Wednesday 5 February 2014

BẾ TẮC CHÍNH TRỊ Ở THÁI LAN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, February 04, 2014 6:25:05 PM

Những người chưa bao giờ sống trong một chế độ dân chủ nhìn vào nước Thái Lan trong ba tháng qua không hiểu tại sao người Thái đang làm gì với nền dân chủ của họ. Một đảng chính trị, tên là Dân Chủ, đã tổ chức biểu tình đòi Thủ Tướng Yingluck Shinawatra từ chức từ Tháng Mười đến nay. Có lúc họ tổ chức biểu tình đông tới 150,000 người; tuyên bố có thể làm thủ đô tê liệt. Khi hàng chục người chết, bà Yingluck đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vùng thủ đô Bangkok.

Sau đó, bà giải tán Quốc Hội và chính phủ, theo Hiến Pháp bà chỉ đóng vai thủ tướng xử lý thường vụ, để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Nhưng đảng Dân Chủ tẩy chay không tham dự cuộc bầu cử này, mà nếu tham dự họ sẽ không chiếm được đa số ghế trong Quốc Hội.

Ngày Chủ Nhật vừa qua, dân Thái đã bỏ phiếu, nhưng cơn khủng hoảng chưa chấm dứt. Vì theo Hiến Pháp Thái Lan, Quốc Hội không thể được triệu tập nếu không có đủ 475 trong số 500 vị dân biểu. Mà vì đảng Dân Chủ tẩy chay cho nên dân chúng ở nhiều đơn vị bầu cử hiện vẫn chưa thể bỏ phiếu, có tới hơn 50 đơn vị chưa có đại biểu. Ủy ban Tổ chức Bầu cử, một cơ quan độc lập với chính phủ, chưa cho biết bao giờ sẽ tổ chức bỏ phiếu lại ở những nơi còn chưa bầu người đại diện. Mà chắc nếu bỏ phiếu lại, cũng khó tránh khỏi một cuộc vận động tẩy chay khác, có thể đưa tới bạo động. Ðảng Dân Chủ còn đang kiện trước tòa án, tố cáo cuộc bầu cử sai Hiến Pháp.

Nhìn từ bên ngoài, người ta không hiểu tại sao dân Thái Lan lại tự gây bế tắc trong cơ cấu chính trị của họ như vậy. Nhiều người có thể mất tin tưởng cả vào thể chế dân chủ nói chung. Nếu hỏi người dân Thái Lan xem họ có muốn từ bỏ thể chế tự do dân chủ mà họ đang sống, đổi sang sống dưới một chính quyền độc tài như ở Miến Ðiện, Việt Nam, hay Campuchia hay không, thì chắc chắn 99% sẽ nói không! Ngược lại, dân chúng Việt Nam, Miến Ðiện và Campuchia đều biết rằng dân Thái Lan giầu có hơn họ là nhờ đã sống dưới chế độ có dân chủ, có tự do, nhờ thế kinh tế phồn thịnh hơn lân bang. Vậy tại sao nền dân chủ ở Thái Lan lại đi vào cảnh tắc nghẽn như hiện nay? Chúng ta cần tìm hiểu về hiện tượng này.

Trước hết, những mâu thuẫn gây ra tình trạng bế tắc hiện nay bắt đầu từ hàng chục năm trước. Năm 2001, ông Thaksin Shinawatra lên làm thủ tướng sau khi đảng của ông thắng lớn trong một cuộc bầu cử tự do đầu tiên, từ khi áp dụng bản Hiến Pháp năm 1997. Khi cầm quyền, ông Thaksin đưa ra nhiều chính sách nâng đỡ nông dân. Các ngân hàng của chính phủ tha nợ cho nông dân trong ba năm, bảo đảm quyền được khám bệnh ở nông thôn, với chi phí tối đa một đô la Mỹ một lần đi bác sĩ, và cấp học bổng cho hoc sinh, sinh viên nghèo. Nhưng chính quyền Thaksin bị mang tiếng tham nhũng, chính vợ chồng ông thủ tướng, vốn trong số những nhà kinh doanh giầu nhất nước, bị tố cáo che giấu tài sản, lạm dụng quyền hành để ưu đãi các công ty thuộc gia đình mình, xếp đặt cho bà Thaksin mua đất công với giá rẻ, vân vân. Vụ lạm dụng lớn nhất là bán cổ phần công ty Shin Corporation của gia đình cho Temasek Holdings của người Singapore, để hưởng lợi gần hai tỷ đô la Mỹ vì không phải đóng thuế. Khi ra tòa bị hỏi về việc sang tên nhiều cổ phần của công ty Shin cho cả tài xế và cô người làm hầu hẹ trong nhà, mà những người này không hề biết, ông Thaksin trả lời đó chỉ là lầm lẫn về kế toán!

