Monday, 15 April 2013

PUTIN ĐƯỢC TỰ DO NGÔN LUẬN HƠN TẤT CẢ GIỚI TRUYỀN THÔNG (Michael Bohm - The Moscow Times)




Michael Bohm

N.P.S. dịch
16/04/2013

Sau hàng trăm năm phong kiến và tiếp theo là hơn 70 năm bị trói bởi chế độ phong kiến độc đoán kiểu mới, tại nước Nga, khi được chút tự do ngắn ngủi, những gì bị kìm nén có dip bung ra là chuyện tất yếu, hệt như cái lò xo bị nén lâu ngày. Đó là cái giá phải trả trong một thời gian để bước tiếp, nhưng thay vì bước tiếp, Nước Nga vì chưa bao giờ biết đến tự do dân chủ nên… vừa ra khỏi hang “vươn vai một cái là Nga lại vào [hang]”.

Lại nữa, cái lập luận hàm hồ chụp mũ “lợi dụng tự do ngôn luận” của mấy vị dân biểu Đu-ma Nga nghe như là điệp khúc ở những nơi không có tự do ngôn luận. Tại những nước độc tài này, “mỗi người khi sinh ra đã được đeo sẵn một cái rọ mõm” như nhận xét của nhà tâm lý Crystal. Tại đây những người cầm quyền nghĩ thay và nói thay cho toàn xã hội.

Nhiều người cứ tưởng “nước Nga nhân hậu, vĩ đại, hùng mạnh, …” của đồng chí Putin cơ bắp, bắn súng cưỡi ngựa, lặn xuống biển mò bình cổ… đàn em vừa thả xuống hôm trước,… phải khá hơn, hóa ra cũng rứa, chẳng hơn gì mấy đồng chí độc tài châu Phi. Thì ra tất cả các chế độ độc tài có chung một bộ gene.

Tiêu đề bài viết này của M. Bohm, biên tập viên phụ trách trang Ý kiến của tờ Moscow Times khiến tôi nhớ đến câu của G. Orwell, nhà văn Anh: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con được bình đẳng hơn những con khác”.

N.P.S.
_________________


Dân biểu Duma quốc gia Alexei Mitrofanov, người cầm đầu Ủy ban kiểm soát truyền thông tuần vừa qua tham gia cuộc chiến của Kremlin chống “phát ngôn báng bổ lãnh tụ chính trị” nảy ra sáng kiến tăng tiền phạt lên 45 triệu rúp (1,4 triệu đô-la). Hơn thế nữa, Mitrofanov còn muốn xây xựng một cơ quan “điều tiết” thuộc Chính phủ thực chất là cơ quan kiểm duyệt, nằm ngoài tầm với của Tòa án để định nghĩa thế nào là “phát ngôn khó nghe”.

Dường như hiểu biết của Mitrofanov về quyền tự do ngôn luận đã được định hình dưới mái trường XHCN qua những bài dạy của Vladimir Lenin và Andrei Vyshinsky, viên công tố của Josef Stalin và thế lực của hệ thống tư pháp đằng sau những vụ đàn áp của những năm 1930. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng những tư tưởng văn minh của các triết gia như Edmund Burke, John Locke hay J.S. Mill chưa bao giờ có mặt trong vốn học vấn của Mitrofanov, kể cả sau khi chế độ Xô viết đã lụi tàn.

Cái cọng rơm đã đánh gãy lưng Mitrofanov lại chính là bài bình luận gần đây của tờ Moskovsky Komsomolets có tiêu đề “Điếm chính trị đã cải giới”, khiến cho đối tượng bị nhắm tới nổi đóa, trong đó có 3 dân biểu thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất” (UR). Thế là các đảng viên khác của Đảng UR trong Duma cũng nổi giận và đòi chấm dứt sự “lợi dụng tự do ngôn luận” tại Nga.

Các vị quan này muốn bảo vệ bản thân khỏi những phê phán chính đáng của truyền thông. Họ không muốn đặc quyền của họ không bị công chúng soi xét.

