Thursday, 20 February 2014

CHẤN CHỈNH RỒI CŨNG Y CHANG MUÔN NĂM CŨ (Văn Quang, Sài Gòn)




Văn Quang – Viết từ sài Gòn
VienDongDaily.Com - 15/02/2014

Sau những ngày nghỉ Tết khá dài, người dân Việt đã bắt đầu lao vào cuộc sống thường nhật. Đó là những người lao động thật sự sống bằng công sức của mình, ngày nào có việc làm, có đổ mồ hôi thì có cơm ăn. Còn những ông bà cô cậu công tư chức, hầu như vẫn còn “tà tà” đến sở để chúc tết lần nữa và ăn tân niên. Cuối tháng vẫn có lương thì tội gì không bám vào “ngày rộng tháng dài” để dưỡng sức cho tiêu bớt “thịt mỡ dưa hành” tích tụ lại sau ba ngày Tết.
Cái không khí uể oải ấy kéo dài chưa biết đến bao giờ. Có lẽ phải đến hết “tháng Giêng là tháng ăn chơi.” Năm nay chưa biết nền kinh tế sẽ leo dốc hay xuống dốc, lạm phát sẽ ở con số nào. Không ai có thể dự đoán nổi nền kinh tế này với những khó khăn chồng chất từ năm này kéo sang năm khác. Nó cũng giống như những món nợ xấu của ngân hàng, những vụ án tham nhũng còn đọng lại, thu hồi được bao nhiêu tài sản hay “đồng bạc biết đi,” nó chạy sang nước ngoài hết rồi.
Những ngày đầu năm, các sự kiện được thông tin rầm rộ trên hầu hết các phương tiện truyền thông hầu hết chẳng có gì mới mẻ. Lại những lễ hội lớn nhỏ. Từ Chùa Hương đến các đền chùa Bà Chúa Kho, Chùa Bái Đình, Núi Yên Tử, Hội Lim, Phủ Dầy… từ Nam chí Bắc, có hàng trăm lễ hội. Nếu kể cả lễ hội riêng của địa phương có thể lên đến hàng ngàn. Báo nào cũng la làng, thất kinh vì những cảnh buôn thần bán thánh, báng bổ thần linh, nhét tiền vào các pho tượng, cúng lễ liên miên, khấn thuê vái mướn, cờ bạc trá hình, đủ trò chặt chém khách thập phương, từ việc gửi xe đến chuyện ăn uống, thứ nào cũng đắt gấp ba gấp bốn ngày thường. Thật ra, đây vẫn chỉ là những trò đã có từ “muôn năm cũ.” Năm nào cũng la làng, cũng hứa hẹn “chấn chỉnh” rồi không làm gì cả, mọi chuyện vẫn cứ hồn nhiên diễn ra như xưa, nói không ngoa là còn hơn xưa về mọi mặt.

Mê tín ngày càng nặng
Dường như cái mức độ mê tín cứ ngày một tăng thêm. Không còn biết tin vào cái gì, không tin ở chính mình, người ta tin vào Thần Thánh. Thần tài, thần lộc, thần tình duyên, thần may mắn, ông tổ cờ bạc, bà tổ nhà chứa… Vị nào cũng linh cả.
Ngay cả những vị quan chức, lập trường vững như bàn thạch, sách dạy “duy vật bất duy tâm” thuộc làu làu như cháo chảy, bây giờ lại quay ra tin vào Thần Thánh. Nếu không thì sao lại có hàng loạt xe biển xanh – tức là xe của công sở – nghênh ngang ở mọi lễ hội, mọi đền chùa.
Mặc dù trước Tết đã có lệnh cấm dùng xe công đi lễ chùa, cấm biếu xén quà cáp cho các “sếp.” Năm nào cũng có lệnh cấm, nhưng chẳng năm nào được thi hành, cảnh sát giao thông cũng làm lơ. Còn cái vụ quà cáp biếu xén đều xảy ra trong “tình thân mật” và kín đáo nên chẳng biết năm nay bớt hay tăng bao nhiêu phần trăm?
Chỉ sợ vụ này sẽ “tăng vọt” hơn mọi năm vì năm nay có cái lệnh “tinh giản biên chế,” sẽ có 100,000 ông công chức nhà nước bị “tinh giản.” Nói gọn lại là bắt đầu từ năm nay đến năm 2020, sẽ cho về vườn hàng loạt công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về.” Tất nhiên nhiều ông run, dù anh có tài nhưng lỡ cấp trên… đánh giá lầm thì cũng bị về đuổi gà cho vợ. Phải để cấp trên chú ý đến mình, dù không là tài năng thì cũng là “thân tình.” Tôi sẽ đề cập đến chi tiết cái lệnh này trong phần sau.
Trở lại với lễ hội, các quan ông quan bà, cậu ấm cô chiêu đi xe nhà nước, súng sính dâng mâm lễ vật vài triệu đồng lên các ban thờ với hy vọng năm nay bố sẽ được thăng quan tiến chức, mua thêm vài căn nhà mặt phố, tình duyên sẽ gặp toàn đại gia, Tây hay Ta hay Đại Hàn, Đài Loan đều OK, miễn là có nhà vài trăm tỉ cho em khoe với bà con. Buôn thần bán thánh kiểu này chắc chắn lời gấp trăm lần chơi cổ phiếu và những phi vụ làm ăn khác.

