Wednesday 4 May 2016

THUYỀN NHÂN VIỆT NAM : SỐNG ĐỂ KỂ LẠI (Chris McGreal - The Guardian)









Chris McGreal  -  The Guardian
Khương An
 dịch
April 25, 2016

LTS: Tháng 10 năm 1978, 346 thuyền nhân Việt Nam chạy nạn cộng sản trên một tàu đánh cá nhỏ gặp bão giữa Biển Đông, nhưng đã bị nhiều tàu lớn làm ngơ. Họ có lẽ đã không thoát chết nếu không gặp một tàu hàng Scotland và được vị thuyền trưởng bác ái quyết định cứu nạn. Bài viết của ký giả báo The Guardian, Anh, thuật lại câu chuyện phi thường này và những cuộc đời thành đạt tại Anh và Mỹ của những người tị nạn được cứu sống năm xưa.

Những người được cứu tìm áo quần được góp tặng trên boong tàu Wellpark. (Ảnh: Mike Newton)

*

Nếu không nhờ có cha mình, Craig Holmes có lẽ chẳng bao giờ có dịp trả lại chiếc nhẫn tốt nghiệp được một thiếu nữ tặng cho ông trước đó 30 năm, khi cô được ông cứu trên Biển Đông. Lúc đó Holmes đang thực tập làm hoa tiêu trên một chiếc tàu hàng Anh Quốc chở hạt kê sang Đài Loan vào mùa thu năm 1978. Ngoài khơi bờ biển Việt Nam, chiếc tàu thép khổng lồ tình cờ gặp một tàu đánh cá nhỏ và chật chội; chiếc tàu bằng gỗ bị rò rỉ này lúc đó chở Luisa Van Nu và 345 người khác đào thoát khỏi quê hương đã bị cộng sản cưỡng chiếm.

Những người tị nạn này đã lênh đênh trên biển bốn ngày và niềm hy vọng về một cuộc đời mới đã nhường chỗ cho nỗi tuyệt vọng vì tàu dường như chắc chắn sẽ bị đắm. Những bà mẹ ôm con vào lòng, còn những người cha tỏ vẻ hối hận vì đã đưa gia đình vào chỗ chết. Thế rồi tàu MV Wellpark, do một hãng vận tải hàng hải Scotland quản lý, thình lình xuất hiện sau cơn bão. Nhờ đợt cứu người gian nan và đầy kịch tính này, thuyền trưởng Hector Connell được tặng Huân chương Bảo quốc MBE (Member of the Order of the British Empire). Nhưng sự vinh danh đó chỉ đến sau khi những người tị nạn khốn cùng bị kẹt giữa một cuộc tranh cãi chính trị quốc tế về việc nước nào sẽ tiếp nhận họ. Cuối cùng, chính phủ Anh Quốc khi đó do Công Đảng cầm quyền đã đồng ý đưa họ tới London dù có nhiều lời phản đối lo ngại rằng Anh Quốc “chật kín” và nhiều người cảnh báo rằng điều đó sẽ mở toang cửa khiến những làn sóng người tị nạn tràn ngập Anh Quốc.

Holmes nhường cabin của mình cho gia đình của Van Nu. Khi cô rời tàu để tới London và một đất nước mà cô chẳng biết gì về nó, anh thủy thủ 19 tuổi cho cô một vật lưu niệm. Holmes kể: “Tôi có một dây chuyền mua ở Peru. Dây chuyền bằng bạc, hình một bánh lái có thập tự ở giữa. Tôi đưa nó cho cô và nói: ‘Hãy nhớ chúng tôi trên tàu Wellpark.’ Cô tháo một trong những chiếc nhẫn màu hồng, chiếc nhẫn tốt nghiệp trung học của cô, và tặng tôi.”

Holmes nói anh xem chuyến cứu nạn đó chỉ như là một chuyện mạo hiểm nho nhỏ giữa một chuyến hải hành dài ngày và nó nhanh chóng trôi vào dĩ vãng. Anh thăng tiến dần dần lên thành thuyền trưởng trước khi trở thành hoa tiêu hàng hải ở New Zealand. “Cha tôi đã giữ chiếc nhẫn đó một thời gian, vì có lẽ nhờ lớn tuổi hơn nên ông hiểu rõ hơn tôi về những chuyện chúng tôi đã làm. Ông thường buộc dây và đeo nó trên cổ. Nếu ông đã không giữ chiếc nhẫn đó, có lẽ nó đã bị mất, bởi lúc đó tôi rất vô ý vô tứ. Khi ông mất, tôi lấy lại chiếc nhẫn và khi đó nó có ý nghĩa hơn một chút.”

