Sunday 14 April 2013

PHẢI PHÓNG THÍCH SỢ HÃI & QUÁ KHỨ ! (Nguyễn Thị Thanh Bình - Danlambao)




15.4.13            9 Commentshttp://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Bởi chưng chúng ta không thể để hụt một lần nào nữa chuyến tàu lịch sử thời đại. Chúng ta mặc nhiên là công lý, chính nghĩa sự thật và trên hết thảy là tự do.

Tự do chính là lúc chúng ta biết ngẩng mặt, nắm tay nhau để thực sự tung hê tụng ca các quyền căn bản và bình đẳng của con người, phù hợp với sự tiến hóa dân chủ và các tiêu chuẩn quốc tế.

Vâng hãy ngồi lại, rồi bước xuống đoàn kết một lần và chỉ lần này thôi: Chúng ta xác quyết phóng thích ngay nỗi sợ hãi và thứ quá khứ “cách mạng” đã hoàn toàn cách ly với hiện tại. Phải đến lúc, đã đến lúc nếu không muốn làm giật mình nhau là quá trễ bởi chính chúng ta, mà không ai khác đã bị cầm tù, giam hãm, chôn sống, thủ tiêu trong chiếc khung hạn hẹp yếu mọn của hèn nhược, thờ ơ cùng chứng bệnh thành tích hãnh tiến quá lâu.

Một-trận-đánh-đẹp bố ráp gia đình người hùng áo vải dân oan Đoàn Văn Vươn, mà đại tá Đỗ Hữu Ca vừa lên giọng đúng hơn phải là một cuộc phá ngục Bastille cho chính mình, rồi mới có thể theo dấu chỉ của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: “nhân dân sẽ Phá Án cho tôi”, trong một thế giới mà mọi sự đều có thể xảy ra dưới ánh mặt trời. Không phải chỉ một anh bán hoa ở Tunisia mà cũng đã thay đổi toàn diện lịch sử không chỉ ở đất nước họ mà hương thơm hoa lài cũng đã lan tỏa mạnh như chưa bao giờ đó sao (?)

Tinh thần Đoàn Văn Vươn chính là sự bùng vỡ cuối cùng của con người tự do. Sự phẫn nộ vùng lên khỏi bóng tối sợ hãi, áp bức, bóc lột, cưỡng đoạt, cưỡng chế, hèn nhát tuân phục là giải phóng, là tự do cao cả sáng ngời.

Khỏi nói, ai cũng thừa biết đây là một phiên tòa trên cả ô nhục, bôi nhọ công lý và chà đạp dân quyền. Điều đáng nói ở đây không còn là thái độ binh vực bất mãn cho một bản án phi nhân, bất nhẫn bất nghĩa vốn nằm trong thực chất của những con thú hoang chỉ biết rao giảng hệ thống pháp luật ở những bìa rừng. Mà chính là điều chúng ta đang cần tự hỏi “Vậy thì bản án nào sẽ xứng đáng nay mai cho những tội đồ dân tộc?”

Tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn đã mở đường máu cảnh tỉnh chống lại cường quyền, thách đố vượt qua số phận trấn lột, đứng lên làm con người tự do, thoát khỏi chiếc vòng kim cô nghiệt ngã hút máu dân oan và những nông dân áo vải thô sơ chất phác hiền lành. Thật đúng như lời trần tình ý nhị của người vợ mất con mất gia đình: “Chúng tôi sẵn sàng chịu mất để xã hội được.”

Trong xã hội ô nhiễm này, liệu còn có bao nhiêu vị chịu đánh đổi hy sinh mất mát, để những người xung quanh mình được hưởng lây? Phần đông người dân vốn co rúm lại vì sợ hãi, mất phản ứng và vô cảm đã đành. Số còn lại ngồi trên đầu thiên hạ thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là phường vinh thân phì gia, bán nước cầu vinh và đại loại theo thuyết “mac-ke-no”, ai chết mặc ai, chỉ lo tiền thầy bỏ túi. Nỗi hạnh ngộ ra ngõ gặp anh hùng thì dường như đã xưa rồi Diễm. Họa may là chỉ gặp trong những giấc mơ hoặc những dự phóng. Đành chờ mãi sao?

