Sunday 9 February 2014

GÊM VIỆT & GÁI VIỆT CÙNG "VƯƠN TẦM THẾ GIỚI" (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 09/02/2014

“Gái Việt” là cái thông tin nhăng nhít của Xuân Lan ỡm ờ con mình là của  danh thủ bóng đá Beckham. Còn “Gêm Việt” là phần mềm trò chơi Flappy Bird.

Chuyện thứ nhất thật rẻ tiền, trên Facebook, nhưng đã được nhiều báo, trang mạng lao vào khai thác, trong đó có cả VTC NEWS, Lao động.

Chuyện thứ hai tuy là một hiện tượng thú vị về ý tưởng thiết kế phần mềm chơi game và bất ngờ có một chút “ăn may” với một phần mềm quá đơn sơ, đem lại thu nhập rất lớn của một chàng trai trẻ, thế nhưng lại được khai thác như thể một tài năng, tiềm năng viết phần mềm ghê gớm. VTV1, tối qua (xem – từ phút thứ 28), đưa tin rất tự hào với cái tít “Game Việt vươn tầm thế giới“, rằng câu chuyện đã được đăng tải trên cả các tạp chí lớn quốc tế như Forbes,  NewsWeek, The Guardian …  Rồi sáng nay còn nghe trên VTV1 lời phát thanh viên điểm “những sự kiện trong tuần”, nói rằng “chúng ta tự hào và lạc quan”, khi nhắc tới game Flappy Bird.

Trong khi đó, có 2 thông tin đáng ngại có thể đã dẫn tới việc chàng trai phải thông báo “xóa sổ” trò chơi này (mà chưa chắc đã phải do nó gây khó chịu và “nghiện” quá độ cho người chơi). 2 thông tin đó, một là khả năng bị kiện vi phạm bản quyền, đòi bồi thường lên tới 6 tỉ đô la, một là khả năng bị thu thuế. Cả hai việc này rất liên quan tới nhau, bởi vì nếu bị cơ quan thuế VN thu thuế, có nghĩa sẽ là bằng chứng rất thuận lợi cho tòa án khi xử kiện và đòi bồi thường.

Đây là bài học cho người Việt khi muốn “vươn tầm thế giới” mà chỉ bằng những ngón chôm chỉa ý tưởng, mẫu mã, v.v.. mà kẻ đi trước là Trung Quốc là bậc thầy, trong khi không được chuẩn bị kỹ lưỡng về những vấn đề pháp lý, kiến thức kinh doanh, và cả cách ứng xử văn minh, …  thì sẽ chẳng bao giờ “vươn” được. Tới đây, báo chí, nhất là VTV nên khai thác câu chuyện này như là một kinh nghiệm thú vị với những ai muốn “vươn”, chứ không phải là một tài năng trẻ, hay thậm chí là một “tỉ phú đô la tương lai”. Một kinh nghiệm khác cần bàn là trò chơi đã cho chúng ta một suy nghĩ về khả năng “miễn dịch”, biết hành động tỉnh táo mà không bị cuốn hút quá mức trước những kiểu thách thức tai hại tương tự.

Còn cả hai câu chuyện đều thể hiện một tâm thế “làng xã”, trong lúc còn rất thấp kém về mọi mặt, nhưng cứ muốn dựa dẫm vào danh tiếng kẻ khác để ngoi lên, hoặc tự sướng bằng khoe khoang cái gì cũng “nhất”  – to nhất, dài nhất, cao nhất, lạ nhất …

Mời xem:

06:25, 09/02/2014
Cha đẻ game Flappy Bird gặp rắc rối về bản quyền và thuế

VOV.VN -Tiền chưa về tài khoản, song Nguyễn Hà Đông – cha đẻ game Flappy Bird đang trở thành mục tiêu của nhiều rắc rối về thuế và nghi án đạo game khiến anh mệt mỏi và muốn gỡ bỏ game.

