Thứ Bảy, ngày 15 tháng 2 năm 2014
Ngày 17/2/1979, Trung Cộng phát động cuộc chiến
tranh xâm lược Việt Nam. Chúng huy động nửa triệu quân tấn công VN trên toàn
tuyến biên giới phía Bắc. Trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta,
chúng buộc phải rút quân sau 31 ngày.
Mặc dù chiến thắng nhưng Việt Nam đã chịu tổn thất
nặng nề. Cơ sở vật chất ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy gần như hoàn toàn. Hàng
vạn sĩ quan, chiến sĩ hy sinh. Hàng vạn dân thường bị giết hại.
Tuy nhiên, từ sau năm 1990, cuộc chiến tranh này đã
bị lãng quên: không được đưa vào giáo trình lịch sử, bia tưởng niệm bị đục bỏ,
các hoạt động tưởng niệm bị ngăn cản, không được trưng bày trong bảo tàng lịch
sử. Báo chí không được nhắc đến hoặc nhắc đến một cách vô cùng hạn chế. Đã có
những Tổng biên tập, nhà báo bị cách chức hoặc bị kỷ luật vì vi phạm điều này.
Không chỉ cuộc chiến tranh 1979, những cuộc chiến khác với Trung Cộng là Hải chiến Hoàng Sa, Hải chiến Trường Sa cũng cùng chung tình trạng.
Trong lịch sử hiện đại, VN còn có những cuộc chiến
tranh với Pháp, với Mỹ và cả người Việt Nam với nhau (Việt Nam Cộng hòa) Những
cuộc chiến tranh này, năm nào cũng được tổ chức kỷ niệm rầm rộ như kỷ niệm
chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 30/4. Ngoài ra có chiến tranh với Căm Pu
chia nhưng có yếu tố Trung Cộng.
Việc không nhắc đến các cuộc chiến tranh với Trung
Cộng được giải thích là vì tình hữu nghị, vì sự ổn định, vì đại cục hay vì
tương lai. Như vậy, chẳng lẽ, nhà cầm quyền Việt Nam không cần hữu nghị với
Pháp, với Mỹ hay sao. Và đặc biệt, việc kỷ niệm 3/4 quá mức không sợ khơi thêm
lòng hận thù của những người thuộc bên thua cuộc phải bỏ nước ra đi hay sao?
Trong khi đó, các trang mạng của Trung Cộng, kể cả
Hoàn Cầu thời báo là tờ báo điện tử do Nhà nước quản lý, mặc sức tuyên tuyền,
xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh, nói xấu VN, hô hào “Phải giết bọn giặc
Việt Nam để làm lễ vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa”, vạch kế
hoạch đánh VN trong vòng 1 tháng….
Trung Quốc là nước lớn, điều đó không ai phủ nhận. VN không may lại phải làm nước láng giềng với tên đế quốc đầy tham vọng. Nhưng không phải chỉ VN mới có chung biên giới với TQ. Mặt khác, trong lịch sử, cha ông ta đã từng không sợ Trung Quốc, đã làm nên Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Hàm Tử, Chương Dương....
Ba lần đánh tan quân Nguyên đã làm nên hào khí Đông A. Tể tướng Trần Quang Khải cất lên giọng thơ hào sảng:
Trung Quốc là nước lớn, điều đó không ai phủ nhận. VN không may lại phải làm nước láng giềng với tên đế quốc đầy tham vọng. Nhưng không phải chỉ VN mới có chung biên giới với TQ. Mặt khác, trong lịch sử, cha ông ta đã từng không sợ Trung Quốc, đã làm nên Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Hàm Tử, Chương Dương....
Ba lần đánh tan quân Nguyên đã làm nên hào khí Đông A. Tể tướng Trần Quang Khải cất lên giọng thơ hào sảng:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.
Bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Thái úy Lý Thường Kiệt được coi như bản tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Đại công thần Nguyễn Trài tự hào rằng:
Trải Đinh, Lý Trần, bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một
phương.
Còn đây là lời hịch của Quang Trung Hoàng đế trước
giờ xuất quân giải phóng Thăng Long
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Cha ông ta như thế, lẽ nào chúng ta lại hèn tới mức
không dám nhắc đến việc đất nước từng bị xâm lược, không dám tưởng niệm đồng
bào chiến sĩ mình đã bị bắn giết. Hãy tỏ ra là một quốc gia độc lập, có chủ
quyền. Bắt chúng ta không được tưởng niệm là một thái độ ngạo mạn, láo xược của
Trung Cộng.
Cần phải lấy lại vị thế Việt Nam. Không thể sợ hãi,
bạc nhược mãi.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai là điều cần phải
làm, nhưng phải với đối với bất cứ đối phương nào, không thể nước này thì gác,
nước kia thì cứ ra rả rêu rao chiến thắng.
Gác lại quá khứ không có nghĩa là giấu giếm lịch
sử.
Con người phải biết, phải hiểu lịch sử nước nhà, từ
đó mới xác định được thái độ đúng đắn của một công dân. Với lớp con cháu sau
này, chúng phải biết kẻ thù nham hiểm, lường lật mà cảnh giác, phải biết đất
nước nghèo nàn mà phấn đấu, phải biết cha ông bị ức hiếp mà xấu hổ.
Phải tôn trọng sự thật, dù có cay đắng, phũ phàng. Quá
khức, hiện tại, tương lai là một xâu chuỗi có quan hệ biện chứng với nhau. Quá
khứ bị méo mó thì tương lai khó mà sáng sủa. Không có lẽ chúng ta lừa dối con
cháu chúng ta rằng ngày 17/2/0979, 19/1/1974, 14/3/1984 nhân dân ta vẫn đang
sống trong hòa bình hữu nghị cùng Trung Cộng.
Nhân đây xin kể lại một chuyện xưa:
Thôi Trữ giết vua Tề là Trang Công nhưng lại ra lệnh
cho Thái sử Bá phải viết rằng vua chết vì bệnh.
Thái sử Bá viết: "Tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ
giết vua”
Thôi Trữ liền chém đầu Thái sử Bá.
Thái sử Trọng là em Thái sử Bá thay chức của anh,
nhưng cũng không chịu viết khác đi, liền bị Thôi Trữ chém.
Thái sử Thúc, em trai Thái sử Bá và Thái sử Trọng
thay hai anh. Ông cũng chép đúng như hai anh của mình và lại bị chém.
Đến lượt Thái sử Quý, em út của ba Thái sử trên vào
thay, vẫn viết: "Tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua". Viết xong
ông nói với Thôi Trữ:
- Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo.
Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể
giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật.
Thôi Trữ nghe xong lắc đầu, thở dài, không dám giết
nữa.
Dẫn chuyện xưa để thấy rằng, lịch sử không xu nịnh
ai. Dù có giết đến 3 Thái sử đi chăng nữa, thì mấy nghìn năm sau, hậu thế vẫn
biết Thôi Trữ giết vua, huống chi là cả một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh
1979, Hải chiến Hoàng Sa 1974, Hải chiến Trường Sa 1988 không phải là cái kim
mà có thể cất giấu khỏi lịch sử.
Không thể bưng bít được lịch sử. Phải trả lại sự
thật cho lịch sử.
15/2/2014
Đêm trước ngày lễ tưởng niệm 17/2.
Được đăng bởi Nguyễn
Tường Thụy vào lúc 2/15/2014 08:22:00 CH
No comments:
Post a Comment