoàng Liên
Sơn (Lào Cai) và Hà Tuyên (Hà Giang). Tôi đến vùng giáp ranh Lào Cai và Lai
Châu. Có hôm cùng các chiến sĩ đi tuần tra đường biên, vượt những quả đồi đầy
cỏ lau và đá lởm chởm; thỉnh thoảng trượt chân, cả người và ba lô cứ trôi tuồn
tuột trên thảm cỏ, gặp tảng đá thì sững lại, đứng đậy đi tiếp. Lối lên các điểm
tựa chỉ là vệt mòn nhỏ. Các chiến sĩ luôn nhắc tôi phải đi đúng vết chân các
anh, nếu không sẽ đạp phải mìn. Tôi thắc mắc, sao lắm mìn thế thì anh em bảo
rằng, để chống thám báo mò lên tập kích.
Chiến sự ác liệt và dai dẳng nhất diễn ra ở huyện Vị
Xuyên (Hà Giang). Những địa danh nổi tiếng lúc đó như Làng Lò, Làng Pinh, Hang
Dơi, Thung lũng gọi hồn, đồi Cô Ích, đồi Đài, Cốc Nghè, 4 hầm, ngã ba Thanh
Thủy, các điểm cao 772, 685, 211… đã in đậm trong tâm khảm mỗi cán bộ chiến sĩ
từng tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên. Nhiều chiến sĩ ta đã hy sinh ở chiến trường
này. Trận đánh ngày 12/7/1984, mật độ pháo địch dày đặc, bắn như vãi đạn nhiều
giờ liền sang trận địa ta, gây tổn thất lớn trên điểm cao 772 khiến hàng trăm
cán bộ, chiến sĩ thương vong.
Tôi chứng kiến Tiểu đoàn 10 pháo binh (Quân khu 2)
sau một trận chiến đấu, hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Con số thương vong quá
nhiều, những khẩu pháo bị phá hủy, nằm chỏng chơ ngay bên đường đi. Vỏ đạn pháo
85 ly bằng đồng sáng lóa, vàng rực như những đống rơm. Những bụi sim mua xơ
xác, cháy trụi, phủ một lớp bụi dày. Cả một dãy núi đá bị pháo địch cày xới
nhiều lần, trơ ra một màu trắng toát lạnh người. Từ đó, bộ đội ta quen gọi nó
là “Lò vôi thế kỷ”.
Sau thiệt hại nặng ở Vị Xuyên, những nghĩa trang
liệt sĩ cứ mở rộng dần ra, tinh thần bộ đội ta có phần nao núng. Các sư đoàn
chủ lực chuyển sang hình thức luân phiên chiến đấu. Những đơn vị ở phía sau lên
thay thế để các đơn vị đã tham chiến rút về phía sau củng cố lượng lượng. Lúc
này công tác động viên tư tưởng cho bộ đội rất khó khăn bởi mặt trận ác liệt Vị
Xuyên chỉ cách thị xã Hà Giang vài chục cây số. Cuộc sống sinh hoạt ở thị xã đã
mang không khí thanh bình; hàng quán mọc lên, cảnh làm ăn tấp nập; tối đến
tiếng nhạc xập xình, đèn màu nhấp nháy. Sự đối lập giữa hy sinh và hưởng thụ
chi phối từng ngày đến tâm tư chiến sĩ.
Cuộc
sống của người lính chiến
Tôi ở với bộ đội đặc công của Quân khu 2 trong một
hang đá. Lúc đầu, các chiến sĩ còn hái được ít rau dớn (giống như cây dương xỉ)
luộc ăn thay rau. Khi không còn loại rau rừng nào nữa, anh em bắn hạ mấy buồng
quả cọ xuống luộc chấm muối ăn cho đỡ xót ruột. Vì mật độ đóng quân dày đặc,
chiến đấu liên tục lại ở hầm và núi đá ẩm ướt, ít được tắm giặt nên bộ đội bị
ghẻ lở khá nhiều. Quần áo thời đó may bằng loại vải chất lượng kém nên cũng
chóng rách hai đầu gối. Có chiến sĩ quay quần mặc phía rách ra đằng sau và nói
vui là “ưu tiên phía trước”.
