Wednesday, 24 April 2013

THÁNG BA GÃY SÚNG ! (Vũ Ánh - Sống Magazine)




03/24/2013 11:34 PM

Tôi mượn tựa đề một tác phẩm của nhà văn Cao Xuân Huy, một cựu sĩ quan thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói về cuộc rút chạy của đơn vị anh từ địa đầu giới tuyến để về phía Nam trong thờiđiểm bắt đầu cho một tháng Tư đầy đen tối, bi kịch và thảm kịch dẫn đến việc mất miền Nam Việt Nam. Cao Xuân Huy lúc sinh thời vẫn còn giữ được tư chất hiên ngang của một người lính, đó là ăn ngay, nói thẳng dù điều nói ra mất lòng hay được lòng ai. Cũng vì thế đã có một thời ông bị những người ưa che giấu sự thật không thích tác phẩm của ông, nhưng Tháng Ba Gãy Súng vẫn hiện diện như một nhân chứng không thể xóa bỏ được của một thất bại lớn lao của hai chế độ Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam.

Nhưng năm thứ 38 của Tháng Ba Gãy Súng vẫn còn là những lời than khóc bi lụy dù lịch sử không hề nuôi dưỡng lâu dài những bi kịch, thảm kịch trong một cuộc chiến tranh. Một thời gian sau khi phần lớn những người trong các thế hệ của các bên lâm chiến trở thành người thiên cổ, cuộc chiến sẽ không còn là những tranh cãi buồn bã nữa mà sẽ trở thành đề tài cho những cuộc nghiên cứu khách quan, rút ra những bài học lịch sử với niềm hy vọng giúp cho những thếhệ sau này tránh được những cuộc chiến tranh vô ích.

Để dẫn dắt những thế hệ con cháu chúng ta nhìn vào những dữ kiện lịch sử một cách đứng đắn, điều cần cho các sử gia là những nhân chứng trong các bên lâm chiến là phải nói thẳng, nói thật, thất bại thì nói là thất bại, thắng lợi thì nói là thắng lợi. Cuộc chiến Việt Nam có những đặc thù khác với các cuộc chiến khác trên thế giới. Nó là một cuộc chiến tương tàn giữa những người Việt Nam như bao lần đã xảy ra trong lịch sử của đất nước này. Nhưng ảnh hưởng của khối Cộng sản và Tự Do vào hai miền đất nước khiến Việt Nam trở thành một bãi chiến trường núi xương sông máu mà ngày nay khi được đọc lại những tài liệu mật được công khai hóa về chiến tranh Việt Nam như “Khi đồng minh tháo chạy”, “Tài Liệu Mật Ngũ Giác Đài”, WikiLeaks, những tài liệu từ Thư Viện Nixon, từ Trung Tâm Nghiên Cứu Lubbock cùng nhiều tác phẩm của những sử gia khác như “Perfect Spy” của Larry Berman, “Vietnam’s Army Forgotten” của Andrew Wiest, và hàng trăm tác phẩm khác của các tác giả Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, người ta sẽ chẳng còn ngạc nhiên tự hỏi nguyên nhân nào khiến chúng ta mất miền Nam Việt Nam nữa.

Nhưng nếu coi miền Nam Việt Nam là một quốc gia thì mất nước, phải có người nhận trách nhiệm. Quân đội VNCH chiến đấu can trường, dũng mãnh như thế, những tại sao họ lại phải chịu thất bại cay đắng dường ấy? Họ đã làm hết bổn phận và nghĩa vụ của mình, họ đã có những chiến thắng vang lừng nhưng có lúc đã phải nhận lãnh những thất bại, nhưng quân đội trong thời chiến vẫn là cái xương sống của một quốc gia. Họ đổ xương đổ máu chiến đấu, không lẽ họ lại phải nhận chịu những tủi nhục của những người mất nước? Không thể như thế, người Tổng Tư Lệnh phải nhận chịu trách nhiệm nặng nhất và nhất là không thể bỏ đi vì bất cứ lý do nào khi đất nước nghiêng ngửa. Xương sống của một cơ thể vững chãi là do cơ cấu của bộ não. Khi não bộ có vấn đề, cột sống ấy không thể đứng vững. Vì thế không thể chối cãi được việc mất miền Nam là do chính sách và các lãnh đạo tồi tại VNCH. Đừng bao giờ dại dột đổ hết cho Mỹ hay cho Dương Văn Minh, bởi như thế thì sẽ không bao giờ trả lời được những hệ lụy của vấn đề dân tộc. Hơn nữa, cái mái nhà VNCH trong có một ngày rưỡi mà sập  xuống được thì cột kèo, rui mè tất đã bị mọt rỗng từ lâu rồi. Ai là người làm cho mọi thứ đều hư nát nếu không phải là những nhà có trách nhiệm điều hành vùng đất từ Vĩ Tuyến 17 xuống đến mũi Cà Mâu? Tháng ba gãy súng mà đặt vấn đề như thế thì không có gì vui, nhưng ít nhất cũng phải một nói ra cho nó rõ ràng một lần trước khi về cõi.

