Monday, 23 May 2016

TRẦN HUỲNH DUY THỨC NÊN TẠM LƯU VONG (Hoàng Linh Vương - Dân Luận)





Hoàng Linh Vương
Tác giả gửi tới Dân Luận
23/05/2016

Nhìn lại chặng đường nỗ lực cho tự do dân chủ hòng thoát khỏi „cường quyền“ - như anh Thức đã gọi Hệ thống Chính trị của Việt Nam hiện nay - chúng ta không thể không nhớ đến vụ án „Nhóm Nghiên cứu Chấn“ với dự án chính trị „Con đường Việt Nam“ từ những năm 2009. Anh Thức là linh hồn của nhóm này, lãnh hình phạt nặng nhất của chế độ: 16 năm tù giam cộng với 5 năm quản thúc. Trong quá trình bị tù đày, dù sức ép kinh khủng, anh Thức chưa bao giờ nhận tội „lật đổ chính quyền nhân dân“ mà anh đã bị quy chụp. Trái lại, anh khẳng định rằng anh luôn hành động vì một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam. Tất cả các tài liệu liên quan đều chứng minh lời anh nói không có gì khác với sự thật. Kể cả những người vì một lý do nào đó không „thích“ anh cũng không có chứng cớ để than phiền hay trách móc gì về anh cả. Sở dĩ anh ít „đình đám“ ngoài dư luận cũng vì yếu tố này.

Nhìn vào những nghiên cứu của nhóm „Chấn“ và „Con đường (nào cho) Việt Nam“ mà anh Thức chủ xướng, người ta thấy rõ những dự báo chính xác về nền kinh tế đang lụn bại và môi trường luật pháp độc tôn đang đi vào ngõ cụt (xin mọi người tìm hiểu thông tin trên mạng qua những đường link được phụ chú ở cuối bài). Đó là tài năng và trí tuệ với tầm nhìn xa của anh Thức nói riêng.

Tính cách Thức anh đặt vấn đề cũng rất ôn hòa và cởi mở, không thủ đoạn cũng không lén lút. Với mục đích xây dựng đất nước, anh - và nhóm Chấn - đã từng công khai gửi những nghiên cứu và đánh giá với trọng điểm là kinh tế và một số nhu cầu chính trị cho nguyên Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết, cho nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… . Nhưng tất cả như „đàn gẩy tai trâu“, thay vào đó anh bị bắt bớ tù đày.

Cách đây 7 năm, tức năm 2009, khi mà phong trào tự do dân chủ còn trong thời kỳ phôi thai, trong khi ít ai dám công khai nói ra những „căn bệnh“ đang hoành hành do đảng và Nhà nước hiện hành gây ra, thì anh là một trong những người can đảm dám nói lên những sự thực này, bất chấp mọi rủi ro. Khi bị bắt, trước vành móng ngựa anh tỏ thái độ cương trực và dũng khí của „người của công chúng“. Anh khẳng định tất cả chỉ vì đất nước. Người Cộng Sản biết tài của anh, biết vị thế „lãnh tụ“ của anh, nguy cơ có thể làm lung lay chế độ nên đã tuyên án anh nặng nhất trong nhóm, và anh bị giam cầm mãi cho đến nay.

Ảnh Internet: Trần Huỳnh Duy Thức trước tòa năm 2009

Nếu anh không bị cầm tù, chắc chắn „Con đường Việt Nam“ đang „xum xuê cành lá“.

Anh cũng không thuộc nhóm „ngu lâu“, có cách ứng xử rất văn minh và cao thượng. Anh đã từng khuyên những cộng sự của nhóm trong phiên tòa nên khai báo sao cho sớm được thả về, còn riêng anh chấp nhận bản án. Các anh Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long đã được về, riêng anh vẫn còn bị cầm tù.

Có thể khẳng định rằng anh Thức có đủ tố chất của một nhà chính trị lỗi lạc, có kiến thức, có tầm nhìn xa, vì nước quên mình, văn minh, cao thượng, dũng cảm và cương trực. Đây là tố chất của một chính trị gia, một „lãnh tụ“ mà Việt Nam đang rất cần để phục hưng đất nước sau những bế tắc của nhiều thập niên bị Đảng Cộng Sản giáo điều thống trị.

Đã có một số bài viết có căn cứ để nói về sự „khủng hoảng lãnh tụ“ ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang rất thiếu nhân tài có đủ tâm và tầm để lãnh đạo đất nước. Thực tế hiện nay cho thấy anh Thức là một ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị. Thật là bất hạnh cho đất nước nếu những người như anh Thức phải già nua hay chết rũ ở trong tù.

Vào ngày 05 tháng 05 vừa qua, anh Thức bị chuyển trại giam ra Nghệ An rất xa gia đình, nơi anh Nguyễn Văn Hải Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần (chủ blog Nữ Vương Công Lý) cũng đã từng được chuyển tới một thời gian trước khi bị „tống cổ“ đi Mỹ lưu vong. Có lẽ anh Thức được chuyển trại ra đây cũng không nằm ngoài ý đồ vừa thả „con tin“ vừa „tống khứ“ một người có khả năng xoay trục chính trị làm mất đi quyền lực của nhà cầm quyền và Đảng Cộng Sản hiện nay.

Dù gì đi nữa, anh Thức quyết định tuyệt thực từ ngày 24 tháng 5 có thể cho đến chết vì „vấn đề thượng tôn pháp luật và quyền con người“ như người em trai cuả anh kể lại, đồng thời nói lời xin lỗi với cha của mình rằng anh rất yêu gia đình, nhưng anh yêu tổ quốc hơn. Anh còn nói tiếp về việc đi Mỹ: “Con sẽ không đi. Con sẽ ở lại đây. Con sẽ đấu tranh cho mục tiêu của con”.

Anh Thức sinh năm 1966 tức là lúc này anh vừa mới tròn 50 tuổi, còn rất trẻ. Anh Thức nên chọn hình thức „tạm lưu vong“ ở Mỹ. Thứ nhất là bảo toàn tính mạng, thứ hai là sang đó anh có điều kiện trải nghiệm thêm về môi trường và xã hội dân sự dân chủ, ưu cũng như khuyết điểm để trau dồi thêm nhận thức và khả năng, và nhất là nắm bắt được rõ hơn „tâm tình của công dân“ ở xã hội tự do. 5 hay 10 năm sau là một thời gian có vẻ dài nhưng không dài, tình hình trong nước cứ theo đà như hiện nay – hy vọng tới đó - sẽ có những biến chuyển tích cực. Lúc đó tổ quốc rất cần những người con như anh hồi hương để phục vụ người dân theo ý nguyện của mình cũng chưa muộn.

Nhìn lại lịch sử, hầu hết những nhà „cách mạng“ đều có quá trình bị truy lùng, hoặc bị cầm tù và phải lưu vong. Ở Việt Nam những trường hợp này đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần. Tổ quốc cần anh, anh Thức nên „tạm lưu vong“ một thời gian, bằng không, đó sẽ là một sự cực kỳ lãng phí „tài nguyên quốc gia“. Một tổn thất rất lớn của đại cuộc.

Hoàng Linh Vương













No comments:

Post a Comment

View My Stats