Cứ một vài tuần anh em mới được luân phiên ra suối
Thanh Thủy tắm một lần. Được những hôm đi tắm như thế, anh em ngâm nước suối
khá lâu và lấy lá rừng xát vào người chữa ghẻ. Các chị em dân bản đi làm nương
về qua suối, gặp bộ đội tắm rất đông và đều trần truồng cả nên ngượng, cứ phải
làm thêm, chờ nhá nhem tối mới về nhà được. Vì vậy trong chuyến lên thăm bộ đội
ở Vị Xuyên, chị Nguyễn Thị Hằng, lúc đó là Bí thư Trung ương Đoàn đã nói vui
với các chiến sĩ rằng: “Tôi chúc các đồng chí khỏe, không ghẻ và tắm phải có
quần đùi”.
Một hôm ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 2, tôi
được Thiếu tướng Phạm Hồng Cư và Thiếu tướng Lê Duy Mật cho biết, sáng sớm mai
sẽ có trận pháo kích rất lớn của ta từ Thanh Thủy nã sang điểm cao 1509, cụm
phòng thủ lớn của quân Trung Quốc. Trận địa pháo được bố trí ở sân bay Phong
Quang (do Pháp làm trước đây đã bỏ hoang). Tôi có nhiệm vụ nấp trong chiếc hầm
đơn sơ ở giữa sân bay, cũng là giữa hai làn pháo đấu nhau để tường thuật trận
pháo kích ấy. Đêm trăng sáng. Sân bay Phong Quang là một thung lũng có cây rừng
lúp xúp, dài khoảng hơn 1km. Những khẩu pháo giả nghi binh bằng ống tre, đường
kính 8 cm đã được bố trí. Khi pháo thật ở phía sau bắn thì pháo giả cho nổ bộc
phá tạo khói lừa địch. Dự kiến trận đánh khai hỏa vào 5 giờ sáng hôm sau. Nhưng
rất tiếc, nửa đêm về sáng, mây mù kéo về dày đặc, đài quan sát không nhìn rõ
mục tiêu nên đành hoãn trận đánh ấy..
Khi tiếng súng ở khu vực Vị Xuyên tạm ngưng, địch
tập trung đánh đường giao thông của ta ở núi Bạc, Quản Bạ nhằm cắt đứt tuyến
chi viện từ thị xã Hà Giang đi các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Bất kể
loại xe nào chạy qua sườn núi Bạc đều bị pháo Trung Quốc bắn cháy. Vì đoạn
đường này nằm sát biên giới lại trơ trọi giữa sườn núi đá cao nên từ bên kia
biên giới, lính Trung Quốc nhìn rất rõ. Hàng chục chiếc xe các loại, có cả xe
chở khách đã bị bắn cháy, lộn nhào xuống vực. Nếu qua được đoạn đường này thì
lại gặp tọa độ thứ hai ở dốc Cổng Trời (từ Quản Bạ sang Yên Minh).
15 giờ chiều hôm ấy, xe chúng tôi đến núi Bạc, trời
còn đang nắng gắt. Chiếc barie chắn đường có một nam dân quân chừng 45 tuổi đeo
khẩu K44 đứng gác. Anh yêu cầu xe dừng lại và chờ trời tối mới được đi tiếp.
Mặc dù chúng tôi trình bày lý do cần đến mặt trận gấp nhưng thái độ anh rất
lạnh lùng, nguyên tắc, giữ đúng kỷ luật chiến trường. Chúng tôi đành phải chấp
hành và ngồi trò chuyện với anh để “giết” cái khoảng thời gian dài 3 giờ đồng
hồ chờ trời tối. Tên anh dân quân là Tẩn Dìn Phùng, quê ở ngay dưới chân núi
Bạc. Xã cử một tổ 4 người thay nhau canh gác ở hai đầu đoạn đường qua núi Bạc, bảo
vệ an toàn cho xe cơ giới qua lại đây.