Quả thật chúng ta đã khao khát, cháy bỏng điên mê vì những biểu tượng biết mấy. Với tôi, hình ảnh Đoàn Văn Vươn đã trở thành một biểu tượng phản kháng của một ý chí quyết liệt cho lẽ phải. Tôi nghĩ cuộc sống của một người cũng sẽ trở thành có ý nghĩa hơn, nếu bạn biết chọn cho mình một cuộc nổi dậy chính đáng. Ở đây tôi xin mượn tặng hai câu thơ của Sóng Hồng viết về nhà thơ kỳ tài nổi loạn Cao Bá Quát (một người đã dám dấy lên chống lại triều đình nhà Nguyễn): “Thương ai bảy nổi ba chìm / Tấm lòng phản kháng vẫn còn sáng soi.”

Dĩ nhiên không ai trong chúng ta muốn cổ súy bạo lực, vì cũng thừa biết chỉ có bạo lực mới khai sinh và khai tử bạo lực. Chúng ta lại là những con người yếu thế, không một tấc sắt trong tay và như thế trong một xã hội cứ dồn đuổi người dân vào bước đường cùng, thì cũng sẽ có ngày kẻ lãnh đạo tàn độc ấy bị đẩy lại tới “cùng đường” mà thôi.

Giữa những im lặng đến không tài nào hiểu nổi của vô số bạn thơ bạn văn, thôi thì tôi cũng mạn phép ghi lại hai câu thơ nhỏ: “Dậy đi, nhạc đổi gam tiếng súng. Vinh danh Đoàn Văn Vươn anh dũng” (mời nghe lời ca này: http://www.youtube.com/watch?v=MiH92_5yYxo). Bởi không phải trong chúng ta ai cũng bị lay động, cảnh giác không ít về câu chuyện của người nông dân thời đại Đoàn Văn Vươn, mà chính đại tá Đỗ Hữu Ca là ngưởi chỉ biết cầm súng thay vì cầm bút cũng đã muốn “viết thành sách” cho “một trận đánh đẹp” như vậy nữa là?


Điệu này quý vị văn thi sĩ cứ tha hồ ở trong tháp ngà văn chương của mình, mà không cần phải mở tung mọi cánh cửa để coi cuộc đời này bên ngoài ra sao. Vậy thì trên 700 tờ báo tha hồ có cớ để làm công việc của những cái loa rè, và Hội Nhà Văn thì chỉ để làm phấn son trang sức, hoặc nói theo kiểu nhà thơ Thận Nhiên chỉ là Hội Tương Tế Bần. Lại tiếc!

Không tiếc sao được khi đã có hơn 7000 bài viết về tên gọi Đoàn Văn Vươn của mọi thành phần báo giới, nhưng những văn nghệ sĩ thì tuồng như chưa thấy động tịch cảm hứng gì. Đề tài “nhạy cảm” quá chăng?

Nói thật, mà cũng có thể là đùa đùa một chút cho vui đời: Tôi đồ rằng hơn bao giờ hết ở Việt Nam, ra ngõ chúng ta thường gặp nhà thơ “ôi ta buồn ta đi lang thang” nhiều hơn gặp anh hùng là cái chắc. Có thể những nhà thơ của chúng ta đang từng bước chân âm thầm suy tư kiểu: “To be or not to be?” Dù vậy tôi cũng phải xin báo trước: Ngay cả Shakespeare có sống lại vào lúc này, giữa những hỗn mang của thời sự và thế sự mà bạn còn hỏi: “To do or not to do?”, thì chắc như bắp, tôi đoán Shakespeare cũng sẽ đem thương hiệu của hãng giày Nike (made in Vietnam) ra phán: “Just do it!”

Còn phải hỏi! Thử xem ai có quyền bắt chúng ta phải sống chết kiểu gì, và chết lên chết xuống mấy lần nếu không là sống và chết chỉ một lần trong một kiếp người? Liệu có khó hiểu và nhức đầu lắm không, bởi vì vẫn có khối người phải chết lúc sống và được sống lúc chết dài dài mới đáng nói.

Bạn ơi, phẩm giá của cuộc sống chính là bản giao hưởng của Con Người và Tự Do. Vì yêu Tự Do biết mấy nên chúng ta sẵn sàng nhen nhúm lửa để đón chờ ngọn gió chuyển mùa thổi bùng lên thành đám cháy. Đám cháy là nhuệ khí đấu tranh chống cái Ác, độc tài, chống cường hào ác bá mà biết đâu Đoàn Văn Vươn là mồi lửa.