Holmes bỏ chiếc nhẫn trong hộp nữ trang của vợ ông, và nó nằm ở đó cho tới khi ông nhận được tin là những người Việt được tàu Wellpark cứu sống đang chuẩn bị làm lễ họp mặt kỷ niệm 30 năm tại California, nơi một số người đã định cư.

Ông kể: “Khi đi dự lễ họp mặt, tôi nghĩ mình sẽ mang nhẫn trả lại cho Luisa. Cô rất xúc động khi nhận lại nhẫn sau chừng đó năm trời. Đối với tôi, đợt cứu nạn đó chỉ là một đêm mạo hiểm. Mãi cho tới lúc dự lễ họp mặt tôi mới nghiệm ra hành động cứu nạn của chúng tôi có ý nghĩa dường nào. Thấy một vài cậu bé, độ chừng 4 hoặc 5 tuổi, tôi chợt nghĩ: ‘Trời đất quỷ thần, đây là một thế hệ khác.’ Những đứa trẻ này đã không có mặt ở đây nếu mẹ của chúng đã không được kéo lên tàu Wellpark. Khi đó tôi nhận ra rằng chuyện đối với tôi chỉ là một đêm mạo hiểm lại là chuyện sống còn đối với họ.”

Vào ngày 3-10-1978, 346 người chen chúc trên ba khoang của chiếc tàu đánh cá cỡ 60 feet để gia nhập một trong những đợt di cư bằng đường biển lớn nhất của thời hiện đại. Người ta tin rằng khoảng 800.000 thuyền nhân đã đào thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển. Nhiều người khác đã chết đuối hoặc bị cướp biển, nhất là cướp biển Thái Lan, bắt, hãm hiếp và giết.

Khi đi vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, tàu bị hư bánh lái và mất phương hướng. Những người tị nạn này hướng ra biển mà chẳng biết họ đi về đâu. Trong số họ có cô bé 9 tuổi Diep Quan mà gia đình cô dính hai “trọng tội” khi Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay cộng sản Bắc Việt: ba cô là thương gia, và ba má cô là người gốc Hoa. Hôm họ ra đi, má cô nói là cả nhà đi chơi. Cô kể: “Chú tôi mang tới một chiếc xe tải vì ông là tài xế tải hàng. Tôi là dân thành thị và tôi nhớ chỉ có cây cối, rừng rậm và bùn lầy. Vậy là sao? Đi chơi chỗ gì mà kỳ lạ quá.” Rồi cô thấy chiếc tàu đánh cá neo đậu trên sông Cửu Long và hiểu là có thể cô chẳng bao giờ thấy Việt Nam nữa.

Ngồi trong một tiệm cà phê ở London, trong câu chuyện chan hòa nước mắt và tiếng cười về một hành trình và một cuộc đời suýt bị cắt ngắn, Quan kể ngày đầu tiên trên biển cứ như lạc vào “thiên đường” đại dương mênh mông đầy cá bay rào rào. Thế rồi tàu dính hậu quả của Bão Lola và bắt đầu ngập nước. Một nhóm thanh niên dùng xô chuyền tay tát nước ra khỏi thuyền. Nhưng họ chỉ có thể trì hoãn chuyện tất yếu sẽ xảy ra.

Họ phát hiện nhiều tàu lớn và bắn pháo sáng báo hiệu, nhưng các tàu đó không thấy tín hiệu hoặc thủy thủ đoàn làm ngơ. Thuyền trưởng nói với mọi người là tàu không thể chống chọi được lâu hơn nữa. Quan kể: “Tôi nghe có người nói: ‘Giờ thì tới số rồi, nước đang ngập và tàu sẽ đắm.’ Ba tôi đã ở suốt trên boong từ trước, và lúc đó ông quyết định nếu đã tới số rồi thì ông sẽ xuống khoang dưới ngồi chung với gia đình. Toàn bộ cánh đàn ông về ngồi chung với gia đình của họ.”