Những chuyện vặt ngàn năm cũ
Quan đã thế thì người dân còn tin vào đâu hơn là bói toán, tướng số, các loại sách tử vi, coi ngày tốt tháng tốt, xem chỉ tay bán đầy ở các cửa chùa, cửa đền. Mang vài chục ngàn gửi Bà Chúa Kho kiếm lời bạc tỉ sướng hơn là gửi tiền ở ngân hàng, lời chưa chắc đã bù lỗ lạm phát, nay không chế lãi suất, mai hạ bớt rồi gửi kiểu gửi cho cô Huyền Như ở Vietinbank lại mất trắng. Thế nên tệ nạn mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh có nói đi nói lại, có “chấn chỉnh” từ năm này qua năm khác cũng “rứa” thôi. Ở các nơi thờ tự chỉ thấy bảng không nên khấn thuê vái thuê mà không thấy bảng cấm đút tiền vào tượng Phật.
Trong khi người ta thành khẩn dúi tiền vào tay Phật, thì lại vô cùng thờ ơ với hàng dài người ăn xin ngồi ngay lối đi vào chùa. Cái nghịch cảnh ấy vô tư diễn ra trước nơi được coi là Thánh Thiện.
Năm nay có cái mới là dân đổi tiền lẻ làm ăn phát đạt hơn mọi năm vì nhà nước không in tiền lẻ. Người đổi tiền đứng hiên ngang cầm tập tiền lẻ đon đả mời chào khách hành hương mua tiền lẻ. Tiền 10,000 đổi lấy 8,000 đồng, thậm chí là 10,000 đổi lấy 5,000 đồng cũng đông khách. Một số người dân thành phố chọn mua tờ 2 đô la để lì xì con cháu cho ra vẻ là gia đình “văn minh văn hóa thời a còng!”
Còn chuyện tàu xe nhồi nhét khách, chiếc xe chỉ có 42 chỗ mà nhét tới 85 người. Rồi tai nạn trong những ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, đã xảy ra 338 tai nạn, làm chết 286 người và bị thương 324 người.
Thực phẩm thì lên giá vù vù, hàng giả, hàng nhái, thịt thối, cá chết, rau bẩn không thể kiểm soát được.
Tóm lại có vô số chuyện “muôn năm cũ” cứ lặp đi lặp lại y chang năm trước, tốn không biết bao nhiêu tỉ đồng vào những trò như thế. Cam đoan với các cụ năm sau sẽ chẳng khác gì năm nay.
Về mặt chi tiêu sinh hoạt của đa số người dân trong những ngày đầu năm nay rất yếu. Bởi dân cạn tiền, siết chặt chi tiêu. Nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đã mở hàng đầu năm. Dù đã có hàng loạt các chương trình khuyến mãi, tặng quà nhưng đều có chung nỗi buồn là sức mua yếu kém. Khi người dân cạn tiền, chi tiêu ít thì doanh nghiệp nào cũng khó có thể tăng trưởng.

