Thursday, 20 February 2014

50 NĂM TỔNG HỘI SINH VIÊN TẠI PARIS (Tường An - RFA)




Tường An, thông tín viên RFA
2014-02-19

Ngày 16 tháng 2 vừa qua, tại thành phố Massy, Tổng hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã tổ chức  lễ kỷ niệm 50 năm hoạt động lồng trong Hội chợ Tết Giáp Ngọ.

Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Paris (Association Générale des Etudiants Vietnamiens de Paris-AGEVP) được thành lập năm 1964 được coi là một tổ chức lâu đời nhất của người Việt ở hải ngoại. Nhìn lại chặng đường 50 năm của Tổng Hội, trong diễn văn khai mạc Hội chợ Tết  2014, ông Đặng Quốc Nam, đương kim chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris chia sẻ những ưu, khuyết điểm trong thời gian qua :
“Tết Giáp Ngọ đánh dấu thời điểm đặc biệt: Tổng Hội bước vào năm thứ 50 ! Nhìn lại quảng đời đã qua, điểm lại quá trình hoạt động của mình không phải để tự mãn, ngược lại với những sinh hoạt khá phong phú, sai lầm có lẽ không tránh khỏi, thiếu sót đương nhiên có nhiều, vụng về có lẽ không thiếu thì 50 năm cũng là cơ hội để chúng tôi gửi lời tạ lỗi đến quý vị cho những yếu kém của mình.
50 năm cũng là một thời điểm quý giá để chúng tôi tái khẳng định một điều: Những thế hệ đã và đang tiếp nối nhau xây dựng Tổng hội bao gồm những đứa con hăng say và nhiệt tình với đất nước, họ đều là những con người dũng cảm và lương thiện: Lương thiện để có thể phân biệt cái sai và cái đúng, dũng cảm để nói lên những gì mình cho là đúng. Đấu tranh cho Tự do, bảo tồn văn hoá, xây dựng tương lai; Dựa vào phương châm nền tảng này , nhờ vậy Tổng Hội không thể đánh mất căn cước của mình.”

Kế thừa Tổng Hội sinh viên tại Pháp (thành lập năm 1960) Tổng Hội sinh viên Việt Nam tại Paris, được thành lập năm 1964 để đáp ứng với nhu cầu đấu tranh lúc đó. Cho đến nay đã Tổng Hội Sinh Viên đã tròn 50 tuổi, một chặng đường không ngừng nghĩ để bảo tồn văn hoá cho thế hệ trẻ và đấu tranh cho Tự do và Dân chủ của Việt Nam, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris (THSV) được coi là một trong những hội đoàn có uy tín và vững mạnh nhất trong các hội đoàn đang sinh hoạt tại Paris và vùng phụ cận.

Ngoài những sinh hoạt đặc biệt, hàng năm, THSV có 4 sinh hoạt chính :

-       Tết Nguyên Đán : Còn được gọi bằng cái tên thân mật : « Tết Tổng Hội », Hội chợ Tết của THSV luôn luôn là nơi quy tụ nhiều khách tham dự nhất trong các sinh hoạt Tết hàng năm của cộng đồng Việt Nam tại Pháp.

-       Tết Trung Thu cho trẻ em.

-       Ngày Thể thao cho Thanh thiếu nhiên thường được tổ chức vào tháng 6 mỗi năm.

-       Trại hè Lạc Hồng: cho mọi lứa tuổi.

Trong khuôn khổ bảo tồn văn hoá Việt Nam cho giới trẻ, THSV đã tổ chức những buổi dạy “ Nói tiếng Việt”, bên cạnh đó cũng có những lớp dạy luyện thi, thể thao, gia chánh, nhạc khí.v.v… trong đó, văn nghệ là một mặt mạnh của sinh hoạt Tổng Hội. Ngoài ra, Tờ Nhân Bản của THSV cũng góp phần đưa thông tin của THSV và xã hội Pháp đến với mọi người.

Tết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris 2014. Photo by Tường An/RFA

Với hơn 200 thành viên, THSV là một tổ chức quy tụ nhiều người trẻ và có những sinh hoạt liên tục, đặt trọng tâm vào mặt văn hoá, giáo dục. Anh Hiền, 26 tuổi cho biết lý do anh tham gia vào Tổng hội:
“Đa số, những đứa sanh ở bên đây giống như con thì nói tiếng Việt không chạy lắm, chỉ biết nói một chút như “ăn phở, ăn cơm” cũng không chạy lắm, con thấy cũng hơi uổng. Trong nền văn hoá Việt Nam thì biết nói tiếng Việt cũng là một trong những điểm quan trọng nhất làm cho cộng đồng người Việt bên Pháp mạnh. Con thấy đó là điều) quan trọng và con thấy cũng có nhu cầu nữa. Nhiều trẻ em tới hỏi có lớp học tiếng Việt không ? Con phải nói đó là điều làm cho con tham gia THSV gần 5 năm rồi”.