Trong suốt 38 năm nay, một số chính trị gia người Việt hải ngoại đều tránh né phải trả lời câu hỏi này và tệ hơn nữa khi có một ai đó đặt vấn đề lịch sử ấy lớn đó lên những trang giấy, lập tức họ nhận được những phản bác, nếu không đầy giận dữ, cuồng nộ thì cũng là một câu so sánh giản dị dễ dàng: dù sao thì chế độ VNCH cũng hơn chế độ Cộng sản Miền Bắc rồi ! Nói như thế thì có khác chi hai học sinh tiểu học chê bai một học sinh thứ ba: “Thằng A học dốt bỏ mẹ. Ít ra chúng mình cũng còn hơn nó”. Vấn đề ở đây không phải ai hơn ai mà là ai thắng, ai bại, và tại sao bại trong trận chiến vừa rồi?

Chúng ta khoan bàn đến chuyện tại sao đối phương thắng. Nhà văn Trần Văn Kha, một cựu Đại tá QL/VNCH, Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng, bên cạnh sự uyên bác về Phật học và thiền học, ông còn là một nhà chỉ huy quân sự ngay thẳng và rất ghét những sâu mọt trong quân đội. Tháng 2 năm 2010, nhà văn Trần Văn Kha cho ấn hành một tác phẩm phân tích quân sự nhan đề “Tại sao chúng ta thua”, một kết quả của gần 10 năm trời ông vùi đầu đọc ghi chép những tài liệu, sách báo chất đầy mobil home của ông ở thành phố Orange và nhất là tại thư viện của Trung tâm nghiên cứu Lubbock. Ông viết ngắn gọn gồm trích dẫn những số liệu và bằng chứng thắng, thua của mỗi trận đánh từ Việt Bắc thời Pháp thuộc cho đến những trận đánh ở miền Nam Việt Nam thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cũng như ảnh hương chính trị từ bên ngoài vào Việt Nam để đi đến kết luận “ta thua là tại ta vì có nhiều sai lầm ở thượng tầng quốc gia và các nhà lãnh đạo hàng đầu từ ông Ngô Đình Diệm đến ông Nguyễn Văn Thiệu”. Vì nội dung sách chỉ là những phân tích, cho nên không thể gọi nó là một biên niên sử có phần phỏng vấn nhân chứng và vì thế “Tại sao chúng ta thua” của nhà văn Trần Văn Kha có một giá trị ở mức độ nhất định.

Tuy nhiên, khi nó ra đời như một tác phẩm chưa đầy đủ mà nhà văn Trần Văn Kha từng nhìn nhận, nhưng nó cũng cho thấy một trong những hướng đi mới của sách lược chống Cộng: tranh đấu trên mặt trận tư tưởng là ưu tiên, tận dụng khối lượng thông tin đã được công khai hóa để phân tích, tổng hợp và chuyển chúng đi bằng phương tiện truyền thông tối tân nhất hiện này nhằm phá vỡ bức tường thành cuối cùng của sự bưng bít không những ở tại Việt Nam mà còn trong nhiều cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Dù tác giả Trần Văn Kha chỉ giới thiệu tác phẩm của ông trong số những bạn bè thân hữu mà ông quí mến, nhưng sau đó đã được lưu hành khá rộng rãi và cũng đã có những người chỉ trích ông là người có lập trường “chao đảo”, “thân Cộng”. Nhưng tác giả nói rằng ông không cần phải nói gì thêm vì ông đã là người tự do và khi người ta đã ở vào tuổi 80 sau khi đã làm đầy đủ bổn phận đối với đất nước thì tại sao lại cứ phải viết những điều không thật chỉ để làm vui lòng người khác chứ không giúp ích gì được cho những thế hệ mai sau?

