Friday, 27 May 2016

TRỞ LẠI "CÂU CHUYỆN VŨNG ÁNG" (Trần Văn Thăng)





Trần Văn Thăng
28/05/2016

Chuyện cá chết hàng loạt tại vùng Vũng Áng và lan rộng về phía Nam 250 km đến tận Đà Nẵng, xảy ra từ đầu tháng Tư, ngay từ khi một số ngư dân phát giác các đường ống xả thải dưới lòng biển chỉ cách bờ 1,5 km; cảnh chất độc tuôn xối xả từ miệng ống và nhìn thấy cảnh tất cả mọi sinh vật, thực vật trong toàn vùng nằm chết ngổn ngang trên mặt nước cũng như chìm dưới đáy.  Thế mà, tới gần ba tuần lễ Nhà nước VN mới bắt đầu …nói về chuyện này (!?).

Trước đó, Nhà nước đưa ra các lý do rất khó chấp nhận trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình về hiện tượng cá chết trắng bờ - nêu nguyên nhân từ lý do bão tố trên trời, đến chất độc do tàu thuyền thả trên mặt biển, đến sóng siêu âm do ai đó phát dưới lòng biển… (nghĩa là rất nhiều “do”, nhưng có cái “do” rõ nhất là “do không dám nói thẳng nguyên nhân, bản chất vụ việc”). Nay khi không còn có thể che đậy đường ống thải dài 1,5 cây số đó nữa, các quan chức lại nhanh chóng cho họp báo để minh định việc công ty Formosa (vốn Đài Loan & Trung Quốc) đặt ống thải là có sự cho phép của nhà nước Việt Nam, tức Formosa vẫn chẳng làm gì sai trái. Lại lấp liếm theo kiểu “đúng quy trình”…

Và quan trọng nhất lúc này là những loại phát biểu vô lương tâm như của Phó Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, bảo dân "Cứ yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng".

Đặc khu Vũng Áng

Được xây dựng từ năm 2006. Đây là một vùng rộng 228 km2 nằm tại Hà Tĩnh chạy dọc theo quốc lộ 1 xuôi về phía Nam. Nhiều nơi hiện nay được rào chắn cao 3 m. Tình trạng ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ được áp dụng ngay từ ngày xây dựng công trình.

Có một điều ít được biết đến là Đặc khu Vũng Áng đã được chính thức xem như là “một vùng tự trị đầu tiên của Trung cộng tại Việt Nam” kể từ ngày 14/7/2014. Phó TTg Hoàng Trung Hải đã ký với TGĐ Lee Chih - Tsuen, Chủ tịch Cty Formosa, đầu tư 97 tỷ Mỹ kim và xử dụng khu nầy trong vòng 70 năm.

Hiện tại, “tại thời điểm tháng 10/2014, Khu kinh tế Vũng Áng đã có 15 nhà thầu Trung Cộng, nhiều hơn so với 12 nhà thầu Đài Loan; số lượng lao động người của Trung Cộng chiếm 4.568/5.917 lao động nước ngoài (hơn 77%). Một lực lượng lao động Trung Cộng đã theo chân các nhà thầu Trung Cộng & Đài Loan tự do  “thẳng tiến” vào Việt Nam, tạo thành một khu vực “nội bất xuất ngoại bất nhập”.

Tại công trình dự án Formosa (nhà thầu), có 4.154 lao động Trung quốc, số làm việc ở ngoài Formosa là 114 người. Tổng nhu cầu lao động nước ngoài tại Vũng Áng là 11.006 lao động, trong đó của 13 DN là 357 lao động và 29 gói thầu với tổng số lượng 10.463 lao động.
“Đáng chú ý, văn bản số 1407114 ngày 29/7/2015 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh còn đề nghị chấp thuận để 28 nhà thầu của FHS, gồm 25 Trungquốc, 3 nhà thầu Việt Nam, tuyển dụng hơn 10.000 lao động nước ngoài, với gần 90% quốc tịch Trung quốc, đến Formosa thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 trong nhà máy thép và các công trình dự án cảng Sơn Dương.

Lịch sử Đặc khu Vũng Áng

Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 có diện tích 22.781 ha (227,8 km2) với mục tiêu xây dựng, phát triển thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là: (1) phát triển các ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu; các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, công nghiệp thép, trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu, (2) phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải biển để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung Bộ, (3) xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung Bộ (Trích từ dự án Vũng Áng).

Tập đoàn Formosa, tên tiếng Anh là Formosa Plastics Group (FPG), là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan (hóa dầu mỏ, chất dẻo, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô…).