Với một lập trường chính trị rõ ràng, năm 1968, THSV là đoàn thể đầu tiên kêu gọi các cộng đồng tại Âu châu  tích cực hậu thuẫn cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà trong hoà đàm Paris.

Năm 1973, tổ chức trại hè Nối vòng Tay lớn, đưa sinh viên du học về Việt Nam kết hợp với thanh niên trong nước tham gia cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, THSV đã cùng với hàng ngàn người chít khăn tang trắng khóc giữa lòng đại lộ Paris  trong “ Một ngày Tang Lớn “ ( Grande Journée de Deuil) ông Nguyễn Hoài Thanh, cựu chủ tịch THSV nhiệm kỳ 1985-1987 nhớ lại lúc ông cùng hoà vào dòng người xuống đường năm ấy:
“Dĩ nhiên chúng tôi rất là xúc động vì chúng tôi đã biết trước Sài gòn sẽ sụp đổ khi Kissinger ra quyển sách Việt Nam hoá chiến tranh. Chúng tôi rất đau đớn khi đồng minh của chúng ta đã bỏ rơi chúng ta, chúng tôi cũng rất là đau đớn là thế giới đã ký hiệp định 73. Miền Nam Việt Nam Công hoà bị bỏ rơi . Chúng tôi xuống đường để cho thế giới thấy rằng nhân dân miền Nam sắp sửa mất tự do và chúng tôi xuống đường để tưởng niệm tất cả những chiến sĩ đã nằm xuống cho Tự do và Dân chủ.”

Ông Nguyễn Hoài Thanh cũng kể lại giây phút xúc động nhất trong đêm Hội Tết Bính Thìn 1986 với chủ đề “Ta Còn Sống Đây” do THSV tổ chức, cái Tết đầu tiên sau ngày miền Nam thất thủ:
“Lúc đầu anh em THSV không biết có nên chào cờ hay không ? Cuối cùng khi anh em mang lá cờ ra thì đồng bào đứng dậy hết , lúc đó bà con rất là xúc động. Lúc đó trong phòng Maubert có khoảng 2500 người, bà con đứng dậy chào cờ hết!”

Lịch sử của Tổng Hội Sinh viên Việt Nam những ngày đầu thành lập là một lịch sử đầy biến động: những cuộc xuống đường chống Cộng, phản đối hiệp định Paris, những đêm không ngủ, những cuộc đấu tranh trực diện với các sinh viên Việt Nam thiên tả rất nhiều ở Paris lúc đó. Ông Nguyễn Gia Kiểng, chủ tịch Tổng Hội Sinh viên nhiệm kỳ 1965-1966 nhớ lại những ngày gian nan đó:
 “ Những năm chiến tranh! Lúc đó chúng tôi khổ sở lắm. Phải nói là tinh thần của anh em sinh viên chúng tôi ở trong một cuộc khủng hoảng lớn.Chúng tôi tổ chức nhiều đêm không ngủ, thảo luận với nhau để xem chúng tôi phải làm gì ? Chúng tôi đi đến một kết luận là chúng tôi phải lấy một lập trường chính thức là ủng hộ chính thể VNCH, tức là ủng hộ nền Dân chủ, nhưng mà không ủng hộ chính quyền lúc đó. Phải nói là phong trào cộng sản vào thập niên 60 rất là thời thượng. Bên Pháp (lúc đó) họ coi một người trí thức phải là một người trí thức khuynh tả, phải là trí thức Marxism. Những người Việt Nam Công sản dùng những người sinh viên Phi châu da đen, nhất là những người sinh viên Á rập.
Họ sử dụng những người đó để đánh chúng tôi, bạo hành chúng tôi, cá nhân tôi bị vào nhà thương 2-3 lần. Ngay cả chúng tôi làm đêm Tết ở nhà Đông Dương mà họ còn tới đánh. Họ bao vây nhà Đông Dương nơi chúng tôi làm Tết, chúng tôi phải huy động phụ nữ nấu nước sôi, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, nấu nước sôi từ trên lầu tưới xuống để họ chạy ra ngoài. Sau này chúng tôi  mới quyết định tất cả anh em THSV phải học võ. Về sau này chúng tôi đủ sức tự vệ,. Cái giai đoạn đó nó để lại một dấu ấn rất là lớn,  thời gian trôi qua 50 năm, có lẽ là những kỷ niệm đó cho tới hôm nay vẫn còn rất sinh động”.