Này nhé, cứ nhìn cuộc sống của những người dân Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ thấy chưa bao giờ họ được bảo vệ và tôn trọng đúng mức của một con người, vì xã hội đã thẳng thừng tước mất mọi quyền tư hữu cá nhân (không được ra báo tư nhân, hoặc không truyền hình truyền thanh tư nhân gì ráo) và quyền sở hữu tư nhân trong những điều kiện kinh tế, đất đai… và điều này cũng có nghĩa là chặn đứng mọi giá trị dẫn đến dân chủ tự do. Vậy không lẽ chúng ta cứ bị bịt miệng, bịt tai, bịt mắt và loay hoay hoài trong cái chuồng thú man rợ nảy mà không nổ lực đánh đổi với bất cứ giá nào?

Kỳ thực chúng ta có thể sẽ phải mủi lòng nhưng đành bó tay, khi thấy những người bị áp bức nô lệ chỉ biết nghiến răng tủi hận trong những cơn mơ dữ, nhưng tiếc thay khi choàng mắt thức dậy, họ lại cúi đầu rớm lệ và răm rắp đi theo những chỉ lệnh sắc lệnh, có khi từ đời ông lăn qua đời cha lăn tới đời con, hệt như chúng ta vẫn thường chứng kiến trong xã hội Việt Nam bây giờ: “Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Không dưng tôi bỗng liên tưởng đến Điều 4 mà họ đang muốn ôm giữ khăng khăng, rằng thì là cũng chỉ cho phép những công dân, như thế hệ của những đoàn viên thanh niên C.S con ông cháu cha lớn lên, và dĩ nhiên phải là người được kết nạp thành đảng viên đảng C.S mới có quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vậy thì số còn lại gần 90 triệu cảnh đời khác đừng hòng chen chân.

Ôi, làm thế nào để những người dân thấp cổ bé miệng, dân trí lùn, căm căm ba bốn đời lý lịch, cộng thêm ngón đòn “tru di tam tộc” con làm cha mẹ vạ lây… có thể đứng dậy vươn (như tên anh Vươn) lên khỏi những lời nguyền của hung thần cầm quyền cầm giữ cả số phận mình?

Chính trong hạ tuần tháng 3 vừa rồi, chính quyền Obama khi bày tỏ những ái ngại về tình trạng tồi tệ nhân quyền ở Việt nam đã khẳng định việc tiến tới Tự Do Cá Nhân là nội dung chính trong chính sách Hoa Kỳ tại Á Châu.

Tự Do Cá Nhân là gì, nếu không cần phải tức tưởi chà bóng đôi chân về lại thời nô lệ ngàn năm Bắc thuộc phải leo lên núi kiếm ngà voi hay lặn xuống biển sâu mò ngọc trai mới thấm thía ra được. Ơi những quyền căn bản tự do của con người đang ở đâu. Ở đâu mà chỉ cần nghe nhắc đến hai chữ tự do là mặt mày của chúng ta đã tái xám gần hết vì sợ hãi (một nhà thơ trẻ ở VN đã thổ lộ với tôi như vậy). Vậy thì ở đâu bị khống chế nắm đầu bằng những khủng bố khiếp sợ, ở đó đừng hòng nói đến tự do bình thường của một cá thể. Nô lệ hay tự thiêu! Không biết tổng thống Obama có bao giờ hiểu được nỗi đắng cay của dân Việt khi phải đối diện với một thể chế “quái chiêu” đã ghi trong hiến định: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Sao những con chữ cứ như choảng nhau thế này!