Nguyễn Hà Đông-tác giả Flappy Bird đêm qua đã bất ngờ tuyên bố sẽ gỡ trò chơi Flappy Bird khỏi gian ứng dụng của iOS và Android trong vài giờ nữa.

Trên trang Twitter, Nguyễn Hà Đông nói rằng: “Xin lỗi những người chơi Flappy Bird, trong 22 giờ nữa, tôi sẽ gỡ trò chơi Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu nổi nữa”.

Đông cũng khẳng định: “Việc này không liên quan gì đến vấn đề pháp lý. Chỉ đơn thuần là tôi không thể chịu nổi nữa”.

Trước đó, trong những dòng twitte rời rạc, Đông cho biết: “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một game thành công của mình nhưng nó cũng huỷ hoại cuộc sống của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó”.

Thành công bất ngờ từ sự đơn giản
Chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông đang làm cả thế giới kinh ngạc khi Flappy Bird – game đơn giản dành cho điện thoại của anh hiện đang chiếm vị trí số một trên App Store của hệ điều hành iOS và Google Play của hệ điều hành Android với trên 50 triệu lượt tải về, 47.000 lượt nhận xét trên App Store.
Một trò chơi đơn giản nhưng lại phá vỡ mọi dự đoán, mọi xếp hạng thông thường để vươn lên vị trí số 1 về tính phổ biến và làm “điên đảo” cộng đồng game thủ.
Một trò chơi đình đám không đến từ phía các đại gia game thế giới quen thuộc mà lại đến từ một quốc gia khiêm tốn trên bản đồ công nghệ tin học viễn thông.

Tác giả game Flappy Bird đang gây sốt trên toàn cầu – Ảnh: Đan Hạ/Thanh Niên

Nguyễn Hà Đông “bỏ túi” 1 tỷ đồng/ngày như thế nào?

Game Flappy Bird được tải về miễn phí. Tuy nhiên, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ngày mà Đông tiết lộ được chuyên gia cho rằng đây là còn số khiêm tốn để tránh áp lực dư luận. Con số thực có thể gấp đôi.
Cụ thể Nguyễn Hà Đông sử dụng quảng cáo Adsense for Mobile của Google được tích hợp cho cả bản iPhone lẫn Android.  Trả lời trên báo Thanh Niên, Đông xác nhận mỗi một lần quảng cáo xuất hiện và người chơi click vào các banner trên game Flappy Bird, thì Đông được hưởng từ 0,2 đến trên 1 USD.

Giám đốc Công ty ePi Technologies Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc trao đổi với ICTnews cho biết, theo tính toán của ông thì Flappy Bird có doanh thu khiêm tốn cũng phải là 100.000 USD/ngày.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Flappy Bird của Đông đứng số 1 các kho ứng dụng như Apple, Google Play tại Mỹ, Anh,… và CPC (Cost-Per-Click) trung bình thấp của các nước đó là 0,2 USD cho 1 click, chứ không như ở Việt Nam, nhà phát triển (Publisher) chỉ nhận được 1/10 số đó thôi.
Tỷ lệ click trên mobile của banner thường là cao hơn web nhiều, ví dụ trung bình sẽ là 0,8% nhưng cứ cho là mọi người mải chơi game không ai thèm click thì sẽ còn là 0,2%.
Flappy Bird có 50 triệu lượt tải và như thế tính theo tỷ lệ rất thấp thì mỗi ngày Đông có khoảng 25 triệu người dùng kích hoạt chơi game của mình.
Giả sử mỗi bạn chơi game chơi rất khiêm tốn, trung bình mỗi bạn 5 lần/ngày thì sẽ sinh ra khoảng 50 triệu lượt hiển thị cho mỗi quảng cáo.
Đông chạy 2 quảng cáo ở trên và dưới màn hình game, vì thế có thể làm được một phép tính đơn giản về doanh thu anh ấy kiếm được từ game Flappy Bird như sau: 0,2 * 0,2% * 25.000.000 * 5 * 2 = 100.000 USD mỗi ngày.

