Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy
trừu tượng đến trực quan sinh động(*).
Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13
ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương
tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Là một
công dân tôi cũng xin góp một ý nhỏ vào việc xây dựng Hiến pháp lần này (dự
kiến sẽ được quốc hội thông qua năm 2013).
Tôi đặt biệt quan tâm đến câu
này trong phần lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới đây:
“Dưới ánh sáng của chủ nghĩa
Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân,…”
Câu này tôi hiểu như sau: Đầu
tiên là Đảng sẽ thể chế hóa đường lối của Đảng ra thành pháp luật “thể chế
hóa Cương lĩnh”, muốn có luật hợp pháp thì phải làm Hiến pháp trước, mà
Đảng thì lại theo Chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên mở đầu của
Hiến pháp là “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”,
hay là vận dụng “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” để xây dựng đất
nước trong thời kỳ mới. Bài viết này phân tích có nên vận dụng “ánh sáng” và
“tư tưởng” này trong giai đoạn hiện nay không?
I/ Nguồn gốc của câu: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác –
Lênin”
Điều này bắt nguồn từ lời kể
của Bác Hồ về con đường đưa Bác từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lê
Nin.
“Lúc đầu, chính là chủ nghĩa
yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc
tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý Luận Mác –
Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã
hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những
người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng
vậy, có câu chuyên đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người
ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay các giải
pháp. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt
Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà
còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi với thắng lợi cuối cùng,
đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.” Lời Bác Hồ kể.
Từ đây câu nói “Dưới ánh
sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin” là câu nói thường kỳ của đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam và xuất hiện rất nhiều trong các văn kiện của Đảng.
II/ Có nên viết câu trên trong Hiến pháp hay không?
Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng.
Đây là con đường của nhận thức
loài người, ở đây không phải là bài viết về triết học nên tôi không đi sâu về
vấn đề này mà đi vào việc vận dụng câu này để trình bày quan điểm của mình:
Các Mác (1818-1883), “những
hoạt động cách mạng và triết học của ông diễn ra trong thập niên 1840 – giữa
lúc chủ nghĩa tư bản đang trong thời kỳ phát triển và
giai cấp vô sản công nghiệp ra đời và có những hoạt động cách mạng chống chế độ
tư bản.”.
Từ trực quan sinh động của thời
kỳ Mác: giai cấp vô sản công nghiệp ra đời, từ đời sống bần cùng của họ ông đã
tìm cách lý giải: Giai cấp vô sản bị giai cấp tư sản bóc lột và học thuyết về
giá trị thặng dư ra đời. Giá trị thặng dư là do người công nhân làm ra bị nhà
tư bản chiếm đoạt. Ông cho rằng nguồn gốc của bóc lột là do chiếm hữu tư nhân
về tư liệu sản xuất (TLSX), ai giữ quyền chiếm hữu về TLSX thì người đó quyết
định quyền phân phối kết quả sản xuất.
Từ trực quan sinh động như thế
ông có tư duy trừu tượng: Ông cho rằng muốn xóa bỏ áp bức bóc lột thì phải xóa
bỏ quan hệ chiếm hữu tư nhân về TLSX và thay bằng chiếm hữu công cộng về TLSX.
Muốn làm được việc này thì giai cấp vô sản phải làm cách mạng, giành lấy chính
quyền và thiết lập một chế độ mà sở hữu công cộng về TLSX là chủ yếu.
Từ tư duy trừu tượng đến trực quan sinh động:
“Thực tiễn có vai trò kiểm nghiệm
tri thức đã nhận thức được. Do đó, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là cơ
sở động lực, mục đích của nhận thức. Mục đích cuối cùng của nhận thức không chỉ
để giải thích thế giới
mà để cải tạo thế giới”.
Chủ nghĩa Mác ra đời nhằm cải
tạo thế giới, nhằm tạo ra một thế giới không có người bóc lột người …, một viễn
cảnh tươi đẹp mà ai cũng phải mơ ước! Đó là một trực quan mà nó muốn xây dựng
nên. Thực tiễn diễn ra như thế nào?