Thật không may, Mitrofanov và những kẻ ủng hộ ông ta không phân biệt được sự khác nhau căn bản giữa khái niệm “vu cáo”, bị coi là tội dân sự ở hầu hết các quốc gia Tây phương và bị phạt vạ và khái niệm “phát ngôn khó nghe”, được bảo vệ ở những quốc gia này (trừ một vài ngoại lệ ở một số nước châu Âu cấm “ngôn từ thù hằn”, ví dụ chối bỏ hoặc biện minh cho tội Diệt chủng người Do Thái).

Với Mitrofanov và nhiều vị khác trong Duma, đây là ví dụ minh họa đơn giản giữa hạ uy tín (“vu oan” hay “vu cáo”) và “phát ngôn khó nghe” nhằm vào các nhà chính trị: Trong buổi trả lời trực tuyến bằng điện thoại năm 2010, Vladimir Putin nói các lãnh tụ đối lập Vladimir Ryzhkov và Boris Nemtsov là “đánh cắp hàng tỉ đô-la cùng Berezovsky những năm 1990”. Như thế là vu cáo.

Đó là cách hạ uy tín thô thiển vì Putin không đưa ra được bằng chứng: Có phải Vladimir Ryzhkov và Boris Nemtsov đánh cắp hàng tỉ đô-la không? Hay đó chỉ là một phát ngôn văng mạng vô trách nhiệm của Putin không cần đếm xỉa đến sự thật? Không có gì ngạc nhiên, Putin lại thắng vụ kiện năm 2011 mà Ryzhkov và Nemtsov kiện ông ta tại tòa, cho thấy Putin có “tự do ngôn luận” hơn tất cả báo chí Nga.

Tiêu đề “Điếm chính trị” của tờ Moskovsky Komsomolets ở phương Tây chắc chắn là phát ngôn được bảo vệ vì nó nằm trong mục dư luận, đưa ra những nhận xét và phê phán công bằng. Hơn thế nữa, vì cụm từ “điếm chính trị” là một thuật ngữ chính trị được chấp nhận rộng rãi. Chính Lenin là người đầu tiên sử dụng từ này 90 năm trước đây mà ông ta nhắm vào Trosky. Kể từ đó, cụm từ này được truyền thông sử dụng hàng vạn lần đẻ phê phán chính trị gia. Trong trường hợp này, Moskovsky Komsomolets viết rằng 3 vị dân biểu thuộc Đảng UR dính líu đến “điếm chính trị” vì họ liên tục thay đổi lập trường chính trị phục vụ lợi ích cá nhân và làm nô bộc cho Kremlin – một cáo buộc có dẫn chứng bằng bằng chứng trong mục xã luận.

Với ý nghĩa tương tự, khi Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin năm ngoài trên Twitter gọi Madona là con điếm. Đây là phát ngôn đươc bảo vệ, dù nó thô thiển như thế nào. Không cần phải nói, Madona chẳng bận tâm với “phát ngôn khó nghe” đó của Rogozin.

Đằng sau ngụy biện của Mitrofanov nói rằng Moskovsky Komsomolets đã “lợi dụng quyền tự do ngôn luận” là một hành động đê tiện, hèn hạ chỉ nhằm che chắn bản thân và đồng đảng khỏi những phê phán chính đáng của công luận. Những vị dân biểu vừa muốn ăn bánh lại vừa muốn để dành. Họ muốn có tất cả đặc quyền và không bị nhân dân theo dõi, một nghĩa vụ đi đôi với vị trí để ăn lương của dân. Tại những xã hội cởi mở và dân chủ, các quyết đinh, hành vi và tư cách bản thân của chính trị gia đều nằm dưới kính hiển vi khổng lồ của xã hội. Ở Nga, người dân phải có quyền được biết xem các người đại diện cho mình có ăn cắp luận văn của mình không, có giấu diếm bất động sản ở nước ngoài không, và có tham gia làm điểm chính trị bằng cách bán nguyên tắc chính trị của họ cho kẻ trả giá cao hơn không chứ.