Năm 2005, đảng của ông Thaksin lại đắc cử vẻ vang, nhưng các lời tố cáo tham nhũng cũng tăng lên, và sau cùng ông bị tố cáo tội bất kính với nhà vua Bhumibol, vốn là một biểu tượng được dân Thái kính trọng. Năm 2006, quân đội đảo chính, ông Thaksin phải lưu vong. Sau đó, ông bị đưa ra tòa về tội tham nhũng, bị kết án, ông không thể trở về nước vì sẽ bị bắt vào tù. Nhưng ông Thaksin, dù sống ở xứ Dubai, vùng Vịnh Á Rập, vẫn điều khiển các đàn em chính trị của ông ở trong nước. Năm 2008, đảng của ông lại thắng lớn trong cuộc bầu cử. Năm 2011, người em gái của ông trở thành lãnh tụ đảng, và bà Yingluck Shinawatra làm thủ tướng từ đó tới nay. Có lời tố cáo ông chuyển hàng tỷ Mỹ kim về nước, qua các mạng lưới rửa tiền, để vận động chính trị tìm đường trở về.

Hành động phản đối bà Yingluck Shinawatra đầu tiên diễn ra năm ngoái, khi bà đề nghị một dự luật Ân Xá toàn diện cho các nhà chính trị trong thời gian quân đội đảo chính và cầm quyền. Phe đối lập tố cáo mục đích của dự luật này chỉ là ân xá cho ông Thaksin, để ông được về nước hoạt động chính trị trở lại. Cuối cùng dự luật không thành, nhưng phong trào phản đối tăng cường độ, mà mục tiêu chính là gia đình cựu Thủ Tướng Thaksin.

Nhưng cuộc tranh chấp đang diễn ra ở Thái Lan có nguồn gốc chính trị sâu xa hơn cá nhân ông Thaksin và gia đình của ông.

Tại Thái Lan đang diễn ra cuộc tranh chấp chính trị giữa hai khối dân đông đúc. Những người ủng hộ gia đình và đảng của ông Thaksin tập trung ở nông thôn, tại phía Bắc và cả vùng Ðông Bắc Thái Lan, nơi tiếp giáp với Lào. Những người chống gia đình ông Thaksin tập trung ở phía Nam, đặc biệt là tại thủ đô Bangkok. Hai khối cử tri, nông dân ở phía Bắc và dân trung lưu thành phố ở phía Nam, có những quyền lợi và khát vọng chính trị khác nhau.

Khi nhìn vào bản đồ những đơn vị bầu cử bị tẩy chay không thể tổ chức bỏ phiếu, chúng ta thấy rõ cảnh chia rẽ này. Những nơi hiện chưa có đại biểu Quốc Hội đều ở thủ đô, ở các thành phố lớn phía Nam, và các miền ven biển. Những nơi đã bầu được đại biểu và đảng cầm quyền thắng lớn đều nằm ở 65 tỉnh trong hai vùng nông thôn phía Bắc.

Nông dân và dân trung lưu thành thị có những khát vọng khác nhau. Ðối với đa số nông dân, họ không quan tâm đến nạn tham nhũng mà gia đình ông Thaksin bị tố giác. Ngược lại, họ biết ơn ông đã nâng đỡ nông dân, từ y tế, giáo dục, vay tiền ngân hàng dễ dàng, đến việc đặt mua thóc gạo với giá cao, cất vào kho nhà nước. Lòng trung thành chính trị của nông dân nặng về tình cảm, cho nên còn mang dấu vết của thời phong kiến; qua những liên hệ “thầy, trò,” hoặc “chủ, tớ” chứ không dựa trên những suy nghĩ, lý luận về kinh tế và chính trị.