Tôi lấy thực tiễn Việt nam xây
dựng phát triển kinh tế từ sau năm 1980 (tính từ năm 1980, sau khi kết thúc
chiến tranh biên giới phía bắc với Trung Quốc), nhà nước ta đã thiết lập quan
hệ sở hữu công cộng về TLSX là chủ yếu thì kết quả hay là trực quan sinh động
là:
Nền kinh tế Việt Nam bao gồm hệ
thống công thương nghiệp quốc doanh, hệ thống hợp tác xã nông nghiệp: lương
thực thì thiếu thốn, hàng tiêu dùng thì thiếu nghiêm trọng từ quần áo, các công
cụ sinh hoạt hàng ngày …
Đây là giai đoạn mà sau này gọi
là thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp, thực trạng kinh tế xã hội vào thời kỳ
này:
“Sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải
phóng (năm 1975) và đất nước thống nhất (năm 1976), bắt đầu ngay việc thực hiện
kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980). Kế hoạch này có nhiều điểm duy ý chí
nên phần lớn chỉ tiêu đều không đạt. Sản xuất đình trệ, tăng trưởng chỉ đạt 0,4
%/ năm (kế hoạch là 13-14 %) trong khi tỷ lệ tăng dân số hàng năm trên 2,3 %.
Tình trạng thiếu lương thực diễn ra gay gắt, năm 1980 phải nhập 1,576 triệu tấn
lương thực. Ngân sách thiếu hụt lớn, giá cả tăng hàng năm 20 %, nhập khẩu nhiều
gấp 4-5 lần xuất khẩu. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhiều công
trình phải bỏ dở, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu trầm trọng.
Đại hội IV ĐCS VN đã quyết định cải tạo XHCN
trong cả nước với mục tiêu lớn: xây dựng chế độ làm chủ tập thể và sản xuất
lớn. Do các mục tiêu đề ra quá lớn nên trong kế hoạch 5 năm lần thứ III
(1981-1985) nền kinh tế thiếu cân đối và lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Sản
xuất đình trệ thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Nạn lạm phát tăng nhanh, đầu
những năm 80 tăng khoảng 30-50 % hàng năm, cuối năm 1985 lên đến 587,2 % và
siêu lạm phát đạt đến đỉnh cao vào năm 1986, với 774,7 %. Đời sống nhân dân hết
sức khó khăn.”
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế
vào những năm 1985, 86, 87 nhà nước buộc phải đổi mới, quá trình chuyển đổi từ
nền kinh tế
kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo
cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà
nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái có ý nghĩa quan trọng trong
quá trình đổi mới là thừa nhận sở hữu tư nhân về TLSX, đây chính là động lực
thúc đẩy sản xuất phát triển và chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng chính sách
đổi mới:
“Thành tựu đầu tiên trên lĩnh vực kinh tế là đã
đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của ba chương
trình kinh tế (lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu).
Tình hình lương thực – thực phẩm có chuyển biến
tốt. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1988 còn phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo, nay
chúng ta đã vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu,
góp phần quan trọng ổn định đời sống của nhân dân và cải thiện cán cân xuất –
nhập khẩu.”
Như vậy là từ tư duy trừu tượng
đến trực quan sinh động theo kiểu của chủ nghĩa Mác Lê cần phải xem lại. Có
phải nhờ quan hệ sở hữu công cộng về TLSX làm cho sản xuất đi lên hay chính là
quan hệ sở hữu tư nhân về TLSX mới là cái gốc của sự phát triển sản xuất?
Ngoài trực quan sinh động ở
Việt Nam thì trực quan sinh động ở các nước XHCN như Liên Xô và các nước Đông
Âu cũng vậy, hàng tiêu dùng thiếu trầm trọng, đời sống nhân dân rất khó khăn và
đỉnh cao là cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị xã hội từ năm 1989 cho năm 1992.
Những lý thuyết kinh tế nào trong quá trình đổi mới và
sau đổi mới:
Khi chuyển qua kinh tế thị
trường, nhằm tạo ra các hành lang pháp lý cho các chủ thể cùng tham gia cạnh
tranh trong khuôn khổ của pháp luật, nhà nước cũng đã xây dựng khung pháp luật
cho phù hợp với kinh tế thị trường như vào năm 1990: Luật công ty và Luật doanh
nghiệp tư nhân ra đời nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát
triển kinh tế tư nhân. Cách điều hành về kinh tế cũng khác trong thời kỳ này
cũng khác xa so với thời kỳ bao cấp, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào các
chủ thể trong nền kinh tế. Hay nhìn dưới một góc nhìn khác là nhà nước đã vận
dụng những lý thuyết kinh tế nào?
Nói đến kinh tế thị trường tự
do cạnh tranh là nói đến lý thuyết kinh tế của Adam Smith, Ông cho rằng “Bàn
tay vô hình” có nghĩa là: Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia
muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô hình chung đã
thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng. Theo Adam Smith, chính
quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp vào cá nhân và doanh nghiệp, cứ để nó tự
do hoạt động kinh doanh; ông kết luận: “Sự giàu có của mỗi quốc gia đạt được
không phải do những quy định chặt chẽ của nhà nước, mà do bởi tự do kinh doanh”
- Tư tưởng này đã chế ngự trong suốt thể kỷ XIX.
