Wednesday, 5 February 2014

BA LAN : TẾT "ĐA NGUYÊN" CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT (Mạc Việt Hồng - danchimviet.info)




06:40:am 04/02/14

Có lẽ chưa có năm nào, cộng đồng người Việt ở Ba Lan có một cái Tết phong phú, đa dạng như năm nay. Nhiều tổ chức cộng đồng với những tiêu chí khác nhau, thậm chí khuynh hướng chính trị khác nhau cùng đứng ra tổ chức những buổi giao lưu đón xuân Giáp Ngọ.

Đầu tiên, đã thành thông lệ hàng năm, là Tết do Đại sứ quán Việt Nam kết hợp một một số hội đoàn tổ chức, với đầy đủ các nghi lễ chúc Tết của đại sứ, lễ cầu an của nhà chùa. Vé vào cửa được bán với giá 80 zl (gần 20 Euros) và phải đăng ký trước, cỗ bàn do nhà hàng Vân Bình đảm trách với đầy đủ các món ăn dân tộc truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.

Cỗ của nhà hàng Vân Bình. Ảnh MVH

Thứ đến là Tết ở Raszyn do chi hội Người Việt tại đây tổ chức dưới sự bảo trợ của quận, được vào cửa tự do. Mặc dù là một hội đoàn non trẻ, nhưng đây là lần thứ 2 chi hội Raszyn tổ chức Tết cộng đồng.

Raszyn là một địa danh nằm ở ngoại vi Warszawa, nơi có trên một  trăm gia đình người Việt sinh sống và rất nhiều trẻ em Việt Nam theo học ở các trường trong khu vực. Hội người Việt ở đây đã tạo dựng được mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương và nhận được sự ủng hộ trong nhiều hoạt động văn hóa xã hội.

Các bé Việt Nam trong Tết ở Raszyn. Ảnh FB Nguyễn Minh Thành

Nhưng đáng kể nhất là sự góp mặt của một nhóm tổ chức khác, và chính họ tạo nên sự khác biệt trong hoạt động đón xuân Giáp Ngọ của cộng đồng người Việt.

Tết ở trụ sở Wyborcza - cũng chính là trụ sở của tập đoàn truyền thông Agora - do Hội tự do Ngôn luận Ba Lan (SWS) với sự bảo trợ của Gazeta Wyborcza và Amnesty tổ chức. Có thể nói, trong làng báo chí Ba Lan, đây là tờ báo ủng hộ nhiệt thành nhất cho các hoạt động đối lập của người Việt trong nhiều năm qua. Festival được Wyborcza thông báo trên trang chính, vào cử tự do.

Tết của thế hệ thứ 2

Có lẽ điều đầu tiên khác biệt ở đây là sự góp mặt đông đảo của thế hệ trẻ, thế hệ thứ 2 và thứ 3 sinh trưởng ở Ba Lan. Nếu các buổi tổ chức Tết nói riêng và sinh hoạt cộng đồng nói chung từ trước tới nay đều được cầm chịch bởi thế hệ thứ nhất, với tư tưởng ít nhiều chịu ảnh hưởng của chế độ trong nước, thì đây là một sinh hoạt cởi mở, tự do, không ràng buộc và là sân chơi cho các thế hệ tiếp theo.

Nét khác biệt có thể nhận thấy từ những người tổ chức, Tôn Vân Anh, Nguyễn Thái Linh, những gương mặt của thế hệ di dân thứ 2, hay ít nhất đó là thế hệ 1,5 như cách mà báo chí đôi khi nhắc tới.

Chính sự khác biệt này làm cho festival Tết ở đây thoát khỏi các bài diễn văn, bài phát biểu dài dòng của các quan chức, thoát khỏi sự “kính thưa” một lô xích xông các ông bà, các chức sắc cộng đồng hay quan chức địa phương có mặt. Và khán giả cũng không phải nghe những bài hát kiểu ‘ôn nghèo kể khổ’ như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, hay “Cô gái mở đường”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” như nó vẫn diễn ra đâu đó trong một số buổi lễ lạt cộng đồng.

Và kế tiếp là các tiết mục văn nghệ với sự chiếm lĩnh gần như trọn vẹn của những thanh nhiếu niên và các bé sinh ra ở Ba Lan. Có chữ “gần như” bởi một tiết mục quan họ duy nhất do ca sĩ cộng đồng Nguyễn Hồng Hoa biểu diễn. Phần còn lại, như vở kịch “Những con rồng nhỏ“, các bài hát, hòa tấu, hip hop.v.v. đều được thế hệ thứ 2 thể hiện một cách hết sức tự nhiên và vui nhộn. Nhiều người đã lên sân khấu biểu diễn dù tiết mục không đăng ký trước với nhóm tổ chức.

Buổi tiệc âm nhạc có sự góp mặt của ban nhạc họ Trương (các con và các cháu của anh Trương Anh Tuấn – một cựu du sinh theo học ở Ba Lan từ thập niên 1970) với phong cách biểu diễn rất chuyên nghiệp.