Khi trời đã nhá nhem tối, anh mở barie cho xe chúng
tôi đi. Chiếc xe com măng ca “đít vuông” cũ nát lại chở thêm một phi xăng 200
lít lắc lư, nhảy chồm chồm trên sườn núi đá. Hơi nóng từ núi đá, hơi xăng phả
ra khiến bầu không khí ngột ngạt. Chúng tôi cuộn hết bạt hai bên xe lên cho
thoáng và cũng để dễ quan sát; nếu có địch phục kích hoặc pháo bắn sang là có
thể nhảy thật nhanh sang hai bên đường. Xe xấu, đường xóc nên đêm ấy, khi tới
Quản Bạ thì chiếc xe của chúng tôi bị gãy đến nửa số thanh nhíp giảm xóc, không
thể đi tiếp được nữa. Từ đấy, chúng tôi chỉ còn cuốc bộ.
Trưa hôm sau từ tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện
Quản Bạ, tôi và nhà văn Đặng Văn Nhưng hành quân về xã Bạch Đích vì ở đó chiến
sự đang diễn ra. Trời nắng nóng, chúng tôi phải cắt rừng núi đi theo đường chim
bay. Một chiến sĩ người dân tộc Nùng khoác ba lô cùng súng đạn dẫn hai anh em
đi. Cậu chiến sĩ quen luồn rừng lội suối từ nhỏ nên không tỏ ra mệt mỏi gì
nhưng với hai anh em tôi thì đó là cuộc hành quân rất vất vả. Trèo qua hết dãy
núi đá này sang dãy núi đất khác, cứ sau một giờ hỏi lại thì cậu chiến sĩ trẻ
đều bảo sắp đến rồi. Cơn khát nước lại là một thử thách.
Nắng nóng, mang nặng lại trèo núi, băng rừng như vậy
mà khát nước là cảm giác tôi chưa gặp bao giờ. Đến một vách đá có cây to và dây
leo chằng chịt, tôi sáng mắt lên khi nhìn thấy một dòng nước từ kẽ đá chảy ra.
Tôi gỡ ngay ba lô nhờ cậu chiến sĩ cầm giúp và ngắt một tàu lá to để hứng nước.
Anh Nhưng nhắc tôi: “Chú mà uống nước rừng này là độc lắm đấy, ngã nước như
chơi”. Nhưng vì cơn khát không còn chịu được, tôi vẫn uống. Tôi định ngồi nghỉ
một lát nhưng cậu chiến sĩ nói ngay: “Nếu các thủ trưởng mà nghỉ nữa thì tối
cũng chưa đến nơi được đâu. Mà ban đêm đi trong rừng càng khó, nhất là phải
vượt qua núi”. Nói rồi cậu ta nhận mang giúp tôi chiếc máy ghi âm. Ai nấy mồ
hôi nhễ nhại. Nhưng cậu chiến sĩ trẻ cứ coi như không có gì, vừa đi vừa kể
chuyện rôm rả bằng giọng lơ lớ.
Chừng 17 giờ thì chúng tôi vào tới xã Bạch Đích.
Nhưng một không khí vắng lặng bao trùm. Đồn biên phòng đã bị tàn phá tan hoang.
Phía đầu bản là kho thóc còn đang cháy dở. Có một bác nông dân người Dao đang
đi tìm trâu lạc cho chúng tôi biết: bộ đội biên phòng và dân bản rút hết lên
dãy núi phía trên kia rồi. Quân Trung Quốc cũng đã rút về bên kia biên giới.
Thế là chúng tôi lại quay ra, tìm đường lên dãy núi, nơi có con dốc dài, nối
Yên Minh sang Đồng Văn. Cán bộ và chiến sĩ biên phòng đang ở tạm trong những
hốc đá. Đêm ấy chúng tôi nghỉ cùng với anh em trên dãy núi ấy.
