Wednesday, 24 April 2013

TRÙNG TU NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA : NHÂN ĐẠO hay HÒA GIẢI ? (Vũ Ánh - Sống Magazine)




04/17/2013 09:45 AM

Mới đây, ông Nguyễn Đạc Thành đã có mặt tại Việt Nam để lo một dự án khá quan trọng: đó là trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nơi an nghỉ của trên 16,000 tử sĩ của quân đội VNCH, một đội quân hùng mạnh từng được xếp vào hạng thứ tư trong số những quân đội thiện chiến nhất thế giới. Ông Thành cũng là cựu thiếu tá trong QL/VNCH và là cựu tù cải tạo sau 30-4-1975 nay là chủ tịch sáng lập Vietnamse-American Foundation (VAF), một tổ chức chuyên đi tìm mộ các tử sĩ trong QL/VNCH và có văn phòng tại thành phố Houston tiểu bang Texas, nơi cũng có rất nhiều những cựu quân nhân VNCH hiện đang sinh sống.

Kế hoạch trùng tu khu nghĩa trang mà tôi nghĩ có lẽ những ai đã từng mặc áo lính trong thời chiến đều không thể nào quên được, bởi vì đó là nơi mà các đồng đội của mình được chôn cất như những anh hùng và lúc sinh thời nơi trận mạc, họ đều nghĩ nếu không may trước hòn tên mũi đạn thì một ngày nào đó, họ có thể cũng sẽ nằm cạnh những người bạn của mình nơi đây.

Biến cố chính trị và quân sự ngày 30-4-1975 đã làm thay đổi tất cả. Quân lực VNCH bại trận và khu nghĩa trang đầy tính chất bi hùng tráng với bức tượng “Tiếc Thương” ngồi buồn bã như tưởng nhớ các bạn bè đồng đội của mình mới nằm xuống vào ngày hôm trước, bỗng chốc đã trở thành nơi mà những người chiến thắng trút sự giận dữ lên những người lính miền Nam, mà vào lúc đó, có lẽ họ đã sang được một thế giới không còn súng đạn, chiến tranh và hận thù nữa. Khu nghĩa trang trở thành một khu cấm và mau chóng biến thành một nơi hoang phế, không có hương khói của những nén nhang dù những năm sau này, thản hoặc, có một số thân nhân hay gia đình của người nằm xuống lén vào hương khói trong ngày giỗ hay ngày Tết. Đó là chưa kể đến những số phận của đồng đội chúng ta tử trận hay mất tích cho đến nay chưa trở về trong các trận đánh nơi rừng sâu núi đỏ, chưa có ai nghĩ tới việc tìm kiếm để đưa về cho thân nhân họ. Người Mỹ đã làm chuyện ấy. Người Cộng sản đã và đang làm cho đồng đội của họ. Còn phía chúng ta vì hoàn cảnh hết sức đặc biệt, một số tử sĩ VNCH vẫn còn nằm trong rừng.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Người Việt ngày 14-3-2013, cựu thiếu tá Nguyễn Đạc Thành cho biết đó là điều rất đau lòng cho nên theo ông, VAF đứng ra cáng đáng công việc này là vì tình đồng đội nên “chúng tôi muốn đưa họ về”. Ông Thành cho biết thêm, mục đích này nằm trong dự án thứ nhất. Và dự án thứ hai là trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Trong một đoạn khác của cuộc phỏng vấn, ông cho biết:
Tôi hết sức cố gắng đưa nguyện vọng đó, đưa ý kiến đó cho chính quyền Việt Nam và chúng tôi cũng đưa nguyện vọng đó cho chính quyền Hoa Kỳ ở vị trí chúng tôi là người Mỹ gốc Việt và những người nắm xuống đó là thân nhân của những người Mỹ gốc Việt để kếu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ vì đây là chương trình nhân đạo, hoàn toàn nhânđạo và chính phủ Hoa Kỳ cũng lưu tâm mặc dù đây không phải là chính sách của họ.Họ lưu tâm vì đây là việc nhân đạo nên họ giúp, họ ủng hộ cho nên đây là việc hết sức tế nhị. Tôi không thể nói chính phủ Hoa Kỳ đã theo chính sách của người ta hay chính quyền Việt Nam như thế nào. Tôi chỉ biết rằng hai Bộ Ngoại Giao (Mỹ và Việt Nam) đã ủng hộ chúng tôi trong chương trình nhân đạo mà thôi”.

