Sunday, 16 February 2014

1812 & 1979 (Phạm Vũ Lủa Hạ)




15-2-2014

1812 

Giữa Canada và Mỹ không có chữ vàng nào. Hai bên chả cần ngợi ca tình hữu nghị môi hở răng lạnh, nhưng quan hệ đồng minh hữu hảo giữa hai bên là chuyện đương nhiên khỏi cần bàn. Mỹ hắt hơi thì Canada ê ẩm mình mẩy, bởi xưa nay Canada thường được xem là sân sau của nền kinh tế Mỹ. Trước kia, thị trường Mỹ chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của Canada. Tuy con số đó đã giảm gần đây, vẫn còn xấp xỉ ba phần tư hàng xuất khẩu Canada sang Mỹ. Theo Cơ quan Thống kê Canada, mức trung bình trong thời gian 2008-2013 là 74%.

Cách đây hai năm, toàn Canada bắt đầu tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày bùng nổ Cuộc chiến tranh năm 1812 (the War of 1812). Tại thời điểm 1812, Canada vẫn còn là thuộc địa của Vương quốc Anh. Ngày 18/6/1812, Mỹ tuyên chiến với Anh Quốc và các thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ (nay là vùng miền trung và miền đông Canada), khơi mào cuộc chiến mà Canada gọi là “những cuộc xâm lăng của Mỹ” (American invasions). Quân chính quy của Anh với sự hỗ trợ của du kích quân địa phương và người da đỏ đánh bại quân Mỹ đông đảo hơn. Ngày 24/12/1814, các cuộc đàm phán hòa bình đã dẫn đến Hiệp ước Ghent, và cuộc chiến kết thúc.

Thông điệp của thủ tướng Stephen Harper có nhan đề: “Cuộc chiến 1812 – Cuộc chiến đấu vì Canada”. Trang mạng chính thức của đợt kỷ niệm này viết: “Canada đã không tồn tại nếu cuộc xâm lăng của Mỹ trong giai đoạn 1812-1815 thành công. Vì lý do đó, Cuộc chiến 1812 là một chương xác định hình hài (defining chapter) trong lịch sử của chúng ta. Sự chấm dứt cuộc chiến này đã tạo nền tảng thành lập Liên bang, và giúp Canada rốt cuộc trở thành một quốc gia độc lập ở Bắc Mỹ. Nó cũng dẫn đến hai thế kỷ quan hệ thái bình, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác mật thiết và tình hữu nghị vững mạnh nhất giữa Canada và Mỹ”. (Canada chính thức thành quốc gia độc lập vào ngày 1/7/1867.)

Canada vẫn dựa hơi thế lực địa chính trị của ông anh cả Mỹ. Nhưng kỷ niệm thì ta vẫn cứ kỷ niệm rầm rộ. Đợt kỷ niệm này sẽ kéo dài trong hơn hai năm (đến cuối năm 2014, trùng với thời điểm 200 năm kết thúc cuộc chiến). Chính phủ Canada chi tổng cộng 28 triệu đô-la cho đợt kỷ niệm này, do Bộ Di sản phối hợp với các địa phương. Thậm chí, Canada còn có nhiều màn làm Mỹ “nóng mặt”.

Ví dụ, cuối năm 2013, Hải quân Hoàng gia Canada đặt tên cho hai tàu tiếp tế là HMCS Queenston và HMCS Chateauguay, theo tên hai chiến thắng nổi tiếng trong Cuộc chiến 1812. Trận Cao nguyên Queenston diễn ra ngày 13/12/1812, quân chính quy của Anh, du kích quân Canada và quân không chính quy của bộ tộc Mohawk chỉ có 1.300 người nhưng đánh bại 3.500 quân chính quy và du kích quân của Mỹ vượt sông Niagara tràn vào Canada. Trận Chateauguay ngày 26/10/1813 là một thất bại bẽ mặt khác của Mỹ, khi 2.600 quân Mỹ đánh chiếm Montreal đã thua 1.600 quân Anh và Canada.

1979

Lúc nhỏ, mỗi khi tới ngày 17/2 vẫn nghe loa phóng thanh phường phát suốt ngày bài ca hùng tráng “…Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương / Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương …”, cùng biết bao thông tin kỷ niệm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam.

Lớn lên, những lời ca và các thông điệp đó thưa dần.

Nay, nghe đâu có tin “Trung Quốc ép Việt Nam không được tưởng niệm Chiến tranh biên giới 1979?”. Chỉ còn nhờ mạng xã hội mới biết người ta bảo nhau “Nhân dân sẽ không quên”.

Còn ở Toronto, ở cổng chính phủ điện tử, chính quyền thành phố kêu gọi người dân cùng nhau kỷ niệm với thông điệp: “Hai trăm năm sống trong hòa bình khiến ta dễ quên đi một cuộc chiến. Bạn sẽ tưởng nhớ ra sao?


No comments:

Post a Comment

View My Stats