Về phương diện quốc phòng, vùng Vũng Áng - Sơn Dương là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển đuợc xếp theo thứ tự: Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên.

Ở vịnh Bắc Bộ, cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc Hà Tĩnh có vị trí khá đặc biệt. Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á, có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía bắc đèo Ngang nơi có đường Quốc Lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi. Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16m cùng với vùng nước rộng rãi. Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.

Vùng nước Sơn Dương phía Nam Vũng Áng là vị trí duy nhất của cả miền Bắc có thể  đón tàu sân bay được, nhưng VN giao cho Formosa (do Trung Quốc hoàn toàn thao túng) là hỏng. Vị trí đó nằm ngay Đèo Ngang, chỉ cần hai trung đội là đủ cắt đôi đất nước ngay, vì ở đây có hầm Đèo Ngang và đường độc đạo, xe lửa đi tới đây phải chạy ngược lên về phía Tây để băng qua, chứ còn vị trí này là đèo, không đi qua được.

Vị trí này là huyệt đạo của cả hải quân Việt Nam. Nó phải dành cho Hải quân Việt Nam chiếm lĩnh để bảo vệ đất nước. Vì với một nước nhỏ, nghèo, mọi việc từ xây dựng đến bảo vệ đất nước phải biết sử dụng những đặc điểm địa lý tự nhiên. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ quân sự đủ sức phòng ngự và tấn công để phòng ngự. Các căn cứ hải quân phải có độ sâu thích hợp, độ rộng mặt nước đủ năng lực tiếp nhận nhiều tàu quân sự, có núi cao để che chắn và thuận lợi trong cung ứng hậu cần. Và sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xây dựng kinh tế ở các yếu huyệt trên cần gắn chặt với nhu cầu quốc phòng khi xảy ra chiến tranh vệ quốc.

Tình trạng cá chết hàng loạt

Cá đã chết vì ô nhiễm độc hại thải từ các nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh từ ngày 1/4. Truyền thông từ phía đảng CSVN và cả phía người dân cũng đã nhập cuộc. Quan chức nhà nước cũng đã lên tiếng, quan chức Formosa cũng đã lên tiếng.

Bắt đầu từ ngày 06/04/2016, cá nuôi trong các lồng bè xung quanh khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bỗng nhiên bị chết hàng loạt. Tiếp theo, cá lại chết la liệt ở Quảng Trạch, Đồng Hới … (tỉnh Quảng Bình), rối đến Gio Linh, Triệu Phong … (Quảng Trị); Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).

Formosa nhìn nhận từ đầu năm đến nay có nhập về 300 tấn hóa chất khoảng 40 loại để súc rửa đường ống và máy móc, trong đó có những chất độc và cực độc như chất chống gỉ, chống ăn mòn… Vào lúc người “thám tử nhân dân” lặn xuống, khúc cuối của đường ống đang phun ra một thứ nước màu vàng đục rất bẩn.

Chiều 26.4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết phải chờ kết quả từ Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận mới biết chính xác độc tố khiến anh Lê Văn Ngày (SN 1970, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế - (gọi tắt là Công ty Nibelc), ) tử vong sau khi lặn xuống biển.

Vào chiều 24.4, sau khi lặn xuống biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc Khu công nghiệp Formosa – Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), anh Ngày có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi nên đã được đưa đi khám. Tuy nhiên, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, anh đột nhiên tử vong tại ký túc xá của Công ty đóng trên địa bàn xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).  Ngoài anh Ngày thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Trạch cũng đã tiếp nhận được thông tin có thêm 5 trường hợp khác là thợ lặn của Công ty Nibelc cũng có dấu hiệu tương tự. “Hiện 5 thợ lặn này đang được lãnh đạo Công ty Nibelc đưa đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong khi đó, việc cá chết bất thường ven biển các tỉnh miền Trung mà đặc biệt là xung quanh Khu công nghiệp Formosa – Vũng Áng (Hà Tĩnh) khiến dư luận hoài nghi cái chết của thợ lặn này chịu tác động bởi các độc tố từ biển mà nguyên nhân nghi do ống xả thải “khổng lồ” dưới biển Vũng Áng gây ra.

Các nhà khoa học nhìn nhận, chỉ có chất độc rất mạnh mới có thể khiến hàng loạt cá lớn nhỏ, và cả con người nữa chết bất đắc kỳ tử như thế.

Không chỉ là cá tại Vũng Áng mà lan vào đến Đà Nẵng. Theo dòng hải lưu, nguồn độc chất này sẽ lan vào khu vực Sài Gòn, Vũng Tàu, Bình Thuận  trong nay mai.