Ông Thành nhấn mạnh rất nhiều lần về tính chất nhân đạo của vấn đề và ông xin mọi người đừng đặt vấn đề chính trị vào trong này vì “chính trị nó là muôn mặt, nó làm cho mình không có thể làm được công việc nhân đạo này”. Nếu những ai quan tâm đến việc làm sao trùng tu được khu nghĩa trang, những ai còn quan tâm tới tình huynh đệ chi binh và tình đồng đội, những ai quan tâm tới tử sĩ đồng đội của mình trong các khu rừng rậm, hay nơi nghĩa trang của tù cải tạo tất hiểu lý do khiến ông Thành phải nhắc tới điều này nhiều lần. Bởi vì trước đó khi ông Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Saigon Lê Thành Ân và ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam người đặc trách các vấn đề nhân đạo đến thăm khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để quan sát việc thi công công trình trùng tu đã và đang được tiến hành. Cả hai nhận vật này đã người trước kẻ sau thắp nhang tại Đài tử sĩ và hình ảnh của họ đã trở thành những hình ảnh nổi cộm trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Suy già và đoán non, một số dư luận đã vội vã chỉ trích việc làm của ông Nguyễn Đạc Thành và cáo buộc rằng ông hòa giải với kẻ thù. Nhưng nếu cứ căn cứ vào những lời lẽ được chuyển trong những e-mail trong thế giới mạng, ai cũng có thể thấy những lời lẽ thiếu lịch sự với ông Thành chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc. Có những người lại còn viết ra những điều hoang tưởng rồi gởi điện thư đi lung tung, tôi xin trích một đoạn trong e-mail của một cựu quân nhân gởi cho một nhóm cựu tù cải tạo:
“...Tuy nhiên, vấn đề không phải là trùng tu nghĩa trang Quân đội VNCH (làm lúc nào cũng được) mà là làm sao giải tán được cái bọn đang cầm quyền ở Việt Nam, ở Saigon, như vậy mới là trị căn, trị tận gốc vấn đề. Sau đó mới có thể giải tỏa được tất cả nhà cửa hãng xưởng được bọn SOB cố tình xây dựng lên nhằm che bít lối đi vào nghĩa trang và tượng người lính đã bị phá bỏ, trả lại cảnh quan thoáng đãng, trang nghiêm năm xưa nhìn từ xa lộ vào...”!

Lại có những e-mail khác có nội dung không phản đối, cũng không ủng hộ mà chỉ bóng gió một câu đã trở thành khôi hài đen trong cộng đồng này rồi, xin trích:
“Ôi… chúng (CS) đã đổi tên nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa mất rồi...”.

Đúng, thực tế là phía thắng trận nay đã đổi tên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thành Nghĩa trang Bình An. Không những thế, họ còn trở thành những người điều hành toàn bộ miền Nam Việt Nam nên đã đổi nhiều thứ khác, đổi đời của chúng ta, đổi tên ngay cả thủ đô Saigon và nhiều đường phố mà dù chúng ta có cả một tổ chức đòi tại tên Saigon do linh mục Nguyễn Hữu Lễ thành lập, dù có những lời gào thét “trả ta sông núi”, họ vẫn chưa trả. Dĩ nhiên, ai cũng có thể hiểu rằng chính quyền Cộng sản sẽ không bao giờ trả vì họ đã thống nhất được đất nước trong khi những người đòi đã trở thành công dân Hoa Kỳ hay công dân một quốc gia khác ở hải ngoại. Đối với họ chúng ta vẫn là người nước ngoài dù Hà Nội chấp nhận song tịch.

Nhưng theo tôi, điều thấy rõ nhất là giả dụ như ở Hà Nội có một chế độ khác không phải là Cộng sản lên cầm quyền, liệu có chính phủ mới ấy có trả lại chúng ta nguyên trạng của nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa không? Không ai có thể chắc vì chữ “nếu” ấy sẽ làm cho cuộc tranh luận kéo dài, chuyện cãi lẫy nhau sẽ kéo dài chẳng ăn thua hay ảnh hưởng đến thực tế là Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa đang được VAF và những người ủng hộ tổ chức này, cố gắng thực hiện từng bước việc trùng tu, cố gắng chấm dứt cảnh nhang tàn khói lạnh tại nơi yên nghỉ của 16,000 tử sĩ VNCH, trong đó có nhiều người vốn là lính dưới quyền hoặc là cấp chỉ huy của những người đang lớn tiếng chỉ trích công việc làm của ông Nguyễn Đạc Thành và những người khác không chừng.