Nếu theo tư duy “ánh sáng”
trên, ta lại nói: Dưới ánh sáng của tư tưởng Adam Smith….
Bàn tay vô hình cũng có những
khuyết tật của nó, cần có sự tham gia điều chỉnh của nhà nước, hay lý thuyết
“bàn tay hữu hình” mà đại diện là: John Maynard Keynes, ông ta nhấn mạnh vai
trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Đây là lý thuyết kinh tế học
hiện đại mà bất kỳ sinh viên kinh tế nào cũng phải học. Lý thuyết của ông có đề
cập đến vai trò của chi tiêu chính phủ, các giải pháp nhằm tăng tổng cầu trong
nền kinh tế vậy phải chăng những giải pháp kích cầu của chính phủ trong thời
gian gần đây là nhà nước ta đã vận dụng lý thuyết này của ông.
Tiếp tục tư duy trên ta lại
nói: dưới ánh sáng của tư tưởng Keynes…
Theo tôi thì mỗi một nhà khoa
học đều đóng góp vào kho tàng trí thức của nhân loại và họ xứng đáng được tôn
vinh. Để ghi nhớ công lao một nhà khoa học nào đó thì ta đặt tên một ngôi
trường mà họ đã học, một định lý mà họ là người đầu tiên chứng minh, hay đặt
tên qui luật mà họ đã tìm ra như định lý Pitago, định luật Acsimet.., lý thuyết
Keyns, lý thuyết giá trị thặng dư của Mác…, còn việc viết Hiến pháp thì không
nhằm mục đích tôn vinh ai, còn nói để vận dụng “tư tưởng” của một học thuyết
nào đó vào thực tiễn mà trong Hiến pháp chỉ ghi theo tư tưởng của một học
thuyết thì chắc chắn sẽ thiếu vì tùy theo từng thời điểm thích hợp mà ta vận
dụng một lý thuyết nào đó. Ngoài ra tôi cũng khẳng định trong kinh tế nếu chỉ
vận dụng một lý thuyết nào đó thì chắc chắn sẽ sai vì mỗi một lý thuyết chỉ phù
hợp với những điều kiện mà nó giả định hay là trực quan sinh động mà nó thu
nhận được.
Những câu hỏi cho ban soạn thảo Hiến pháp và những vị
biểu quyết thông qua Hiến pháp.
Tôi rất mong quí vị hãy nhìn
thực tế cuộc sống hàng ngày của mình và tôi xin hỏi toàn bộ các vị trong ban
soạn thảo dự thảo Hiến pháp 1992, và tất cả đại biểu quốc hội hiện hành về tư
duy trừu tượng của các vị với các trực quan sinh động của một ngày như sau:
+ Buổi sáng, xe chở quí vị tới
nơi làm việc có vị nào đi xe của các nước mà nhờ có: Dưới ánh sáng của chủ
nghĩa Mác – Lênin hay quí vị đi xe của Nhật bản, Hàn quốc, Đức, Mỹ ….
+ Bước vào cơ quan làm việc,
quí vị sử dụng máy tính, các phần mềm máy tính, gọi điện thoại… . Có quí vị nào
sử dụng các công cụ, máy móc, phần mềm của những nước mà nhờ có ánh sáng của
chủ nghĩa Mác – Lênin, hay là quí vị sử dụng máy tính của Del, Acer, HP, sử
dụng phần mềm: Google, Microsoft…
+ Tối về, quí vị xem tivi có vị
nào sử dụng máy móc của các nước mà nhờ có: Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác –
Lênin, hay là qúi vị trang bị tivi: SONY, SHARP, JVC, SAMSUNG…
+ Đêm nằm quí vị suy nghĩ nên
cho con cái mình du học ở những nước nào? Có quí vị nào muốn cho con cái mình
du học ở những nước mà họ xây dựng đất nước dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin
hay là hầu hết quí vị mong muốn cho con cái mình du học ở những nước như Anh,
Pháp, Mỹ, Singapore…
Xin hỏi quí vị từ sáng, trưa, chiều, tối của một ngày, tháng, năm đã cho
qúi vị trực quan sinh động như thế, vậy tư duy trừu tượng của qúi vị như thế nào? Có nên tiếp tục tư duy trừu tượng: vận dụng chủ nghĩa Mác Lê để xây
dựng đất nước Việt Nam hay không? Có tiếp tục xóa bỏ bóc lột bằng phương pháp
chỉ thừa nhận quan hệ sở hữu công cộng về TLSX nữa không?