Một trăm ngàn công chức sẽ bị… về vườn
Đó là nói theo kiểu người bình dân ngồi khề khà chuyện đầu năm. Đó cũng là “nét mới” đang làm dư luận sôi nổi bàn tán ở mọi nơi mọi chỗ. Nhưng tất nhiên là những ông ngồi quán cà phê, chưa từng có hân hạnh được làm công chức hay làm quan, dù quan lớn hay nhỏ thì mọi phát ngôn chỉ là “tán dóc.” Câu chuyện “nghiêm trọng” nhất là ở các công sở, trong các công ty vốn nhà nước hay nói “túm lại” là những ông bà lâu nay ăn lương nhà nước. Ông nào cũng thấy mình có liên quan đến chính sách này. Từ ông có tài đến ông “dựa hơi” đều lo như nhau. Bởi anh có tài mà cấp trên không ưa thì cũng bị “cho ngươi lui.” Anh dựa hơi, sợ bị đồng chí đồng nghiệp tố cáo chứng nọ tật kia cũng có thể bị về vườn. Thành phần không lo hay tỏ ra không cần lo, là thành phần con ông cháu cha (bây giờ gọi là CCCC – con cháu các cụ). Tuy nhiên, có anh vẫn lo vì chẳng biết cái ghế của các cụ còn vững hay đang lung lay. Cái thời buổi “năm cha ba mẹ” này với những loại thông tin tùm lum chưa biết ngày nào có thằng dân oan nó liều mạng tố cáo là đi đứt.
Tôi xin tóm tắt những ý chính trong cái đề nghị cắt giảm 100 ngàn công chức này.
Theo dự thảo nghị định của chính phủ về chính sách “tinh giản biên chế” mà Bộ Nội Vụ vừa công bố, trong số lượng dự kiến giảm biên chế này có khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

(Xem tiếp kỳ 2 đăng thứ Hai, 17/2/2014)

*

Văn Quang – Viết từ sài Gòn
VienDongDaily.Com - 16/02/2014

Những thành phần nào bị cho về vườn
- Ngoài các trường hợp tinh giản biên chế theo nghị định cũ, gồm những người chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, dự thảo nghị định mới bổ sung một số trường hợp vào đối tượng “cho ra khỏi bộ máy.”

- Đó là những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác.

- Những người hai năm liên tiếp qua phân loại, đánh giá bị xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc hai năm liên tiếp, trong đó có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Như vậy nhằm đưa ra khỏi bộ máy những người năng lực yếu kém.

- Một loại nữa là những người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.

- Thời hạn tinh giản biên chế này được cho là phù hợp với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2014-2020, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ.

- Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự trù mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm, do vậy dự trù kinh phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự trù tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỉ đồng.

Đáng lẽ phải làm lâu rồi
Nói thẳng ra người dân nào cũng thấy sự cắt giảm này là vô cùng cần thiết. Nhà nước hay đúng hơn người dân lao động đầu tắt mặt tối không thể cõng trên lưng một loại người “ăn không ngồi rồi,” sáng xỉa răng chiều gãi ngứa giữa cơ quan.

Có phải bây giờ nhà nước mới nhận ra cái gánh nặng cực kỳ tai hại và vô cùng chướng tai gai mắt này không? Thật ra chuyện này chẳng có gì mới. Cái tin 30% công chức “sáng cắp ô đi” đã có từ lâu rồi. Ai cũng biết, nhà nước cũng biết nhưng… chưa làm gì cả thôi. Bây giờ mới làm là… hơi bị muộn. (Nói theo kiểu người Hà Nội có nghĩa là quá muộn). Nhưng (lại nói theo “sách vở”) muộn còn hơn không.

