Monday, 15 April 2013

TPP hay KHÚC QUANH VIỆT - MỸ ? (Phạm Chí Dũng)




Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 06:57 GMT - thứ hai, 15 tháng 4, 2013

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được khởi đầu từ tinh thần hòa giải, nhưng phải là một sự hòa giải thực chất chứ không phải bóng gió quanh co.

Nhân tố nào đang cần và còn thực sự mong đợi về một cuộc hòa giải không bình thường như thế?


“Âm mưu của kẻ thù”
Vào thời điểm kỷ niệm 24 năm từ khi Việt Nam chính thức mở cửa kinh tế, 12 năm từ lúc Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được xem như một “bước ngoặt”, 6 năm “cơ hội” cho việc lần đầu tiên quốc gia này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, một lần nữa mối tương quan Mỹ - Việt lại chuyển sang một khúc quanh thách thức mới: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trùng thời gian với ước nguyện của Việt Nam được chấp nhận như một thành viên của TPP, những dấu hiệu vốn ngầm ẩn lại có cơ hội hiển lộ tính tín hiệu ở đất nước này.

Nhưng có vẻ trái với quy luật thường thấy, vào lần này mối liên đới về quốc phòng lại đi trước chủ đề về kinh tế.

Khi tháng 4/2013 trôi qua được gần một phần ba thời gian và vô tình sát với thời điểm diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được nối lại ở Hà Nội sau vài lần bị phía Mỹ từ chối, Hoa Kỳ dường như đã trở thành “phát ngôn viên” tiên phong về vấn đề bảo vệ ngư dân Việt ở khu vực Biển Đông.

William Lee - Chuẩn đô đốc phụ trách về chính sách và năng lực của Tuần duyên Hoa Kỳ, cho trang mạng US News biết về “một cuộc gặp giữa quan chức hai bên đã diễn ra trong tuần lễ sau khi có sự kiện tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắn cháy nóc cabin”; và “hai nước Việt Nam và Mỹ đang hợp tác để phát triển lực lượng cảnh sát biển đủ năng lực giúp các ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn”.

Rất tương đồng về mặt địa lý và có thể cả trên phương diện địa - chính trị, Biển Đông lại là một thành phần “không thể thiếu” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tức cũng là một thành tố nhất quán của Hiệp định TPP.

Trước tiết lộ của Chuẩn đô đốc William Lee một ngày, trong một hành động hiếm hoi, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã “ra thăm và làm việc” tại đảo Lý Sơn, được xem là một địa chỉ có nhiều ngư dân bị Trung Quốc xâm hại khi hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa.

Cũng là một lần dũng cảm hiếm hoi trong những năm qua, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam đề cập đến cụm từ “âm mưu của kẻ thù” khi nhắc nhở quân dân của huyện đảo Lý Sơn cần hết sức cảnh giác để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo.

Cùng thời gian trên, cụm từ “âm mưu của các thế lực thù địch” - thường được sử dụng để ám chỉ sự can thiệp của phương Tây về các vấn đề dân chủ và nhân quyền - lại có vẻ nhạt nhòa một cách bất thường trên mặt các báo Đảng như Nhân dân và Quân đội nhân dân.

Vô tình hay hữu ý, chỉ một ngày sau tiết lộ của Chuẩn đô đốc William Lee, một ủy viên Bộ chính trị là Bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đã có một cuộc “thăm và kiểm tra” tại Cục cảnh sát biển - một lực lượng trực thuộc Bộ quốc phòng Việt Nam.


Nhân quyền “xuyên Thái Bình Dương”
Từ con mắt của phương Tây, Biển Đông cũng là một mối quan tâm đặc biệt trên bản đồ kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp - Việt.

Trước khi hiển lộ những tín hiệu “hợp tác đa phương” vào đầu tháng 4/2013, từng mối “quan hệ song phương” đã được ấp ủ và nhen nhóm. Vào những ngày cuối tháng Ba, một cuộc hội kiến giữa Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với người tương nhiệm Laurent Fabius đã diễn ra tại Paris. Sau cuộc hội kiến này, hai ngoại trưởng đã ra thông cáo chung về việc sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” trong năm 2013.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề Biển Đông, bản thông cáo chung Pháp - Việt còn cho thấy dân Gaulois cũng hết sức quan tâm đến việc “thúc đẩy nhà nước pháp quyền và quyền con người” trong tinh thần đối thoại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Vô tình hay hữu ý, “chuyến thăm và làm việc” tại Paris để nhận giải thưởng “Công dân mạng năm 2013” của Tổ chức phóng viên không biên giới của blogger Huỳnh Ngọc Chênh - người được báo Nhân dân mô tả “tỏ ra rất hí hửng và đắc thắng với “vinh dự” của mình” - đã suôn sẻ đến mức bản thân “đối tượng” này cũng phải ngạc nhiên. Không khí thoải mái đến khó tin này lại chỉ diễn ra trước khi Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đặt chân đến Kinh đô ánh sáng ít ngày.

Cùng thời gian trên, bắt đầu phát lộ những tin tức đầu tiên về việc Việt Nam đang ứng cử vào một trong những chiếc ghế của Hội đồng nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc.