Diep Quan, ngoài cùng bên phải hàng giữa, cùng với chị mình, chụp trên tàu Wellpark sau khi được cứu. (Ảnh: Mike Newton)

Vừa gạt nước mắt Quan vừa kể lại rằng nhiều năm sau cô hỏi má có bao giờ ba cô hối hận về quyết định lên tàu vượt biên. “Bà đáp: “Có chứ.’ Khi ai cũng nói: ‘Thôi rồi, chúng ta sẽ bị đắm’, ba tôi và chú tôi nói: ‘Lẽ ra mình không nên đi như vậy. Mình đã đưa mọi người vào chỗ chết.”

Hai anh em Hung Nguyen và Huy Nguyen đi chuyến này với anh chị em và ba má; ba má của họ có một rạp chiếu phim ở Sài Gòn trước khi nó bị tân chính quyền cộng sản tịch thu. Lúc đó Hung 18 tuổi và quyết định ra đi dù đã thi đậu một suất đáng mơ ước ở trường y.
Ông kể: “Tôi có nên đi hay không thì chẳng cần bàn gì nữa. Sinh viên y khoa là nhất thiên hạ rồi, nhưng cũng là tài sản của chính quyền. Lớn lên vào thời đó, tôi rất bực mình về chuyện tự do. Họ có thể chặn mình trên đường và cắt tóc của mình nếu dài quá. Nói chuyện thì phải giữ mồm giữ miệng.”

Khi khách trên tàu trở nên lo sợ hơn, má của Hung gọi anh và em trai Huy 15 tuổi tới ngồi chung với bà. Huy kể: “Má kêu hết mấy đứa con tới để có thể thấy bọn tôi. Bọn tôi lúc đó thật sự chẳng hiểu, nhưng bây giờ thì hiểu.”

Diep Quan, ngoài cùng bên phải hàng giữa, cùng với chị mình, chụp trên tàu Wellpark sau khi được cứu. (Ảnh: Mike Newton)

Một trong những người chú của họ, mà Huy nghĩ có thể bị chứng tự kỷ, nhảy xuống biển và nói là ông sẽ bơi ngược về Việt Nam. Ông coi như chấp nhận chuyện tất yếu, nhưng may sao có người la lên là họ thấy có tàu lớn. Thuyền trưởng bắn pháo sáng. Tín hiệu đó được một thuyền phó trên đài chỉ huy của tàu Wellpark nhận ra.

Huy kể: “Chúng tôi tưởng đó là chiến hạm. Giữa đêm tối, toàn sáng rực với đủ thứ cần cẩu trông giống như súng đại bác.” Thuyền trưởng Connell cử một thuyền cứu đắm sang để hỏi thăm. Trong số những người đang ngồi đợi đầy lo âu trên chiếc tàu đánh cá có Stephen Ngo, lúc đó mới 13 tuổi mà là đứa trẻ duy nhất đi một mình. Ngo ra tàu để đưa tiễn mấy người anh của mình, nhưng ba anh lại cho anh đi thế vào phút chót. “Ba đưa cho tôi một ống kem đánh răng. Bên trong có một tờ 100 đôla. Ba tôi dặn: ‘Con cầm theo và ba sẽ gặp con sau.’’ Ngo không gặp lại ba mình trong nhiều năm.

Nhóm thủy thủ trên thuyền cứu đắm đánh vật mấy tiếng đồng hồ với biển động sóng cồn để đi hai chuyến đón mấy chục người tị nạn sang tàu lớn. Thuyền trưởng Connell quyết định đưa tàu lớn tới sát bên chiếc tàu đánh cá để trực tiếp đưa người tị nạn lên tàu. Đó quả là một kỳ công phi thường mà chỉ có người đi biển dày dạn kinh nghiệm mới làm được.

Holmes kể: “Tôi nghiêng người qua mạn tàu với một dây ném trong tay. Có người lấy nó cột vào giỏ. Tôi la vọng xuống: ‘Không. Không mang hành lý. Chúng ta sẽ lấy hành lý sau.’ Một anh trên tàu mở giỏ ra và trong đó có một đứa trẻ.” Vậy là đành chấm dứt chính sách không mang hành lý. “Tôi nhấc đứa trẻ lên, và hóa ra đó là cách hay để đưa em lên tàu. Đứa trẻ nào cũng ngồi lọt trong chiếc giỏ Adidas màu đỏ đó. Tôi chẳng đếm xuể tôi đã kéo bao nhiêu đứa trẻ lên tàu trong chiếc giỏ đó.”

