Mặc Lâm,
biên tập viên RFA, Bangkok
2014-02-03
2014-02-03
Anh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007. Ảnh gia đình cung cấp
Câu chuyện anh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào
ngày 16 tháng 5 năm 2007 một cách bí ẩn sau khi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp
Quốc (UNHCR) phỏng vấn và cấp giấy cần được quan tâm đang được thân nhân của
anh là bà Lê Thị Hồng Phương kêu gọi sự chú ý trở lại của UNHCR tại Thái Lan.
Mặc
Lâm: Thưa bà, xin bà cho biết chi tiết về trường hợp
của em bà là anh Lê Trí Tuệ đã mất tích trong trường hợp nào?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Dạ, em của tôi là Lê Trí Tuệ,
sau ba năm quân ngũ thì em tôi được đào tạo một khóa học do nhà nước tổ chức và
được cấp bằng trong lĩnh vực kinh doanh vể đào tạo lại cho người lao động đi
xuất khẩu cũng như cho các cơ quan, đoàn thể và các công ty cần thiết lao động.
Thế nhưng trong thời gian làm việc đó thì chính bản
thân của em tôi cũng giống như các đồng nghiệp và nhiều người lao động khác
không nhận được chế độ đặc biệt và công bằng trong lao động vì vậy trong năm 2006 em tôi đã cùng thành
lập Công đoàn Độc lập Việt Nam và tới năm 2007, trong cả thời gian dài
như vậy em tôi đã bị quy tội là chống đối nhà nước và thường bị sách nhiễu. Em
tôi bị đối xử không công bằng nên không còn con đường sống nào khác phải trốn
khỏi Việt Nam để sang Campuchia tỵ nạn.
Mặc
Lâm: Lần cuối cùng gia đình bà còn liên lạc được với anh
Lê Trí Tuệ là khi nào?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Vào tháng 4 năm 2007 đến
tháng 5 năm 2007 trong gần một tháng lần cuối cùng thì Tuệ gọi điện về gia đình
và nói rằng ngày mai thì em sẽ rời khỏi Campuchia để đi Thái Lan và cũng từ hôm
đó em tôi mất tích, không có thêm một tin tức gì nữa.
Ngay ngày hôm sau tờ báo Công an Nhân dân Việt Nam
đã phát đơn truy nã em tôi. Cả một thời gian dài trong nhiều năm qua gia đình
tôi cũng luôn nghe ngóng theo dõi tìm hiểu tin tức về Tuệ nhưng không hề có
manh mối nào cả.
Anh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007.
Mặc
Lâm: Anh Tuệ bị mất tích tại Phnom Penh, Campuchia vì
vậy bà có nghĩ rằng khi đến Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc Thái Lan kêu cứu thì
người ta có thể từ chối đơn kêu cứu của bà hay không?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc
trước kia có trụ sở ở Campuchia, Phnom Penh nhưng sau đó đã chuyển sang Thái Lan
cho nên tôi cũng lặn lội đến đây vì tôi biết hồ sơ em tôi còn có nguồn gốc tại
Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Thái Lan. Tôi tha thiết nguyện vọng xin Cao Ủy
theo dõi về trường hợp mất tích của em tôi và sớm cho gia đình chúng tôi có sự
trả lời
Mặc
Lâm: Từ Châu Âu xa xôi bà lặn lội đến Thái Lan để nộp
đơn kêu cứu tới Cao Ủy, xin bà cho biết nội dung trong đơn có chi tiết gì đặc
biệt khiến cho họ phải chú ý hay không?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Dạ, vì trường hợp của Lê Trí
Tuệ được Cao Ủy Liên hiệp quốc biết rất rõ về hoàn cảnh, điều kiện và đã cấp
cho Tuệ một quy chế tỵ nạn giống như một trường hợp được bảo vệ đặc biệt đối
với Tuệ. Trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ tôi thấy có điều gì đó còn uẩn khúc
vì Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc tại Campuchia đã có đầy đủ thông tin hồ sơ của
Tuệ rồi và hiện bây giờ tôi tin là đã chuyển về Thái Lan và bên Phnom Penh
không còn nữa. Vì vậy tôi đã lặn lội qua Thái Lan yêu cầu giống như để kêu cứu
các đoàn thể quốc tế cũng như Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc quan tâm tới trường
hợp mất tích của Lê Trí Tuệ.
Mặc
Lâm: Từ năm 2007 tới nay đã 7 năm trôi qua, với
khoảng thời gian dài như vậy điều gì khiến bà tin rằng anh Lê Trí Tuệ vẫn còn
sống để mà lặn lội đi kêu cứu cho em như vậy? Bà có manh mối hay bằng chứng gì
về tung tích của anh Tuệ hay không, ngay cả lời đồn đãi?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Mặc dù đã bảy năm qua nhưng
gia đình và bản thân tôi chưa lúc nào ngơi nghe ngóng tìm hiểu tin tức của em
tôi hiện giờ ra sao. Về vấn đề tâm linh thì tôi vẫn có niềm tin đối với những
người đã khuất trong gia đình nói là em tôi vẫn còn sống và hiện giờ đang bị
giam giữ trong một điêu kiện rất là nghiêm ngặt và khắc nghiệt. Thế cho nên tôi
vẫn tin như thầy Trí Lực những năm qua thầy cũng từng mất tích và bằng một phép
mầu nhiệm nào đó mà thầy vẫn còn sống và trở về. Tôi hy vọng rằng em của tôi
cùng nằm trong trường hợp như vậy
Mặc
Lâm: Trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay
chúng tôi nghĩ thật khó cho Cao Ủy tại Thái Lan điều tra một trường hợp như
vậy, nếu vì lý do gì đó mà họ trì hoãn thì bước kế tiếp của bà là làm gì?
Bà
Lê Thị Hồng Phương: Thưa quý vị vì trường hợp của
em tôi thì Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc cũng giống như cộng đồng quốc tế hầu
như ai cũng đều biết tới trường hợp mất tích của Tuệ. Trường hợp mất tích đó
theo tôi nghĩ thì không bình thường vì vậy bằng mọi giá tôi phải tìm em tôi cho
tới khi có kết quả. Nếu như ở Thái Lan Cao Ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc không thể
trả lời được thì chúng tôi sẽ đi tiếp ở Genève Thụy Sĩ đê nộp đơn tiếp tục.
Mặc
Lâm: Xin cám ơn và chúc bà may mắn.
----------------------------------------
TIN
LIÊN QUAN :
Sat, 02/01/2014 - 12:17 — tuongnangtien
No comments:
Post a Comment