Như một sự đồng cảm, chủ đề TPP cũng được báo chí trong nước dồn dập nêu ra. Một lần nữa sau sự kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới 6 năm trước, cơ hội lại gắn liền với thách thức.

Như thường được diễn tả, là một hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện, TPP có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và hiệu quả trong chuỗi cung ứng, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ, tiếp cận thị trường tất cả các nước TPP, trong đó có các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như nuôi trồng thủy sản, dệt may, da giày, đồ nội thất, được giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

Một triển vọng quyến rũ là hiện thời xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang phải chịu mức thuế từ 17,3-32%, nhưng mức thuế này sẽ được giảm xuống 0% nếu Việt Nam được chấp thuận vào TPP. Tương ứng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 7% hiện nay lên 12-13%, thu về khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025.

Hiển nhiên, Hiệp định TPP sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho các hàng hóa xuất khẩu.
Peter A. Petri, một giáo sư của Đại học Brandeis của Mỹ, khẳng định rằng Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi ích nhiều nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và quan hệ chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất quốc tế.

Vào thời gian này, cùng với việc cụm từ “diễn biến hòa bình” dường như tan biến trên mặt báo Đảng, một nền hòa bình thực sự đang được một số người cầu thị về khả năng hòa giải của nó.


Hòa giải trọn gói
Không khí có vẻ lạc quan về TPP cũng khiến người ta nhớ lại về thái độ tương tự diễn ra cách đây 12 năm, vào năm 2001, khi lần đầu tiên Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết chính thức. Cũng là lần đầu tiên từ sau năm 1975, cánh cửa hòa giải lân bang được mở tung.

Những gói viện trợ trực tiếp và gián tiếp cũng thi nhau tuôn vào Việt Nam.

12 năm sau tinh thần hòa giải trọn gói trên, một lần nữa tiếng chuông gia cố hòa giải lại vang lên. Vào lần này, người gióng chuông là cựu ứng viên tổng thống Mỹ năm 1988 - ông Michael Dukakis, hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston.

“Các bạn là một dân tộc điển hình về hòa giải, hòa hợp sau chiến tranh, nỗ lực xây dựng một thế giới tránh xung đột” - giáo sư Dukakis tuôn trào chính tại Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 8/4/2013, tức cùng thời điểm với lời nhắc nhở về “âm mưu của kẻ thù” của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại huyện đảo Lý Sơn.

Bộ đôi quyền lực mà ông Dukakis đặt cược cho tương lai quan hệ Việt - Mỹ là Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry - những người từng là cựu binh của cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng tiên phong nỗ lực đóng góp cho bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh.

Dukakis cũng cho rằng, lịch sử chưa bao giờ có được bộ đôi quyền lực thuận lợi như vậy cho quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

“Tinh thần hòa giải Dukakis” cũng gợi cho dư luận nhớ lại một sự kiện, tuy không được báo chí trong nước đề cập, nhưng lại tỏ ra không kém cạnh về ý nghĩa hòa giải, diễn ra vào tháng 3/2013.

Đó là sự hiện diện “đến thăm và thắp hương” của Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ ở tỉnh Bình Dương, nơi chôn cất 16.000 binh lính Việt Nam cộng hòa đã tử trận.

“Lần đầu tiên một quan chức Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam cộng hòa, những chiến binh của phía thua cuộc” - báo chí phương Tây bình luận.

Một chi tiết đáng bình luận nữa là cùng đi thăm nghĩa trang với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa, cựu tù cải tạo và hiện là Chủ tịch Hội Vietnamese American Foundation.

Theo mô tả của nhà báo Bùi Văn Phú ở California, sự kiện trên đã gây xôn xao dư luận hải ngoại về chính sách hòa giải của Nhà nước Việt Nam.

Người ta cũng tự hỏi rằng nhân tố nào đang cần và còn thực sự mong đợi về một cuộc hòa giải không bình thường như thế?


“Ngọn cờ”?
Hòa giải cũng dường như kéo theo tinh thần ân xá. Vào tháng 3/2013, lần đầu tiên kể từ năm 1975, Tổ chức ân xá quốc tế được đặt chân đến Việt Nam. Không những thế, tổ chức này còn có vẻ khá hài lòng vì được làm việc với những “đối tượng” mà họ đề nghị đích danh với chính quyền sở tại mà không bị “sách nhiễu”.

Không bao lâu sau sự kiện đặc biệt trên, cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã lần thứ hai đến Việt Nam và có một cuộc hội kiến đáng ghi nhận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Nhà nước Việt Nam đang rất hy vọng về tương lai nồng ấm với Pháp, mối quan hệ Việt - Anh cũng đã được ông Dũng “đánh giá cao những đóng góp của ông Tony Blair trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược”.

Trong ý nghĩa sâu xa, “đối tác chiến lược” có thể là một cụm từ sáo rỗng nếu nó không mang lại điều gì thực chất. Nhưng ít nhất về mặt hình thức, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ được người ngoài đón tiếp chu đáo hơn.