Lúc đó mới 4 tuổi, Paul Tran còn quá nhỏ nên không leo được. Cậu bé được kéo lên bằng lưới. Anh kể lại: “Đầu tôi va vào tàu khi tôi được kéo lên. Khiến tôi thức giấc.”

Phần lớn những người tị nạn này được rồi lên các boong tàu trong một cái làng dã chiến dưới những tấm vải dầu giăng ngang trên các nắp hầm tàu. Holmes kể: “Họ trông thật giống những kẻ lang thang nghèo khổ. Một số trẻ em chỉ mặc áo lót, mà chẳng có quần.”

Tàu Wellpark đi tiếp tới Đài Loan, ở đó chính quyền cảm thông, gởi đồ ăn và áo quần ra tàu, nhưng nhất quyết không cho người tị nạn rời khỏi tàu cho tới khi Anh Quốc đồng ý tiếp nhận họ. Sau 2 tuần báo chí đăng tải hình ảnh về những người tị nạn khốn cùng, chính phủ Anh Quốc nói sẽ đưa họ tới London. Holmes kể: “Chính khi đó chúng tôi mới nhận ra những người được chúng tôi đón lên tàu là ai. Bác sĩ có, y tá có. Một vài luật sư. Có cả một đội đánh máy. Có những nhân viên đánh máy gõ liên tục, lo chuyện giấy tờ.”

Hành trình tới cuộc đời mới : Bác sĩ Hung Nguyen (trên, giữa), một trong những thuyền nhân được tàu MV Wellpark cứu, cùng với gia đình bên ngoài trung tâm y khoa của ông ở Quận Cam, California. (Ảnh: Barry J Holmes / The Observer)

Những người tị nạn này không phải ai cũng hài lòng khi được báo là họ sẽ sang Anh. Một số người thích đi Mỹ hơn, vì đó là nước họ biết rõ hơn. Huy Nguyen nói: “Hồi ở Việt Nam, chúng tôi đã có ấn tượng rất xấu về người Anh. Chúng tôi nghĩ người Anh rất hợm hĩnh. Nghĩ rằng họ đội mũ cao và dùng găng tay để tát vào mặt người ta.”

Toàn bộ 346 người được chở bằng máy bay tới phi trường Stansted, và bằng xe buýt tới doanh trại quân đội Kensington. Huy kể: “Chúng tôi tới giữa đêm khuya. Trời đầy sương mù và lạnh, nên trông rất nản. Nhưng khi chúng tôi tới doanh trại, người ta đang đợi chúng tôi, cho chúng tôi ăn súp. Họ bày hoa trên giường chúng tôi. Hoa hồng hoặc cẩm chướng. Tôi được một bông cẩm chướng. Màu trắng. Tôi rất vui.”

Quà cáp tới tấp gởi tới doanh trại. Một đoàn xiếc ghé thăm, có cả voi cho mọi người cỡi. Hãng Woolworths tổ chức tiệc Giáng sinh cho trẻ em. Báo chí nhìn chung có thái độ hoan nghênh, ngay cả ở những tờ báo lá cải có thái độ hằn thù với di dân hệt như hiện nay, có lẽ vì người Việt chạy trốn cộng sản. Tờ Daily Mail viết: “Bởi vì chúng ta đóng cửa với tình trạng di dân ồ ạt – và làm vậy là đúng – không có nghĩa là chúng ta cần giả điếc không nghe tiếng gõ cửa của một số người mà lời khẩn cầu giúp đỡ của họ không cần sổ thông hành hay giấy khai sinh nào để chứng minh họ quả thật đáng thương.”