Tham khảo lời nói đầu của một vài hiến pháp của các nước
khác:
Từ trực quan sinh động, hàng
hóa của Hàn quốc ngày càng nhiều, không những chinh phục được người tiêu dùng
Việt Nam mà cả thế giới như xe hơi KIA, HUYNDAI, hàng điện tử SAMSUNG… và thực
sự Hàn Quốc là một quốc gia thịnh vượng hiện nay. Tôi không rõ có công trình
nào khẳng định có sự tương quan giữa hiến pháp và sự phát triển của quốc gia đó
nhưng bằng niềm tin nội tại tôi tin rằng có sự tương quan mật thiết giữa việc
xây dựng hiến pháp với sự phát triển của quốc gia đó.
Vì ấn tượng với sự phát triển của Hàn Quốc, tôi phải xem
Hàn Quốc họ mở đầu hiến pháp như thế nào?
“Chúng ta, nhân dân Hàn Quốc,
tự hào về lịch sử huy hoàng và truyền thống xa xưa, giữ vững cơ sở của Chính
phủ Lâm thời Cộng hòa Hàn Quốc ra đời từ Phong trào Độc lập ngày 1 tháng 3 năm
1919 và những lý tưởng dân chủ của Cuộc nổi dậy ngày 19 tháng 4 năm 1960 chống
lại bất công, đặt ra nhiệm vụ cải cách dân chủ và thống nhất hòa bình đất nước
chúng ta và quyết tâm củng cố đoàn kết quốc gia với công lý, nhân đạo và tình
anh em, và
Để xóa bỏ tất cả các tệ nạn xã
hội và bất công, và
Để có gắng tạo ra sự bình đẳng
về cơ hội cho tất cả mọi người và tạo ra sự phát triển tối đa khả năng cá nhân
trong mọi lĩnh vực, bao gồm đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa,
bằng cách tăng cường hơn nữa các quyền tự do cơ bản và trật tự dân chủ là điều
kiện cho sáng tạo cá nhân và sự hài hòa của cộng đồng, và
Để giúp cho mỗi người dân thực
thi những nhiệm vụ và trách nhiệm cùng với tự do và các quyền lợi, và
Để nâng cao chất lượng cuộc
sống cho tất cả công dân và đóng góp cho hòa bình vững bền của thế giới và sự
thịnh vượng chung của nhân loại và do đó bảo đảm an ninh, tự do và hạnh phúc
cho chính chúng ta và con cháu của chúng ta mãi mãi, theo đây sửa đổi Hiến pháp
thông qua trưng cầu dân ý sau một nghị quyết của Quốc hội, được thông qua và
ban hành vào ngày 12 tháng 7 năm 1948, và được sửa đổi tám lần sau đó.”
Đấy, rất rõ ràng là họ chỉ đưa
vào các giá trị mà loài người theo đuổi như bình đẳng, dân chủ, tự do cá nhân,…
Ngoài ra tôi có đọc một số hiến
pháp của Pháp, Italia, Tây Ban Nha .. thì trong phần mở đầu tuyệt nhiên họ
không đề cập đến dưới ánh sáng của bất kỳ chủ nghĩa nào?
III/ Có cần thiết ghi trong Hiến pháp: “Dưới ánh sáng của
tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Từ trước năm 1988, tôi không thấy đề cập gì đến tư tưởng Hồ Chí Minh
(TTHCM), cho đến những năm 1990 thì bắt đầu nghe nói đến chủ nghĩa Mác và
TTHCM. Tìm hiểu tôi được biết từ sau
khi cách mạng Trung Quốc thành công (1949) thì ở Trung quốc có “chủ nghĩa Mác
và tư tưởng Mao” và vào cuối những năm 1970, Ông Đặng Tiểu Bình muốn mở cửa làm
kinh tế theo kiểu tư bản nhưng sợ tầng lớp bảo thủ cho là làm sai đường lối của
Mác, của Mao (thừa nhận kinh tế tư nhân) nên mới sáng tác ra: Chủ nghĩa Mác, tư
tưởng Mao và lý luận Đặng Tiểu Bình. Tôi đặt biệt chú ý: lý luận Đặng Tiểu
Bình, phải chăng từ trực quan sinh động như sự kiệt quệ của đất nước Trung Hoa
qua cách làm kinh tế kiểu Mao, kiểu Mác mà Ông Đặng thấy cần phải thay đổi:
thừa nhận và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Nếu Ông không nói chủ nghĩa
Mác và tư tưởng Mao, thì chắc chắc sẽ gặp sự chống đối của phe bảo thủ với các
luận điệu: phản bội lại Mác, Mao, hay là xét lại chủ nghĩa Mác … . Sự phát
triển gần như thần kỳ của Trung quốc trong thời kỳ này đã đưa Ông lên là người
hùng của dân tộc và thuyết phục được phe bảo thủ.