Ngay cả một đất nước mà trên mỗi tờ đơn đều sờ sờ dấu chỉ: “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”, nhưng cũng chính tờ đơn ấy chúng ta chỉ được “chấp hành” ký vào, và nếu thật lòng không để họ “mớm ý mớm lời” mà dở trò “không ký” hoặc “không đồng ý”, thì mai kia mốt nọ liệu có yên thân với những con mắt rình rập “ăng-ten” của những điềm chỉ viên, cảm tình viên, dân quân tự phát chi đó chăng? Đó là chiến dịch toàn dân “góp ý” sửa đổi HP. 92 mà bọn họ đã dàn dựng chỉ để đánh lừa dư luận quốc tế. Nếu muốn “dỗ ngọt” gọi là quyền phúc quyết của toàn dân, sao chúng ta chẳng là gì cả, trong cả cái tên gọi cũng chỉ như là ban phát “góp ý” nên chỉ được “đồng ý”. Phúc quyết là gì nếu cuối cùng không được thông qua ý nguyện của toàn dân? Không phải họ đã quá quen với những màn tẩy não, sách nhiễu trù dập những “đối lập” mà họ lo sợ nhất vốn là thành phần nhân sĩ trí thức. Có lẽ nhờ khả năng uy hiếp khống chế giỏi như thế nên một khuôn mặt nổi đình nổi đám là ông Nguyễn Đình Lộc cũng phải rút cổ (không phải rút chữ ký) như đà điểu vùi cát: “Cái việc hôm ấy đã làm xong rồi thì rút hay không rút làm gì nữa? Chỉ làm bằng ấy thôi chứ có làm thêm điều gì đâu?...” (trả lời R.F.A)

Phần ông Lộc coi như xong phận sự và có lẽ là xong thật, bởi chính ông cũng muốn “phủi tay” phân bua là sẽ thôi không-làm-thêm-điều-gì nữa. Chỉ dừng lại ở mỗi một chữ ký, và không hề có sự tiếp sức trong ban soạn thảo mà G.S Nguyễn Huệ Chi cũng đã đồng tình cho là “tốt rồi”: “Anh Lộc vẫn cố giữ được chữ ký như thế là tốt rồi” (trả lời BBC).

Trong 15 vị đại diện cho “sĩ phu Bắc Hà” hôm ấy, giá gì một người thừa uy tín và đáng kính như G.S Nguyễn Huệ Chi cũng có mặt để chức vụ trưởng ban dâng “thất trảm sớ” đỡ gây lúng túng cho nhóm KN.72 bây giờ. Không lẽ những vị lẫy lừng như cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, G.S Nguyễn Huệ Chi lại chưa muốn để lại tờ di chúc mãnh liệt hơn cho con cháu lúc này(?) Không dưng trong tay tôi đang có cuốn sách: “Never Good Enough” và tôi bỗng muốn tặng tựa sách ấy cho G.S Nguyễn Huệ Chi với chút gì mong mỏi tham lam. Không phải đã mơ thì cứ mơ cho tới bến, và tự do đâu thể là khúc hát nửa vời phải không ạ?

Điều tôi muốn “tâm sự” thêm ở đây nữa chính là thái độ chưa muốn rút về ở ẩn như Chu Văn An thời vua Trần Dực Tông (sau khi dâng “Thất Trảm Sớ”) của cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lan là ông Nguyễn Trung, người cùng có mặt trong nhóm khởi xướng KN.72 với một loạt bài viết đầy tâm huyết sâu sắc mà tôi rất ngưỡng mộ. Đây là tinh thần của một chí sĩ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu biết rõ trách nhiệm mình phải làm gì trong thời điểm này cho đất nước. Dĩ nhiên chúng ta phải học hỏi ở ông nhiều hơn là với những cây viết đối lập có tính Đảng, hoặc nói một cách khác là đối lập thủ thế hay đối lập trung thành (chữ của nhà văn Phạm Thị Hoài).

Ở đây có lẽ tôi cũng nên cám ơn ông Nguyễn Đình Lộc là đã manh nha ý tưởng chúng ta cần phải làm gì hơn thế nữa sau những chữ ký? Dù ông nói: “có làm gì nữa đâu”, thì cũng là một lời nhắn nhủ ngầm chúng ta không thể theo bước chân đã không còn trẻ nữa của ông mà dừng lại và phải tiếp tục dấn bước. Viết, viết và viết như những bậc thức giả Nguyễn Trung, Hà Sĩ Phu, Phạm Hồng Sơn… chăng? Hoặc chí ít cũng là rầm rộ biểu tỏ như vô số những cây viết mãnh liệt trên thôn Dân Làm Báo. Hiệu ứng nào, điều gì sẽ xảy ra như có ngàn lời hiệu triệu, ai mà biết được! Bởi không thể hết kiến nghị này rồi đến kiến nghị khác thử hỏi có ai thèm đoái hoài đến? Có hay không sẽ được mở ra một cuộc đối thoại thay vì “đối chọi” giữa nhà cầm quyền với những khuôn mặt có tầm và có tâm ấy? Hoặc cùng nhau thả bộ từ Hồ Gươm đi thẳng tới Q.H nộp gần 13 ngàn chữ ký của KN.72? Xin mời các vị cao kiến chỉ giáo, mà không, tôi ngờ rằng đã có những trí thức chân chính trong nhóm KN.72 thừa biết mình phải làm gì những ngày sắp đến. Đợi đến kỳ hạn 30/9 chăng?