Nhưng thái độ hằn thù chính thức đã tăng dần. Trong vòng vài tháng Margaret Thatcher trở thành thủ tướng, đối mặt với tình hình có thêm bốn tàu Anh cứu hàng trăm thuyền nhân. Bà kịch liệt phản đối tiếp nhận họ, bề ngoài với lý do là “lo ngại dư luận Anh”, mặc dù Anh Quốc chỉ mới tiếp nhận một tỷ lệ rất nhỏ so với 250.000 người tị nạn Việt Nam đã được Mỹ tiếp nhận, và 60.000 người được Pháp nhận. Một văn bản của Bộ Nội vụ Anh cảnh báo rằng việc tiếp nhận thêm nữa “sẽ bị xem là dẫn tới một dòng di dân mà chúng ta không thể kiểm soát.” Thatcher cuối cùng mủi lòng về những tàu đã đón thuyền nhân, nhưng đòi hỏi phải có “lập trường chắc chắn về pháp luật và chính trị để Anh Quốc có thể chống lại việc tiếp nhận người tị nạn.” Bà cũng muốn Anh Quốc rút khỏi công ước quốc tế năm 1951 về vấn đề tị nạn.

Những người được tàu Wellpark cứu hầu như chẳng hay biết những điều này khi họ chuẩn bị cho một tương lai tại xứ lạ. Ba của Quan nộp đơn xin di cư sang Mỹ, nhưng thị trưởng lúc đó của Peterborough đã tới doanh trại ngỏ ý đón nhận 10 gia đình về ở tại một khu nhà xã hội mới. Ba tháng sau, Quan dời lên miền bắc. Rồi tới chuyện học hành, học tiếng Anh, và làm quen thích ứng văn hóa.

“Tôi nhớ vừa đi vừa nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông với một nữ sinh trên hành lang. Cô hiệu phó – tôi rất sợ cô – chặn hai đứa tôi lại và nói: “Không, không được, các em nên nói tiếng Anh ở trường.” Ba tôi tìm được việc làm tại một hãng dệt do một gia đình người Hy Lạp làm chủ. Ông chịu trách nhiệm mở cửa xưởng mỗi buổi sáng. Có lúc ông nói tiếng Anh với giọng Hy Lạp.” Quan nói với giọng London không lẫn vào đâu được.

Hai anh nhà họ Nguyen vẫn giữ chút âm sắc tiếng Việt của mình khi nói tiếng Anh cũng như còn cái tính tìm sự hài hước ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Hung Nguyen được đưa đi học ở một trường gần doanh trại Kensington, nơi ông nhớ có một giáo viên tên là Elizabeth. “Cô dạy bọn tôi dùng nĩa. Bọn tôi chưa bao giờ thấy nĩa. Trông có vẻ nguy hiểm. Ai lại đút nó vô miệng? Vì vậy bọn tôi dùng muỗng. Sau đó họ giấu hết muỗng.” Ông kể học hành “rất cực” và nói: “Bọn tôi phải học tiếng Anh và cũng học toán vì đó là môn duy nhất bọn tôi có thể học mà không cần tiếng Anh lưu loát.”

Lúc đó là thập niên 1970, khi Mặt trận Dân tộc và nạn phân biệt chủng tộc không chính thức đang bao trùm nước Anh. Quan kể: “Trên đường đi học chúng tôi bị chế giễu đủ kiểu thường thấy – bị nhiếc móc kỳ thị. Lúc nào tôi cũng nghe má tôi kể đủ chuyện. Người lớn cảm thấy bị kỳ thị rõ hơn. Họ rất đau lòng vì chuyện đó.”

Những người khác trong nhóm người tị nạn được tàu Wellpark cứu kể rằng họ thường xuyên đánh lộn với những kẻ kỳ thị ở trường hay trên đường phố tại các khu nhà xã hội nơi họ sinh sống. Một số người lớn gặp khó khăn với ngôn ngữ mới và chỉ tìm được việc thất thường thấp kém hơn nhiều so với những vị trí chuyên môn mà họ từng làm. Nhưng, dần dà theo thời gian, con cái của họ đều thành đạt.

Trong vòng vài tuần sau khi tới doanh trại Kensington, Hung Nguyen tìm được việc làm cho một dự án phân phối sách cũ tới các nước đang phát triển. Dự án này do Nữ Bá tước Ranfurly điều hành; về sau bà nổi tiếng với bộ nhật ký chiến tranh tuyệt vời To War With Whitaker. Bà ngỏ ý giúp Hung học y trở lại. “Bà là một quý bà lớn tuổi hơn. Quý phái. Vậy mà tôi kiêu ngạo. Tôi từ chối vì muốn tự lực.”

