Tuesday, 24 May 2016

KỲ VỌNG & NGHI NGẠI (Phạm Kỳ Đăng - Bauxite VN)





Phạm Kỳ Đăng
24/05/2016

Theo một định kiến hay thói quen, nhiều người nói chính sách của nhà nước Mỹ thực dụng, với một hàm ý xấu. Phải nói là thực tiễn mới đúng. Đúng nghĩa thực dụng trước hết phải kể đến hai nhà nước lớn chuyên chế - phản dân chủ là Nga và Trung quốc thời nay. Ở những cao trào khủng hoảng, hai nước này sửa đổi cả học thuyết tôn làm quốc giáo và xoành xoạch thay đổi luôn cả bạn thù, đồng minh, đối tác. Hãy xem quan điểm nước Nga độc tài thời Putin hôm nay đối với cuộc lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc và cung cách giải quyết xung đột thì rõ.

Có nhà nước nào không vì lợi ích dân tộc? Nhưng chỉ biết hành động thực dụng ư thì không đúng đối với cường quốc Hoa Kỳ. Hoa Kỳ lập quan hệ với nhiều nhà nước độc tài, có thể từng làm đồng minh ngắn hạn, chưa bao giờ xét về dài hạn Hoa Kỳ đặt tầm quan trọng vào các đồng minh chuyên chế - phi dân chủ. Đó cũng là nguyên nhân Hoa Kỳ phát động chiến tranh lạnh đối với cựu đồng minh Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết lập tức thôn tính Đông Âu, ngay sau kết thúc chiến tranh thế giới hai. Và cuối thế kỷ trước, có thể nói nước Mỹ, trên phạm vi toàn cầu đã giải phóng nhân loại khỏi hai quái vật toàn trị tham vọng nô lệ toàn thế giới. Đó là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản.

Mỹ còn thiết lập nên các nhà nước đồng minh nữa, tuy nhiên không áp đặt dập khuôn thể chế của họ vào các quốc gia này. Hiến pháp Mỹ với nhiều tu chính, mô hình tổ chức nhà nước và xã hội của Mỹ khác các nước Anh, Pháp và các nước châu Âu, v.v. Hai nhà nước dân chủ do Mỹ đỡ đầu bằng những cú hích ra điều kiện như Đức và Nhật, về cơ bản được kiến lập và hoàn thiện theo ý chí người dân nước họ. Đương nhiên, các nước này chia sẻ lâu dài với Mỹ những giá trị cơ bản, mà ta thấy trong số đó các giá trị làm nên nội dung nhân quyền.

Sai lầm của chính quyền Mỹ cũng nhiều không kể. Điều đặc sắc là bất kỳ một người dân nào ở đất nước đó cũng có quyền chỉ trích tổng thống và chính phủ trong từng biến diễn thời sự. Do đó suy tư và hành động của Mỹ trong truyền thống đều sát thực tiễn, tức là xuất phát từ những thôi thúc của thực tiễn hướng tới khắc phục và cải thiện hiện trạng.

Trong nỗ lực chống khủng bố, tương lai không loại trừ cả khủng bố bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học; chống bá quyền và bành trướng nhằm đảm bảo một nền an ninh và tự do hàng hải toàn cầu, có nhà nước nào đôn đáo ngược xuôi như nước Mỹ. Nghiêm túc đối chiếu với các cường quốc khác có thể nhận ra rằng, nhà nước Mỹ hành động thực tiễn chính là cường quốc lãng mạn lớn nhất hiện nay. Lãng mạn bởi vì theo đuổi mục tiêu thiêng liêng như lý tưởng.

Năm ngoái, sau cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama tại Nhà trắng, Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Việt khẳng định Mỹ tôn trọng thể chế, chế độ chính trị của Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã có một sự tự đắc quá thái kiểu như “Mình phải là cái gì thì người ta mới mời chứ”. Yên chí và tự đắc phát sinh tâm lý trông chờ và kỳ vọng. Một ngày trước cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama, báo chí và truyền thông nhà nước phát đi bài phỏng vấn “Người dân Việt Nam chờ đợi gì ở hành động của Tổng thống Mỹ”. Thật đáng ngạc nhiên vì các nhà phân tích nói đến cơ hội triển vọng hợp tác và nhiều kỳ vọng. Những trông chờ này là có thật, hiển nhiên được ấp ủ bởi một nhóm quyền lực yên chí và tự đắc, tuy nhiên xét cho cùng rất nhỏ bé so với ước vọng của người dân Việt Nam. Cảm giác chưng hửng còn lại, không một ai đề cập tới vấn đề cốt lõi bao hàm việc cải cách và xây dựng thể chế để tận dụng cơ hội xúc tiến các quá trình hợp tác đó.

Cho đến hôm nay Việt Nam, với chính sách chú trọng quan hệ đối ngoại đa phương, không liên minh với một nước nào chống một nước thứ ba, trên trường quốc tế vẫn là quốc gia tự cô lập, càng bị ghẻ lạnh hơn bởi những thành tích bất hảo về nhân quyền và tự do ngôn luận. Không cải cách cơ bản về thể chế, Việt Nam vẫn đứng đó trên Biển Đông một xuồng một mái, đôi khi được sự ủng hộ bằng lời nói của các nước ASEAN, và bi đát thay, tồn tại được nhờ sự hà hơi của chính nhà nước ăn cướp Trung Hoa.

