Monday, 10 February 2014

GÓP Ý VỀ MỘT MẶT TRẬN DÂN CHÙ (Hồng Việt - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ hai, 10 Tháng 2 2014 15:47

Trong bài xã luận mới đây của bán nguyệt san Tổ Quốc, có một đoạn được rất nhiều người chú ý: "Trong hoàn cảnh chưa có một tổ chức dân chủ với uy tín và sức mạnh áp đảo hiện nay, một mặt trận dân chủ có phối hợp thực sự là điều kiện bắt buộc. Đây là điều mà chỉ cần suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh, nghĩa là thực sự đặt câu hỏi phải làm thế nào đề giành dân chủ cho đất nước, là chúng ta sẽ hiểu ngay. Dầu vậy chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ trong những than vãn, như thiếu một đường lối chung và những người lãnh đạo có uy tín v.v. Nhưng chúng ta có thực sự tìm kiếm một đường lối chung và những con người cần có không hay chỉ biện luận để tránh né? Thực tế là có những người tự coi là đấu tranh cho dân chủ nhưng không muốn tham gia vào một tổ chức nào và cũng có những người thành lập những tổ chức chỉ để được biết đến chứ không hề tự hỏi mình sẽ đóng góp được gì. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vẫn còn là một cuộc chơi hơn là một nghĩa vụ đối với nhiều người".

Một điều rất rõ ràng là quần chúng Việt Nam đang rất muốn có dân chủ và sẵn sàng đứng dậy đấu tranh nếu có một tổ chức hay liên minh đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ. Khả năng Việt Nam có dân chủ hay không chủ yếu phụ thuộc vào quyết tâm của người Việt Nam chứ không phải vào sự quan tâm của các nước ngoài. Cộng đồng quốc tế cũng sẽ yểm trợ cho chúng ta một cách mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với hiện nay nếu chúng ta có một lực lượng đối lập lớn và đoàn kết, thay vì chỉ biết chầu chực ở các đại sứ quán. Trường hợp các cường quốc dân chủ trừng phat chính quyền độc tài Miến Điện trước đây đã chứng minh điều đó.

Những người đấu tranh cho dân chủ phải thực sự yêu nước và coi mục tiêu quan trọng nhất của đời mình là đất nước Việt Nam có dân chủ thông qua bầu cử tự do chứ không phải là một vai trò quan trọng của bản thân. Có như vậy thì những lãnh đạo của các tổ chức hay những trí thức có tên tuổi mới bị buộc phải đặt quyền lợi của người dân lên trên tham vọng bản thân nếu muốn được hưởng ứng. Gần đây tổng thống Ukraine là Yanukovich đã nhượng bộ phe đối lập bằng cách mời ông Yasenhiuk (lãnh đạo đảng Tổ Quốc) giữ chức thủ tướng chính phủ, ông Vitali Klitschko (lãnh đạo đảng Udar) giữ chức phó thủ tướng… Cả hai ông này đã nhanh chóng bác bỏ đề nghị của tổng thống, với lý do là mọi sự đã muộn. Yêu cầu họ đưa ra là tổng thống phải từ chức và cần nhanh chóng tổ chức bầu cử sớm. Ông Yasenhiuk cho rằng, chính người dân Ukraina sẽ quyết định chọn ai làm người lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, tại Việt Nam, lại có những người ngoài miệng thì hô hào đấu tranh cho dân chủ nhưng sẵn sàng thỏa hiệp với chế độ chỉ vì những quyền lợi nhỏ bé, những chức vụ tầm thường như cố vấn hay chuyên gia…

Và đến ngày hôm qua thì tổng thống Ukraine đã chấp nhận bầu cử tổng thống và quốc hội sớm. Đó là thành quả của một cuộc đấu tranh kiên trì của liên minh đối lập. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn chưa có một đối lập có tầm vóc để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận dân chủ. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta có hai giải pháp. Một là các tổ chức sát nhập với nhau thành một tổ chức lớn hơn. Hai là các tổ chức liên minh với nhau.

Liên minh phải được hiểu một cách đúng nghĩa như là một phối hợp giới hạn trong thời gian nhất định để thực hiện một số mục tiêu rõ rệt giữa các tổ chức có tầm vóc đã thỏa thuận với nhau trên một kế hoạch hành động và một lãnh đạo chung. Mục tiêu là buộc đảng cộng sản chấp nhận đối lập, tổ chức bầu cử tự do và chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã bày tỏ từ lâu thiện chí sẵn sàng sát nhập hay liên minh với các tổ chức khác để đấu tranh cho mục tiêu này với điều kiện các tổ chức đồng thuận với Tập Hợp trên ba lập trường chính : đấu tranh bất bạo động, dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Những vấn đề khác như các bước hành động cụ thể hay hợp tác trong bầu cử Quốc hội khi dân chủ đến… chúng ta sẽ cùng thảo luận và thỏa hiệp. Không biết là đề nghị này đã được đáp ứng tới mức nào.

Lưu ý là sự sát nhập chỉ có thể xảy ra giữa các tổ chức chính trị với nhau hoặc các tổ chức nhân quyền với nhau. Trong lúc này, một liên minh bao gồm các tổ chức chính trị và các tổ chức nhân quyền là điều cần thiết. Và khi có bầu cử tự do thì các tổ chức nhân quyền sẽ chọn lựa hoặc rời khỏi liên minh hoặc biến thành các tổ chức chính trị, vì đặc tính của xã hội dân sự là nằm ngoài chính quyền và không có tham vọng chính trị. Đổi lại, xã hội dân sự sẽ nhận được sự kính trọng từ nhà nước dân chủ, được tự do hoạt động, phát triển và trở thành bộ phận quan trọng nhất của dân tộc.

Hy vọng rằng ngay từ bây giờ, những người đấu tranh cho dân chủ hãy mạnh dạn tham gia vào các tổ chức. Còn các tổ chức hãy bắt đầu đặt vấn đề sát nhập hay liên minh với nhau. Qui trình thảo luận có thể sẽ đòi hỏi một thời gian đáng kể. Đó lại càng là lý do để cần suy nghĩ và thảo luận ngay từ bây giờ.

Xin mượn một đoạn trong tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng để kết thúc bài viết này : "…Nhiều người không nhìn thấy rằng chìa khóa của lối thoát là lòng yêu nước. Nếu thực sự yêu nước thì người ta sẽ thấy ngay sự cần thiết của một tập hợp dân tộc mới và đã làm tất cả cố gắng và hy sinh để tập hợp này ra đời, người ta đã thực tâm đi tìm kiếm những người có tâm huyết và khả năng để kết nghĩa, đã hăng hái tham gia các tổ chức đấu tranh, đã sẵn sàng hy sinh tư kiến và lòng tự ái để tổ chức được bền vững và phát triển, đã mong mỏi sát nhập tổ chức của mình với các tổ chức khác để hình thành một tổ chức lớn hơn. Người ta cũng sẽ rất phẫn nộ với những phần tử bịp bợm, gian trá, phá hoại, v.v. và một mặt trận dân chủ có tầm vóc đã hình thành từ lâu rồi…".

Hồng Việt


No comments:

Post a Comment

View My Stats