Đây là một thứ vũ khí thật đáng sợ và độc ác.

Cùng lúc đó, quan chức Formosa đã tuyên bố “chọn Thép hay chọn tôm cá”.

Luận giải của quan chức chính phủ về vấn nạn Vũng Áng

Chúng ta hãy nghe, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã cắt ngang câu hỏi của một nữ phóng viên trong cuộc phỏng vấn tối 27/4, và nói câu hỏi đó làm ‘tổn hại đất nước’.

Vì sao?

Vì trong video clip quay trực tiếp của Báo Thanh Niên được đăng tải trên mạng xã hội Facebook về cuộc phỏng vấn với ông. Sau cuộc họp báo để thông báo về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, một nữ nhà báo đặt câu hỏi:

“Thưa ông trong cái kiểm nghiệm gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, chỗ có một loạt các bè cá chết, thì họ có nói trong nước kiểm nghiệm ra có kim loại nặng. Vấn đề ở đây là trong thời gian tới, chúng tôi muốn là mình có thể trong một thời gian ngắn, vì mùa du lịch sắp tới rồi, mà cá thì…”

Nghe tới đây, ông Võ Tuấn Nhân liền khoát tay ra hiệu dừng lại và nói “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”.

Cuộc họp báo chóng vánh, chỉ khoảng 10 phút với một thông báo ngắn 27/4 đã khiến nhiều nhà báo bực tức nói họ ‘hụt hẫng’, ‘phẫn nộ’, ‘thất vọng’…, nhất là sau khi phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ vì các bộ, ngành phải họp kín.

Sau đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 lý do là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển hoặc do hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’, nhiều người đã phản ứng giận dữ qua các phát biểu trên mạng.

Đa số ý kiến tỏ ý nghi ngờ có sự khuất tất khi cả 7 Bộ và Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia với hàng chục ngàn tiến sĩ lại không thể đưa ra kết luật rõ ràng về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường hiện nay.

Phế thải độc hại từ Formosa là gì?

Có 2 loại chính: Chất độc hữu cơ và kim loại nặng.

Về chất độc hữu cơ, thường là các chất Polynuclear aromatic hydrocarbons (PAHs): Nghiên cứu cho thấy rằng các chất chuyển hóa PAH nhất định sẽ tương tác với DNA và trở thành genotoxic, gây ra khối u ác tính và tổn thương gen di truyền ở người. Ở người, tiếp xúc với các hỗn hợp của PAHs gây nguy cơ đáng kể của phổi, da, và nguyên nhân gây ung thư.

Về kim loại nặng, các chất này thường có tính bền vững rất cao. Do vậy, chúng sẽ tồn tại rất lâu trong đất, nước, không khí. Nếu các sinh vật hấp thụ các kim loại này thì chất độc sẽ được tích lũy và chuyển qua các sinh vật (động vật cũng như thực vật) khác nhau qua chuỗi thức ăn (food chain). Con người thường là điểm đến cuối cùng của chuỗi thức ăn trên và các kim loại này sẽ đi vào cơ thể qua việc ăn uống. Ngoài ra, chúng cũng có thể xâm nhập qua đường hô hấp và qua da. Các kim loại nặng nầy sẽ theo dòng chảy sẽ chìm dần xuống đáy biển do tỷ trọng cao từ đó có thể giải thích hiện tượng sò, ốc dưới đáy biển cũng chết hàng loạt chạy dài cho đến Đà Nẵng hiện nay. Trên lý thuyết, những kim loại nặng có tác hại khôn lường và rất khó chẩn đoán. Các loại hải sản ở khu vực nhiễm độc đều có thể bị nhiễm nặng. Lượng độc tố có thể ngấm sâu xuống mạch nước ngầm và gây hại lâu dài. Tình trạng ở Vũng Áng có tầm nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của dân chúng trên bình diện rộng do dòng hải lưu và phân phối hải sản tiêu thụ trên một vùng rộng lớn chứ không chỉ giới hạn ở Vũng Áng.

Kết luận

Ngày 23/4/2016 vừa qua, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, 171 quốc gia, trong đó, có Việt Nam, đã ngồi vào ký kết Công ước bảo vệ môi trường thế giới vì lo ngại hiểm họa môi trường từ sự phát triển công nghiệp.