Chia sẻ những giá trị chung trong quan hệ nhà nước mới chỉ là những thỏa thuận về nguyên tắc, thích ứng thiết chế mới đảm bảo được phối tác trong thực tiễn. Làm sao Mỹ có thể ngồi chung một con tàu với Việt Nam nếu người lãnh đạo luôn “định hướng” về phương Bắc. Làm sao Mỹ có thể bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ngay, nếu không có bảo đảm nào tránh trường hợp ngay ngày hôm sau vũ khí này bày ra trên bàn các nhà chế tạo vũ khí Trung Quốc và bản hướng dẫn sử dụng và sơ đồ bố trí tác chiến lọt vào tay các ông chủ Trung Nam Hải?

Và làm thế nào để thực hiện hiệp định TPP nếu Việt Nam như từ trước tới nay vẫn hoạt động tự tung tự tác so với đạo luật, thông lệ và chuẩn mực quốc tế? Đầu tư và trao đổi theo kiểu nào, nếu vẫn không có sự thay đổi về cơ bản ở các chế độ và hình thức sở hữu tập thể, vẫn lấy kinh tế nhà nước làm thành phần chủ đạo để nhóm lợi ích không nương tay tham nhũng? Người ta cần Việt Nam có những cơ quan, thiết chế tương ứng để điều phối và giám sát cũng như chịu trách nhiệm. Làm sao có thể cộng tác được với những người nắm quyền lực từ cái tập thể rất nhiều quyền lực, nhưng không có sự cố vấn chuyên môn và quan trọng hơn không chịu trách nhiệm?

Hậu quả chiến tranh với những phế nhân và nạn nhân chất độc da cam, môi trường nhiễm độc dioxin, như một người trả lời phỏng vấn nêu, cũng chỉ cấp bách bằng sự tàn phá môi trường hàng ngày hàng giờ của Formosa, Bauxite Tây Nguyên, v.v. chưa là gì so với sự đầu độc giống nòi trường kỳ xúc tiến bởi bàn tay Trung Quốc.

“Sự nghi kỵ của chúng ta vẫn còn đối với nước Mỹ”, bà Nguyễn Thu Thảo - Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam thừa nhận. Chúng ta ở đây là ai? Nước Mỹ đáng ra còn có nhiều nguyên do để nghi ngại nhiều hơn đất nước cựu thù không vì lợi ích của cái “chúng ta” ấy, đất nước vô chính chủ, được cai trị và điều hành bởi một nhóm gần 20 người, soạn ra hiến pháp và đứng đầu một đảng hoạt động trên hiến pháp.

Việt Nam đã bỏ qua cơ hội sửa đổi về căn bản Hiến pháp năm 2013 nhằm kịp thời chuyển đổi sang mô hình nhà nước dân chủ - pháp trị, dân sự và đa đảng. Việt Nam đã thả nhỏ giọt tù nhân lương tâm, đồng thời không ngừng bắt bớ và gia tăng sách nhiễu những nhà bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh dân chủ. Việt Nam đã làm gì trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã có những cử chỉ gì đứng hẳn về phía Mỹ trong những cuộc tập trận và hoạt động tuần tra thường kỳ do Mỹ tiến hành trên Biển Đông?

Như vậy Tổng thống Obama, có cơ sở nghi kỵ nhiều hơn, cũng có quyền chờ đợi ở Việt Nam; và sự chờ đợi chính đáng này cũng không chỉ đặt vào chính quyền, mà còn hướng đến mỗi người dân Việt Nam trước bạo quyền còn dửng dưng hay sợ hãi.

Tổng thống Obama sẽ mang đến nhiều món quà, rất quí giá, nhưng rất có cơ nhanh chóng tiêu tán bởi những đứa con hoang đàng, phá gia chi tử. Nước Mỹ đáng dành cho nhân dân Việt Nam một lộ trình lớn lao hơn hẳn, với những phương tiện để gắng công ra sức đi tới thịnh vượng, trong chừng mực Việt Nam ngày càng xa khỏi cái đích nó đang trôi giạt tới, tức là thành một thuộc địa của Trung Quốc, một nhà nước thiếu tính chính đáng với một Quốc hội thực chất không do dân bầu nên.

Sẽ thêm ngộ nhận ấu trĩ, nếu nói rằng các thế hệ trước ở Việt Nam đã đặt ra nền móng. Chắc chắn nhà nước Hợp Chúng Quốc không có nhu cầu lập quan hệ đối tác chiến lược và ký hiệp ước liên minh quân sự với những nhà nước không chia sẻ mục đích và lý tưởng của họ.
Hai nhiệm kỳ ở Nhà trắng không bỏ rơi Việt Nam đã là một hành trình kiên nhẫn. Có quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ đã có thể tác động về mặt nền tảng tốt đẹp hơn lên bang giao hai nước.

Cho nên chuyến thăm viếng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama tựu trung lại chỉ là một sự đáp lễ khiêm nhượng cho những nỗ lực cầu cứu và đeo bám của Hà Nội sau một chuỗi thất vọng trường kỳ gây ra cho Mỹ và thế giới văn minh - dân chủ, nhiều hơn chút xíu là nỗ lực duy trì một cửa lách rất hẹp đi tiếp cho các đời tổng thống tiếp theo.

P. K. Đ.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:53






No comments:

Post a Comment

View My Stats