Friday, 27 May 2016

VÌ SAO OBAMA NHẮM MẮT LÀM NGƠ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (Shawn W. Crispin - The Diplomat)





Shawn W. Crispin  -  The Diplomat
Dịch giả: Trần Văn Minh

Chính quyền đã tưởng thưởng một trong những chế độ thiếu dân chủ nhất trong khu vực, không có tiến bộ mấy về nhân quyền.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các thành viên xã hội dân sự Việt Nam trong chuyến thăm chính thức vừa qua, tới một đất nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, một nửa số ghế tại địa điểm được chỉ định đã bị trống. Vài giờ trước cuộc họp dự kiến được tổ chức mang tính biểu tượng để thể hiện tình liên đới của Mỹ với các nhà dân chủ, công an đã bắt giữ từ trước 3 người được mời, trong đó có một blogger, nhà báo và chính trị gia đối lập nổi tiếng.

Ngày hôm trước, Obama tuyên bố Washington sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã áp đặt hàng thập niên lên Việt Nam, một sự nhượng bộ mà giới lãnh đạo độc tài của nước này tìm kiếm từ lâu. Lệnh cấm vận bao phủ rộng hơn nữa khi Trung Quốc củng cố vị trí chiến lược của họ để đối phó với Việt Nam trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi Obama tuyên bố hai cựu thù chiến tranh đã chôn vùi “sự khác biệt ý thức hệ” bằng cách chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí sát thương, thực tế là chính quyền của ông đã chọn cách tưởng thưởng cho một chế độ kém dân chủ nhất châu Á, với hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực, không có tiến bộ đáng kể nào về các quyền tự do. Obama đã đưa ra thông báo bên cạnh Chủ Tịch nước mới được bổ nhiệm Trần Đại Quang, người mà cho đến gần đây đã trông coi Bộ Công an đáng sợ của Việt Nam, cơ quan đầu não chịu trách nhiệm trong việc đàn áp bất đồng chính kiến và bỏ tù các nhà hoạt động dân chủ.

Vậy tại sao ông Obama nhượng bộ về nhân quyền sau nhiều năm đối thoại thất bại về vấn đề này? Mặc dù Obama chối bỏ việc bãi bỏ lệnh cấm vận nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, tình hình an ninh chuyển động nhanh chóng thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực, không nghi ngờ gì nữa, đã được nằm trong quyết định của ông. Trong khi Việt Nam phần lớn dựa vào Nga về vấn đề vũ khí, bao gồm cả chuyến đặt hàng 3.2 tỷ USD gần đây cho 6 tàu ngầm lớp Kilo, công nghệ giám sát của Hoa Kỳ và các thiết bị sẽ cải thiện đáng kể khả năng răn đe đối với Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng là quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận của ông Obama có nhiều lý do khác hơn là việc mua bán hệ thống ra-đa ven biển, máy bay tuần tra và tàu phản ứng nhanh trong tương lai. Một số người có cảm giác rằng ông Obama, một lãnh đạo thiếu hiệu quả trong năm bầu cử, tìm kiếm một câu chuyện thành công ở Châu Á để củng cố di sản chính sách đối ngoại của mình giữa vũng lầy của những cuộc xung đột chưa được giải quyết ở Iraq, Afghanistan và Syria. Chính sách được gọi là “xoay trục” của ông Obama, cũng được gọi là “tái cân bằng”, nhằm đặt châu Á vào vị trí trung tâm của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ và thiết lập nhà lãnh đạo sinh ở Hawaii, đi học ở Indonesia như là vị “Tổng thống Thái Bình Dương” đầu tiên của Hoa Kỳ. 

Các cố vấn hàng đầu của ông Obama đã xem quá trình chuyển đổi chính trị đang diễn ra ở Myanmar, nơi mà một chế độ quân phiệt đã nhượng bộ quyền lực cho một chính phủ dân cử (dù vẫn còn dấu ấn quân đội), là một trong những thành tích đáng tự hào nhất của chính sách xoay trục. Obama đã kiên nhẫn giữ lại những trái chín của sự bang giao với Myanmar cho đến khi chế độ quân phiệt trước đây chứng minh sự tiến bộ dân chủ, cuối cùng chứng kiến việc phóng thích hàng trăm ngưởi tù chính trị, chấm dứt kiểm duyệt báo chí và cho phép đối lập chính trị bị bách hại được gia nhập chính trị dòng chính.

Trong bài phát biểu ngày 17 tháng 5 tại Trung tâm An ninh Mỹ, một cơ quan nghiên cứu chiến lược có trụ sở ở Washington D.C., Cố vấn Trợ lý An ninh Quốc gia về Truyền thông Ben Rhodes mô tả bằng cách nào ông Obama thành công trong việc sử dụng phương thức “hành động đáp hành động” để thúc đẩy sự thay đổi dân chủ tại Myanmar. “[Myanmar] là một ví dụ điển hình về việc làm thế nào một quốc gia có thể chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, trong khi vẫn theo đuổi sự phát triển hiệu quả”, ông Rhodes cho biết vài ngày trước khi ông Obama khởi hành đi Việt Nam. “Chúng tôi phải chứng minh rằng, những quốc gia đi theo con đường này thì có lợi”.