Hội đồng Tị nạn Anh Quốc cấp học bổng cho Hung học tiếng Anh ở Saffron Walden. Trong những kỳ nghỉ, anh cùng với má qua Mỹ thăm bà con. Họ khuyến khích anh nộp đơn xin học trường y ở Mỹ và anh đã được nhận. Hung kể: “Vậy là tôi ở lại. Tôi trở thành sinh viên từ Anh sang du học.” Hung vừa kể vừa cười về ý nghĩ đó. Sau khi có bằng y khoa, ông học bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và dần dần thành đạt nhờ sự trùng lắp đáng kể giữa ngành y và kinh doanh tại Mỹ.

Bác sĩ Hung Nguyen, hiện nay sống và làm việc ở Los Angeles, cùng với gia đình. (Ảnh: Barry J Holmes / The Observer).

Hiện nay, Hung Nguyen làm chủ một trung tâm y khoa tại Little Saigon ở mạn đông nam Los Angeles, nơi tập trung người Việt đông nhất bên ngoài quê hương của họ. Khu này có phòng mạch của ông, một phòng nha khoa và một tiệm thuốc tây. Công ty của ông được đặt tên là Wellpark Inc, và ở bên ngoài, ông đang xây dựng một đài tưởng niệm chiếc tàu đã cứu ông. Hung cũng là người dẫn chương trình giải đáp y khoa hàng tuần trên đài phát thanh tiếng Việt địa phương.

“Đôi khi tôi nói về tàu Wellpark. Tôi nói: “Có những người đã giúp chúng ta nhưng một số trong số họ đã quên. Họ thậm chí không nhớ đã giúp. Họ không nhận thấy họ đã có tác động lớn chừng nào. Nhưng chúng ta vẫn nhớ và có thể không bao giờ đền đáp công ơn của họ được, nhưng chúng ta có thể làm ơn cho người khác. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác để vinh danh họ.’”

Một thập niên sau khi ông dời qua California ba má ông qua theo và mở một tiệm giặt. Khoảng một chục gia đình trên tàu Wellpark đã định cư ở Mỹ. Đa số ở lại Anh, trong đó có Huy. Anh đậu bằng kỹ sư công chánh sau khi gọi điện tới Đại học Manchester và xin được nối dây tới khoa kỹ thuật.

“Họ hỏi: ‘Kỹ thuật gì?’ Tôi đáp: ‘Tôi không biết, nối cho tôi với khoa kỹ thuật nào cũng được.’ Vậy là họ nối dây cho tôi tới khoa kỹ thuật công chánh. Họ hỏi: ‘Anh có chắc anh biết kỹ thuật công chánh là gì không?’ Tôi không biết, nhưng không muốn thú nhận. Nên tôi đáp: ‘Biết chứ.’ Vậy là tôi theo học kỹ thuật công chánh. Tôi mê ngành này.” Huy hiện nay là chuyên viên tư vấn cho Sở Giao thông London, mô hình quản lý luồng giao thông của thành phố – trên mặt đất, đường ngầm và trên sông.

Diep Quan tại ngân hàng Morgan Stanley ở Canary Wharf, London. (Ảnh: Suki Dhanda / Observer)

Diep Quan học lấy bằng kinh doanh và kế toán. “Tôi thuộc thế hệ thanh niên Thatcher. Làm ăn kinh doanh. Phải kiếm tiền. Lúc đó vẫn chưa biết tôi muốn làm gì. Tôi chỉ biết rằng đó là bước đệm để tới chỗ có tiền.” Hiện nay, cô là chuyên viên huấn luyện công nghệ thông tin làm việc hợp đồng cho ngân hàng Morgan Stanley.

Trong nhiều năm, Hung Nguyen băn khoăn không biết thủy thủ đoàn của tàu Wellpark những người tị nạn đi cùng chuyến với ông nay đã ra sao. Ông đã giúp tổ chức lễ họp mặt kỷ niệm 30 năm vào năm 2008 tại Little Saigon. Thuyền trưởng Connell tới dự. Holmes cũng tới, và mang trả chiếc nhẫn cho Luisa Van Nu.