Trong cùng thời gian này thì
các nhà lý luận Việt Nam phê phán Đặng không theo con đường của Mác… nhưng từ
trực quan sinh động lại cho thấy sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, lúc này
các nhà lý luận Việt Nam mới học hỏi và xuất hiện: Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ
Chí Minh và điều này đã được hiến định trong Hiến pháp 1992.
Sự khác nhau căn bản giữa Trung
Quốc và Việt Nam là khi thi hành chính sách cải tổ để phát triển kinh tế thì
Ông Đặng còn sống và được coi là “kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ kinh tế
ở Trung quốc còn ở Việt Nam lúc đổi mới kinh tế thì Bác Hồ đã mất nên tư tưởng
của Bác hay “tư duy trừu tượng” của Bác chỉ là vận dụng chủ nghĩa Mác Lê để
giải phóng dân tộc. Còn về kinh tế thì Bác cũng đã vận dụng chủ nghĩa Mác Lê
trên một nửa đất nước (miền Bắc) nhưng lúc này đang bị chiến tranh khốc liệt
nên mọi nhân lực, tài lực phải ưu tiên cho chiến tranh do vậy ta tạm không bàn
đến hiệu quả kinh tế.
Theo Bách Khoa toàn thư mở
(WIKIPEDIA): “Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển gắn với các
thời kỳ hoạt động của Hồ
Chí Minh trong phong trào cách mạng Việt Nam
và quốc tế. Các nhà nghiên cứu trong nước nhận định Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự
kết tinh của các luồng tư tưởng và văn hóa của dân tộc Việt Nam, cách mạng Pháp, tư tưởng tự do của Hoa Kỳ,
lý tưởng cộng sản Mác-Lênin, tư tưởng văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây và
phẩm chất cá nhân của Hồ
Chí Minh.”
Như vậy, rất rõ ràng tư tưởng
Hồ Chí Minh chính là học tập và vận dụng những tư tưởng văn minh của nhân loại
mà quá trình hoạt động cách mạng Bác Hồ đã tiếp thu được. Nếu truy ngược lên và
diễn dịch ra thì Hiến pháp của ta sẽ có:
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác
– Lênin, tư tưởng cách mạng Pháp, tư tưởng tự do của Hoa Kỳ… thì Hiến pháp của
ta sẽ như một bảng tổng hợp các tư tưởng?! Mà điều cần phải xem xét là những tư
tưởng này lại đối chọi nhau.
Kết luận:
Hiến pháp là bộ Luật gốc của
một quốc gia, “tinh thần” của Hiến pháp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của
quốc gia đó. Việc ghi vào Hiến pháp một lý thuyết (hay tư duy trừu tượng) mà
cái trực quan sinh động được tạo ra bởi lý thuyết này lại chưa được thừa nhận
thành công trong thực tế thì cần phải hết sức thận trọng, nên xem xét lại ? Còn
nếu nói đó là mục đích thì đã có trong dự thảo Hiến pháp lần này: “Nhân dân
Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành
Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đây chính là cái thực sự mà nhân dân đang cần và làm sao thực hiện càng nhanh
càng tốt.
Nguyễn Khả Phong – Vũng Tàu, tháng 3 năm 2013
Tài liệu tham khảo:
(*) Theo quan điểm của phép tư
duy biện chứng.
1/ Con đường dẫn tôi đến chủ
nghĩa Lênin:
3/ TUYỂN TẬP HIẾN PHÁP MỘT SỐ
NƯỚC TREN THẾ GIỚI (Tập 2) HÀ NỘI, 2012
TRUNG TÂM THÔNG TIN, THƯ VIỆN
VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
4/ Bách Khoa toàn thư mở
(WIKIPEDIA): “Nguồn gốc Tư tưởng Hồ Chí Minh lúc đầu do những học trò, đồng chí
của Hồ Chí Minh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… nêu
ra. Trên cơ sở các quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân
tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam,
nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết, khái quát lên thành “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Từ
Đại hội VII diễn ra năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: lấy chủ nghĩa
Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành
động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Sau đó Tư tưởng Hồ
Chí Minh được đưa vào trường đại học như một bộ môn bắt buộc đối với tất cả các
sinh viên thuộc mọi ngành học. Những lớp tập huấn – đồng thời thảo luận giữa các
chuyên gia – chính thức cho môn học này bắt đầu từ năm 1997 tại Trường Đại học
Tổng hợp Hà Nội.
No comments:
Post a Comment