Ngay cả Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP-TransPacific Partnership) của 12 quốc gia thành viên vừa ký kết, và đang chờ quốc hội Hoa Kỳ thông qua cũng phải cam kết bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường được thế giới cam kết không phải là chỉ cho riêng bất kỳ quốc gia nào, mà là phải hiểu rằng trái đất là 'mái nhà chung'. Ô nhiễm ở Việt Nam hay ở bất kỳ quốc gia nào cũng là ô nhiễm của toàn cầu. Một quốc gia nào muốn phát triển thì cũng phải cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Nếu quốc gia nào vi phạm vào những cam kết bảo vệ môi trường sẽ bị đưa ra trọng tài tòa án quốc tế phân xử, cấm vận và tẩy chay.

Ấy vậy mà ông Chu Xuân Phàm, (Chou Chun Fan) Giám đốc đối ngoại của Formosa họp báo và tuyên bố một cách sống sượng rằng: "Hoặc anh chọn tôm cá, hoặc anh chọn nhà máy thép. Anh không thể đòi hỏi cả hai”.

Thế mà, trước sự kiện Vũng Áng, lãnh đạo VN tiếp tục bao che và bào chữa cho Trung Cộng (nên nhớ tuy Formosa dưới danh nghĩa là một tập đoàn của Taiwan, nhưng thực sự vốn đầu tư là của TC). Chúng ta hãy nghe:

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đưa ra ngụy lý trơ trẽn bênh che Formosa: “Đường ống xả thải của Cty Formosa đi ra biển là được các Bộ Ngành cấp phép, chứ không phải là đường ống tự lắp đặt lén lút. Trước khi xả thải ra biển, phía Formsa đều phải tuân thủ các quy định xử lý chất thải một cách chặt chẽ”. (Formosa thải ra biển hàng ngày 12.000 m3 chất thải lõng không qua thanh lọc!)

Lạ nữa, ông TBT Nguyễn Phú Trọng,  và phái đoàn công tác đi thăm công trình nhà máy thép Sơn Dương, Vũng Áng ngày 22/4/16 ngay khi … cá đã chết đầy biển suốt ba tuần qua, nhưng lại không hề đả động gì đến vụ tày đình này.

Còn TTg Nguyễn Xuân Phúc thì sao? Hôm (28/4), Văn phòng Chính phủ vừa thông cáo cho biết là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp hôm qua đã “chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng”.

Làm sao có thể hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi con số lên tới hàng trăm ngàn, tiền hỗ trợ sẽ có bao nhiêu tới được các nạn nhân và bao nhiêu vào túi đường dây quan tham ?

Về nguyên nhân cá chết, cả tháng qua vẫn “chưa biết” hay đúng hơn biết mà vẫn dấu nhẹm, không ai dám nhận trách nhiệm vì e sợ đụng tới “nước lạ”, cơ quan này chỉ qua cơ quan kia. Theo như chia sẻ của ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT. Ông Ly cho biết : “Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được”. Vì vậy các nhân sự có trách nhiệm điều tra về tai họa đến từ Formosa Vũng Áng lại … không dám đặt chân vào đặc khu Vũng Áng !

Bên cạnh tai họa về môi trường, hiện tượng không dám đặt chân vào trên 200 km2 đặc khu Vũng Áng để điều tra vì … có yếu tố nước ngoài đã đưa ra ánh sáng một tai họa to lớn không kém: Dưới chiêu bài đầu tư kinh tế, Trung Quốc "được quyền ngang nhiên" chiếm giữ, án ngự nhiều nhiều phần đất trong lãnh thổ Việt Nam.

Vụ cá chết cần khẳng định nguyên nhân chính là do Formosa thải chất độc cực mạnh với lượng lớn xuống biển, nhân dân cả nước và nhiều nhà khoa học trong nước, ngoài nước đã có đủ cứ liệu, dẫn liệu và cơ sở khoa học-thực tiễn chỉ ra điều đó. Không thể vô trách nhiệm hoặc vì bênh vực cho nhà đầu tư Trung Quốc-Đài Loan mà cho trôi tuột vụ này; định cố tình kéo dài 'để lâu cứt trâu hóa bùn' chăng?

Mất Biển, mất  Đất, mất môi trường sống, nông sản thực phẩm và  hàng tiêu dùng từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam chứa nhiều độc tố gây nguy hại đến sức khỏe...Dân tộc Việt Nam hiện đang đứng trước họa diệt vong bởi những  âm mưu, thủ đoạn  diệt chủng, bành trướng của 'đế quốc Đại Hán' thời mới, mệnh danh "đồng chí, hữu nghị, cùng ý thức hệ", nấp dưới những chiêu bài thâm độc, vô nhân đạo!

Hà Đông , Hà Nội 26/5/2016
T.V.T.


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:23 







No comments:

Post a Comment

View My Stats