Hung dẫn 4 đứa con, từ 10 tới 16 tuổi, tới dự. “Tôi nói với các con: ‘Nếu không có những người này, các con đã không có mặt ở đây. Không ai trong chúng ta không có mặt ở đây.’
“Chúng tôi đã may mắn. Lẽ ra giờ đây chúng tôi đã chết rồi. Có 346 người trên chiếc tàu đó. Nay chúng tôi đã nhân con số đó lên thành hàng ngàn. Chúng tôi có con, và con cái chúng tôi có con. Nhìn những tấm ảnh từ chiếc tàu đó, đôi khi tôi khóc, khóc một mình để người khác không thấy.”

Sau thành công của lễ họp mặt ở California, Quan tổ chức cuộc họp mặt tiếp theo ở London năm năm sau đó. Cô kể: “Lớn lên ở Peterborough, tôi thường băn khoăn thủy thủ đoàn nay ở đâu. Cuối cùng được gặp mặt tất cả những người này là một sự kiện rất cảm động. Đối với chúng tôi, họ là những người anh hùng. Chúng tôi muốn cho họ thấy con cái của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói: “Mấy đứa nhỏ này đã không có mặt ở đây nếu lúc đó các ông không cứu chúng tôi.’ Việc họ làm là một điều vĩ đại. Họ cũng có thể đã ngoảnh mặt làm ngơ như những chiếc tàu khác. Nhưng họ đã không làm vậy. Và họ đã chấp nhận rủi ro rất nhiều khi cứu chúng tôi.”

Holmes nói ông cảm thấy ngượng ngùng về sự bày tỏ tình cảm dạt dào của những người sống sót. Ông nói: “Hector Connell thấy ngượng ngùng về Huân chương MBE. Ông không tự xem mình là anh hùng. Chẳng có ai trong chúng tôi xem mình là anh hùng. Lễ họp mặt tổ chức ở một nhà hàng tại Little Saigon. Họ tặng tôi một cái ly in hình bản đồ Biển Đông: ‘Để cảm tạ hành động anh hùng và nhân đạo của quý vị đã cho 346 người có cơ hội thứ hai trong đời.’ Tôi nói với họ rằng bất cứ ai cũng sẽ làm như vậy. Chúng tôi chỉ tình cờ có mặt ở đó vào lúc đó. Nhưng họ không chịu nghe.”

Lễ họp mặt cũng là một cơ hội để những người tị nạn trên tàu Wellpark so sánh những con đường khác nhau mà cuộc đời của họ đã đi qua kể từ khi được cứu nạn. Mọi người đồng ý rằng Mỹ là nơi nên tới sinh sống nếu ta muốn kiếm tiền, nhưng người Mỹ làm việc quá nhiều. Hung Nguyen, người đã trở thành triệu phú và lái xe Mercedes-Benz, nói thỉnh thoảng ông ghen tị với lối sống của em trai Huy ở London. “Cuộc sống bên đó tốt hơn nhiều. Ở bên Mỹ này chúng tôi làm việc quá nhiều. Em tôi được nghỉ phép dài ngày, cùng vợ đi chơi ở Philippines. Tôi nghe mà thèm quá.”

Huy chẳng hối tiếc gì về việc ở lại London. “Người Anh đã cho tôi tất cả mọi thứ – bây giờ tới lúc tôi đền đáp.” Ông nói vậy, sau một ngày làm bổn phận bồi thẩm tại tòa án Croydon Crown Court. “Khi đóng thuế tôi không than phiền.”

Trong số những người được tàu Wellpark cứu, hiếm có ai hình dung có ngày sẽ quay lại Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây Việt Nam đã mở cửa và nhiều người trong số hàng ngàn người đã bỏ đi về thăm quê hương. Họ kể lại những cảm giác sửng sốt giống nhau mức độ thay đổi và việc khó tìm được nhà cũ của họ.

Hung Nguyen đã về Việt Nam hai lần. “Họ không còn là cộng sản nữa. Họ là tư bản! Chúng tôi gọi họ là tư bản đỏ. Rất nhiều người giàu. Giàu nứt đố đổ vách. Rất nhiều người nghèo.
“Tôi tới thăm bạn thời trung học. Họ đều trông có vẻ già hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi cùng tuổi, nhưng cuộc sống ở đó nhọc nhằn hơn cho họ.”