Đêm hôm sau chúng tôi đi tiếp sang dãy núi khác, nơi
dừng chân tạm của tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Yên Minh. Đồng chí chỉ huy
trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện bị thương vào bắp chân hôm trước, do mảnh đạn
cối xuyên thủng. Vết thương đang sưng to, lên cơn sốt, chưa kịp chuyển về tuyến
sau, nằm rên hừ hừ trên đám lá thông. Lát sau, một đồng chí ở bộ phận quân y
đến tiêm cho mũi thuốc giảm đau. Anh có vẻ bức xúc lắm nên khi nói chuyện với
chúng tôi, anh bảo: “Tôi là lính chống Mỹ, bao nhiêu năm không sao, bây giờ lại
bị thương ở đây. Chờ 2 ngày rồi chưa thấy quân tiếp viện. Chẳng lẽ ngày mai tôi
cho anh em rút về tuyến sau”. Rồi anh bảo chúng tôi, mỗi người tự bẻ lấy mấy
cành thông, rải ra mà nằm. Đêm ấy chúng tôi ngủ ở trên đỉnh núi, có mấy cây
thông ở độ cao gần 2000 mét, đúng là cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Hôm quay trở lại Quản Bạ, chúng tôi cũng đi vào ban
đêm, nhờ chiếc xe tải của một đơn vị từ Mèo Vạc về. Xe đi đêm trên núi đá cheo
leo hiểm trở nhưng không được bật đèn. Chúng tôi đứng trên thùng xe để tiện
quan sát và nhảy xuống đường nếu bị pháo kích hoặc thám báo tấn công. Ba lô để
dưới sàn xe, đứng dạng chân chèo, hai tay bám chặt vào thành xe và buồng lái
mới chống đỡ được những cú xóc và lắc. Đang căng mắt về phía trước thì bất ngờ
chúng tôi thấy hai bóng đen nhảy từ ven đường ra vẫy xe. Anh chiến sĩ lái xe
giật mình, ngỡ là thám báo, bật đèn pha sáng rực. Hai người đàn ông đeo ba lô,
máy ảnh, đi giày da bám đầy bụi đất xin đi nhờ. Tôi nhận ra đó là anh Vũ Đạt,
phóng viên báo QĐND và anh Trần Định, phóng viên báo ảnh TTXVN. Gặp chúng tôi,
các anh mừng quá, đi cùng về Ban chỉ huy quân sự huyện Quản Bạ đêm hôm đó.
Hồi ấy điều kiện thông tin rất khó khăn. Các tin bài
viết xong phải đến trung tâm huyện mới gửi được qua đường thư bưu điện về Hà
Nội và chậm mất 1 tuần. Tin chiến sự khẩn cấp thì dùng điện thoại từ cấp sư
đoàn hoặc bưu điện huyện gọi về cho anh em ở tòa soạn chép lại. Vì thế, tòa
soạn muốn chỉ đạo gì cũng không thể liên lạc được ngay.
Cuối năm 1983, chúng tôi lên Mường Khương (Lào Cai).
Cũng con đường độc đạo dẫn lên đến cửa khẩu Pha Long nhưng nếu gặp mưa lũ là
tuyến này bị chia cắt hẳn. Dọc con đường đi qua các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu,
Tả Ngải Chồ, Tung Trung Phố, quân Trung Quốc đặt mìn hoặc dùng B41 đánh trộm
những xe cơ giới qua đây. Dân ở những địa phương này đều là người thiểu số,
không biết tiếng phổ thông. Do ít được tiếp xúc với người Kinh nên thấy bộ đội
qua đây, họ nhìn với ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác. Giống chó ở vùng này cũng rất
đặc biệt, lông xù, to như con sư tử. Cứ có xe ô tô chạy qua bản là chó lao ra
sủa inh ỏi, râm ran thành dây chuyền suốt dọc đường. Đêm ở đồn biên phòng Pha
Long với tôi là lần đầu tiên được biết đến cái rét thấu xương như thế nào. Mấy
anh em ngồi quanh bếp lửa mà phía lưng vẫn lạnh đến run người.
Tôi nhớ hôm đoàn công tác chúng tôi từ Pha Long trở
ra, đang vượt qua một cái ngầm thì xe bị thổi đệm nắp máy, đứng khựng lại. 6
anh em cùng nhảy xuống cố đẩy xe về Ban chỉ huy quân sự huyện Mường Khương.
Nhưng tối hôm ấy, mấy anh cán bộ ở đó băn khoăn, yêu cầu chúng tôi phải giấu
kín xe chứ nếu biết có xe con ở đây, thế nào phía Trung Quốc cũng bắn pháo tầm
xa sang, rất nguy hiểm. Đường miền núi, xe lại xuống cấp, quá “đát” cả nên mỗi
lần lên biên giới, chúng tôi phải mượn phụ tùng, linh kiện của các đơn vị chiến
đấu để về Hà Nội là chuyện thường xuyên; nhất là mượn bánh xe, đèn pha và xin
xăng dầu.