Bạn Hữu Trần viết trên VNNet:

Đúng ra phải làm lâu rồi chứ còn nói gì nữa. Làm sao mà không còn tình trạng công chức đi uống cà phê buổi sáng tới 9h, buổi chiều tới 14h mới vào làm việc và công việc cho họ làm liên tục là được. Chứ còn hiện nay làm thì ít mà chơi thì nhiều, không giảm biên chế mau mau thì để ở đó làm gì cho loạn tổ chức
Ông nào lo hơn?
Ngay sau khi cái “dự thảo nghị định” này đưa ra đúng vào dịp giáp Tết Nguyên Đán khiến nhiều ông nhiều bà, nhiều gia đình công chức ăn tết mất ngon hoặc ít nhất làm những chuyến du lịch, du hí không còn trọn vẹn hào hứng như mấy năm trước.

Có thể thấy nguồn dư luận chính là sự lo ngại về việc đánh giá ông công chức nào làm được việc, ông nào đáng bị cho nghỉ việc. Sự đánh giá sẽ vô cùng khó khăn. Con người VN vốn giàu tình cảm ngay cả trong công việc, thế nên “tài” và “tình” là hai thứ không thể đi song song khi thật sự muốn đánh giá một người khác. Phải tách bạch ra đó là hai thứ riêng biệt. Liệu có mấy ai học được người xưa “việc quan anh cứ luật công anh làm.”

Có độc giả nói “Tuyển vào ồ ạt, giờ lại tìm cách cho ra,” đề nghị đầu tiên là giải quyết những đối tượng tuyển dụng sai.

Nói như độc giả Bùi Đán, câu chuyện công chức nơi thừa nơi thiếu vẫn là đề tài “biết rồi khổ lắm nói mãi.” Thừa công chức “cắp ô,” thiếu người làm việc. Giảm ai và ai giảm khi con ông cháu cha, phe cánh và “chạy” khi thi tuyển vẫn đang yên vị.

Độc giả Hùng Nhân lại lo, làm không khéo thì đến năm 2020 khi giảm được 100,000 công chức, lại có 100,000 con ông cháu cha sẽ được nhận vào làm công chức!

Đồng quan điểm với Bùi Đán, độc giả Phạm Thị Xuân Khải nhận định, việc tinh giản biên chế không khó đến nỗi không thể làm được. “Vấn đề là có quyết tâm làm hay không, nói nhiều làm ít làm sao dân tin khi mà 32 người dân còng lưng nuôi 1 công chức, trong đó có bao nhiêu người sáng cắp ô đi tối cắp về.”

Lại còn những ông, những bà lâu nay không là công chức nhưng lại được cái may mắn là làm ở các công ty vốn nhà nước. Không là công chức mà đôi khi còn “cha chú” hơn cả công chức. Tiền nhà nước, mặc sức tung hoành, có lỗ thì dân chịu, từ quan đến lính cứ bình chân như vại, cứ lương thưởng hậu hĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Năm nay nhiều công ty nhà nước sẽ cổ phần hóa, rút vốn hoặc đóng cửa, thế là hụt giò. Các ông này lo hơn cả vì chắc chắn tinh giản sẽ thất nghiệp. Ngoại trừ khi là CCCC, hoặc chạy chọt ngay từ bây giờ, tìm chỗ “lui binh” về “ăn ké” ở một cơ quan nào đó, làm tạm chân coi kho, bảo vệ hay bưng bê cũng được, cho có đất dung thân.

Công chức toàn là có ‘phả hệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ’
Trong dư luận xã hội đã đề cập đến cách tuyển dụng theo tổng kết dân gian là căn cứ vào “phả hệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ, trí tuệ....” Với cách tuyển dụng công chức như thế thì việc “thải” họ ra sẽ vô cùng khó khăn. Phả hệ gồm cả lý lịch ba đời, những liên quan họ hàng chằng chịt phải “sạch,” như kiểu con vua thì lại làm vua, con anh sãi chùa lại quét lá đa. Dù anh có tài mà “phả hệ không tốt” vẫn không bao giờ được tuyển. Chỉ những anh chi tiền chạy chọt, quan hệ họ hàng, chủ tớ với các quan to mới đủ điều kiện vào làm công chức. Còn trí tuệ chỉ là thứ đứng hàng chót. Như thế thì thử hỏi việc tinh giản liệu có thành công không?