Ngược lại, ông Obama đã chọn thế đứng biểu tượng đối với Thái Lan, nơi mà chế độ độc tài quân sự đã hạn chế nhân quyền kể từ lúc đình chỉ dân chủ trong một cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2014. Để đáp lại, Hoa Kỳ đã hạ thấp quan hệ chiến lược bền chặt truyền thống, được chứng kiến qua các cuộc tập trận quân sự chung liên tục thu nhỏ được gọi là Hổ Mang Vàng được tổ chức hàng năm ở Thái Lan. Hai bên đặc biệt tranh cãi về sự đàn áp của chế độ đối với tự do ngôn luận, bao gồm một loạt các án tù khắc nghiệt đặt lên những người chỉ trích chế độ quân chủ do quân đội hỗ trợ. Kể từ cuộc đảo chính, Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra vai trò nổi bật của Thái Lan trong đường dây buôn người trong khu vực.

Cái ôm tương đối nồng thắm của Obama đối với Việt Nam, đang giam giữ hơn 100 người tù chính trị, ngăn cấm truyền thông độc lập và thường xuyên nghiền nát tất cả đối lập chính trị, đặt ra câu hỏi về sự liên kết chính sách và tính nhất quán. Trong khi Thái Lan đi ngược con đường dân chủ, chính quyền quân sự cầm quyền gần như không áp bức như chế độ cộng sản Việt Nam và chủ trương sẽ khôi phục lại dân chủ sau một thời gian cải cách. So với Myanmar, nơi tướng lãnh cầm quyền nhượng bước trước nhiều đòi hỏi dân chủ của Hoa Kỳ, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam ít sẵn sàng nhượng bộ trước các đề nghị “hành động đáp hành động” của Hoa Kỳ để cho phép cởi mở chính trị hơn.

Trong việc bãi bỏ lệnh cấm vận, Obama đã chỉ ra “tiến bộ” về nhân quyền, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) mạnh mẽ chống đối. “Trong một bước vấp ngã đột ngột, Tổng thống Obama đã vứt bỏ những gì còn lại làm đòn bẩy cho Hoa Kỳ để cải thiện nhân quyền tại Việt Nam – và về cơ bản không nhận được gì trở lại”, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW nói, “Tổng thống Obama đã thưởng cho Việt Nam mặc dù họ không làm được gì đáng chú ý: chính quyền đã không bỏ đi bất kỳ luật đàn áp nào, cũng không phóng thích bất kỳ số lượng đáng kể tù nhân chính trị nào và cũng không đưa ra bất kỳ cam kết quan trọng nào”. (Việt Nam gần đây đã phóng thích một số tù chính trị với điều kiện họ phải sống lưu vong.)

Một quan điểm khác là Obama cảm thấy bắt buộc phải thực hiện một sự nhượng bộ quan trọng để duy trì tiềm lực chiến lược với giới lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Việt Nam. Hoa Kỳ đã phát triển mối quan hệ gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng hai nhiệm kỳ, người được dự đoán trở thành tổng bí thư kế tiếp của Đảng Cộng sản nhưng cuối cùng đã từ chối chức vụ trong trò chơi quyền lực nội bộ đảng, đã đưa lên những thành viên lãnh đạo bảo thủ hơn. Trong khi Hoa Kỳ, năm ngoái, tiếp đón ông Quang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả hai được biết có khuynh hướng ngả về Trung Quốc hơn Hoa Kỳ. Chính quyền mới đã đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình ôn hòa và kết án tù các nhà hoạt động, tội chống nhà nước.

Vì lịch sử chiến tranh không may của Hoa Kỳ ở Việt Nam, nhiều người ở Washington sẵn sàng bỏ qua sự lợi dụng cố hữu của nước này trong việc theo đuổi mối quan hệ bình thường, giao thương và quan hệ chiến lược. Trong khi nhiều người hoan nghênh chuyến thăm của ông Obama và sự kết thúc lệnh cấm vận như một bước lịch sử tiếp theo hướng tới hòa giải quá khứ, một thế hệ các nhà hoạt động dân chủ trẻ – nhiều người hy vọng ông Obama sẽ đòi hỏi giới lãnh đạo của họ với cùng các tiêu chuẩn dân chủ mà ông đòi hỏi Myanmar – đã đưa lên phương tiện truyền thông xã hội những cảm nghĩ về sự thất vọng và bị bỏ rơi, một cảm giác cũ, không phải mới, về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.





No comments:

Post a Comment

View My Stats