Thời thiếu niên khi còn ngồi ghế trung học ở Saigon, tôi đã trải qua khá nhiều lần cứ mỗi năm đến 20-7-1954, chính phủ miền Nam Việt Nam tổ chức ngày gọi là Quốc Hận một chỉ dấu của sự kiện đất nước bị chia đôi do Hiệp định Genève 1954. Thế rồi khi lớn lên ra đời làm việc, chính mình hàng năm cứ đến ngày này, lại phải khăn áo đến một nơi nào đó làm bổn phận tường thuật lễ kỷ niệm Quốc Hận 20-7. Nhưng điều không ngờ nhất, người dân Miền Nam Việt Nam chạy sang đất Mỹ vẫn phải mang thêm một ngày Quốc Hận nữa: 30-4-1975.

Nay ở tuổi 72 khi những sợi tóc bạc trên đầu cứ thưa dần và tôi lại tự hỏi: Quốc Hận đến bao giờ thì chấm dứt? Ngày 20-7-1954, bằng một giải pháp chính trị với người Pháp, người Cộng sản chiếm được miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở lên và đã tạo ra cho người ở Miền Bắc di cư và người Việt ở miền Trung và Nam ngày Quốc Hận vì đất nước bị chia đôi. Ngày 30-4-1975, bằng giải pháp quân sự, CSBV chiếm được miền Nam và họ nói là để thống nhất đất nước và đưa giang sơn về một mối. Người Việt Nam bỏ nước ra đi gọi ngày này là Ngày Quốc Hận 30-4, có người gọi đó là Tháng Tư Đen. Hai mươi mốt năm quốc hận, chính quyền VNCH đã không có những kế hoạch nào khả dĩ Bắc Tiến thống nhất Việt Nam để chấm dứt ngày Quốc Hận. Ba mươi tám năm sau, người Việt hải ngoại cũng phải chứng kiến 38 lần lễ tưởng niệm Quốc Hận 30-4-1975 và việc chấm dứt Quốc Hận chắc cũng còn xa lắm.

Nhưng điều dễ thấy và gần nhất là cộng đồng người Việt Nam ở Nam California vẫn chia rẽ. Bằng chứng là cho tới nay mặc dù cựa quậy kịch liệt, nhưng vẫn chưa có được một ban đại diện cộng đồng thống nhất và thống nhất cho ra hồn. Năm ngoái, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ cũng không có được một buổi tưởng niệm chung, và một vài nhà tổ chức vẫn làm như“Quốc hận của chúng tôi khác quốc hận của các anh, các chị” hoặc “Quốc Hận của chúng tôi tổ chức ngon lành hơn, đông người dự hơn”. Năm ngoái, nhiều người Việt ở Little Saigon lắc đầu phiền muộn, một số người nóng tính nói thẳng ruột ngựa: “Có đứng chung với nhau vài giờ đồng hồ mà còn không được nói gì đến thống nhất cộng đồng?”

“Tháng Ba Gãy Súng” tác phẩm của nhà văn quân đội quá cố Cao Xuân Huy lại nhắc nhở chúng ta một mùa chay thật buồn. Nỗi buồn đó đối nghịch với cách tổ chức tưởng niệm ồn ào hàng năm trong cộng đồng khiến cho nhiều người cảm thấy mình như lạc lõng trong một lễ mừng chiến thắng. Quốc kỳ của VNCH khi xưa lẽ ra phải được kéo rũ chứng kiến chúng ta vẫn còn đang để tang cho sự kiện miền Nam Việt Nam thất thủ cách đây 38 năm. Tôi tin rằng dù biện minh cách nào đi chăng nữa, chúng ta không thể không cảm thấy nhục nhã, không thể không phải trả giá, thậm chí không thể phủ nhận trách nhiệm cho sự mất mát lớn lao ấy ngoại trừ những kẻ đào ngũ trước địch quân, những người từng hưởng bổng lộc cao trọng của nhà nước, nhưng khi thấy thế nước lâm nguy thì quay lưng bỏ trốn. Tôi còn tin rằng dù đôi mắt của những người lính già nay tuy đã héo hắt nhưng vẫn đủ để nhỏ xuống những giọt lệ cho những đồng đội đã nằm xuống của mình trong đêm ngồi lại cùng nhau và những ngọn nến được chuyền đi, ánh sáng trong đêm tối lan dần rồi bừng lên như một quyết tâm, một lời tuyên hứa rằng thế hệ già, trẻ ở hải ngoại nhất định tổ chức được cộng đồng Việt đích thực là một cộng đồng mạnh vì tự do, đoàn kết và quyết tâm loại bỏ bất cứ một áp lực chính trị nào, đến bất cứ từ đâu làm tổn hại đến uy tín của người Việt tị nạn, làm cho công cuộc chống Cộng của người Việt tị nạn bị đàm tiếu và bị lôi ra làm trò hề cho đối phương.

Vũ Ánh



No comments:

Post a Comment

View My Stats