Nhiều độc giả tính nhẩm có thể giảm gấp đôi con số 100 ngàn công chức nếu giảm luôn ở các “ban bệ” linh tinh khác, như các tổ chức chính trị, đoàn thể (cũng ăn lương biên chế): Con số thực sự là bao nhiêu?

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn đã nói với báo chí: Việc tinh giản biên chế được thực hiện đồng thời trong các cơ quan của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội từ trung ương đến địa phương, cấp xã và trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cán bộ cấp xã? Việt Nam có 11,148 xã, phường. Theo một số báo chí, biên chế xã, phường có khoảng 257,000 (theo thống kê của Một Thế Giới, ngày 7-2-2014).

Từ những con số thống kê nói trên sẽ cho thấy rất rõ, liệu có thể thực sự tinh giản được hết không? Và tinh giản bao nhiêu cho đủ?

Bộ Nội Vụ cần mạnh dạn đi sâu phân tích tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến biên chế ngày càng phình ra như “u bướu ung thư,” để chữa cái đang xảy ra, đồng thời chữa cái nguyên nhân tạo ra u bướu thì mới thực hiện nổi ý định ban đầu là giảm 100,000 biên chế (mặc dù nếu đi sâu phân tích thống kê thì con số này chỉ như muối bỏ biển).

‘Không cúi không quỳ’ sẽ bị sa thải
Nhắc đến chuyện người có tâm và người có tầm (có tài), không ít độc giả lo sức ép tinh giản biên chế có thể dẫn đến những “biểu hiện tiêu cực” trong khi thực hiện. Nói rõ hơn là sẽ phát sinh chuyện chạy chọt, người có quyền quyết định sẽ giàu lên nhanh chóng.
Do hiện tượng bè phái, nhóm lợi ích, nhóm gia đình trong cơ quan hành chính mà không ít cán bộ có trình độ bị bố trí ít việc, việc vớ vẩn hoặc sai chuyên môn.... Liệu họ có vì thế mà trở thành đối tượng cho về hưu non?

Độc giả Nguyen Anh lại nghĩ: Nhiều cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, làm việc không hiệu quả, nhưng đến cuối năm vì bệnh thành tích nên họ vẫn được bầu là lao động xuất sắc, là chiến sĩ thi đua - những người như thế có bao giờ bị tinh giản được.

Nhìn vào thực tế bộ máy, độc giả độc giả Hoàng Văn lo những người có trình độ, tài giỏi, thẳng thắn, không luồn lách, “không cúi không quỳ” sẽ bị sa thải.

Độc giả Cố Nhân bi quan hơn khi dự liệu sẽ có “một trận chạy,” làm cho những người có quyền quyết định sẽ “giàu lên.”

Nếu để tình trạng đó xảy ra, sau tinh giản biên chế số lượng còn lại vẫn không đáp ứng về năng lực, không hoàn thành được nhiệm vụ để rồi lại phải tuyển mới vào nhiều hơn, độc giả Thien Doan cảnh báo về cái vòng luẩn quẩn của bộ máy hành chính.

Bạn Nguyen Dung vẽ ra một hình ảnh cụ thể thực tế hơn ở một công sở: Thủ trưởng gọi nhân viên, “Nầy nhé, chính sách giảm biên chế cơ quan kỳ nầy ban lãnh đạo có ý kiến đề cập đến chú đấy nhé!” Nhân viên biết điều thì ...!!! Như thế thì các Sếp tha hồ chọn lựa người ở lại .

Do đó, “quan trọng nhất là phải minh bạch và người có quyền không được vụ lợi” - như độc giả Thanh Mai nhấn mạnh, nếu không, đây sẽ chỉ là một chương trình “đầu voi đuôi chuột.” Trong “trận chiến tấn công vào biên chế” còn vô số chuyện để bàn.

Người dân tự hỏi lần này ai thắng, ai thua? Phe CCCC thắng thì kể như mọi chuyện huề cả làng. Đừng để dự thảo nghị định thành một thứ chuyện dù có “chấn chỉnh” nhưng rồi vẫn y chang muôn năm cũ!

Văn Quang
(14-2-2014)


No comments:

Post a Comment

View My Stats