Những người chống gia đình Thaksin mạnh nhất là dân thành phố, đặc biệt là tại thủ đô. Ðó là giới có học, hiểu biết về chế độ tự do dân chủ, và chống tham nhũng cũng như chống độc tài. Một vấn đề kinh tế mà giới trung lưu ở thành phố quan tâm là chính quyền của ông Thaksin và bà em Yungluck đã dùng công quỹ để “mua phiếu” của nông dân, qua các chương trình xã hội và kinh tế của họ.
Vụ mua thóc gạo của nông dân đang bị Ủy ban Chống Tham nhũng điều tra vì những tố giác có nhũng lạm của công. Từ Tháng Mười năm 2011, chính phủ Yungluck đã chi ra 670 tỷ đồng Bạt, khoảng 20 tỷ đô la mua gạo của nông dân, đại đa số ở miền Bắc; mà giá mua cao hơn giá thị trường thóc gạo quốc tế. Hiện trong kho lẫm của nhà nước còn chứa 15 triệu tấn gạo không bán được, vì giá gạo trên thế giới đã xuống thấp. Ðầu tuần này, một công ty Trung Quốc đã xóa bỏ hợp đồng không nhận hơn một triệu tấn gạo đã đặt mua từ Tháng Mười năm ngoái. Họ nêu lý do là cả chương trình mua gạo của chính phủ Thái đang bị điều tra nên họ không muốn dính vào. Hai vị bộ trưởng và hàng chục nhân viên trong chính phủ của bà Yungluck đang bị điều tra về nhũng lạm trong chương trình mua gạo này.
Ðối với dân thành phố thì một chương trình trên giá thị trường như vậy là một thủ đoạn “mua phiếu” của chính quyền Yungluck. Mà chính quyền lại dùng tiền công quỹ, do người dân đóng thuế, để “mua phiếu” cho phe đảng mình. Hơn nữa, nhưng người đóng nhiều thuế nhất chính là dân trung lưu ở thành thị và ở các vùng công nghiệp, những nơi đó là đầu tầu tạo ra cảnh tượng kinh tế phát triển từ mấy chục năm nay. Cho nên chính sách nâng đỡ nông thôn của ông Thaksin và bà Yungluck có thể coi là một hành động “tái phân phối” lợi tức từ dân thành phố chuyển về cho nông thôn; mà mục tiêu là mua lòng trung thành của nông dân cho gia đình Thaksin và thủ túc của họ.

Ông Thaksin là một nhà chính trị khôn ngoan, nhìn thấy một khoảng trống chính trị ở nông thôn mà ông đã biết chính mình có thể lấp đầy khoảng trống đó bằng tiền công quỹ. Các chính quyền trước tại Thái Lan, và các nhà chính trị trong các đảng phái cũ đã bỏ rơi nông thôn, nay họ đang chịu hậu quả.
Cảnh bế tắc chính trị ở Bangkok sẽ còn tiếp tục cho đến khi những người lãnh đạo từ hai phía thỏa hiệp được với nhau để sửa đổi bản Hiến Pháp đang thi hành. Hiện cả chính quyền lẫn phe đối lập đều nói đến nhu cầu sửa Hiến Pháp, nhưng họ chưa đồng ý về thể thức việc sửa đổi cũng như những nội dung cần sửa. Ðảng cầm quyền có thể nhượng bộ bằng cách thay đổi giới lãnh đạo của đảng, tách ra khỏi ảnh hưởng của gia đình ông Thaksin đã quá nhiều tai tiếng. Ðảng đối lập có thể nhượng bộ bằng hành động chấp nhận kết quả cuộc bầu cử, dù họ sẽ không chiếm được đa số. Một vấn đề mà bà Thủ Tướng Yungluck sắp phải đối phó là số tiền nợ khi mua thóc gạo của nông dân từ Tháng Mười năm ngoái, nay vẫn chưa trả. Nếu không kiếm được 4 tỷ Mỹ kim để trả nợ mua gạo thì chính các nông dân sẽ kéo nhau về thủ đô gia nhập đoàn biểu tình chống chính phủ. Trong khi đó, Bà Yingluck không thể đưa ra một quyết định nào quan trọng, vì bà chỉ đóng vai xử lý thường vụ. Một quyết định cần thiết là tìm đâu ra bốn tỷ Mỹ kim trả nợ cho nhà nông bán gạo.


Bài trước :

Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, January 22, 2014 4:26:59 PM


No comments:

Post a Comment

View My Stats