Những gì Mitrofanov dường như không hiểu là việc soi xét của truyền thông luôn là tiêu điểm của những thảo luận công khai trong những xã hội dân chủ, nơi truyền thông độc lập tồn tại như Tài sản thứ Tư chống lại sự lạm quyền của Chính phủ. Nếu các vị dân biểu không đồng ý với phê phán của truyền thông, họ nên phản biện đàng hoàng trước công luận chứ không trả thù một cách tùy tiện.

Khi phê phán tiêu đề bài viết của tờ Moskovsky Komsomolets, Đảng UR và những dân biểu thân Kremlin khác nói rằng tờ báo đã làm “mất uy tín của Duma”. Đừng quên là họ cũng nói vậy mấy tháng trước đây khi nhà báo truyền hình Vladimir Pozner gọi Duma là Dura, có nghĩa là “Ngu ngốc” trong tiếng Nga. Các vị dân biểu cố tìm cách ngăn cản Pozner và các nhà báo nước ngoài lên tiếng phê phán trên TV do nhà nước kiểm soát.

Tất nhiên, uy tín bị hoen ố của các vị dân biểu chẳng phải do truyền thông mà chính sự tham nhũng, việc họ thông qua luật lệ đàn áp, và trên hết là sự gian lận trong kỳ bầu cử Duma 12/2011 đã đưa họ vào Duma. Không có gì ngạc nhiên khi trong thăm dò dư luận của Lavada ngày 28 tháng Ba vừa qua, chỉ có 8% người Nga thấy hài lòng về các dân biểu.

Vấn đề với cơ quan lập pháp muốn khống chế những phê phán sẽ tập trung nghe xem ai phán cái gì là “khó nghe”, mà xưa nay luôn là một khái niệm tùy tiện, chủ quan. Nếu Mitrofanov thành công trong việc thành lập một ban “điều tiết truyền thông” thì nhất định tất cả những lời phê phán dành cho Putin và các chính trị gia thân Kremlin đều sẽ bị coi là không thể chấp nhận được, trong khi họ thả sức tấn công Navalny, Nemtsov or Ryzhkov bằng chính những lời lẽ “khó nghe”.

Đây là cách đàn áp tự do phát biểu ở hầu hết các chế độ độc tài. Ví dụ, vụ án hình sự gần đây chính phủ Ai Cập dùng để chống lại nhà văn trào phúng nổi tiếng vì đã “lăng mạ” Tổng thống. Nhưng Mitrofanov rắp tâm đi xa hơn là muốn che chắn cho tất cả thành viên của “Dura”. Về biện pháp chống lại dân chủ, âm mưu của Mitrofanov quả là bậc thầy vượt xa tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập hoặc các vị Giáo chủ Iran!

Nếu dự luật của Mitrofanov trở thành luật, nó sẽ trở thành luật tự kiểm duyệt. Đối mặt với mức phạt 1,4 triệu đô-la vì tội làm khó chịu các chính trị gia và quan chức thân Kremlin, các phương tiện truyền thông còn làm được gì để thực hiện quyền của họ được ghi trong Điều 29 của Hiến pháp, điều bảo đảm quyền tự do ngôn luận và cấm kiểm duyệt!

Âm mưu của Mitrofanov chỉ là một đòn mới giáng thêm vào truyền thông. Theo Pavel Gusev, TBT tờ Moskovsky Komsomolets, trong Duma trong vòng 18 tháng qua đã từng có 150 lần đề xuất đàn áp bịt miệng truyền thông, “giúp” Nga gần đội sổ, đứng thứ 148/179 nước về tự do báo chí, trong bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới 2013.

Như Thẩm phán Louis Brandeis của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã nói cách đây hơn 100 năm, “Ánh sáng mặt trời là thuốc diệt khuẩn tốt nhất”. Xét bảng thành tích của Mitrofanov về quyền tự do ngôn luận, rõ ràng ông ta và đồng đảng của ông ta đang sống trong một hang tối của luật pháp và nhiều thập niên chưa bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời.

Michael Bohm phụ trách trang Ý kiến của tờ The Moscow Times.


N.P.S. dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN



No comments:

Post a Comment

View My Stats