Trừ những người nào là lính văn phòng, lính thành phố, thậm chí lính kiểng chưa một lần nào vác súng ra chiến trường, chưa một lần sát cạnh những người lính mà cái chết đến với họ “dễ ợt”, những người đã từng cầm súng tác chiến chắc chắn không quên những lần xung xong để quyết lấy lại thi thể của đồng đội mình khi họ “té và đi phép dài hạn”phía trước mặt chỉ khoảng hơn trăm thước và có thể do chuyện này mà có khi một trung đội hay đại đội lại phải hy sinh thêm một hai người nữa. Đau đớn như thế nhưng tại sao họ phải làm? Lý do là người lính nào cũng phải hiểu: Nghĩa vụ tinh thần cao cả và danh dự đối với đồng đội.

Không làm gì cả và ngồi yên tại một đất nước an toàn, tự do, dân chủ như Hoa Kỳ này để ba hoa chích chòe về tình đồng đội, về huynh đệ chi binh, về giải thể Cộng sản thì dễ quá, ai cũng có thể làm được. Chỉ có bắt tay vào việc thì mới khó làm và khi làm rồi thì có khi cả một thế hệ qua đi cũng chưa xong. Cũng chính vì thế mà đã có một số người dùng lý do khác để che giấu một việc mà có lẽ suốt trong những năm tháng dài chiến tranh hay hậu chiến tranh chẳng bao giờ họ quan tâm tới.

Lẽ đời, cách che giấu sự không quan tâm đến một vấn đề cần được quan tâm là đả kích những việc làm của người khác khi họ bắt tay vào một công việc mà người vô tâm tưởng rằng “có thể làm bất cứ lúc nào”“điều trước hết là phải giải tán bọn cầm quyền ở Việt Nam”. Bao giờ thì người Việt Nam ở hải ngoại mới giải tán được “đám” cầm quyền ở Việt Nam nếu ông tác giả nói trên cứ ngồi đây mà “phán”?

Một trong những e-mail phản bác ý kiến nói trên và biến câu chuyện này thành một chuyện khôi hài xuất hiện trên một điện thư khác:
“….Bác ấy nói giải thể Cộng sản là cốt lõi của mọi vấn đề? Đúng đấy. Vậy cộng đồng chúng ta ở đây nên vận động chính phủ Mỹ cho bác ấy một chiếc tầu để bác ấy tom góp những người Mỹ gốc Việt có cùng quan điểm trên bí mật xâm nhập Việt Nam thả họ vào bờ biển nào gần rừng để lập chiến khu hoạt động giải thể chính quyền Cộng sản tại đây có phải hợp logic nhất không các bác?...”.

Nói tóm lại, việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nay là Nghĩa Trang Bình An do tổ chức VAF của ông Nguyễn Đạc Thành chủ trương với sự cộng tác của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Bình Dương cũng mới chỉ là những bước đầu tiên của một hành động nhân đạo. Lần đầu tiên một tổ chức hải ngoại được phép và được công khai trùng tu Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Tuy nhiên, dù người Việt Nam ở hải ngoại hay ở trong nước ủng hộ hay không ủng hộ dự án người ta cũng không thể phủ nhận rằng sau khi cuộc chiến kết thúc 38 năm trước, đây là một trong những bước tích cực nhất của một tổ chức hải ngoại làm vì tình đồng đội và huynh đệ chi binh.

Nếu nói đến tình đồng đội và huynh đệ chi binh qua việc trùng tu khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, chúng ta cũng không nhất thiết phải lồng lý do chính trị vào nguyên nhân dự án này. Đó là cũng một điều không nên bởi nó có thể gây trở ngại cho dự án. Chúng ta chạy được sang đây đã yên phần chúng ta rồi. Còn những đồng đội gồm những người đang nằm ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, những thương phế binh, cựu quân nhân, cựu cảnh sát và cựu công chức VNCH hiện đang còn sống tại Việt Nam. Họ đều là những anh hùng thời chiến tranh hay ít nhất cũng là những người đã đứng cùng chúng ta trong những chiến hào dù ở tiền tuyến hay là ở hậu phương. Nghĩa vụ của chúng ta những người Mỹ gốc Việt vốn là những người từng cầm súng chiến đấu ngoài tiền tuyến hay là những người được phân nhiệm phục vụ tại hậu phương lớn lao lắm nếu chúng ta còn giữ được tinh thần đồng đội và tình huynh đệ chi binh như khẩu hiệu thường được nêu cao ở đây!

Nếu không ủng hộ vì lý do này lý do kia thì cứ minh thị tuyên bố hay chỉ trích với những lời lẽ lịch sự. Phê phán gay gắt và bóp méo công việc nhân đạo của người khác sẽ làm tủi hổ linh hồn của những người đã nằm xuống trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam.

----------------------------------------------

Vũ Ánh/Sống Magazine     03/31/2013 09:04 AM


No comments:

Post a Comment

View My Stats