Thật ra với chiêu thuật “sửa dổi HP 92” lần này, tôi có cảm tưởng họ quá mất lịch sử chứ cũng chẳng tốt lành gì, khi lượm những cái bánh vẽ đã rơi vãi xuống đất, và tọng vào mồm bắt chúng ta phải nuốt hay giả vờ nuốt, dù ai cũng muốn mắc nghẹn, và chỉ chực tuôn mật vàng mật xanh. G.S Ngô Bảo Châu vốn thông minh đĩnh đạc định dùng chiến-thuật-mềm, xem chừng không ổn thỏa và có trời mới hiểu được lý do thầm kín. 86% là con số biết nói về Điều 4.

Thật khốn khổ cho mấy cái bánh vẽ đã dính bụi và không còn gọi mời được ai, nhưng vẫn còn có những cái loa, “700 tin vịt” là con số hưởng ứng góp ý đã lên tới 44 triệu dân… gian. Chuyện tấu hài nhưng chắc là không chọc cười được ai nổi, hoặc cười ra nước mắt thì có, vì màn diễu hề này đã bị sân khấu thông tin mạng vốn lộ thiên nên phấn son, dáng điệu của những trình diễn viên cũng không còn che giấu được nữa.

Cuối cùng có lẽ họ chỉ còn “giỏi” một nỗi là đã đầu độc xong một số người, chí ít cũng hơn 3 triệu đảng viên vì còn ham ngậm cà-rốt, hoặc mơ màng “chủ nghĩa sổ hưu” của đại tá Trần Đăng Thanh nên đành phải bị tẩm một liều lượng thuốc mê thuốc ngủ chưa mở mắt ra được (cho đất nước nhờ).

Thật ra bọn họ cũng thừa biết mình đang lấy vải thưa che mắt thánh, nhưng vẫn cố bám vào bản chất tráo trở, láu cá, ma mãnh của mình để còn có thể tặng thiên hạ những quả lừa có hạng. Nội chuyện họ muốn Việt Nam mình được trở thành ứng viên của Hội Đồng Nhân Quyền L.H.Q cho nhiệm kỳ 2014-2016, cũng đủ thấy rằng họ quá tự bằng lòng với “thành quả” nhân quyền nhỏ giọt của đất nước, mà không thèm quan tâm đến uy tín của những người lãnh đạo Việt Nam đang quá bị lung lay. Niềm tin nào họ cần củng cố để được trở về trong vòng tay bao dung của nhân dân hay phải chuốc lấy sự sụp đổ ngàn đời bị nguyền rủa?

Dĩ nhiên họ biết dùng thủ đoạn mỵ dân hoặc xoa dịu giới trí thức khi tình thế trong mọi ngõ ngách đời sống xã hội bị tuột dốc thê thảm, bằng cách hứa hẹn lột xác “HP. 92”. Lột xác hay không thì cũng phải luật hóa, thực tế hóa các quyền căn bản con người đã được hiến định trước đã, để may ra ngăn ngừa được “bầy sâu” tham nhũng và tham quyền cố vị chăng.

Nghĩ cho cùng, nhiều phần họ chỉ muốn “lòe” thế giới. Nhất là với thái độ dứt khoát của Hoa Kỳ đã hủy bỏ cuộc đối thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt vào cuối năm ngoái, dưới áp lực của những phiên điều trần hạ viện Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam do những nhà đấu tranh dân chủ hải ngoại họp báo. Hoa Kỳ cũng còn là nơi Việt Nam được xuất khẩu về vấn đề thương mại nhiều nhất, và còn là tiếng nói xem xét mạnh mẽ nhất để khuyến cáo L.H.Q. về vai trò thành viên như đã nói. Cũng như để gia nhập vào W.T.O, nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải biết nới lỏng sự đàn áp nhân quyền và hứa hẹn cải cách phát triển kinh tế thương mại.