Tình
nghĩa quân dân nơi biên giới
Những năm tháng sống giữa vùng chiến sự, chúng tôi
có nhiều dịp giao lưu với đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên cương phía bắc.
Bởi đã lâu lắm, sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, bà con mới được đón
nhiều bộ đội về như thế. Núi rừng bao năm trầm lắng, nay có bộ đội về, không
khí sôi động hẳn lên. Những cánh rừng hoang vắng, tưởng như chưa có dấu chân
người, giờ đây đã rộn rã, ồn ào bởi những đoàn xe cơ giới các loại kéo lên.
Nhiều con đường mòn đã được phá đá mở rộng thành những tuyến giao thông liên
hoàn nối các làng bản, xã huyện. Bộ đội giúp dân tăng gia, sản xuất, hướng dẫn
thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ. Người dân được
bộ đội dạy chữ, chữa bệnh, rời nhà từ núi cao xuống thung lũng, hạn chế du
canh, du cư.
Suốt những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh ở biên
giới phía bắc, ngoài tấn công quân sự, Trung Quốc còn triệt để lợi dụng chiến tranh
tâm lý, vu cáo Việt Nam và xóa nhòa ranh giới giữa kẻ đi xâm lược với người
chống xâm lược. Từ các dãy núi cao, Trung Quốc đặt những cụm loa nén công suất
lớn, có điểm chúng đặt tới vài chục chiếc loa, hướng sang phía Việt Nam. Hàng
ngày, các cụm loa tâm lý chiến này phát 2-4 lần. Mở đầu là bài hát Tình hữu
nghị Việt Nam - Trung Hoa của Đỗ Nhuận; tiếp đó là bài nói nói xấu chế độ và
các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngoài ra là những bài đánh vào tâm tư, tình cảm của
bộ đội ta, sống xa nhà, thiếu thốn, gian khổ…
Mùa gió bấc, tiếng loa có thể phóng sâu vào phía
Việt Nam đến chục cây số. Trước tình huống đó, cán bộ chính trị, tuyên huấn của
các đơn vị phải tăng cường bám sát nhân dân, tuyên truyền, giải thích cho bà
con không nghe và tin vào những lời lẽ xuyên tạc của địch, đoàn kết cùng bộ đội
chống lại kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất biên giới. Cục địch vận (Tổng cục chính
trị) cũng bố trí những xe lưu động gắn loa, phát đi những băng ghi sẵn nội dung
tuyên truyền chống quân Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên, do địa hình rừng núi và
công suất loa của ta yếu nên không lấn át được đài địch ra rả suốt ngày.
Sau cuộc tấn công của quân Trung Quốc, cuộc sống
đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên giới bị đảo lộn thời gian dài nên gặp
nhiều khó khăn. Nhiều gia đình mất hết nhà cửa, tài sản, phải sơ tán về phía
sau. Có gia đình bị lính Trung Quốc giết chết gần hết. Tuy nhiên, bà con rất
sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu. Nhiều gia đình đón bộ đội
về ở tạm khi chưa làm kịp lán trại; nhường cả ruộng nương, vườn tược cho bộ đội
làm trận địa. Các Hội mẹ chiến sĩ, các đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động
viên bộ đội sau mỗi trận chiến đấu. Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang tiêu biểu nhất
trong phong trào này. Tình đoàn kết quân dân ấy đã giúp cho các đơn vị củng cố
vững chắc thế trận để chống trả quân xâm lược.
Nhớ về biên cương phía bắc, tôi lại nhớ những đồi
hoa sim tím, những chiến sĩ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và nhớ tấm
lòng của bà con các dân tộc ở biên giới với tình đoàn kết quân dân.
Bùi
Đức Toàn
(Nguyên PV báo QĐND)
(Nguyên PV báo QĐND)
---------------------------
Theo
dòng sự kiện:
1979 - Cuộc chiến
không thể lãng quên - (09:16 | 14/02/2014)
No comments:
Post a Comment