Và cuối cùng là 2 phim ngắn, phim truyện “Hanoi- Warszawa” và phim tài liệu “Những người Việt Nam”. Khán giả cũng được dịp giao lưu với diễn viên chính của phim, Mai Thu Hà, trong phim “Hanoi- Warszawa” và Tôn Vân Anh – người đạo diễn phim tài liệu thứ 2.

Cũng trong khuôn viên festival có 2 triển lãm nhỏ liên quan tới cộng đồng người Việt. Đó là triển lãm ảnh “Những bông sen nhỏ” của nhiếp ảnh gia  Andrzej Marat và triển lãm tranh do 2 bé Việt Nam Nguyễn Nhật Anh và Nguyễn Lan Vy vẽ. Nhiều tác phẩm của các em đã đoạt giải trong các cuộc tranh tài tại Ba Lan.

Tiệc đứng Tết ở Wyborcza

Ẩm thực được tài trợ bởi nhà hàng Zen Thai và Smak Azji với một số món ăn truyền thống . Ngoài ra, ban tổ chức cũng nhận được sự tài trợ của Solitax, văn phòng luật sư Hoa Dessoulavy Sliwińska…

Về phía truyền thông, có sự góp mặt của TVP với một số phỏng vấn tại chỗ và Gazeta Wyborcza. Những người tổ chức cho biết, nhiều tổ chức người nước ngoài và đại diện của Ủy ban thành phố Warszawa cũng tới dự.

Nguyễn Thái Linh trả lời phỏng vấn của truyền hình Ba Lan TVP.

Văn hóa và một chút chính trị
Tết là hoạt động văn hóa. Đó là điều không tranh cãi và cũng là tiêu chí của những người tổ chức. Nhưng sự góp mặt của một vài nhân vật nhạy cảm trong vai trò chủ chốt đã khiến cho dường như có một sự ngầm tẩy chay, một sự rỉ tai của vài vị chức sắc và những tờ quảng cáo dán trong một trung tâm thương mại nọ đã lẳng lặng bị gỡ bỏ.

Nhưng con số khoảng 200 người có mặt đã vượt cả sự mong đợi của nhóm tổ chức, bất chấp thời tiết rất giá lạnh và địa điểm không phải dễ tìm, dễ đến với nhiều người.

Bên cạnh những hoạt động văn hóa và ẩm thực kể trên, có một nhóm vận động của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), với một chiếc bàn nhỏ bên ngoài phòng chiếu phim. Trên đó, người ta có thể thấy những tài liệu liên quan tới tù nhân lương tâm Việt Nam, đặc biệt là 3 nhân vật Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương; thấy một số hình ảnh của những người đang bị cầm tù. Ba bạn trẻ bị án tù vì những hoạt động theo mô hình công đoàn độc lập với hy vọng khởi xướng một phong trào công nhân như ở Ba Lan trong thập niên 80s. Các bạn đã vào tù khi tuổi đời rất trẻ và bản án rất nặng, tổng cộng 23 năm tù giam.

Amnesty vận động một chiến dịch viết thư cho Hạnh, gửi tới nhà tù, nơi cô đang bị giam giữ. Chiếc bàn của Amnesty luôn đông người, với những lá thư được viết bằng các thứ tiếng khác nhau, từ những người thậm chí lần đầu tiên nghe nói tới vụ việc của cô. Amnesty nói, họ sẽ gửi những bức thư này tới Hạnh để bày tỏ sự ủng hộ với cô cũng như các tù nhân lương tâm khác.

Hoạt động của Amnesty chiếm một góc nhỏ trong chương trình festival Tết và là hoạt động dân sự bình thường trong một xã hội dân chủ, bất kỳ ai cũng có thể tham gia, hoặc không. Đã không có ai bị cưỡng ép vào các hoạt động chính trị như một lời đồn thổi nào đó trong cộng đồng.

Hy vọng, với thành công này, kể từ năm tới, người Việt ở Ba Lan sẽ có thêm một sân chơi khác làm phong phú thêm đời sống văn hóa, chính trị của cộng đồng.

Một vài hình ảnh khác trong Tết ở Wyborcza:

Kịch “Những con rồng nhỏ”. Ảnh MVH

Nguyễn Hồng Hoa với bài quan họ. Ảnh MVH

Một trong các tiết mục với sự góp mặt của gia đình họ Trương. Ảnh MVH

Tuấn Anh với 2 bài hát tiếng Anh. Ảnh MVH

Trung Phạm cùng các bạn diễn. Ảnh MVH

Magdalena Ho và bạn diễn. Ảnh MVH

Góc chính trị của Amnesty luôn đông đúc

Góc cắt xếp giấy dành cho thiếu nhi với sự trợ giúp của các nhà sư phạm. Ảnh MVH

Một góc vui chơi khác của các bé. Ảnh MVH

Hai họa sĩ nhí Nhật Anh và Lan Vy đứng trước các tác phẩm triển lãm. Ảnh Thái Linh

Diễn giải về ẩm thực. Ảnh MVH

Các thành viên ban nhạc. Ảnh Andrian Rux

Một bản nhạc. Ảnh Andrian Rux


© Đàn Chim Việt



No comments:

Post a Comment

View My Stats