Wednesday, 25 May 2016

TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM : BẤT LỰC NẾU KHÔNG CÓ INTERNET (re:publica 2016 | Bùi Thanh Hiếu)





re:publica 2016 (*)
bản dịch của Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)
24/05/2016 

(DĐVN21) - Bùi Thành Hiếu (44 tuổi) là một trong những blogger người Việt Nam nổi tiếng nhất. Trong chương trình đàm thoại „#freeLy: blogger và những cấm cản quyền tự do thông tin và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam“ (1) vào ngày thứ  nhì ở Trung tâm Media Convention tại Berlin, ông Hiếu trình bầy về sự ngược đãi những người bất đồng chính kiến. Từ năm 2005, dưới bút danh „Người Buôn Gió“ ông viết về các đề tài chính trị và xã hội và đã bị bắt giam nhiều lần. Trong thời gian qua ông sống ở Berlin. Các học viên của Trường ký giả Ðức (DJS) đã gặp và phỏng vấn ông.

(ảnh của Studio54/DJS)

Anh viết blog từ chốn lưu vong Berlin. Về những gì?
Tôi viết về các sự kiện chính trị ở Việt Nam, có nghĩa là về vấn nạn tham nhũng và sự áp bức, cũng như về bạo lực của công an và vấn đề ô nhiễm môi trường. Các bài viết gần đây của tôi liên quan đến sự việc cá chết hàng loạt nhiều nơi tại duyên hải các tỉnh Hà Tỉnh và Huế. Tôi ước chừng, nguyên do của vụ cá chết là các hóa chất phóng thải của nhà máy luyện thép Formosa ở nơi đó. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã chẳng làm gì để làm sáng tỏ chuyện này.

Anh phát hiện ra các đề tài đó như thế nào?
Trước đây tôi đọc trên mạng về những vụ chống đối và tôi đi đến tận nơi để cho biết rõ ràng sự việc. Khi tôi được nhiều người biết đến thì mọi người đã tìm đến tôi. Họ gọi đến tôi khi có những vụ bắt bớ xảy ra và họ nhờ tôi tường thuật các việc này.

Làm sao anh có thể kiểm chứng các chuyện đó - người ta có thể bịa chuyện ra với anh?
Sao mà bịa đặt được? Thậm chí tôi đã quay phim cảnh cảnh sát đánh đập các ký giả. Cảnh sát đã dùng hơi cay và dùi cui. Chính mắt tôi đã từng chứng kiến những cảnh đó. Nhiều khi tôi còn đến nơi xảy ra trước cả cảnh sát và chứng kiến tất cả sự việc từ đầu đến cuối.

Anh có trải qua một học trình về ngành nghề ký giả hay không?
Không, tôi chỉ học hết chương trình phổ thông và sau đó đã tự sinh sống qua ngày như một người lao động bình thường. Tôi nhận ra rằng người ta có rất nhiều điều để nói ra, nhưng họ không nói được. Các ký giả cũng không ra sức bênh vực họ tại vì báo chí Việt Nam nằm trong tay của nhà cầm quyền. Vì vậy mà tôi làm công việc này.

Có bao nhiêu người đọc các bài viết của anh?
Tôi có một blog. Tôi cũng dùng Facebook. Ở đó có 50000 người theo dõi bài của tôi. Cứ dựa theo những con số bấm vào thì tôi còn có nhiều đọc giả thường trực hơn nữa, nhưng họ không dám công khai bấm thích (like) trang của tôi, bởi vì người ta sợ sẽ bị tình nghi. Chế độ này ghét sự thẳng thắng trung thực của những bài mà blogger chúng tôi viết về nhiều đề tài. Thế nên chúng tôi chỉ có môi trường mạng. Không có mạng thì chúng tôi hoàn toàn bất lực.

Hoạt động từ nước Ðức có khó khăn hơn không?
Không, chẳng khó gì. Tôi được một học bổng cho người cầm bút rất hậu của Quỹ Văn Bút PEN-Stiftung. Vợ và đứa con trai 10 tuổi của tôi sống với tôi. Nhờ vậy mà tôi có thể tập trung hoàn toàn vào việc viết lách. Tôi đã viết xong 3 quyển sách, 2 quyển được dịch ra Anh ngữ.

Điều gì đưa đẩy anh sống ở Berlin mà không ở nơi khác?
Năm 2010 tôi được mời sang Ðức đọc bài viết của tôi. Sau khi về Việt Nam tôi bị bắt giam nhiều lần, mỗi lần từ 10 đến 15 ngày. Tiếp theo đó, PEN-Stiftung đã cấp cho tôi học bổng “Nhà văn lưu vong”.

Gia đình anh ở Việt Nam có bị liên lụy vì các hoạt động của anh không?
Gia đình tôi bị cảnh sát thăm viếng liên tục và chửi mắng gia đình tôi đã không giáo dục và dạy dỗ tôi đúng đắn. Họ buộc tội gia đình tôi đã để tôi là kẻ phản động và muốn lật đổ chính quyền.

Anh có thể ngưng viết blog và tránh được nhiều phiền toái cho gia đình?
Tôi tin rằng đấy là công việc tôi phải làm, nếu không bây giờ thì ở kiếp sau. Nếu tôi không là blogger thì có thể những khó khăn sẽ lớn hơn nữa. Ðiều đáng mừng là gia đình tôi hổ trợ tôi làm việc này. Mẹ tôi đã 83 tuổi lúc cảnh sát bắt giam tôi. Bà đã nói với cảnh sát rằng: Con trai tôi không có tội lỗi gì cả. Tôi rất hãnh diện về những gì nó làm.

* Nguồn tiếng Đức:  Pressefreiheit in Vietnam: Machtlos ohne das Internet, re:publica 11/05/2016


Chú thích
(1) Hội thoại "#freeLy: Blogger und die Einschränkung von Informations- und Religionsfreiheit in Vietnam" với hai diễn giả Christian Mihr, giám đốc Phóng Viên Không Biên Giới tại Đức và blogger Bùi Thanh Hiếu, là một tiết mục trong hội nghị re:publica từ ngày 02/05 đến 04/05/2016 tại Berlin. re:publica là một hội nghị về mạng internet, đặc biệt về blog, mạng truyền thông xã hội và xã hội kỹ thuật số. Hội nghị re:publica tổ chức lần đầu tiên năm 2007 với sự tham dự của 700 blogger, sau đó diễn ra hằng năm tại Berlin và số người tham dự tăng dần. re:publica lần thứ 10 năm nay có hàng trăm sàn thảo luận với khoảng 800 diễn giả và trên 8000 khách tham dự.




No comments:

Post a Comment

View My Stats