Tuesday 18 February 2014

HỘI CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VIỆT NAM LÊN TIẾNG (Phạm Chí Dũng - HCTNLTVN)




Posted on February 18, 2014 by FVPoC

Phạm Chí Dũng và các CTNLT chúc Tết.

CTNLT Phạm Chí Dũng, Sài gòn ngày 18/2/2014

Tiếng hót không cô quạnh

Trong khung cảnh trơ trọi của bãi đất Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng kép theo vô số dân oan, những vách tường vàng rộm sắc màu phật giáo của chùa Liên Trì vụt nổi lên như một thách thức trước buổi hoàng hôn triều đại.

Sài Gòn một buổi chiều sau tết Giáp Ngọ. Nơi chốn tôn nghiêm tĩnh tịch, những khuôn mặt hằn sâu và trằn trọc bởi quá khứ lao tù, giờ được ve vuốt bởi làn gió nhẹ xao động từ bờ sông vẳng lại.

Những cao niên trưởng lão trong làng tù nhân lương tâm ở Việt Nam như tu sĩ Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Phan Văn Lợi và vài người khác đều có “thâm niên” lên đến vài chục năm. Song thế hệ ở tù sau họ lại phong phú hơn nhiều về “diện chính sách”: phần nhiều trong số đó không có xuất thân từ hoạt động chính trị hay tôn giáo, mà chỉ thuần túy được sinh trưởng từ nỗi bức xúc và phẫn uất dân sinh. Vần thơ “Chín tháng tù như một giấc ngủ trưa” của bà dân oan Trần Thị Hài là một tình cảm và một ý chí như thế.

Họ đều là những người bị ngược đãi về tinh thần và thể xác, từng bị giam cầm chỉ vì đòi hỏi các quyền cơ bản của con người bằng thái độ ôn hòa bất bạo động. Vậy nên ngay cả những người dù mới nằm trong trại giam một ngày, nhưng đã phải chịu lệnh bắt, cũng đương nhiên được xem là tù nhân lương tâm nếu xét theo tiêu chí của Tổ chức Ân xá quốc tế.

Dù sạm dày nỗi u uất những năm tháng tù đày, nhưng chưa bao giờ những gương mặt ấy lại bừng sáng như giờ đây. Họ đang tìm thấy tiếng nói chung ở nơi mà tiếng chim hót đã không còn cô quạnh. Có đến ít nhất sáu chục con người – tù nhân lương tâm như vậy đang tự tìm tiếng nói riêng cho mình trong mối chung hòa với đồng loại: đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, cho các quyền con người về sở hữu đất đai, công ăn việc làm, môi trường trong sạch…, đấu tranh đòi trả tự do cho các tù nhân lương tâm còn bị giam cầm và cải thiện chế độ lao tù, cùng tình thương thân tương ái giữa những người đồng cảnh ngộ.

Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam (CTNLTVN) ra đời  ở Sài Gòn đúng vào ngày 18/2/2014 – thời khắc diễn ra phiên xử phúc thẩm luật sư công giáo yêu nước Lê Quốc Quân, và chỉ sau hai ngày một tù nhân lương tâm khác là thày giáo Đinh Đăng Định được tạm hoãn thi hành án 12 tháng khi đời sống của ông chỉ còn được tính bằng ngày trong cơn ung thư giai đoạn cuối.

Những tiến bộ cần phải chứng minh!

Như một điểm tương hòa tao ngộ, một tuần trước phiên xử Lê Quốc Quân đã xuất hiện Quỹ Yểm trợ – kết nghĩa với tù nhân lương tâm Việt Nam, do những người vận động cho dân chủ và nhân quyền như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sáng lập ở Hoa Kỳ. Vô hình trung, hoạt động của tổ chức quỹ này và Hội CTNLTVN đã trở thành cặp song sinh ngay từ trong nôi.

Cái nôi ấy lại được kết tủa bởi lòng nhân ái mà có lẽ chỉ những người đã phải trải qua bóng tối biệt giam mới thấm cảm đến tận cùng. Vào tết vừa qua, lần đầu tiên hoạt động tương thân tương ái với các gia đình tù nhân lương tâm được các nhóm hội dân sự ở Việt Nam quan tâm nhiệt thành đến thế. Đặc biệt tại Sài Gòn – thủ phủ của số tù nhân lương tâm đông đảo nhất, những gói quà nhỏ đã được trao tận tay gia đình Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, Nguyễn Đoàn Quốc Hùng, Đinh Đăng Định…
Cũng lần đầu tiên, nhiều hội nhóm dân sự như Hội Bầu bí tương thân, Hội Dân oan Việt Nam, Nhóm kiến nghị 72, Diễn đàn Xã hội dân sự, Ủy ban Công lý và hòa bình, Hội Anh em dân chủ, Phong trào Con đường Việt nam, Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam… đã gần gũi nhau đến thế trong mục tiêu tương thân tương ái – một minh chứng sắc nét và đủ làm nhạt nhòa tâm lý xa cách hoặc phân hóa tồn tại bấy lâu nay trong hiện tình xã hội dân sự manh nha ở Việt Nam.