Sau buổi điều trần hạ viện ở Washington vào ngày 11/4, thì cũng chính ngày hôm sau, Hà Nội sẽ có cuộc tiếp xúc Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt. Đặc biệt nghe đâu lần này còn chú ý đến thư ngỏ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về sửa đổi HP. 92 của đảng CSVN (đã có gần 28 ngàn chữ ký), nhất là khi Hoa Kỳ đang muốn yêu cầu đưa VN trở lại danh sách CPC, vì vấn đề đàn áp tôn giáo thô bạo.

Cách gì Hà Nội cũng thấy rõ chính quyền Obama không cần Miến Điện trải thảm đỏ vẫn giữ lời hứa lúc nhận chức để đến thăm viếng, diễn thuyết với những sinh viên thế hệ tương lai ở đại học Rangoon vào cuối năm ngoái, trong khi thiên-tài-chính-trị Obama vẫn không thấy có gì nên trao đổi với những lãnh đạo bảo thủ, ù ù ạc ạc, cực đoan và xảo quyệt luồn lách như rắn của chúng ta. (À, không rõ những khuôn mặt sáng giá S.V luật Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Trang Nhung, Bùi Văn Viễn, sinh viên tù nhân lương tâm Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… có biết cũng chính trong khuôn viên đại học này là nơi mọc lên phong trào đấu tranh và tướng Aung San, bố của bà Aung San Suu Kyi đã thành lập tờ báo trước khi làm thủ lãnh P.T giải phóng đất nước.) Điều này thì tôi xin mượn câu nói tự phụ đến vô duyên của T.B.T Nguyễn Phú Trọng để trả lại cho chính ông tự xét: “Mình phải như thế nào thì người ta mới vậy chứ”. (Phát ngôn khi được diện kiến cựu Giáo Hoàng Benedict XVI mới đây). Nghĩ mà xem, ngay cả đường đường một đấng Giáo Hoàng mà còn thấy mình cần phải “rút lui”, vậy sao chưa thấy mấy ngài Bốn Lừa (Dũng Hùng Trọng Sang) làm một cú hích từ chức để bàn trả cho những hiền tài tuổi trẻ? Ôi những cái ghế quyền lực sao quá lắm ma lực, khiến người ta chỉ muốn ôm hoài suốt kiếp và u mê thoái hóa (mà không thoái vị).

Kỳ thực, một khi những “rường cột nước nhà” biết đứng lên, chúng ta sẽ rất hãnh diện để được đồng hành cùng họ. Chúng ta không dại gì kêu gọi thứ lương tri của loài sói, nhưng liệu có bậc cao minh nào đủ bản lãnh và dũng cảm, để dẫn dắt những con cừu đông đảo hợp quần biết sức mạnh “đoàn kết thì sống” của chúng?

Những gì tôi vừa trao gởi ở đây, phải chăng chung qui cũng chỉ vì chúng ta vẫn chưa phấn đấu đủ để thoát ra khỏi nỗi sợ, và những mắt xích quá khứ?

Người nắm và o bế quyền lực thì sợ những nắm đấm của mình không nắm giữ được quyền lực. Và người không có quyền lực thì lại sợ phải ăn nắm đấm đó quá đau, nên càng trở nên yếu thế không dám đáp trả lại cho chính ước mơ của mình. Một xã hội nhìn quanh quẩn nơi đâu cũng chỉ thấy những rình rập răn đe và bất ổn, những chực chờ của tù đày văng mạng, những đòn thù nhỏ nhoi bỉ ổi… thì không trách chúng ta phải “biết sợ” và đâm hèn.

Có điều có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ họa mất nước, và liệu có phải biết mình hèn thì sẽ không còn hèn nữa hay là một dấu hiệu để bớt hèn?

Theo tâm lý chung, một khi chúng ta tìm cách thoát ra được nỗi sợ hãi, thì hễ nhìn lại nó chúng ta sẽ thấy chẳng có gì ghê gớm đáng sợ như thế cả, nhất là biết mình cũng sẽ gặt hái được một điều gì từ nỗi can đảm thoát ly ấy.

Đó cũng chính là “tự do trước nỗi sợ” mà tổng thống Roosevelt đã xác định. Vươn lên trong nỗi sợ không những là những hy sinh thiết thực, mà là sự phấn đấu đòi hỏi để có được một tương lai tốt đẹp cho con cháu thế hệ mai sau. Và nhất là chúng ta cũng đỡ tủi hổ với truyền thống cách mạnh dũng cảm của tiền nhân.