Ông Đặng Quốc Nam thắp nhang bàn thờ ông Trần Văn Bá. Photo by Tường An/RFA

Nhắc đến THSV, không thể không nhắc đến Trần văn Bá, chủ tịch THSV từ 1973-1980. Tháng 6 năm 1980, ông Trần văn Bá trở về Việt Nam kháng chiến và bị bắt cuối năm 1984, ông Trần văn Bá bị xử tử ngày 8 tháng 1 năm 1985 cùng với ông Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch. Trần văn Bá trở thành một biểu tượng tinh thần cho mọi tầng lớp sinh viên của Tổng Hội. Theo ông Vũ Đăng Sơn, chủ tịch THSV nhiệm kỳ 1985-1987, Trần văn Bá sẽ mãi là ngọn đuốc cho các anh em trong TH, dù ở thế hệ nào:
“Anh Bá là một người anh hùng dân tộc rồi, anh Bá không thuộc về THSV nữa, ảnh là một anh hùng dân tộc thuộc lịch sử Việt Nam. Biểu tượng anh Bá như là một ngọn lửa. Ngọn lửa đấu tranh cho Việt Nam , cho Tự do mà ảnh mang và các những khác đang mang hiện giờ nó vẫn còn, đối với tôi, tấm gương anh Bá vẫn còn sáng và chúng tôi mong vẫn tiếp tục phát huy ngọn lửa đó”.

Là một tổ chức người Việt lâu đời nhất tại hải ngoại, với 25 đời chủ tịch, lý do cho đến hôm nay THSV vẫn còn tồn tại và tiếp tục hoạt động, theo ông Nguyễn Gia Kiểng, lý do đó là:
“Khi được thành lập nó có một tinh thần rất lành mạnh, những người tham gia THSV rất tự hào. So với Hội Liên Hiệp Sinh viên của phe Cộng sản, tụi tôi hơn nhiều, trước hết tụi tôi hơn về sự chính danh: trong tất cả những lần tranh luận với họ, tụi này đều thắng, chúng tôi dám chống lại lập trường thời thượng lúc đó, cho nên nó có cái niềm tự hào ở trong anh em, ngay cả sau thất bại 30/4/1975 thì sự tự trọng và tự hào đó nó vẫn còn, và chính nó mới giúp cho THSV sống được".

Làm sao có thể tiếp tục được mục tiêu của THSV khi mà bối cảnh cũng như con người cũng đã thay đổi trong giai đoạn hiện tại? theo ông Đặng Quốc Nam là phải thay đổi cách nhìn, thay đối đường lối đấu tranh:
 “THSV muốn tiếp tục duy trì dĩ nhiên là phải đổi cái nhìn, các anh chị em đàn anh đấu tranh lúc thời võ trang cách đây 30-40 năm, các em trẻ cố tiếp tục con đường đó những mà phải cố hoà mình với xã hội hiện sống, vì vậy, các em trẻ đi vào xã hội dân sự của Pháp để họ có thể ủng hộ cho cuộc đấu tranh của chúng ta. Song song với công việc đó thì các anh em muốn hiểu rõ hơn về vấn đề Việt Nam (thì) một số anh em tham gia một cách gián tiếp các cơ quan từ thiện. Dĩ nhiên, công việc đầu tiên mà Tổng hội phải làm là làm sao các anh em trẻ sinh đẻ tại Pháp gắn bó với quê hương Việt Nam, vì vậy tụi này đặc biệt chú trọng đến vấn đề học vấn vì giáo dục là nền tảng cho tương lai Việt Nam. Không có giáo dục thì không thể đòi Nhân quyền."

Mặc dù không chối cãi những khác biệt ấy, ông Vũ Đức Sơn vẫn còn một niềm tin, một hy vọng vào một lý tưởng chung của các thế hệ, đó là :
“Không những khác biệt về sinh ngữ mà còn khác biệt về lối nhìn nữa: thế hệ mới thì không sống qua chiến tranh Việt Nam thành ra cái nhìn của họ khác, nhưng mà cũng có điểm chung: Vẫn muốn có một nước Việt Nam Tự do, Dân chủ , vẫn muốn bảo tồn văn hoá, vẫn muốn giới trẻ xây dựng tương lai.”
Khó khăn này không chỉ riêng cho Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, mà còn là bài toán khó giải quyết cho tất cả các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, khi mà thế hệ trẻ dần dần đánh mất căn cước Việt Nam của mình trên bản địa.
 



No comments:

Post a Comment

View My Stats