Là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam khuyến nghị cần có Luật biểu tình trước Quốc hội vào tháng 11/2011, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trở thành lãnh đạo cấp cao từ trước tới nay - cách nào đó có thể coi là một “ngọn cờ” mới trong hoàn cảnh mới - làm diễn giả chính tại Diễn đàn an ninh, quốc phòng đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 12, dự kiến sẽ tổ chức ở Singapore vào cuối tháng 5/2013.

Quy tụ trên dưới 400 quan chức quốc phòng, ngoại giao, học giả từ gần 40 quốc gia châu Á, châu Mỹ và châu Âu, SLD được xem là diễn đàn an ninh, quốc phòng quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn trên cũng là nơi hội ngộ giữa các cựu binh, với sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quanh Thanh.

Chỉ có điều, trong bối cảnh đối thoại sòng phẳng và xán lạn trên, một cựu binh khác - “Người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn - lại vừa phải chịu án tù 5 năm từ một phiên xét xử bị xem là bất công và đen đúa của chính quyền Hải Phòng.

Bối cảnh trên cũng diễn ra trong khung cảnh dòng chảy đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ chớm được đối lưu, cũng như vấn đề của những người như Đoàn Văn Vươn được một số tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá như một “vụ án chính trị”, là một trong những tâm điểm then chốt cần được lưu tâm trong bối cảnh Việt Nam đang thiết tha ứng cử vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc.

Nhưng ở một chiều kích khác, lại có luồng ý kiến từ “lề dân” của mạng truyền thông xã hội trong nước cho rằng án tù 5 năm đối với Đoàn Văn Vươn là một bước đi mềm mỏng và thỏa hiệp của nhà nước trước những “cơ hội đối ngoại” mới, thay cho việc ông Vươn phải chịu mức án nặng gấp đôi - có thể lên đến 10-12 năm - nếu bị đưa ra xét xử vào thời gian nửa cuối năm 2012, cùng thời gian với sự đình hoãn đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ.

TPP hay khúc quanh Mỹ - Việt?
Vào những ngày này, liều lượng chỉ trích “các thế lực thù địch” trên những báo đảng như Nhân dân và Quân đội nhân dân cũng bất ngờ “suy thoái” đến phân nửa hoặc còn thấp hơn nữa.

“Mấy tổ chức phản động như Việt Tân, đảng Dân chủ Việt Nam… cùng mấy cơ quan truyền thông VOA, BBC, RFA, RFI… và một số blog của các đối tượng chống đối” - như cách xác quyết đầy mạnh mẽ thường thấy trong nhiều bài xã luận trước đây trên tờ Nhân dân, đã không còn được “phúc thẩm” trong bối cảnh gia đình Đoàn Văn Vươn đang bày tỏ ý nguyện quyết liệt kháng cáo đối với bản án sơ thẩm dành cho những người thân của họ.

Những sự kiện cấp tập đan xen về kinh tế, ngoại giao, tuyên giáo và cả chính trị như trên cũng khiến người ta hồi tưởng một giai đoạn tiền lệ gần tương tự ở Miến Điện vào cuối năm 2010 và trong nguyên năm 2011.

Sau khi phóng thích nữ lãnh tụ đảng đối lập và cũng là Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi, tổng thống thoát thân từ chế độ quân phiệt là Thein Sein đã tiến hành một loạt cuộc đàm phán và đối thoại về nhân quyền với người Mỹ. Kết quả của các cuộc hội đàm này, cùng với chính sách cởi mở đến khó tin sau đó của ông Thein Sein về tự do ngôn luận và tự do báo chí, bãi bỏ đạo luật về ngăn chặn bắt bớ giới bất đồng chính kiến và còn cho người dân có quyền biểu tình, tôn trọng nhân quyền và chia sẻ quyền lực với phong trào dân chủ và nhân dân…, đã nâng Miến Điện trở thành điểm thăm viếng đầu tiên của Tổng thống tái đắc cử Barack Obama.

6 tỷ USD mà Miến Điện được xóa nợ cũng tiếp dẫn. Câu lạc bộ Paris, Nhật Bản, Na Uy và những tổ chức tài chính như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế đều tỏ ra hào phóng hơn rất nhiều so với thái độ hoài nghi trước đó không bao lâu.

Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và khả năng gia nhập TPP vì thế cũng có cơ may được cải thiện hơn hẳn đối với trường hợp của Miến Điện, nếu liên tưởng với một ước nguyện tương tự của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia hình chữ S đang phải trải qua ít nhất hai năm của một chữ S khác - Suy thoái kinh tế.

Ẩn số còn lại trong vài năm tới là chữ S ấy sẽ có thể biến thái hay biến dạng như thế nào - theo một đường tuyến tính trên tinh thần hòa giải tự thú hay vẫn chỉ là những khúc quanh mà sẽ đẩy tất cả xuống hố?

Còn hiện thời, chữ S dân tộc vẫn đang phải chịu nhiều áp lực hầu như chưa có điểm dừng từ chủ thể “ngàn năm Bắc thuộc” nhưng luôn bị che mờ bởi khách thể “mười sáu chữ vàng”.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, cây bút Phạm Chí Dũng sống tại TP HCM.




No comments:

Post a Comment

View My Stats