Bước qua nỗi sợ hãi để dành lại tiếng nói tự do ngôn luận là quyền tối thượng cơ bản của người dân, để chính quyền có thể tìm cách lắng nghe những ý nguyện trung thực, cũng như những phản biện trí thức, hầu phát huy sự thịnh vượng của đất nước.

Ngoài ra sự sợ hãi còn làm chúng ta dễ bị yếu hèn mua chuộc, thỏa hiệp và đó chính là “thế lực thù địch” cản trở những cái đầu thông minh nhất của xã hội không cho phép họ “hành đạo”, dẫn dắt. Trò “bịt mắt bắt dê” đã làm đất nước càng ngày càng lụn bại, và khó lòng cất đầu lên nổi.

Ở đây chúng ta còn đụng phải vấn đề “tế nhị” khác là nỗi trăn trở “hòa hợp” của những người con xa xứ mang luồng khí mát dân chủ tự do.

Mọi sự rồi cũng sẽ như nước chảy qua cầu, nếu tất cả chúng ta đều biết băng bó những thương tích thay vì cứ bị làm loang lỡ thêm. Tôi đang nói gì vậy, giữa 400 ngàn “chất xám” mang dòng máu Việt đang rải rác khắp nơi trên địa cầu, sao sự trở về để gầy dựng lại những đổ vỡ chừng như vẫn chưa thể xảy ra và không thể xảy ra trọn vẹn?

Dĩ nhiên không chỉ lập đàn giải oan cho dân tộc như lòng hướng thiện của một bậc tu hành (dù chưa thành chánh quả) là chúng ta có thể yên lòng cảm thông nhau nhiều hơn, nhất là khi giữa lòng người vẫn còn ly tán thì liệu có một hệ thống… tâm linh nào cứu vãn được hay chỉ có một hệ thống chính trị mới có thể chủ trương một sự “hòa hợp” đúng nghĩa và phải là thực sự bằng những thể hiện cụ thể (?) Do đó, vai trò chủ động hòa giải, hóa giải, hòa hợp vẫn nằm ở những quý vị trong nước. Đặc biệt với những công cuộc đấu tranh cho Tự Do, chúng ta ở ngoài nước cũng chỉ đóng được vai cổ động, hỗ trợ và hợp tác cho những người anh em và là cật ruột đồng bào mình.

Tháng 4, và bao giờ tháng 4 cũng làm chúng ta rơi vào thời điểm của những gợi nhớ mất mát chia cách buồn thảm, nhất là khi đất nước đã rơi vào bàn tay bạo chúa nhiều lòng tự phụ mà lại bất tài vô tướng. Tháng 4 có còn chăng niềm hy vọng một chút ánh sáng cuối đường hầm? Tháng 4 năm nay rơi vào cuộc gặp gỡ Mỹ-Việt vẫn đối đầu với những vấn đề tệ hại nhân quyền, sao tôi bỗng nghĩ đến những vị tướng, những anh linh ngàn đời bất tử trong tháng tư đen 75.

Và cũng để kết luận hoặc đi tìm một đoạn kết, cho tôi nhắc lại lời của vị tổng thống bất tử Lincoln đã nói một tuần trước khi từ giã cuộc đời: “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của bậc anh hùng phải được dựng lại ở chính nơi những con người vĩ đại đã ngã xuống.”

Vâng, trước-sau-gì! Điều mà chúng ta vẫn đồng lòng tin và kỳ vọng lúc này chính là những chữ ký xác tín dũng cảm, thôi thúc đến nao lòng, và không ngừng nghỉ dấn thân của “Tuyên Bố Các Công Dân Tự Do”. Con số có thể dừng lại ở 8600 hay hơn thế nữa hoặc ngay cả đạt kỷ lục 150 ngàn như phong trào Thỉnh Nguyện Thư, thì điều quan trọng vẫn là tinh thần, ý nghĩa cao cả không lùi bước, và khẳng định “Chúng ta là Tự Do”. Lời Tuyên Bố này sẽ tiếp tục đi tới phiá trước mãi mãi, bất tận. Tất cả đã không thể đảo ngược theo luật tuần hoàn tiến hóa.

Ngày mai mọi sự mới bắt đầu!






No comments:

Post a Comment

View My Stats