Paul Tran mới bốn tuổi khi được tàu Wellpark cứu và không nhớ gì về Việt Nam. Nhưng anh đã về nhiều lần và cảm thấy gắn bó gần gũi với nơi anh đã sinh ra. “Ba má tôi đã rời bỏ đất nước đó vì cái chế độ đó. Nhưng tôi tự quyết định trở về để hiểu rõ hơn về cội nguồn của tôi và gặp gỡ những người cùng độ tuổi với tôi để nghe những câu chuyện và lịch sử của họ. Tôi tiếp tục về nhiều lần vì tôi thích văn hóa của chúng tôi. Tôi thích đất nước của chúng tôi. Tôi đã từng có những ý nghĩ rằng nếu gia đình chúng tôi đã ở lại thì liệu có tốt hơn hay không. Nhưng tôi hài lòng với chính bản thân mình ở đây. Nếu còn ở bên đó biết đâu tôi có thể đã thành một kẻ cà chớn. Tôi có thể đã thành một đứa hư, một tên du đãng. Nay tôi là người Anh đích thực, nhưng với văn hóa Việt Nam.”

Năm 2012, Quan đã tổ chức cho họ hàng về thăm nơi sinh của cô. Mười tám người, trong đó có chồng con cô chưa bao giờ tới Việt Nam, đã đáp xe minibus đi quanh thành phố cô biết tới với tên gọi Sài Gòn. Cô nói tới khi kết thúc chuyến đi cô biết mình thuộc về London nhiều hơn Việt Nam, cho dù đó là lịch sử của cô. Nhưng cô nghĩ rằng ba cô có cảm nghĩ khác.

Quan nói: “Tôi nghĩ ba tôi chẳng bao giờ muốn bỏ đi. Ông đã mất hết mọi thứ. Tôi nghĩ điều đó đã khiến ông rất đau lòng về nhiều mặt. Tôi nghĩ ông đã không bao giờ hồi phục được chuyện đó. Không chỉ về mặt tiền bạc. Tôi nghĩ chuyện đó đã làm suy sụp con người của ông.”

“Mấy chị em tôi nói: ‘Mình đang bằng tuổi của ba khi ba bỏ xứ ra đi. Nếu bây giờ mình phải khóa cửa nhà, lên tàu rồi ra cửa sông thì sao? Chẳng biết mình sẽ đi đâu, nhưng mình không thể ở lại đây.’ Điều gì sẽ khiến ta quá lo sợ? Điều gì khiến ta sợ tới nỗi ta sẽ làm vậy? Ta mất tất cả. Quả thật rất khó khăn cho một người khi phải hình dung như vậy.”

Đó là lý do tại sao dòng người tị nạn từ Syria sang Châu Âu hiện nay được các cựu thuyền nhân thông cảm. Huy nói: “Tôi đã khóc khi coi tin tức về chuyện nước Đức tiếp nhận biết bao người tị nạn đó. tôi khá ngạc nhiên vì họ mở cửa tiếp nhận nhiều người như vậy. Tôi thực sự cảm động trước hành động của người Đức. Tôi nghĩ người Anh lẽ ra đã có thể làm được nhiều hơn.

Quan bực mình trước điều mà cô gọi là thiếu lòng bác ái đối với người Syria, dù cô hiểu rằng điều đó một phần là do nỗi sợ khủng bố.

Tran nói anh thấy chính mình trong những hình ảnh người Syria tuần hành trên khắp Châu Âu. Anh nói: “Khi tôi coi những hình ảnh đó, tôi đặt bản thân mình vào chỗ của họ vì tôi đã từng ở vào vị thế kiểu đó. Tôi bắt đầu thắc mắc đủ điều. Họ bị buộc phải ra đi? Họ bị tống đi? Và rồi tôi nghĩ, có phải chúng tôi đã bị buộc phải ra đi? Không. Ra đi là lựa chọn của chúng tôi. Và tôi nghĩ, ‘Có lẽ đối với một số người ra đi là lựa chọn của họ, và có lẽ những người khác không có lựa chọn nào khác do chiến tranh. Tôi cảm thấy ra sao? Hầu như con người ai cũng làm như vậy. Họ là những người hết sức muốn ra đi. Giống như những gia đình chúng tôi thời đó.”

Nguồn: Chris McGreal, Vietnamese boat people: living to tell the tale, The Guardian, 20-3-2016.






No comments:

Post a Comment

View My Stats