BBC
Cập nhật: 11:47 GMT -
thứ sáu, 14 tháng 2, 2014
Trước dịp kỷ niệm 35 năm ngày xảy ra cuộc chiến biên giới
Việt - Trung, đang có áp lực từ người dân trong nước muốn Đảng Cộng sản có hành
động đánh dấu sự kiện này sau nhiều năm im lặng.
Một nhóm nhân sỹ hơn 70 vị,
trong đó có những cái tên như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Trần Quốc
Thuận, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Trung..., hôm 12/2 ra Lời kêu
gọi trong đó nói hành động tấn công Việt Nam của Trung Quốc năm 1979
là "hèn hạ, sỉ nhục".
Trên báo chí chính thống cũng
xuất hiện một số bài báo viết về cuộc chiến.
Tuy vậy, các bài viết trên
trang mạng Một thế giới bị gỡ xuống, trong khi một bài trên VnExpress.net hiện
vẫn còn trên mạng.
BBC phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Tường, nghiên cứu về chính trị Việt Nam ở Đại
học Oregon, Hoa Kỳ, liệu chính sách của Đảng Cộng sản quanh việc ứng xử với di
sản cuộc chiến có còn phù hợp.
BBC:Tuần này có một số thông tin trên mạng internet cáo buộc Trung Quốc gây
áp lực không cho Việt Nam kỷ niệm công khai cuộc chiến 1979. Ông nghĩ cáo buộc
này có tin được không?
Vũ Tường: Tôi không có thông tin gì về Trung Quốc gây áp lực lên Đảng Cộng sản
Việt Nam để không kỷ niệm cuộc chiến tranh. Có thể suy đoán là việc này có xảy
ra, qua một kênh ngoại giao nào đó giữa hai đảng cộng sản.
Nhưng dù có áp lực hay không có
áp lực từ bên ngoài, việc
chính phủ Việt Nam không cho tổ chức kỷ niệm cho thấy họ rất sợ Trung Quốc.
Cũng có thể họ sợ phong trào dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc sẽ phát triển
mạnh thêm ở trong nước, làm cho họ khó ăn nói với quan thầy Trung Quốc của họ.
BBC:Từ hơn 20 năm qua Việt Nam hạn chế việc tường thuật cũng như hoạt động
đánh dấu sự kiện này. Vào thời điểm hiện nay, liệu Đảng Cộng sản Việt Nam còn
có lợi nhờ chính sách này không?
Vũ Tường: Việc
không kỷ niệm là chính sách có từ khi quan hệ Việt-Trung bình thường hóa từ năm
1992. Đây là một chính sách khôn ngoan của Đảng Cộng sản Việt Nam, bên ngoài
dựa lưng vào Trung Quốc về chính trị và khai thác quan hệ kinh tế với phương
Tây để thu lợi, bên trong duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với báo chí, quân
đội, và công an.
Trong cách nhìn của Đảng, dường
như cái giá phải trả quá nhỏ so với lợi ích thu được cho Đảng, nên chính sách
này sẽ vẫn được tiếp tục trong thời gian tới.
BBC: Một sử gia trong nước, nói trên báo
Lao Động, rằng dự kiến lần đầu tiên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ có lễ
tưởng niệm, “được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này”. Theo
ông, điều này có phản ánh chính sách thống nhất từ trên xuống của Đảng hay
không?
Vũ Tường: Do phong trào chống Trung Quốc trong nước đang
lên cao, giới học giả và trí thức trong nước được Đảng nới lỏng chút ít để
thỉnh thoảng phát biểu một vài ý kiến dè dặt.
GS Vũ Minh Giang nói ở cuối
bài: "Một lễ kỷ niệm xứng đáng cuộc
chiến biên giới 1979 sẽ thể hiện sự trân trọng với những chiến sĩ đã hy sinh,
trân trọng lịch sử. Đó chính là mong mỏi của dân."
Nhưng ở phần trên bài phỏng
vấn, GS Giang lại nói việc kỷ niệm ở Hội Khoa học Lịch sử sẽ "không trọng
quy mô mà trọng chiều sâu," có nghĩa là sẽ bị giới hạn trong phạm vi rất
hẹp giữa các sử gia, còn báo chí và dân chúng không được tham gia.
GS Giang xem cuộc chiến tranh
như một sự kiện lịch sử không nên che giấu, và nói rằng không phải che giấu thì
Trung Quốc sẽ tử tế hơn với Việt Nam. Đúng. Nhưng ông lại không quên nhấn mạnh
rằng nếu "bới sâu nó ra để gây hận thù lại là xuyên tạc lịch sử." Có
thể GS Giang chỉ nói theo thói quen, hay là phải rào trước đón sau theo chỉ thị
của trên, nhưng rõ ràng đây là cách nói để giới hạn trước phạm vi được phép
nhắc đến hay kỷ niệm cuộc chiến.
Chưa báo chí nào được nói, chỉ
có mỗi giáo sư được nói, nhưng cái mũ "xuyên tạc lịch sử" đã được cầm
sẵn trên tay, dành cho những người nào phát biểu không đúng với quan điểm của
Đảng được khắc ghi trong khẩu hiệu "mười sáu chữ vàng."
No comments:
Post a Comment