Rắc rối về vấn đề bản quyền game?
Flappy Bird đang trở thành một hiện tượng đình đám phá vỡ mọi công thức trước đó. Và càng tò mò hơn khi tác giả của nó là một chàng thanh niên 29 tuổi khá kín tiếng. Anh đang trở thành mục tiêu săn đuổi hàng đầu của báo giới trong và ngoài nước và game của anh cũng trở thành mục tiêu săm soi của giới truyền thông và công nghệ.

Kek, với studio phát triển của mình là Zanorg, cho biết đã phát hành một game mang tên Piou Piou trên Android và iOS từ năm 2011. Kek cáo buộc Flappy bird của Nguyễn Hà Đông có lối chơi gần như “y đúc” trò chơi Piou Piou của mình, kèm theo bằng chứng là hình ảnh đăng tải trên trang Pocketgamer.
Trong khi Flappy bird có một chú chim vàng phải bay vượt qua các ống nước, thì Piou Piou cũng có một chú chim vàng nhưng chướng ngại vật là các cây xương rồng-  Ảnh: Pocketgamer.

Trả lời báo chí, Hà Đông cho biết việc lập trình Flappy Bird mất từ 2-3 ngày và anh có sử dụng hình ảnh đồ họa từ một số tựa game khác. Trong đó anh thừa nhận với The Verge rằng đã lấy cảm hứng chú chim Flappy Bird từ nhân vật Cheep Cheep trong game Mario. Và ống khói màu xanh trong game cũng xuất phát từ các trò chơi của Nintendo mà anh chơi từ nhỏ.

Tác giả Erik Kain trong bài viết đăng trên Forbes cho biết: “Không chỉ các ống khói xanh mà cả con chim Flappy Bird gần như đều có nguồn gốc từ siêu phẩm game Mario một thời thuộc quyền sở hữu của Nintendo. Tương tự các hiệu ứng âm thanh và hình nền của Flappy Bird cũng có xuất xứ từ game Mario”.

Hiện tại, dù chưa có văn bản chính thức nào về vụ kiện Flappy Bird nhưng hãng Nintendo cho rằng chi phí bản quyền cho ống khói màu xanh của họ trên Flappy Bird trị giá 6 tỷ USD.

Nhà truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng: Game của Đông sử dụng ít nhất 6 hiệu ứng âm thanh, 2 loại font chữ và nhiều hình ảnh. Tất cả các “nhu liệu” đó đều có thể bị kiện đòi chia sẻ doanh thu nếu Đông không giữ đầy đủ bản quyền thương mại.

Trên thế giới có nhiều công ty được lập ra mà không kinh doanh gì hết. Họ chỉ mua bán bằng sáng chế và đi kiện cáo.

Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng: Nếu tôi là Đông, tôi sẽ xem xét lại thật kỹ các khía cạnh bản quyền và pháp lý của game; tiến hành thay đổi, bổ sung những gì “hở sườn” trước khi để truyền thông vào săm soi mọi thứ.

…lọt mắt xanh của Tổng cục thuế

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho biết, ngay khi chủ nhân game Flappy Bird gây sốt trên mạng, Bộ đã yêu cầu Tổng cục thuế vào cuộc để rà soát.

Trao đổi với báo Thanh Niên, vị lãnh đạo cho rằng, vướng mắc hiện tại là phải xác định xem đơn vị chi trả, tức Tập đoàn Google thông qua chi nhánh nào, ở đâu vì đây là tập đoàn xuyên quốc gia. Nếu rơi vào quốc gia đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, thì theo nguyên tắc không đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập, quốc gia nào cao hơn mới thu được.

“Hiện chúng tôi đang yêu cầu Tổng cục thuế rà soát lại các yếu tố trên đảm bảo thu đúng, thu đủ và công bằng”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định./.

Mỹ Trà/VOV online
Tổng hợp





No comments:

Post a Comment

View My Stats