Tuy thế, một sự thật không thể chối bỏ là vẫn còn nhiều, rất nhiều tù nhân lương tâm khác chưa được kết nối vào vòng tay lớn. Tại phiên họp Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền Việt Nam tại Genève, Thụy Sĩ vào đầu tháng 2/2014, báo cáo của một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã nêu ra con số có đến 150-200 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong hệ thống nhà tù nhỏ ở Việt Nam, chưa kể các trại giam tư tưởng còn mênh mông hơn rất nhiều.

Những người hoạt động vì quyền lợi công nhân như Đỗ Thị Minh Hạnh là một ví dụ tiêu biểu cả trong lẫn ngoài các nhà tù. Đúng ba tháng sau ngày Nhà nước Việt Nam chính thức được chấp thuận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu tạo điều kiện cho việc trả tự do ngay tức khắc ba tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Đoàn Quốc Hùng. Bức thư này còn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về việc bỏ tù và ngược đãi các nhà hoạt động độc lập cho quyền của người lao động tại Việt Nam, đồng thời nêu rõ những vụ vi phạm nhân quyền như thế tiếp tục là một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng là mối quan tâm đặc biệt trong các cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan đến Hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một định chế bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền của người lao động.

Vào tháng 11/2013 trong chuyến làm việc ở Việt Nam, Quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động Scott Busby đã nhắc lại một yêu cầu then chốt: Chính phủ Việt Nam phải thực hiện “những tiến bộ có thể chứng minh” về nhân quyền để mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể phát triển sâu sắc hơn nữa. Việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm Việt Nam là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới sự hợp tác lớn hơn giữa hai chính phủ, mặc dù nhiều thách thức nhân quyền hơn nữa cũng phải được giải quyết, bao gồm cả việc sử dụng sự tra tấn và ngược đãi trong các trại giam của Việt Nam.

Cũng tại kỳ UPR đầu tháng 2/2014 tại Thụy Sĩ, Nhà nước Hoa Kỳ đã một lần nữa yêu cầu phía Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là bốn cái tên không thể quên lãng là Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Quốc Quân.

Có lẽ với Nhà nước Việt Nam, trường hợp dễ chấp nhận nhất là Lê Quốc Quân.

Hầu hết các tù nhân lương tâm có tên trong bản danh sách của Hoa Kỳ và Cộng đồng châu Âu đều có dấu hiệu và bằng chứng bị ngược đãi trong nhà tù, trái với tinh thần của bản Công ước quốc tế về chống tra tấn mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia vào tháng 11/2013 nhưng đến nay vẫn chưa phê chuẩn.

Cái tôi nhỏ bé

Không thể có TPP nếu không chứng minh được, dù là tối thiểu, về điều được gọi là “thành tâm chính trị” của một chính thể.

Nhưng kinh nghiệm lịch sử và không kém biện chứng ở Việt Nam lại hoàn toàn không khác biệt với kết luận của nhà siêu hình học Hegel – bậc tiền bối của triết gia Karl Marx: Bài học cay đắng nhất của lịch sử là loài người đã không rút ra được bài học nào từ lịch sử.

Bài học ấy đang ứng với chế độ cầm quyền.

Tính nhân quả của bài học ấy chỉ có thể được giảm bớt từ một thế đối trọng khác: sức nâng bật của xã hội dân sự cùng tiếng nói trào thoát từ lồng ngực của những con người đã từng bị giam hãm trong ngục tù cần và phải được chính quyền tôn trọng như một sự chính danh và một tình cảm vì dân.

Rất có thể, Hội CTNLTVN sẽ chính là một trong những tiếng nói không còn cô độc vào buổi giao thời mới đang ló dần trên mảnh đất mà nhà báo Lê Phú Khải từng “Thơ tôi khóc, lệ rơi hình chữ S”. Trong ý thức sâu xa về cái tôi vô cùng nhỏ bé của những thành viên của của Hội CTNLTVN, hầu hết trong họ luôn ý nguyện về cuộc đấu tranh cho đồng bào chung cảnh ngộ, nơi hiện hữu và trong tương lai.

Nếu tính đúng và đủ, con số cựu tù nhân lương tâm chính trị, tôn giáo, dân oan, nhà báo, blogger… ở Việt Nam có thể lên đến vài trăm người – hầu hết đã được thử lửa và vượt qua giới hạn sợ hãi, hoàn toàn xứng đáng để Hội CTNLTVN trở thành một trong những tổ chức phi chính phủ bất vụ lợi hàng đầu và quả cảm ở Việt Nam, trở nên một mắt xích quan trọng trong Mạng lưới Xã hội dân sự châu Á và sát cánh cùng các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, dân chủ cùng những nhà nước tiến bộ trên thế giới.

Phạm Chí Dũng


No comments:

Post a Comment

View My Stats